Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Ninh Bình tạo hấp dẫn trong cạnh tranh

01/08/2022 | 10:37

Nằm ở phía nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh Ninh Bình đang khai thác lợi thế "tụ sơn, hội thủy" và nhiều tài nguyên khác để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Từ đó, tạo sức hấp dẫn cho các điểm đến, phù hợp xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch trong nước, quốc tế.

Du lịch Ninh Bình tạo hấp dẫn trong cạnh tranh - Ảnh 1.

Du khách tham quan Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Những ngày này, người làm du lịch ở Ninh Bình hối hả đón khách, phục hồi, phát triển hoạt động trở lại. Trong nắng hè chói chang, nhiều đoàn khách du lịch trong nước, quốc tế thực hiện các chuyến tham quan tại vùng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, vùng Cố đô Hoa Lư; điểm du lịch tâm linh núi chùa Bái Ðính, cùng nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh.

Lượng khách du lịch tăng mạnh

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Ninh Bình đón gần 1,8 triệu lượt khách tham quan, đạt gần 205% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 18.000 lượt khách quốc tế, đạt gần 145% so cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, đạt gần 190% so cùng kỳ năm trước.

Ðể đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch, các doanh nghiệp đã cho ra mắt nhiều sản phẩm mới như: trải nghiệm không gian phố cổ Hoa Lư (tái hiện nét văn hóa, lịch sử đặc trưng ở vùng đất cổ Ninh Bình); tour du lịch tham quan danh thắng kết hợp giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống trong cả nước. Ðến đây, du khách được tham quan các sản phẩm làng thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng mộc; sản phẩm gốm Bồ Bát, tranh Bồ Ðề, sản phẩm làng nghề đúc đồng, sơn mài ở Ý Yên (Nam Ðịnh), Tranh Ðông Hồ (Bắc Ninh)... Trong không gian văn hóa xưa và nay, du khách có thể thưởng thức đặc sản bánh mật, bánh nếp, bánh gai, bánh dày, bánh khoái... của mọi miền đất nước. Hoặc có thể cùng bạn bè "check-in" bên Thủy đình, Nghênh phong các trên đỉnh núi Kỳ Lân còn nguyên dấu tích biển xâm thực. Một sản phẩm du lịch khác theo xu hướng trẻ có tên ''Chill cùng nắng'' đã thu hút khá đông giới trẻ. Ðó là hình thức cắm trại, ngủ lều, trải nghiệm làm nông dân gieo hạt, trồng cây, chăm sóc súc vật; đốt lửa trại, tham gia các dịch vụ chèo thuyền, tham quan.

Tháng 7, nếu muốn có những bức ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, du khách có thể đến với Vườn quốc gia Cúc Phương ở huyện Nho Quan. Giữa rừng già nguyên sinh, bướm bay rập rờn như lưu luyến ''Tuần lễ du lịch Cúc Phương đại ngàn và Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc'' ở huyện miền núi Nho Quan vừa tổ chức mới đây. Nho Quan có gần 30 nghìn người là đồng bào dân tộc Mường, hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như hát giao duyên tiếng Mường, múa cồng chiêng. Các yếu tố văn hóa bản địa và xu hướng sử dụng ẩm thực dân dã cũng góp phần đáp ứng xu hướng du lịch trải nghiệm của du khách thập phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết: ''Với quyết tâm phục hồi, phát triển du lịch trở lại, Ninh Bình tập trung chỉ đạo, hướng dẫn ngành chức năng, đơn vị kinh doanh du lịch mở cửa đón khách bảo đảm an toàn, thích ứng với đại dịch. Mục tiêu Ninh Bình đặt ra là trở thành trung tâm du lịch của cả nước, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, điểm yếu của du lịch Ninh Bình là chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, thiếu các khu thương mại, khách sạn, nơi nghỉ dưỡng cao cấp, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp''.

Thay đổi để thích ứng xu hướng

Những dãy núi đá vôi nguyên sơ chứa đựng giá trị địa mạo, địa chất, bao quanh nhiều thung lũng, hồ đầm, sông nước mênh mông đã làm nên quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản "kép". Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, lợi thế của du lịch Ninh Bình là có nhiều tài nguyên du lịch gắn với lịch sử, văn hóa như: Di sản Tràng An, Cố đô Hoa Lư; khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Ðính; Tam Cốc-Bích Ðộng được coi là "Hạ Long trên cạn"; vườn chim Thung Nham; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; khu dự trữ sinh quyển ven biển Kim Sơn, Vườn quốc gia Cúc Phương. Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm du lịch lễ hội, làng nghề truyền thống, du lịch nông nghiệp, gắn với ẩm thực cũng khá đa dạng. Những lợi thế đó cùng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đang tạo ra động lực mới thúc đẩy du lịch Ninh Bình phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

Theo Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), Ninh Bình hiện đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình chưa tạo được sự bứt phá bởi còn nhiều hạn chế như: Số lượng khách sạn 4 sao, 5 sao, số phòng khách sạn, số hãng lữ hành, nhân lực quản lý trong các cơ sở lưu trú, ăn uống thấp. Sự trùng lặp sản phẩm ở một số khu, điểm du lịch, sự thiếu vắng các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, các hoạt động kinh tế đêm cũng khó có thể lôi kéo khách du lịch lưu trú dài ngày.

Ðể du lịch Ninh Bình phát triển bền vững, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng: Ðịa phương cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch theo chủ đề để kết nối các điểm đến, tạo ra các trải nghiệm đặc biệt cho du khách như: Tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử-tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, các tour thưởng thức ẩm thực, tham quan các làng nghề thủ công truyền thống... Trưởng nhóm chuyên gia thuộc Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ, ông Douglas Hainsworth, cũng khuyến nghị: "Phát triển du lịch phải chú trọng hai yếu tố chính là số lượng khách và chi tiêu để xây dựng được sản phẩm du lịch phù hợp. Ninh Bình có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có di sản, di tích lịch sử, văn hóa và nhiều chùa chiền. Nếu ngành du lịch và doanh nghiệp ở Ninh Bình biết kết hợp thiên nhiên với tài nguyên sẽ tạo ra sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút giới trẻ, là những đối tượng sẵn sàng chi tiêu ở mức cao".

Ðại diện ngành du lịch Ninh Bình cho biết, đang nỗ lực để duy trì vị thế là một trong 15 điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam, bứt phá tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến, bằng việc xâu chuỗi, sắp xếp phù hợp để tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, hấp dẫn và mang dấu ấn riêng, đồng thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như: Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong giai đoạn mới bằng chuyển đổi số; phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu; phát triển ứng dụng và các tiện ích thông minh phục vụ khách du lịch... Các cấp chính quyền của tỉnh Ninh Bình đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia và sẽ hiện thực hóa trong chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Ninh Bình thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Cùng với đó, tỉnh cần thực hiện những giải pháp tích cực như: Tăng cường đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Ninh Bình ở trong nước, quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ý thức cộng đồng trong phát triển du lịch. Ðó chính là cơ hội để du lịch Ninh Bình tạo hấp dẫn trong cạnh tranh, "cất cánh" cùng du lịch Việt Nam.

Theo Nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×