Động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao
20/04/2023 | 08:26Sáng ngày 19/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban với Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý I năm 2023.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân.
Cùng dự Hội nghị có đại diện các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam…), đại diện các ban, ngành trung ương và đại diện các Cục, Vụ của Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa- Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã báo cáo về công tác VHNT và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHTN chuyên ngành Trung ương quý I/2023. Theo đó, quý I/2023 văn học, nghệ thuật nước nhà có nhiều hoạt động, kỷ niệm quan trọng. Trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Xuân, mừng Đảng. Các chương trình, hoạt động đều được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Các đại biểu tham dự hội nghị đều bày tỏ tình cảm, niềm vui, vinh dự và ấn tượng sâu sắc trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với giới trí thức, văn nghệ sĩ. Sau thành công của Hội nghị tiếp tục là chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) trên phạm vi cả nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Đây là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương cùng toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ đó kế thừa, phát huy xác định được những nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Về tình hình văn học, nghệ thuật: Quý I/2023, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm toàn quốc và từng khu vực do Liên hiệp và các Hội VHNT tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào".
Các đơn vị nghệ thuật từng bước được phục hồi, các loại hình nghệ thuật đã có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng, sân khấu truyền thống (điển hình là cải lương) có nhiều khởi sắc. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng, phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.
Liên hiệp và các hội đã xây dựng các chương trình, kế hoạch đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tiếp tục được Liên hiệp và các hội, các đơn vị nghệ thuật hưởng ứng, tham gia tích cực.
Báo chí, truyền thông, mạng internet tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, tạo lập diễn đàn, góp phần đa dạng hóa các kênh thông tin, truyền tải văn học, nghệ thuật đến với đông đảo công chúng. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng được các hội đầu tư triển khai với những chương trình, đề án cụ thể.
Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tiếp tục được liên hiệp và các hội quan tâm, chú trọng. Hội đồng Lý luận phê bình do Liên hiệp thành lập đi vào hoạt động ổn định, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phản biện, xét giải thưởng, triển khai các đề tài, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường, thúc đẩy với những sáng kiến thiết thực. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm tham dự các hoạt động văn học, nghệ thuật tại nước ngoài, góp phần quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật tiếp tục được tăng cường với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cùng với duy trì tổ chức giao ban công tác văn học, nghệ thuật hàng quý, thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, khảo sát định kỳ, trong quý I/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức các buổi làm việc với Liên hiệp và 10 Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT Việt Nam để nghe và cho ý kiến về chương trình công tác năm 2023 của Liên hiệp và các hội; được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng đề án về Quy chế phối hợp trong xử lý các vụ việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục góp phần cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các cơ chế, chính sách cụ thể. Công tác thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các hoạt động văn học, nghệ thuật tiếp tục được tăng cường; ngân sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương được tháo gỡ giải ngân tạo điều kiện để Liên hiệp và các hội triển khai nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề nóng của VHNT nước nhà được đại diện các Hội đề cập như vấn đề trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, việc giảm biên chế 10% ở các đoàn nghệ thuật tại các địa phương vẫn còn mang tính cơ học. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về Hãng phim truyện Việt Nam, vấn đề ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội…
Các đại biểu đại diện cho các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương… cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm làm rõ hơn những nội dung, kết quả và những hạn chế chưa làm được của Liên hiệp cũng như các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương trong thời gian vừa qua, đề ra những phương hướng nhiệm vụ quý II và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động VHNT trong thời gian tới…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, nhiều vấn đề được đặt ra tại Hội nghị là những vấn đề mà Bộ VHTTDL đã và đang quyết liệt triển khai tháo gỡ những điểm nghẽn. Đối với việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, Bộ VHTTDL đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 133/2018-NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.
Đối với vấn đề Hãng phim truyện Việt Nam, thời gian vừa qua, nhiều thông tin trên báo chí không đúng với thực tế, gây hoang mang trong giới văn nghệ sĩ và dư luận như việc hỏng 300 bản phim, là tài sản vô giá của điện ảnh nước nhà… Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, các phim của Hãng phim truyện Việt Nam được bảo quản đầy đủ và nguyên vẹn với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế tại Viện phim Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Điện ảnh và các đơn vị liên quan thông tin về vấn đề này đến các văn nghệ sĩ và công luận, tránh hiểu nhầm.
Về vấn đề ứng xử của nghệ sĩ trên các mạng xã hội, Thứ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL rất ủng hộ các nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp chính đáng, vì sự sáng tạo và cống hiến cho nhân dân. Đối với những trường hợp vượt quá quy định của đạo đức, văn hóa ứng xử, Bộ sẽ có những biện pháp trên cơ sở của pháp luật để hạn chế hoạt động của nghệ sĩ.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các Hội sẽ thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến các văn nghệ sĩ, thành viên của Hội về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mà Bộ đã ban hành. "Với quyết tâm, nỗ lực và những hoạt động cụ thể được tăng cường và duy trì thường xuyên, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý giữa Bộ với Liên hiệp và các hội tiếp tục được củng cố, gắn kết, từng bước tạo cơ chế hiệu quả, kịp thời định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Liên hiệp và các Hội chuyên ngành VHNT đã đạt được trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo đề nghị thời gian tới, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các đơn vị liên quan cần đặc biệt quan tâm, bám sát tình hình thực tiễn, tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, VHNT đến đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ; đặc biệt là kết quả Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Bên cạnh đó, Liên hiệp và các Hội cần tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 215-KH/BTGTW, ngày 10/11/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, xem đây là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn quan trọng của cả khối, qua đó tổng kết, đánh giá để kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những vấn đề lớn, trọng tâm trong phát triển VHNT thời gian tới.
Đặc biệt, Liên hiệp và các Hội cần bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, sớm xây dựng kế hoạch tổng thể để tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, phân công trách nhiệm, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm của Liên hiệp và từng hội cần thực hiện, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, phát động phong trào thi đua sáng tác trong toàn khối để hưởng ứng sự kiện quan trọng này.
Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, hướng dẫn của Trung ương, các thông báo kết luận của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác văn hóa, VHNT, ông Trần Thanh Lâm đề nghị Liên hiệp và các hội tiếp tục rà soát lại nội dung hoạt động, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác năm 2023; kiện toàn tổ chức nhân sự các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định; quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, có đề án cụ thể để chuẩn bị tốt công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của hội (giai đoạn 2025-2030). Ngoài ra, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, chu đáo lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (25/7/1948-25/7/2023); hướng dẫn, đôn đốc các hội VHNT địa phương, các chi hội trực thuộc tổ chức các hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước, động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao dâng lên Đảng, Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 50 năm nền VHNT Việt Nam sau thống nhất…
Ông Trần Thanh Lâm giao Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các cơ quan có liên quan... tiếp nhận và xử lý các đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp và các Hội, báo cáo lãnh đạo Ban về những khó khăn, vướng mắc; sớm hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh văn hóa, VHNT trình lãnh đạo Ban cho ý kiến; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác giao ban hàng quý với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương 03 tháng/lần./.