Dự án 6, động lực phát triển cho kinh tế miền núi: Bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng
16/01/2025 | 15:07Dự án 6 về “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang tạo ra những động lực quan trọng. Dự án không chỉ khơi dậy tình yêu và niềm tự hào trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, mang lại sự đổi thay rõ rệt cho các bản làng vùng cao.
Phục hồi văn hóa truyền thống
Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có hơn 600.000 người thuộc các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú... Mỗi tộc người lại mang trong mình những nét văn hóa riêng đặc sắc, góp phần làm phong phú và đa dạng kho tàng văn hóa truyền thống. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình và dự án chính sách, các huyện miền núi xứ Thanh đã có điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái đã xuất hiện tại thôn Lặn Ngoài, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa từ thế kỷ XVIII (khoảng năm 1749). Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nghề thủ công này đã gắn liền với các thế hệ dòng họ Hà và dòng họ Lò khi thôn mới thành lập. Sau 4 năm triển khai Dự án 6, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã phối hợp với huyện Bá Thước tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt hoa văn trên trang phục truyền thống, thu hút hàng trăm học viên tại các xã Lũng Niêm và một số địa phương khác của huyện Bá Thước.
Trang phục của người Thái ở thôn Lặn Ngoài được những người phụ nữ nơi đây kỳ công dệt thành. Với người Thái, dệt vải là công việc vô cùng quan trọng mà bất kỳ cô gái nào cũng phải học. Các cô phải tự tay chuẩn bị cho mình những bộ váy, áo để mang về nhà chồng, vì vậy, ai cũng biết dệt vải và thành thạo các kỹ năng may vá, thêu thùa, bởi công việc được rèn luyện và trau dồi từng ngày.
Bên hiên nhà sàn sát con đường bê tông dẫn vào thôn, chị Hà Thị Lý đang cặm cụi dệt tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Để tạo nên một tấm vải đẹp, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, thể hiện sự sáng tạo và khéo léo. Chị Lý chia sẻ: “Nghề dệt thủ công đòi hỏi sự kiên trì, óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo. Hằng ngày, ngoài công việc ruộng nương, những lúc rảnh rỗi tôi lại dệt vải để may trang phục cho mình và người thân. Nghề dệt đã gắn bó với phụ nữ Thái từ lâu đời, dù sau này có nhiều sợi vải công nghiệp thay thế nguyên liệu thủ công, chúng tôi vẫn nỗ lực gìn giữ nghề và truyền lại cho thế hệ con cháu. Ngoài việc dệt trang phục để sử dụng, chúng tôi còn dệt các sản phẩm làm quà lưu niệm để bán cho du khách đến với Pù Luông”.
Nhờ được Sở VHTTDL Thanh Hóa cùng huyện Bá Thước tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt hoa văn trên trang phục truyền thống, chị em trong thôn đã hiểu hơn về giá trị của nghề và tiếp tục gắn bó với nghề cha ông truyền lại. Hiện nghề dệt thổ cẩm đang được nhiều chị em phụ nữ tham gia, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Có thể kể đến xã Lũng Niêm đã thành công trong việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp với du lịch cộng đồng, thu hút hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm. Không chỉ dừng ở đó, nhiều chị em tâm huyết với nghề còn chủ động thành lập các xưởng dệt riêng. Điển hình là chị Hà Thị Dung ở Phố Đòn, đã mạnh dạn đầu tư 35 khung cửi và 5 máy may công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gần 50 chị em.
Ông Hà Văn Long, Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm cho biết: “Để gìn giữ bản sắc văn hóa, xã đang hướng tới việc thành lập HTX dệt thổ cẩm. Đây sẽ là cơ hội để thu hút người dân tham gia, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của địa phương”.
Tạo sự lan tỏa trong cộng đồng
Với nguồn kinh phí từ Dự án 6, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã hướng dẫn các địa phương thành lập 29 CLB văn hóa dân gian; hỗ trợ 313 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh… Các hoạt động này không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn phục vụ phát triển du lịch, như tổ chức lễ Dâng trâu tế trời tại huyện Như Xuân, lễ hội truyền thống tại huyện Quan Hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa còn hỗ trợ 21 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số ở các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh; tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ để truyền dạy văn hóa phi vật thể; phục dựng lễ hội, bảo tồn Đền thờ Đô đốc Đài lương Quận công Lê Phúc Hoạch tại thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh; nghiên cứu phục hồi ẩm thực dân tộc Mường tại làng Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc…
Ngoài ra, việc cải tạo và sửa chữa 124 thiết chế văn hóa, thể thao thôn bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã được triển khai; hỗ trợ 85 trang thiết bị cho các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Ngọc Lặc, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thường Xuân, Lang Chánh và Như Thanh, nhằm tạo điều kiện phát triển văn hóa và thể thao cộng đồng; hỗ trợ xây dựng 2 điểm du lịch tiêu biểu tại Bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa; đầu tư vào điểm du lịch cộng đồng Bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 26 tủ sách nhằm phát triển văn hóa đọc và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế và được lòng dân. Để nâng cao hiệu quả công tác này, các Sở, ngành liên quan đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ và điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong Dự án 6. Những nỗ lực này sẽ góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của từng địa phương.