Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc

09/09/2021 | 17:14

Sáng 9/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị Triển khai chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2021-2026.

Chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

Tham dự Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ VHTTDL.

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị

Báo cáo công tác VHTTDL giai đoạn 2016-2021 và phương hướng trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khi đánh giá về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã khẳng định, trong những năm qua, dù còn phải đối diện với nhiều thách thức nhưng toàn ngành đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn này đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện trên sáu lĩnh vực lớn.

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc, trong đó, tư tưởng, đạo đức, lối sống- lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có chuyển biến tích cực.

Hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục chuyển biến, hoàn thiện để tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa với tư cách chủ thể xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; những di sản này là những báu vật quốc gia , báu vật của cha ông để lại mà các thế hệ phải trân trọng giữ gìn; gắn kết với các di sản để kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điểm đến của bạn bè quốc tế, là nơi giới thiệu về văn hóa, con người Việt Nam thông qua di sản vật thể, phi vật thể.

Ngành Văn hóa đã tổ chức tốt về chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó đã làm tốt hơn về vấn đề thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thể dục thể thao cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Thể thao quần chúng có bước phát triển. Thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2019-2020, số lượng HCV của Việt Nam khi tham gia các đấu trường quốc tế tăng gấp đôi so với năm 2015. Bóng đá đã có nhiều khởi sắc, giành nhiều thành tích cao trong châu lục; lần đầu tiên chúng ta đã vào vòng loại thứ ba World cup 2022, đại diện cho khu vực châu Á. Thể thao đã góp phần thực hiện tốt chức năng phát triển thể lực, xây dựng tầm vóc con người Việt Nam như Bác Hồ nói "Dân cường, nước thịnh".

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc - Ảnh 2.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị

Du lịch Việt Nam cũng đã có bước phát triển rõ rệt, đạt được những thành quả quan trọng, đã tiếp cận được mục tiêu mà Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thông qua du lịch đã giúp chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

"Khi đánh giá về văn hóa, chúng ta thấy rõ, trong những lúc khó khăn, đặc biệt khi đất nước gặp thiên tai địch họa thì những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc lại được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ. Lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, sống có nghĩa tình, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt lại càng tỏa sáng. Cả dân tộc đã kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hóa đang thực sự trở thành một nền tảng vững chắc của xã hội. Các chuyển hướng về hoạt động của văn hóa đã tạo nên một vắc xin tinh thần trong phòng chống dịch bệnh trong suốt thời gian qua"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, với thái độ nghiêm túc, cầu thị, Bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong hoạt động thực tiễn của ngành. Đó là môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn khoảng cách lớn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng chưa thật sự đi vào chiều sâu. Hiệu quả hội nhập quốc tế về văn hóa còn hạn chế. Công tác phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Ngành văn hóa chưa thể hiện rõ được vai trò, tiếng nói của mình trong công tác tham mưu các giải pháp đối với quá trình sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Công tác phối hợp với các hội văn học nghệ thuật nhằm tập hợp, phát huy năng lực, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đạt hiệu quả chưa cao.

Một số chủ trương, quan điểm của Đảng nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chậm được thể chế. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình. Phong trào thể dục, thể thao chưa thực sự sâu rộng, nhất là vùng nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, gia đình, thể thao và du lịch chưa được quan tâm đúng mức…

Một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là nhận thức của các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đầu tư cho văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ở cả trung ương và địa phương chưa tương xứng với vai trò, vị trí của ngành trong điều kiện phát triển chung của đất nước…

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về văn hóa gia đình, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo; Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi gia đình; phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ…

Về thể dục thể thao, có chính sách và cơ chế phù hợp để bồi dưỡng và phát triển tài năng, đưa thể thao Việt Nam đạt vị trí cao trong khu vực, từng bước tiếp cận thành tích châu lục và thế giới ở những bộ môn phù hợp với thể trạng tầm vóc người Việt Nam...

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội nghị

Về du lịch, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực, là nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển, đồng thời ghi nhận kết quả đã đạt được của những người làm công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong cả nước, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khối lượng công việc mà Bộ đã thực hiện thời gian qua là khá lớn, khá đa dạng và phong phú, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của nhân dân và gắn bó chặt chẽ, máu thịt với công tác tuyên giáo và ngành Tuyên giáo của Đảng. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, những thành tựu về kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành VHTTDL cả nước nói chung và của Bộ VHTTDL nói riêng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành VHTTDL trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động không nhỏ đến hầu hết các lĩnh vực.

Cơ bản nhất trí với những phương hướng, nhiệm vụ mà Bộ đã đề ra, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ VHTTDL thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:

Triển khai đồng bộ, thực hiện quyết liệt hơn, có hiệu quả, tạo điểm nhấn thực sự, khắc phục được những điểm yếu.

Tập trung nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa con người, gia đình Việt Nam.

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc - Ảnh 5.

Toàn cảnh Hội nghị

Tiếp tục bám sát yêu cầu chức năng nhiệm vụ chính trị của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt biệt là chương trình hành động, quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển công nghiệp văn hóa. Đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam đóng góp tích cực vào tăng trưởng văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới. Xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình mới, từng bước nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền liên quan nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Có giải pháp và xử lý hài hòa giữa chuyên nghiệp, văn hóa quần chúng, tiếp tục tăng cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa gia đình, doanh nghiệp, công sở gắn với các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình; quan tâm đầu tư có trọng điểm tạo đột phá về cơ sở vật chất với thiết chế về thể thao; đầu tư công trình văn hóa trọng điểm quốc gia tầm nhìn 2030- 2045 và có tầm nhìn khu vực, thế giới tương xứng với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình văn hóa trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển một cách toàn diện và sâu sắc - Ảnh 6.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL giai đoạn 2021-2026

Tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa dân tộc, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy rà soát cơ chế chính sách để bổ sung hoặc ban hành mới để phát huy giá trị văn hóa phù hợp với tình hình mới, đảm bảo vai trò của cộng đồng đối với các di sản. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa gắn di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa đặc biệt của quốc gia để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lấy phát triển du lịch, văn hóa, tổ chức và quản lý tốt để bảo vệ, phát huy tốt hơn giá trị của di sản văn hóa.

Xác định văn học nghệ thuật là một động lực to lớn để thúc đẩy phát triển đất nước, vì vậy cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện cho văn học nghệ thuật, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, mong muốn cho ra đời những tác phẩm lớn ngang tầm khu vực và thế giới, cần cố gắng nhiều trong tình hình hiện nay. Dân chủ, tự do, phát huy sáng tạo trong sáng tác dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, quan tâm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn nghệ sỹ, hội nhập trong đào tạo chuyên sâu, chuẩn bị lực lượng chất lượng trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Phối hợp với các đơn vị để rà soát chế độ chính sách, kêu gọi nguồn lực phát triển con người thời kỳ mới. Tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp tình hình phát triển của đất nước. Tạo điều kiện để đồng bào ta ở nước ngoài đầu tư nguồn vốn trí tuệ để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL giai đoạn 2021-2026./.

Hồng Hà- ảnh: Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×