Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến
08/11/2024 | 15:09Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 8/11, Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn, phù hợp quy định
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật.
Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác. Một số nội dung trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất với một số luật có liên quan.
Đối với một số nội dung cơ bản, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Về những quy định cụ thể, Ủy ban có một số ý kiến như sau: Điều 15a dự thảo Luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo; Cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo; Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.
Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng. Tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 19a), theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nội dung này có 02 ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: tán thành với Ban soạn thảo bổ sung quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai: đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là giao Chính phủ quy định vì đây là những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mang tính kỹ thuật, chuyên ngành có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của con người và có thể biến động theo từng thời kỳ.
"Ủy ban cho rằng, đối với những nội dung đã được quy định trong luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ viện dẫn tại dự thảo Luật, đồng thời, giao Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế" - ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.
Đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến
Về quảng cáo trên báo in (khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21), ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, vấn đề này có 03 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành với Ban soạn thảo điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí.
Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành vì việc tăng diện tích lên tới gần ½ tổng diện tích là quá lớn đối với một ấn phẩm báo chí, chưa thật sự hợp lý và phù hợp với chức năng của báo chí nước ta cũng như bảo đảm quyền lợi của của độc giả.
Loại ý kiến thứ ba: Nghiên cứu phương án lược bỏ quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống và để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.
"Ủy ban tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ.
Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình (khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22), về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết có 02 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị đánh giá tác động chính sách làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%.
Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành đối với thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% vì thực tế người xem đã phải trả phí cho việc xem truyền hình trả tiền.
"Đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất với ý kiến thứ nhất" - ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.
Về quảng cáo trên phim truyện, Ủy ban cơ bản tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời lượng quảng cáo. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đảm bảo số lần ngắt quảng cáo trong chương trình phim truyện hợp lý để bảo vệ quyền lợi của khán giả. Đồng thời, làm rõ các căn cứ để tăng tính thuyết phục việc sửa đổi quy định này.
Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu quy định về quản lý quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài.
Về quảng cáo trên mạng (khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), Ủy ban tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng.
Đồng thời, đề nghị làm rõ một số vấn đề. Thứ nhất là việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.
Thứ hai là thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 06 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn. Thứ ba, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp.
Cuối cùng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.