Đồng Nai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc
21/11/2024 | 16:59Đồng Nai là địa phương có bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo. Nơi đây hội tụ hơn 50 thành phần dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng, lịch sử hình thành, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng khác nhau.
Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm hình thành và phát triển.
Gìn giữ bản sắc văn hóa
Những ngày này, các thành viên trong đội cồng chiêng của người Chơro xã Túc Trưng (huyện Định Quán) cùng với đồng bào Chơro ở các huyện, thành phố Long Khánh đang tham gia Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - di sản văn hóa Việt Nam năm 2024 tại Thành phố Hà Nội. Không chỉ tham gia tái hiện Lễ hội Sayangva của dân tộc Chơro theo các nghi thức truyền thống, mà một số già làng, nghệ nhân còn biểu diễn văn nghệ, đưa âm nhạc của đồng bào DTTS Đồng Nai giao lưu cùng với người dân và du khách.
Mang tiếng đàn Chinh K’la đến Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - di sản văn hóa Việt Nam năm 2024, già làng Điểu Liệt (ngụ xã Túc Trưng) cho biết, già rất vui và tự hào khi được ra Hà Nội, cùng bà con giới thiệu bản sắc của người Chơro, giao lưu với cộng đồng các dân tộc anh em. Già đã tham gia tái hiện nghi thức cúng thần lúa, biểu diễn cồng chiêng và biểu diễn đàn Chinh K’la. Đây là những nhạc cụ truyền thống, gắn bó mật thiết với đời sống của người Chơro, được gìn giữ, phát huy qua rất nhiều thế hệ.
Nhằm tiếp tục thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở VHTTDL đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động đối với các cơ sở tín ngưỡng của đồng bào DTTS tổ chức thờ cúng, lễ hội theo đúng quy định. Bên cạnh đó, quan tâm, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực là con em đồng bào DTTS. Đây sẽ là lực lượng phục vụ đắc lực và có hiệu quả nhất cho công tác bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc hiện nay. |
Đặc biệt, vào tháng 10/2024, tại Nhà văn hóa dân tộc Mạ (ở khu phố Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã tổ chức tập huấn xây dựng mô hình điểm về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Gần 100 người uy tín, già làng, nghệ nhân và bà con người Mạ đã được hướng dẫn xây dựng mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, truyền dạy đánh cồng, chiêng và các điệu múa truyền thống; nghệ thuật hát dân ca tăm pớt… Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của đồng bào Mạ.
Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết cũng được đồng bào các DTTS chú trọng. Các dân tộc: Hoa, Khmer, Chăm, Chơro trên địa bàn tỉnh đã và đang bảo tồn được chữ viết thông qua việc mở các lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho con em dân tộc mình.
Theo ông Đô Hô Sên, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Chăm Islam ở huyện Long Thành, những người biết đọc và viết chữ Chăm ngày càng ít đi. Ông sợ bản thân mình không mở lớp dạy chữ thì không lâu sau tiếng nói, chữ viết và cả bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm cũng sẽ biến mất. Hiện ở Thánh đường có 2 lớp học với khoảng 60 người; trong đó có lớp dạy chữ cơ bản cho các em nhỏ và lớp dạy giáo lý cho người lớn.
Tại huyện Vĩnh Cửu, vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh khôi phục, phát triển các giá trị văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc, phục vụ du lịch cộng đồng. Trong đó, địa phương đã lập thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư Dự án Bảo tồn ấp văn hóa truyền thống dân tộc Chơro ở xã Phú Lý, tạo nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Đây là việc làm có ý nghĩa tạo động lực mới trong xây dựng và phát triển nông thôn mới ở địa phương, phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa, giúp người Chơro bảo tồn được bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Tôn Thị Thanh Tình chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, đơn vị đã chú trọng xây dựng các chương trình nghệ thuật có tái hiện Lễ hội Sayangva, biểu diễn cồng chiêng và đàn hát dân ca các DTTS của Đồng Nai. Nhiều chương trình tham gia liên hoan, hội diễn toàn quốc, khu vực đã đoạt giải cao. Không chỉ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS, mà qua đó góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, kết nối và phát triển du lịch tỉnh nhà đến với bạn bè trong nước và quốc tế”.
Theo Sở VHTTDL, mặc dù công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được cả hệ thống chính trị quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, song văn hóa truyền thống của đồng bào đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người; quá trình tiếp biến văn hóa làm xuất hiện quan niệm, lối sống chưa lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê về văn học dân gian các DTTS còn nhiều hạn chế…
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS, Sở VHTTDL đã kiến nghị Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS giai đoạn 2025-2030. Hỗ trợ kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; nguồn kinh phí được duy trì thường xuyên và tương xứng với nhu cầu thực tế của công việc.