Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đồng Tháp: Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa

15/08/2023 | 08:26

Thủ tướng cho rằng tỉnh Đồng Tháp phải phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm đặc trưng, đặc thù (điểm du lịch nông nghiệp…).

Ngày 13/8, tại thành phố Cao Lãnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh thời gian qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Tiềm năng du lịch với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá Đồng Tháp đã tích cực triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu rất cơ bản, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Đồng Tháp. Tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, phát triển chưa bền vững. Huy động vốn đầu tư còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu thực tế (huy động vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng mới bằng 20,67% GRDP). Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Một số vấn đề môi trường, đất đai, tổ chức lại không gian phát triển, quy hoạch dân cư… cần làm tốt hơn. Tỉ lệ đô thị hóa còn thấp so với tỉ lệ đô thị hóa chung cả nước.

Đồng Tháp: Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc làm việc

Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Đồng Tháp. Theo đó, tỉnh có vị trí chiến lược đối với vùng ĐBSCL, với diện tích 3.382 km² (thứ 40/63 cả nước), có 50 km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia.

Diện tích đất phù sa lớn, trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Có nhiều làng nghề đặc thù địa phương (45 làng nghề được công nhận); được coi là "không gian ẩm thực miền Tây". Hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều quốc lộ và giao thông đường thủy (nhất là qua sông Tiền, sông Hậu và khi cao tốc Cao Lãnh – An Hữu hoàn thành tới đây…).

Tiềm năng du lịch với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng (Gò Tháp, Kiến trúc cổ Kiến An Cung, Khu căn cứ Xẻo Quít, Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc...); hệ sinh thái đa dạng với nhiều rừng đặc dụng và các vùng đất ngập nước (Vườn quốc gia Tràm Chim, Rừng tràm Gáo Giồng…).

Đồng Tháp có truyền thống lịch sử hào hùng, đã đào tạo nhiều cán bộ cho Trung ương; với nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng (dân số trên 1,6 triệu người, thứ 17/63 cả nước, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,3%); người Đồng Tháp thân thiện, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, yêu nước nồng nàn.

Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng, Đồng Tháp đã có được một số nền tảng quan trọng, như có sự đồng thuận, nhất trí cao về định hướng phát triển, quyết tâm, khát vọng vươn lên với điều kiện mới.

Tỉnh đã xác định rõ mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững; phát triển dựa trên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; chăm lo nguồn nhân lực, coi yếu tố con người là quan trọng nhất.

Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa

Theo Thủ tướng, thời gian tới, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra cho cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, phát huy những mặt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua các khó khăn, thách thức.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phát triển Đồng Tháp nhanh, toàn diện, bao trùm, bền vững, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan hệ tốt với nước láng giềng Campuchia.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng Đề án tổng thể để triển khai định hướng này.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch, khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, không gian phát triển mới, tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng ĐBSCL và TPHCM. Thủ tướng gợi ý Đồng Tháp xây dựng cung quy hoạch để công khai quy hoạch, người dân có thể giám sát việc thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư, tạo sản phẩm du lịch mới…

Tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); khai thác tốt thị trường nội địa và nước ngoài; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tận dụng những ưu thế, ưu đãi của các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm đặc trưng, đặc thù (điểm du lịch nông nghiệp…).

Đồng Tháp: Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa - Ảnh 2.

Thủ tướng và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp

Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả (các tuyến cao tốc, đường kết nối, đường nông thôn, cầu dân sinh). Quy hoạch, xây dựng các cảng thủy nội địa, phát triển giao thông đường thủy nội địa. Qua khảo sát các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước việc tiến độ các công trình này được đẩy nhanh, công trình càng sớm hoàn thành càng sớm đóng góp cho kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới.

Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Coi trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng tại cuộc làm việc, sau khi lãnh đạo các bộ, ngành trả lời các đề xuất, kiến nghị của Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo với từng nội dung cụ thể, trên tinh thần ưu tiên hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.

Đăng Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×