Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dự án “Chỉnh trang và giới thiệu Di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu” phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

03/09/2010 | 13:22

Vừa qua, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đã chủ trì hội nghị góp ý thẩm định Dự án, với sự tham gia của một số nhà khoa học, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam (cơ quan chủ quản), Viện Khảo cổ học (cơ quan thực hiện), Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa.

Như tin đã đưa, ngày 31 tháng 7 năm 2010, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã vinh dự được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Để phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Dự án “Chính trang và giới thiệu Di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu” phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010.

Dự án tập trung vào 4 nội dung chính sau:
- Xây dựng hệ thống cầu tham quan bằng sắt tại khu A – B tạo điều kiện cho công chúng có điều kiện tham quan trực tiếp các dấu tích kiến trúc và hiện vật đã phát lộ qua các cuộc khai quật khảo cổ dưới lòng đất.
- Cải tạo mái che khu A – B.
- Cải tạo hệ thống tiêu thoát nước khu vực lòng sông giữa khu A – B, đảm bảo việc bảo tồn di tích và mỹ quan cho tuyến tham quan.
- Chỉnh trang khuôn viên khu di tích nhằm đảm bảo cảnh quan, an ninh và đáp ứng yêu cầu tối thiểu của các đoàn khách tham quan.

Nhằm giúp cho Dự án được hoàn thiện, các nhà khoa học trên các lĩnh vực đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu về quy hoạch chung, về vấn đề bảo quản hiện vật gốc, về độ bền vững của công trình, về phương án cải tạo đường thoát nước dòng sông, về công tác điều tiết hướng dẫn tham quan… Thứ trưởng Trần Chiến Thắng - chủ trì phiên họp đã kết luận:
- Về cơ bản, đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các cơ quan chức năng từ phía đơn vị chủ quản và đơn vị thực hiện để hoàn chỉnh Dự án. Các giải pháp chỉnh trang khu di tích đưa ra tương đối hợp lý và đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn này.
- Nhất trí với tiến độ Dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9 để đưa khu di tích khoa cổ học Hoàng thành Thăng Long đi vào phục vụ công chúng trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
- Đề nghị các đơn vị liên quan tính toán, thẩm định kỹ thêm về độ an toàn, độ chịu lực, và bền vững cho hệ thống cầu tham quan.
- Góp ý cụ thể điều chỉnh các hạng mục như: không phủ bạt mà giữ nguyên lòng sông cũ chỉ bổ sung phần thoát nước, với các hiện vật cần được lựa chọn kỹ có chủ giải rõ ràng, chỉnh trang, quét vôi tường bao quanh khu di tích …
- Đề nghị nên có phương án chi tiết về quy trình đón và điều tiết đoàn ra vào tham quan, chuẩn bị đội ngũ thuyết minh và nội dung giới thiệu chi tiết giúp công chúng dễ tiếp cận tìm hiểu về di sản văn hóa của dân tộc.
Việc mở cửa phục vụ công chúng tham quan khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trong dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, đồng thời tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc. Khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long chắc chắn sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn ở Thủ đô Hà Nội.

05 khuyến nghị của UNESCO đối với di tích Hoàng thành Thăng Long sau khi công nhận là di sản văn hóa thế giới:

- Phải tăng cường nghiên cứu, khảo cổ thêm;
 
- Xác định rõ và kiểm soát chặt chẽ khu vực bảo vệ, vùng đệm của di sản;

- Xây dựng kế hoạch chi tiết quản lý di sản và đào tạo nhân lực bền vững.

- Khi phát huy di sản để phục vụ công chúng, khách du lịch, cần có các biện pháp bảo quản, kế hoạch quản lý và hướng dẫn du khách để phát triển du lịch văn hóa bền vững.


Cục Di sản văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×