Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Cao Bằng mở hướng đi mới

08/02/2022 | 15:44

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các ngành nghề cũng như mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có ngành du lịch. Tại tỉnh ta, du lịch trong năm 2021 gần như đóng băng, lượng khách sụt giảm nhanh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) triển khai các kế hoạch, chương trình đưa du lịch phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Du lịch Cao Bằng mở hướng đi mới - Ảnh 1.

Công ty cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Bản Giốc tổ chức đội văn nghệ dân gian học hát Then đàn tính làm sản phẩm du lịch mới.

Năm 2021, lượng khách du lịch đến Cao Bằng chỉ đạt 409.571 lượt, doanh thu ước đạt 70,417 tỷ đồng, giảm 9,9% so với năm 2020. Các khu, điểm du lịch như: thác Bản Giốc (Trùng Khánh), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), du lịch cộng đồng homestay… vắng khách nên cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Xác định du lịch sụt giảm nhanh do dịch Covid-19 chỉ một giai đoạn nhất thời, Sở VH,TT&DL tận dụng thời gian này triển khai các kế hoạch, chương trình đưa du lịch phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở VH,TT&DL đồng thời triển khai 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch “5K + vắc xin + những biện pháp khác”; thực hiện các quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; các công văn của Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh về phòng chống dịch trong tình hình mới. Thứ hai, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững. Tham mưu Tỉnh ủy thành lập tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về du lịch - dịch vụ bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng dự thảo về lĩnh vực du lịch tại các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá của tỉnh; xây dựng Đề án Phát triển du lịch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; triển khai Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn trong lĩnh vực văn hóa và du lịch; phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 09-CTr/TU ngày 11/11/2021 về xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược…

Để cụ thể hóa nhiệm vụ trên, Sở VH,TT&DL chỉ đạo, định hướng các huyện, Thành phố, đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể tham hoạt động du lịch thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch bền vững: Bảo vệ môi trường; bảo tồn văn hóa truyền thống và công bằng về kinh tế. Xúc tiến tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đối tượng là người quản lý, nhân viên phục vụ tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch; tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân xóm Hoài Khao (Nguyên Bình), Khuổi Khon (Bảo Lạc), Bản Giuồng (Quảng Hòa)…

Tại nhiều khu, điểm du lịch, 3 nhiệm vụ trên được triển khai đồng bộ. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo và nhiều điểm du lịch khác bố trí thu gom, phân loại rác thải; tôn tạo, trồng nhiều cây xanh, hoa trên đường đi, khuôn viên, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, làm điểm check in đẹp và thân thiện với môi trường. Chính quyền các cấp, doanh nghiệp, người dân tích cực bảo tồn văn hóa dân tộc Tày, Nùng, Lô Lô… tại nhiều khu du lịch cộng đồng homestay các huyện miền Đông, miền Tây. Điển hình như điểm homestay Khuổi Khon dân tộc Lô Lô, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) xây dựng, bảo tồn kiến trúc nhà sàn, ẩm thực, sản phẩm thêu khăn, túi, trang phục; giữ gìn trò chơi dân gian, dân ca dân vũ, dạy tiếng Lô Lô cho thế hệ trẻ…

Chị Hoàng Lan, chủ Lan’s Homestay, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cho biết: Năm 2021 do lượng khách giảm nhiều, tôi dành thời gian mời các nghệ nhân trong bản đến sinh hoạt dân ca, dân vũ dân tộc Nùng; vận động bà con nuôi ngựa và tham gia tour dẫn khách cưỡi ngựa trải nghiệm cảnh đẹp sông Quây Sơn; xếp đá thô tạo thành sân vườn bao quanh nhà sàn theo không gian kiến trúc dân tộc Nùng… Xuân mới năm 2022, tôi hoàn thiện sản phẩm du lịch mới và đổi tên mới - Lan “Nùng” Homestay.

Nhiều huyện, đơn vị, doanh nghiệp bước đầu triển khai gắn phát triển du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP, du lịch văn hóa làng nghề, lịch sử và cảnh đẹp như: điểm du lịch Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - Khuổi Hoa (Nguyên Bình); Homestay Hoài Khao (Nguyên Bình), Công ty TNHH Kolia, xã Thành Công (Nguyên Bình); Lễ hội Nàng Hai - điểm du lịch cộng đồng Bản Giuồng, xã Tiền Thành (Quảng Hòa); bảo tồn văn hóa, tri thức bản địa, du lịch mạo hiểm, du lịch mặt nước, nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, du lịch sinh thái thiên nhiên, du lịch mạo hiểm và các môn thể thao dưới nước và trên núi theo tuyến huyện miền Tây từ Hà Giang - Bảo Lâm - Bảo Lạc - Nguyên Bình…

Các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá thể và người dân làm dịch vụ du lịch liên kết với nhau bằng chia sẻ sản phẩm du lịch cùng với lợi ích kinh tế. Chị Thi Minh Hậu, chủ khách sạn Bản Giốc - Quây Sơn, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cho biết: Khách du lịch đến nghỉ tour tại khách sạn Bản Giốc - Quây Sơn, tùy theo thời gian lưu lại, tôi sẽ tư vấn cho du khách tiếp tục đi trải nghiệm tại Homestay Khuổi Ky, Lan “Nùng” Homestay, vườn hạt dẻ 2 xã Chí Viễn, Đình Minh… hoặc đi sang tuyến các huyện miền Tây như Khu nghỉ dưỡng sinh thái Kolia, xã Thành Công (Nguyên Bình) rồi đi sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn) theo Quốc lộ 3 về Hà Nội…

Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hướng dẫn nhiều đối tác, các khu du lịch trọng điểm, đơn vị, doanh nghiệp, du lịch cộng đồng homestay chỉnh trang, làm mới lại các điểm du lịch, dịch vụ; phát triển thêm những sản phẩm mới về du lịch làm phong phú các điểm đến với nhiều hình thức trải nghiệm. Nhiều loại hình homestay đẩy mạnh hoạt động gìn giữ, quảng bá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến, khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch, homestay đổi mới, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan.

Tận dụng giai đoạn chững lại của du lịch thời gian ảnh hưởng dịch để triển khai chương trình làm mới, phát triển du lịch theo hướng bền vững là quyết sách phù hợp. Bước sang Xuân mới 2022, khi tình hình dịch Covid-19 được cải thiện, Cao Bằng có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đặc sắc, riêng biệt, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×