Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Cao Bằng bứt phá theo hướng bền vững - Phục hồi mạnh mẽ từ quyết sách đúng đắn

01/08/2023 | 08:34

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với tinh thần quyết tâm cao, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành đồng hành với doanh nghiệp và người dân, chủ động vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, triển khai quyết sách phát triển du lịch theo hướng bền vững, tiến tới xây dựng thương hiệu xứng tầm.

Ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đại dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến tháng 3/2022, ngành du lịch cả nước gặp nhiều khó khăn, trong đó có Cao Bằng. Với tinh thần chủ động vượt khó, các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh coi dịch Covid-19 là quãng thời gian nghỉ để đánh giá những tồn tại, hạn chế và chủ động làm mới sản phẩm du lịch, điều chỉnh, bổ sung chính sách, tạo sức bật mới cho du lịch phát triển.

Biến khó khăn thành cơ hội đổi mới

Năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù là vùng xanh cuối cùng toàn quốc (ngày 5/11/2021 mới có dịch Covid-19) nhưng vì phòng, chống dịch nên du lịch cũng đóng băng. Các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, văn nghệ, thể thao không tổ chức; các đơn vị lữ hành trong nước, quốc tế tiếp tục tạm ngừng trao đổi khách. Cùng với đó, các thỏa thuận hợp tác quốc tế và nhiệm vụ xây dựng, phát triển Công viên địa chất (CVĐC) UNESCO Non nước Cao Bằng cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch - dịch vụ, cửa khẩu, đô thị, nông thôn… đầu tư chưa đồng bộ để tạo đà cho du lịch phát triển. Đặc biệt, hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn hạn chế phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến mời gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đến Cao Bằng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Tô Thị Trang cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát, du lịch Cao Bằng chững lại, tuy vậy, Sở xác định đây là quãng thời gian nghỉ để các cấp, ngành tận dụng thời gian này rà soát, phân tích những mặt còn hạn chế để điều chỉnh, làm mới du lịch.. Một trong những hạn chế lớn là cơ chế, chính sách chưa thực sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư chiến lược; hạ tầng dịch vụ du lịch yếu cả về số lượng và chất lượng; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng, năng lực; công tác xúc tiến quảng bá du lịch thiếu chiến lược lâu dài và hiệu quả… Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân địa phương về du lịch, nhất là các vùng phát triển du lịch chưa được nâng cao...

Du lịch Cao Bằng bứt phá theo hướng bền vững - Phục hồi mạnh mẽ từ quyết sách đúng đắn  - Ảnh 1.

Chèo thuyền Kazak ngắm cảnh đẹp thơ mộng trên sông Quây Sơn được du khách du lịch yêu thích, nâng cao nhận thức bảo vệ thiên nhiên môi trường.

Từ những hạn chế, khó khăn Sở tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, Hiệp hội du lịch… chủ động triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch chuẩn bị cho bước phát triển mới du lịch. Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tranh thủ thời gian nghỉ dịch Covid-19 đầu tư thêm hạ tầng dịch vụ, làm mới các sản phẩm du lịch; các khu du lịch trọng điểm chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan, cơ sở hạ tầng… Anh Triệu Kim Cương, quản lý khu Homestay Nasan Green Fram, Công ty TNHH Nasan green Fram ở xã Chí Viễn (Trùng Khánh) cho biết: Công ty cải tạo sân vườn, cảnh quan, khu nhà nghỉ, thêm dịch vụ chèo thuyền kayak, tổ chức các sự kiện và bổ sung thêm ẩm thực đặc sắc phục vụ du khách… Sau khi cả nước mở cửa du lịch trở lại, Homestay Nasan Green Fram đón nhiều du khách đến trải nghiệm.

Sở VH,TT&DL tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch nâng cao nguồn nhân lực; xúc tiến các hoạt động cho tái thẩm định CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng…; tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp, đầu tư thêm các hạng mục hạ tầng cơ sở…

Với tinh thần chủ động, sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, Cao Bằng sớm bắt nhịp phục hồi du lịch trở lại với những bước đột phá mới.

Quyết sách tạo đà bứt phá

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định du lịch - dịch vụ bền vững là 1 trong 3 nội dung đột phá chiến lược. Giám đốc Sở VH,TT&DL Sầm Việt An cho biết: Sở tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung đột phá tỉnh thành lập Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (tiểu ban); ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCĐ ngày 29/3/2022 thực hiện nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Đây là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững đạt hiệu quả.

Du lịch Cao Bằng bứt phá theo hướng bền vững - Phục hồi mạnh mẽ từ quyết sách đúng đắn  - Ảnh 2.

Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh) là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn.

Đưa du lịch phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19, tham mưu tiểu ban ban hành kế hoạch về thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững năm 2022 và kế hoạch về thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững năm 2023. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch tỉnh Cao Bằng trong điều kiện bình thường mới. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, Thành phố quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đề ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà chia sẻ: Huyện Bảo Lạc chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch phù hợp với nhiệm vụ, tình hình thực tế địa phương; lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ vào các chương trình, kế hoạch theo lĩnh vực, ngành. Từ năm 2022 đến nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch. Tăng cường trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa DTTS, trò chơi dân gian, diễn xướng các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc; các gian hàng ẩm thực với đặc sản, sản phẩm OCOP trong hoạt động Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, Tuần lễ Văn hóa và chợ tình Phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông… Đẩy mạnh quảng bá du lịch Bảo Lạc gắn với danh thắng, di tích văn hóa lịch sử đồn Mu (Xuân Trường), chùa Vân An, miếu Quan Đế (thị trấn Bảo Lạc), đèo 15 tầng - Khau Cốc Chà, núi Phja Dạ... Sau đại dịch Covid-19 được kiểm soát, đến nay, thu hút trên 22.500 lượt khách đến với Bảo Lạc.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, các cấp, ngành quan tâm quy hoạch, thu hút đầu tư du lịch tạo sức bật mới cho du lịch phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy cho biết: Các huyện, Thành phố tập trung lựa chọn, rà soát các thông tin, dữ liệu về các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các khu du lịch trọng điểm của tỉnh được quan tâm quy hoạch, tôn tạo cảnh quanh xứng tầm. Đầu tư, đưa vào khai thác một số điểm tham quan mới phục vụ khách du lịch và các hạng mục bổ trợ phục vụ du lịch. Xây dựng 4 mô hình chụp ảnh “checkin” giới thiệu các điểm di sản địa chất cho khách du lịch, gồm: san hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình), hóa thạch cúc đá Lũng Luông, Lũng Nặm (Hà Quảng), Bazan cầu gối - đèo Mã Phục (Quảng Hòa), Mắt Thần núi (Trùng Khánh). Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Trùng Khánh, Thạch An, Hạ Lang, Bảo Lạc, Bảo Lâm theo Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×