Đồng Nai: Thay đổi tư duy để làm du lịch xanh
05/11/2024 | 09:15Du lịch xanh, thông minh và bền vững đang là xu hướng phát triển chung của ngành du lịch hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, ngành du lịch không chỉ thay đổi ở chất lượng sản phẩm, mà còn phải thay đổi ở cả tư duy, nhận thức và hành động của người làm du lịch.
Theo các chuyên gia ngành du lịch, để “xanh hóa” được ngành du lịch, đòi hỏi người làm du lịch phải “xanh” trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để hình thành nên những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.
Kinh nghiệm từ điểm đến xanh ở Đồng Nai
Giữa năm 2024, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên của Đồng Nai được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) công nhận đạt danh hiệu Danh lục xanh. Đây là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu, nhằm ghi nhận các khu bảo tồn đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công với trên 70 tiêu chí, chỉ số trên các lĩnh vực quản trị, thiết kế và lập kế hoạch, quản lý và bảo tồn thành công các tiêu chí.
Để đạt được danh hiệu Danh lục xanh, VQG Cát Tiên phải mất 8 năm chuẩn bị với nhiều gian nan, thử thách. Giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh chia sẻ, thành công của VQG Cát Tiên trong việc kêu gọi cộng đồng và khách du lịch tham gia bảo vệ môi trường và động vật hoang dã đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục ý thức, trải nghiệm thực tế và việc lan tỏa giá trị văn hóa địa phương. VQG Cát Tiên không chỉ cung cấp các chương trình tham quan có hướng dẫn, mà còn đầu tư vào những hoạt động giáo dục sáng tạo, như các hội thảo, trưng bày thông tin trực quan, giúp du khách hiểu sâu sắc về hệ sinh thái đa dạng và giá trị độc đáo của rừng nhiệt đới. Những trải nghiệm này giúp mỗi du khách cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên và vai trò của mình trong việc bảo vệ nó.
Bên cạnh đó, VQG Cát Tiên đã xây dựng các hoạt động tham gia trực tiếp như: dọn rác, trồng cây, phục hồi môi trường sống cho các loài động vật quý hiếm như: bò tót, cá sấu nước ngọt và nhiều loài chim đặc hữu. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho khách du lịch đóng góp thiết thực, mà còn giúp họ trở thành những “đại sứ” bảo vệ môi trường lâu dài. Ngoài ra, nhờ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và sự ủng hộ của cộng đồng dân cư địa phương, VQG Cát Tiên đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn bền vững, giúp lan tỏa ý nghĩa bảo vệ thiên nhiên qua nhiều thế hệ, duy trì và phát triển nguồn tài nguyên quý báu này cho Việt Nam và thế giới.
Bài toán “xanh hóa” ngành du lịch
Hiện nay, ngoài VQG Cát Tiên, Đồng Nai có khá nhiều điểm đến du lịch mới có nhiều tiềm năng phát triển theo hướng xanh, bền vững. Dựa trên những lợi thế sẵn có như: rừng, thác, hồ, sông, núi…, Đồng Nai cần có những chiến lược “xanh hóa” sản phẩm, văn hóa và con người làm du lịch ở Đồng Nai.
Ông Thịnh cho rằng, các điểm đến nên xây dựng cộng đồng “Đại sứ xanh” với việc đào tạo và khuyến khích các tình nguyện viên trở thành “Đại sứ xanh”. Theo đó, những người hướng dẫn có thể truyền cảm hứng và hướng dẫn du khách tham gia vào các hành động bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường như đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tái chế hay các món ăn truyền thống sử dụng nguyên liệu tự nhiên, bền vững. Việc áp dụng những hành động thiết thực và khuyến khích mọi người tham gia sẽ dần tạo nên một cộng đồng du lịch xanh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của Đồng Nai.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương đã gặp không ít khó khăn liên quan đến Luật Đất đai; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến lĩnh vực du lịch. Đặc biệt là kiến thức, kỹ năng, cũng như việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng, quảng bá sản phẩm cho người làm du lịch.
Phó trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Định Quán Thiều Quang Tân chia sẻ, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Định Quán phát triển khá nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nông thôn tại những vườn cây ăn trái, ven hồ Trị An, thu hút khá đông du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, để ngành du lịch địa phương phát triển bảo đảm tính chuyên nghiệp, chất lượng và sản phẩm bền vững, cần được sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều nông dân hiện nay vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của từ khóa “du lịch xanh”. Một số quan điểm còn cho rằng, sản phẩm xanh là thiên nhiên, cung cấp các sản phẩm sạch… mà không nghĩ tới chuyện người làm du lịch cũng phải thay đổi tư duy, tiên phong trong thực hiện, hành động vì mục tiêu xanh, bền vững của ngành du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, tại Đồng Nai, bên cạnh những điểm đến du lịch nổi tiếng với các thông điệp xanh, bền vững từ nhiều năm nay như: VQG Cát Tiên là điểm đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận đạt Danh lục xanh của IUCN, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là khu dự trữ sinh quyển thế giới…, Đồng Nai còn quy hoạch phát triển nhiều dự án, sản phẩm du lịch có quy mô, đáp ứng các yếu tố xanh, bền vững được phê duyệt, xây dựng và tìm kiếm nhà đầu tư như: Dự án Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi, khai thác các thế mạnh từ rừng; Khu phức hợp núi Chứa Chan - hồ Núi Le, cùng các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, để ngành du lịch thật sự phát triển theo hướng bền vững, các nhà làm du lịch phải có sự chuẩn bị về tư duy, hành động và sự kiên trì đeo bám mục tiêu. Đưa những thông điệp bảo vệ môi trường, nâng tầm giá trị du lịch trong từng sản phẩm, chi tiết có thể tác động, kêu gọi và nhận được sự hưởng ứng từ khách du lịch.
Theo Báo Đồng Nai