Du lịch Lào phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
16/05/2024 | 09:38Trong 3 tháng đầu năm 2024, Lào đã đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số rất ấn tượng so với mục tiêu mà nước này đặt ra cho cả năm 2024 là đón hơn 2,7 triệu lượt khách nước ngoài.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, ngành du lịch Lào ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19. Năm 2023, Lào đã đón hơn 3,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 164% so với năm 2022.
Chính phủ Lào đã xác định năm 2024 là Năm du lịch quốc gia với khẩu hiệu “Du lịch an toàn, tận hưởng văn hóa, lịch sử và thiên nhiên”. Vì vậy, Chính phủ Lào có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động với những sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của đất nước Triệu Voi với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ để tiếp cận những thị trường mục tiêu, kết nối với khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng khuyến khích các hoạt động văn hóa, phong tục tập quán ở trung ương và các địa phương, nhằm thúc đẩy du lịch trong nước và thu hút khách du lịch quốc tế nhằm tạo thêm việc làm cho xã hội và tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Thời gian vừa qua, nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới đã đánh giá Lào là một trong những điểm đến hấp dẫn hay là địa điểm “du lịch chậm”. Họ cho rằng, điểm nổi bật của Lào là hấp dẫn về các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm ngoài trời, nét đẹp phong cảnh vẫn giữ được vẻ nguyên sơ và phần lớn chưa bị ảnh hưởng bởi sự thương mại hóa.
Việc thu hút hơn 1 triệu lượt du khách quốc tế chỉ trong 3 tháng đầu năm cho thấy sức hấp dẫn, chuyển biến tích cực của ngành du lịch Lào và có thể hoàn thành hoặc thậm chí vượt mức chỉ tiêu đề ra trong Năm Du lịch Lào 2024. Theo đó, lượng khách đến Lào nhiều nhất là từ các nước ASEAN với hơn 600.000 lượt, chiếm hơn 56% tổng lượt khách quốc tế đến với nước này, tiếp đến là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ.
Trong khu vực ASEAN, Thái Lan tiếp tục là nước có du khách đến thăm Lào nhiều nhất với gần 340.000 lượt, tiếp theo là Việt Nam hơn 260.000 lượt. Đây được coi là hai thị trường truyền thống có lượng du khách đến Lào nhiều nhất trong những năm qua.
Trước tiên, khu vực ASEAN có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường trao đổi khách, khi công dân các nước mang hộ chiếu phổ thông được miễn thị thực trong vòng 30 ngày. Tiếp đó, kết nối giao thông thuận tiện, phương tiện vận chuyển đa dạng với hình thức vận chuyển đường hàng không, đường bộ. Ví dụ: Việt Nam và Thái Lan là hai nước có đường biên giới tiếp giáp với Lào trải dài từ Bắc tới Nam, có nhiều cặp cửa khẩu quốc tế nên ngoài xe khách vận chuyển thì du lịch xe tự lái được phép lưu hành Lào.
Bên cạnh đó, văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực của một số nước ASEAN có những điểm tương đồng, như người Lào có thể nghe hiểu được người Thái Lan nói chuyện hay nhiều người Lào biết tiếng Việt.
Ngoài ra, ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nước thành viên ASEAN coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế. Hiện nay ASEAN đang triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 và Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy, để đạt được những mục tiêu đề ra cho năm du lịch 2024, Lào đã và đang nhận diện rõ nhu cầu thị trường; xây dựng chiến lược cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó tập trung thúc đẩy du lịch với các nước trong khu vực như Việt Nam.
Trong một phát biểu mới đây, bà Souansavanh Viyaket - Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết: "Thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa đối với quan hệ hợp tác trong phát triển ngành du lịch, thông qua các hoạt động trao đổi các đoàn đại biểu các cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển du lịch và cùng nhau xây dựng các chương trình, chiến lược phát triển chung; tổ chức hội thảo, trao đổi bài học, kinh nghiệm phát triển du lịch công tư; cùng phối hợp, quảng bá hình ảnh những địa danh, điểm đến thu hút du khách mang đậm sắc thái văn hóa Lào và Việt Nam".
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định: "Du lịch nội khối rất cần thiết và đây cũng là điều kiện thuận lợi bởi các nước ASEAN có những điểm tương đồng về văn hóa và cũng có những cảnh quan rất đẹp. Đặc biệt là con người của các nước ASEAN rất thân thiện, mến khách. Những lợi thế này để cho du khách trong khối và ngoài khối đến với ASEAN".
Lào đã xác định phát triển du lịch bền vững và mở rộng hơn nữa đối tượng du khách quốc tế ra các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ… Vì vậy ngay từ đầu năm, nước này đã triển khai những sản phẩm du lịch mang tính chất về khám phá văn hóa, lịch sử và thiên nhiên; khuyến khích các hoạt động văn hóa, phong tục tập quán tại các địa phương...
Tuy nhiên, để có những sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt hơn nữa và trở thành lựa chọn của du khách quốc tế thì ngành du lịch Lào cần cải thiện chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch; cải tạo tuyến đường giao thông; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như địa điểm vui chơi giải trí thì mới phần nào đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của du khách. Qua đó hoạt động du lịch mới giúp cho các doanh nghiệp, công ty lữ hành của Lào có nhiều cơ hội phát triển mới, tăng trưởng về doanh thu, đem lại thêm nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp thiết thực cho nền kinh tế, phát triển đất nước trước bối cảnh nền kinh tế của Lào đang gặp nhiều khó khăn.
Tiếp nối những thành công của ngành du lịch trong năm 2023, Chính phủ Lào kỳ vọng năm 2024 sẽ đón ít nhất 4,6 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến Lào, tạo nguồn thu khoảng 1,3 tỷ USD. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt nếu Lào tiếp tục triển khai các hướng đi đúng như hiện nay và cải thiện hơn nữa các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt.