Đột phá để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển
08/09/2023 | 10:40Xác định du lịch là ngành mang lại nhiều lợi nhuận, có tác động tích cực thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế đất nước, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, mở rộng giao lưu văn hóa, những năm qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khai thác và phát triển thế mạnh du lịch trên địa bàn.
Tiềm năng và thế mạnh
Có thể thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới, như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), vườn chim Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp)… Đây là những tài nguyên rất quý giá cho phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, cả vùng còn có hơn 700 km bờ biển và hơn 145 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ: Mũi Nai, Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang); Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau); Ba Động (tỉnh Trà Vinh)...
Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử… Đó cũng là bản sắc văn hóa đặc trưng của miền đất và con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù. Đây cũng là tiềm năng vô tận để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. ĐBSCL còn có tiềm năng phát triển du lịch phong phú đa dạng với các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo, văn hóa bản địa và tâm linh.
Trong những năm qua, du lịch vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác quảng bá, kết nối được với các trung tâm du lịch ngoài vùng như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng…, phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, nhiều địa phương ở đây đã ngày càng trở thành điểm đến thú vị, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Kiên Giang là một trong những địa phương ở khu vực ĐBSCL khai thác tốt thế mạnh và tiềm năng du lịch trong thời gian qua, với lợi thế có sân bay quốc tế, tổng tuyến bay khai thác là 16 tuyến, trong đó có 9 tuyến nội địa và 7 tuyến quốc tế. Khách quốc tế đến Kiên Giang từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu từ các nước có tuyến bay thẳng đến Phú Quốc như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Ba Lan (bay charter)…Đặc biệt, du lịch Phú Quốc phát triển nhanh theo định hướng là khu du lịch quốc gia, là trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế. Các vùng du lịch như: Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải, U Minh Thượng cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, tạo nhiều điều kiện để phát triển.
Để duy trì và phát triển lượng du khách đến Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu, xây dựng nhiều phương án, kịch bản tăng trưởng du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khu vực và cả nước. Từng bước cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch, tích hợp quy hoạch phát triển du lịch vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch; thông thoáng trong xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ- đầu tư phát triển du lịch...
Với sự quan tâm của lãnh đạo và chính quyền tỉnh Bạc Liêu, ngành du lịch được xác định là một trong 5 trụ cột kinh tế của tỉnh này đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay Bạc Liêu là một trong những tỉnh có sản phẩm thương hiệu văn hóa du lịch đặc trưng nhiều nhất trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, khá sinh động theo các dòng sản phẩm như sản phẩm văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, nghệ thuật đờn ca tài tử, Công tử Bạc Liêu, sinh thái rừng biển, điện gió, các công trình nghệ thuật kiến trúc lâu đời và hiện đại. Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thì trong những năm gần đây tỉnh đã xác định rõ định hướng: Du lịch Bạc Liêu sẽ phát triển thành “Điểm hẹn văn hóa”, trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL, do vậy các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu nội hàm sản phẩm nhằm hướng tới bảo tồn sức mạnh văn hóa nội sinh.
Phát triển xanh, bền vững
Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, xác định xây dựng và phát triển Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL. Theo đó, trong định hướng phát triển du lịch lâu dài, Cần Thơ xác định sẽ phát huy bản sắc sông nước gắn với hội nhập xu hướng phát triển xanh, bền vững của du lịch quốc gia, quốc tế.
Xác định du lịch sinh thái là một trong những loại hình thế mạnh, ngành du lịch Cần Thơ cũng có nhiều định hướng để đẩy mạnh phát triển. Các địa phương đều có quy hoạch phát triển cụ thể. Nổi bật là huyện Phong Điền hiện đang lập quy hoạch và định hướng phát triển du lịch sinh thái, trong đó triển khai thực hiện phân chia khu vực phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái: vùng phát triển điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn; vùng chuyên canh rau màu tập trung và tham quan làng hoa kiểng, cây cảnh.
Cần Thơ cũng có một dự án du lịch đang kêu gọi đầu tư là Khu du lịch sinh thái Phong Ðiền với tổng diện tích 40ha, nhằm khai thác các lợi thế sông nước miệt vườn nơi đây, hình thành khu vui chơi giải trí kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như khu resort, khu homestay, khu nhà hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí đặc thù sông nước, khu trải nghiệm văn hóa miệt vườn.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, các địa phương như Phong Điền, Thốt Nốt hay Bình Thủy đều có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Chính vì vậy ngành du lịch Thành phố này đang phối hợp với các địa phương để có những định hướng phù hợp phát triển các sản phẩm du lịch, quan tâm khuyến khích các điểm vườn giữ, mở rộng vườn cây kết hợp nông nghiệp với du lịch, phát triển theo hướng bền vững.
Long An đã và đang từng bước định hình, xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong khu vực ĐBSCL và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Những sản phẩm du lịch của tỉnh hứa hẹn không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy ngành du lịch tỉnh phát triển
Hiện nay, tỉnh xây dựng, tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: Các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười; các sản phẩm du lịch chính như sản phẩm được xây dựng trên cơ sở khai thác kết hợp các sản phẩm du lịch đặc thù; sản phẩm du lịch bổ trợ như xã hội hóa đầu tư các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm phục vụ du khách tại các khu di tích lịch sử, văn hóa.
Gần đây, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm phát huy tài nguyên du lịch bằng nhiều giải pháp hiệu quả, khả thi, nhất là công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng. Nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư, tôn tạo, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh. Tỉnh cũng từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch tạo được sức thu hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch vui chơi giải trí. Công tác xúc tiến, quảng bá nhằm giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh thực hiện.
Với định hướng phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, việc phát triển sản phẩm du lịch là con đường ngắn nhất để Long An tạo nên thương hiệu và tự khẳng định hình ảnh địa phương. Sản phẩm du lịch đòi hỏi phải có nét đặc trưng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, bảo tồn, tôn vinh được các giá trị tài nguyên và môi trường khu vực, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Có thể thấy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch trong những năm tới, các địa phương khu vực ĐBSCL cần thực hiện đồng bộ trong phát triển du lịch trong đó cần nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; phát huy vai trò của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch… các cấp, các ngành cần linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các chính sách về phát triển du lịch, ngày càng đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch.
Việc khai thác thế mạnh và tiềm năng, lợi thế du lịch sông nước, sinh thái và “miệt vườn” của khu vực ĐBSCL trong những năm tới là yêu cầu cấp bách của Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác lợi thế so sánh, tạo sự đột phá, thu hút du lịch kết nối phát triển du lịch nội vùng và tiến tới khai thác tiềm năng du lịch tiểu vùng sông Mê Kông và khối ASEAN, góp phần thực hiện cơ kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung./.