Du lịch qua “những miền ẩm thực”
08/12/2020 | 09:56Nói đến văn hóa ẩm thực là nói đến nghệ thuật lựa chọn, chế biến, sắp đặt và thưởng thức các món ăn mang đậm sắc thái vùng miền, dân tộc. Bởi vậy mà trong du lịch, ẩm thực đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và góp phần định vị thương hiệu du lịch.
Thanh Hóa vốn được biết đến là vùng đất của nhiều sự giao thoa và điều này cũng đúng khi nói về ẩm thực. Ẩm thực tùy theo vùng miền, dân tộc với tập quán cư trú, canh tác, sinh hoạt khác nhau mà có cách chế biến riêng, sử dụng nhiều loại gia vị riêng, tạo ra nhiều món ăn có hương vị riêng và đặc sắc. Cho nên, cùng với người Kinh, các dân tộc Thái, Mông, Mường, Thổ, Dao, Khơ Mú cũng có những cách chế biến và gia vị riêng, làm nên nét riêng biệt cho ẩm thực mỗi dân tộc. Mặc dù vậy, trong sự khác biệt ta vẫn tìm thấy nhiều điểm chung ở sự dân dã, bình dị mà không kém phần tinh tế, thể hiện trong cách pha chế, nêm nếm, cách nấu và cả cách con người thưởng thức các món ăn.
Nói đến loại hình du lịch trải nghiệm thiên nhiên, gắn với thưởng thức ẩm thực xứ Thanh, hẳn du khách nên một lần về với Cửa Đạt. Cửa Đạt hấp dẫn du khách trước hết ở sự hoang sơ và yên bình của cảnh sắc ven bờ lòng hồ. Du khách về Cửa Đạt không đơn thuần chỉ ngắm cảnh lòng hồ, mà còn có cơ hội khám phá nét đặc trưng riêng biệt của kiểu rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp, với các quần thể cổ thụ đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Vẻ đẹp của hồ Cửa Đạt được ví như vật trang sức lấp lánh, nhấn nhá hài hòa trên nền tấm thảm xanh khổng lồ Xuân Liên. Lướt thuyền trên lòng hồ cũng là lướt trên vựa cá lớn đã nuôi sống không ít cư dân trong vùng, du khách sẽ đưa đến điểm dừng chân, ăn nghỉ trước khi tiếp tục hành trình khám phá Xuân Liên. Ngay ven hồ cạnh điểm dừng chân có nhà nổi là nơi phục vụ du khách nhiều món ăn tuy được chế biến đơn giản, nhưng giữ được hương vị riêng của dân tộc Thái. Giữa cảnh sắc non nước hữu tình, du khách có thể say chén rượu ấm, thưởng thức miếng cá tươi ngon thấm gia vị; gói gà bọc thơm mùi mắc khẻn và món rau xanh sẵn có từ núi rừng.
Xuôi xuống vùng đồng bằng, về với gạo, ngô, lạc, sắn, khoai của người Việt. Từ những nông sản rất đỗi quen thuộc ấy, người Kinh đã sáng tạo ra nhiều món bánh trái, phổ biến là bánh tráng (bánh đa), bánh đúc, bánh mướt, cánh cuốn, bánh lá, bánh nếp, bánh gai, kẹo lạc, chè lam... mà mỗi loại có màu sắc, hương vị rất riêng và ngon miệng. Cũng từ hạt gạo, hạt ngô người ta đã chưng cất thành nhiều loại đồ uống, mà nổi tiếng hơn cả phải kể đến rượu Chi Nê (Hậu Lộc), hay rượu Bạch Câu (Nga Sơn). Nhờ bởi kỹ thuật nấu, nguồn nước và loại men có nhiều khác biệt mà cho ra loại rượu ngon. Đặc biệt, ẩm thực người Việt xứ Thanh có nhiều món đặc sản nổi tiếng cho đến tận ngày nay, trong đó, không thể không kể đến gỏi nhệch, nem chua, dừa Hoằng Hóa, mía Đường Chèo, nước mắm và các sản phẩm làm từ tôm, cá... Đặc biệt, nhiều loại bánh trái, đồ ăn, đồ uống của người Việt đã trở thành những thức quà gắn liền với du lịch.
Trong đó, nước mắm xứ Thanh hiện có nhiều thương hiệu quen thuộc, như nước mắm Ba Làng (Tĩnh Gia), nước mắm Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Sự tồn tại của các làng nghề nước mắm truyền thống người Việt vùng bãi ngang ven biển này, một mặt cho thấy tay nghề xuất sắc của những người làm mắm; mặt khác, nó như một minh chứng cho vị trí và sự tồn tại rất đặc biệt và vô cùng thân thuộc của nước mắm trên mâm cơm người Việt. Thứ nước màu nâu sánh, có vị thơm nồng, ngọt - mặn. Nước mắm được đặt giữa mâm cơm không chỉ giúp nâng tầm món ăn, mà còn “giấu” trong nó nhiều điều thú vị về tập quán ăn uống, cách thức và các bí quyết chế biến, tính cộng đồng gắn bó trong gia đình và cộng đồng người Việt.
Đi qua vùng đồng bằng, du khách không thể không về với Sầm Sơn. Sầm Sơn sớm được biết đến là đô thị du lịch nổi tiếng, gắn với những bãi biển đẹp và nhiều di tích danh thắng phảng phất màu huyền thoại. Sầm Sơn còn hấp dẫn du khách với nét ẩm thực rất đặc trưng và đậm đà xứ biển. Đó là gỏi cá, gỏi tôm được chế biến từ cá tươi, tôm tươi của biển Sầm Sơn. Người dân Sầm Sơn từ xưa đã có cách chế biến gỏi cá, tôm sống ăn cùng các loại rau có hương vị chua, chát như sung, chuối xanh, khế chua và các loại rau lá như vọng cách, đinh lăng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch, món ăn tưởng chừng dân dã này đã được nâng tầm cả trong cách chế biến và thưởng thức để có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn. Món gỏi với vị ngọt - mặn của tôm tươi, cá tươi, quyện với vị cay, béo của chẻo và mùi thơm của các loại rau ăn kèm, đủ đánh thức vị giác của những thực khách khó tính. Ngoài thưởng thức trực tiếp món gỏi, du khách khi đến Sầm Sơn có thể lựa chọn nhiều sản phẩm rất đặc trưng và nổi tiếng của biển Sầm Sơn như cua biển, mực khô để làm quà cho người thân, gia đình và bạn bè sau chuyến du lịch.
Trong du lịch, ẩm thực không đơn thuần chỉ là một loại hình dịch vụ ăn uống, nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách. Bản thân ẩm thực có thể trở thành một sản phẩm du lịch bổ trợ rất độc đáo và hấp dẫn. Như ông bà ta vẫn nói “miếng ngon nhớ lâu” và hơn thế nữa, thông qua nét ẩm thực độc đáo của mỗi vùng miền, dân tộc, du khách còn được trải nghiệm và khám phá thêm nhiều nét văn hóa bản địa riêng có. Thực tế, đã có nhiều tỉnh/thành đang rất chú trọng đến loại hình du lịch ẩm thực, mà điển hình phải kể đến TP Hồ Chí Minh. Một điểm nhấn du lịch TP Hồ Chí Minh là việc tổ chức được nhiều lễ hội và liên hoan ẩm thực, điển hình Liên hoan món ngon các nước, Liên hoan ẩm thực đường phố, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam bộ... Những sự kiện văn hóa này đã góp phần lan tỏa sâu rộng văn hóa ẩm thực của thành phố mang tên Bác và để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Xuất phát từ ý nghĩa, giá trị của ẩm thực mà trong phát triển du lịch, ngành chức năng và chính quyền các địa phương không thể không quan tâm đến việc xây dựng sản phẩm du lịch này một cách bài bản, sáng tạo. Từ đó, không chỉ thôi thúc du khách rút hầu bao chi tiêu; mà còn mang đến cho họ thêm nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực nói riêng, văn hóa xứ Thanh nói chung.