Đồng Nai - Cần Thơ: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp
03/12/2022 | 17:26Trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có từ nền sản xuất nông nghiệp, Cần Thơ và Ðồng Nai đang phát huy du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên có nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển loại hình du lịch này ở mỗi địa phương, nên hai tỉnh, thành đã liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, cùng tháo gỡ khó khăn, hướng đến phát triển du lịch xanh bền vững.
Khai thác thế mạnh tiềm năng
Tỉnh Ðồng Nai có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực Ðông Nam Bộ, là tiền đề cho địa phương phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch nông nghiệp. TP Long Khánh và các huyện Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành… đều có diện tích vườn cây lớn với đủ loại trái ngon đặc sản: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, ổi, cam, quýt, bưởi. Trong đó có nhiều vùng chuyên canh với vườn cây từ vài trăm đến hàng ngàn héc-ta. Do đó, những năm gần đây Ðồng Nai phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, vừa quảng bá tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách.
Cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) nổi tiếng với đặc sản bưởi đường lá cam. Nhiều nhà vườn đã đầu tư mở các khu du lịch sinh thái, quán ăn miệt vườn phục vụ du khách. Ðến đây, du khách sẽ bước vào thế giới bạt ngàn cây bưởi, nhà nào cũng có vườn bưởi xanh tốt, trĩu quả. Người dân cũng sáng tạo nhiều sản phẩm từ bưởi để phục vụ du lịch: rượu bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi, nem bưởi, trà sữa bưởi, gỏi bưởi… Ông Huỳnh Ðức Huệ, Cơ sở du lịch sinh thái Vườn làng bưởi Tân Triều Năm Huệ, cho biết: “Gia đình tôi chuyên trồng bưởi đường lá cam từ cách đây hơn 20 năm, sau này mở một khu vực để hoạt động các dịch vụ du lịch cho khách tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ bưởi. Chỗ tôi có hơn 20 sản phẩm từ bưởi để du khách có thể thưởng thức và mua về làm quà”.
Trong khi đó, xã Bình Lộc được xem là vựa trái cây lớn nhất TP Long Khánh, với trái cây đặc trưng là chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Nơi đây còn là mô hình điểm của tỉnh Ðồng Nai trong xây dựng thành công làng du lịch vườn kiểu mẫu. Ở đây không chỉ có các hộ dân làm du lịch mà nông dân cả xã cùng liên kết làm du lịch. Nhờ làm du lịch mà Bình Lộc từ một xã còn nhiều khó khăn đã chuyển biến tích cực. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước. Các sản phẩm nông nghiệp ở đây được sản xuất theo chuẩn VietGAP hoặc theo các hướng dẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe. Với những điều kiện tự nhiên đó, Ðồng Nai cũng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp theo định hướng bền vững.
Trong khi đó, TP Cần Thơ cũng có thế mạnh vườn cây ăn trái, nhất là ở các huyện Phong Ðiền, quận Bình Thủy, quận Thốt Nốt. Bên cạnh hệ thống cù lao, cồn nổi với những vườn trái cây như cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt), cồn Sơn (Bình Thủy); thì huyện Phong Ðiền là vành đai xanh với những vườn cây chủ lực, nổi tiếng nhiều đặc sản: dâu Hạ Châu, sầu riêng, măng cụt, nhãn… Không chỉ những vườn cây sinh thái làm du lịch theo kiểu truyền thống, ở Cần Thơ còn có nhiều địa điểm khai thác du lịch kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao như các mô hình Cần Thơ Farm, Xà No Farm…
Có thể nói, Ðồng Nai và Cần Thơ đều có thế mạnh du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, vừa có điểm tương đồng vừa có những khác biệt. Chính vì thế, sự kết nối, hợp tác giữa hai địa phương sẽ mở ra nhiều triển vọng thúc đẩy phát triển du lịch xanh.
Gỡ khó
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; nhưng các địa phương đều đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, cũng như các vấn đề nguồn vốn, nhân lực, hạ tầng hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Nai, cho biết: “Ðây là cái khó chung của các địa phương vì thực tế không có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ cho chuyển đổi đất nông nghiệp làm du lịch. Do đó, chúng tôi phải tìm những giải pháp phù hợp, cùng bà con tháo gỡ từ cái khó”. Cụ thể, Ðồng Nai đã tổ chức nhiều chuyến học tập kinh nghiệm ở các địa phương có mô hình du lịch nông nghiệp phát triển, sau đó xây dựng cơ chế riêng cho du lịch ở địa phương. Ðồng Nai hướng đến việc xây dựng các mô hình mẫu trong phát triển du lịch nông nghiệp, như hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ở xã Bình Lộc, Xuân Lộc… Lãnh đạo xã Bình Lộc cho biết, việc tập hợp các thành viên liên kết làm du lịch đã bước đầu tạo được hiệu quả, bình quân mỗi nhà vườn ở đây có thể đón 500 khách/ngày. Kinh tế vườn kết hợp làm du lịch giúp phát triển cuộc sống của người dân. Ðồng Nai cũng đang tìm thêm những giải pháp xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, giúp nông dân tiếp cận các nguốn vốn, tập huấn kiến thức làm du lịch...
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi tổ chức đoàn công tác đến Ðồng Nai để học tập kinh nghiệm và trao đổi các liên kết về phát triển du lịch nông nghiệp. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ lựa chọn những giải pháp phù hợp, ứng dụng vào hoạt động du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ. Hiện thành phố đã có Ðề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và ngành du lịch địa phương cũng đang tham mưu để xây dựng nghị quyết riêng với những định hướng cụ thể phát triển cho hoạt động du lịch nông nghiệp”.
Theo đó, Cần Thơ và Ðồng Nai đã bàn thảo về công tác quản lý nhà nước, các cơ chế quản lý đối với mô hình hoạt động du lịch sinh thái và nông nghiệp (hộ cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp...), xây dựng sản phẩm du lịch để nâng cao giá trị nông sản... Trên cơ sở này, hai địa phương hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển và tìm những giải pháp phù hợp phát huy tiềm năng du lịch nông nghiệp.