Đồng bào đóng vài trò chủ thể trong việc bảo tồn trang phục truyền thống
26/03/2019 | 07:16"Cần tạo điều kiện và có những chính sách tôn vinh các nghệ nhân là đồng bào các dân tộc – họ là những người nắm giữ bí quyết, có công gìn giữ, bảo tồn và truyền lửa cho thế hệ kế tiếp các giá trị văn hóa cốt lõi của trang phục truyền thống"...
Đây là chia sẻ của ông Đào Ngọc Lượng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên qua cuộc trao đổi với PV xung quanh vấn đề bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Giới thiệu nghề dệt truyền thống dân tộc Lào tỉnh Điện Biên tại Thủ đô.
PV. Thưa ông, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", Điện Biên là một trong số các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Ông đánh giá như thế nào về Đề án?
Điện Biên là tỉnh miền núi với 19 dân tộc cùng sinh sống, dân số trên 57 vạn người. Trong đó: dân tộc Thái chiếm 37,99%, dân tộc Mông 34,81%, dân tộc Kinh 18,43%, còn lại là các dân tộc khác. Các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện nay về trang phục các dân tộc của tỉnh Điện Biên đang có sự mai một và thất truyền. Hầu hết trang phục nam của các dân tộc hiện nay không còn lưu giữ, mà chủ yếu là trang phục của nữ giới còn gìn giữ, phát huy được, tiêu biểu như dân tộc Thái (ngành Thái đen và Thái trắng), Mông (gồm trang phục của 5 ngành Mông: Xanh, Đỏ, Đen, Trắng, Hoa), Khơ Mú, Hoa, Hà Nhì, Cống, Si La....Bên cạnh đó, trang phục thầy cúng của một số dân tộc như Dao, Thái cũng vẫn được lưu giữ. Người dân chỉ mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết hoặc các sự kiện, các hoạt động văn hóa của gia đình và cộng đồng.
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" là việc làm hết sức cần thiết. Đây là hành lang pháp lý, cơ sở cho các địa phương trong cả nước, có đông đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Điện Biên triển khai xây dựng các mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống dân tộc mình, tránh nguy cơ mai một, thất truyền bản sắc văn hóa độc đáo trong cuộc sống đáp ứng được nguyện vọng chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
PV. Có ý kiến cho rằng, việc cần thiết để bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là phải phát triển công nghệ để có thể sản xuất trang phục truyền thống dễ dàng, nhiều và rẻ hơn, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, thể hiện nét văn hóa tinh hoa, sự khéo léo, sáng tạo độc đáo mà mỗi một dân tộc đã tạo ra. Trang phục không chỉ để bảo vệ, làm đẹp cho cơ thể con người mà còn thể bản sắc văn hóa, trình độ canh tác sản xuất của nền nông nghiệp, thể hiện sự hòa hợp của con người với môi trường cảnh quan, thiên nhiên và văn hóa, xã hội của các dân tộc…đồng thời tích hợp nhiều giá trị di sản, giàu chất trí tuệ, mang tính cố kết cộng đồng. Việc dùng công nghệ để sản xuất trang phục truyền thống sẽ đem lại năng xuất cao, thời gian sản xuất nhanh, mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu trang phục phong phú.., song nguyên liệu, hoa văn, màu sắc trang phục không thể đẹp bằng chất liệu dân gian do đồng bào tự làm ra. Đặc biệt trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc sẽ bị mai một, thay đổi, mất gốc và thay thế bằng các trang phục mới, mất đi giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc văn hóa. Do đó, không thể dùng công nghệ để thay thế hoàn toàn cho nghề thủ công truyền thống, nhất là việc sáng tạo trang phục truyền thống, chỉ có thể thay đổi ở một vài chi tiết cho phù hợp với tiến bộ của KHKT.
Trong bảo tồn trang phục, người dân có vai trò chủ thể, nhưng nhà nước cần có những chính sách tác động, để tạo ra một môi trường lành mạnh trong việc sản xuất, gia công, lưu thông hàng hóa gắn với việc sản xuất trang phục dân tộc. Để quá trình này không bị xu thế ngoại lai lấn át làm biến dạng, méo mó, cần tạo điều kiện và có những chính sách tôn vinh các nghệ nhân là đồng bào các dân tộc – họ là những người nắm giữ bí quyết, có công gìn giữ, bảo tồn và truyền lửa cho thế hệ kế tiếp các giá trị văn hóa cốt lõi của trang phục truyền thống.
PV. Vậy, trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã có những chính sách, giải pháp gì nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn?
Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số thông qua công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động và sự kiện như: Tổ chức Lễ hội Hoa Ban thường niên kể từ năm 2014; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch cấp huyện; Ngày hội văn hóa Mông cấp huyện, Ngày hội đoàn kết các dân tộc cấp huyện; trong đó nội dung trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc là một nội dung quan trọng; sinh hoạt của đội văn nghệ các thôn, bản; thông qua các hoạt động ngày tết truyền thống, các lễ hội dân gian; thông qua hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm, trưng bày, triển lãm hiện vật - trong đó có trang phục dân tộc.
Từ năm 2011, tỉnh Điện Biên tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam với nội dung trình diễn trang phục dân tộc và triển lãm văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông. Tham gia Liên hoan hát Then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc; Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc; Ngày hội văn hóa khu vực và toàn quốc; Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào. Quá trình tham gia các hoạt động này đã giúp tỉnh Điện Biên bảo tồn, phát huy được trang phục truyền thống thông qua việc sử dụng trang phục dân tộc để trình diễn các loại hình nghệ thuật.
UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 12/6/2013 về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;Quyết định số 1430/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 phê duyệt Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là bảo tồn văn hóa các dân tộc; đầu tư phát triển, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy vai trò các nhân tố xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Thông quan việc triển khai thực hiện Đề án, nhiều di sản văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy giá trị - trong đó có trang phục truyền thống các dân tộc.
Thực hiện nhiều dự án bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðiển hình là dự án nghiên cứu, bảo tồn bản truyền thống dân tộc Thái (ngành Thái đen) tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên, theo đó dự án cũng đã triển khai mở lớp truyền dậy bảo tồn trang phục truyền thống cho dân tộc Thái (ngành Thái đen) tại bản Che Căn.
Đồng thời tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, đã có 08 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó di sản Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Bên cạnh đó, Điện Biên còn triển khai thực hiện đề xuất xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" để kịp thời tôn vinh những cá nhân đã có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục truyền thống nói riêng, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật nói chung. Hàng năm tiến hành sưu tầm, trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh thông qua nhà trưng bày Bảo tàng, các cuộc triển lãm, trưng bày trong và ngoài tỉnh; chiếu phim, ảnh, đăng tài các tin bài trên trang Web của Sở, UBND tỉnh…nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa của trang phục; nghiên cứu, kiểm kê, xuất bản sách về văn hóa dân tộc, trong đó có nghiên cứu, giới thiệu về trang phục truyền thống; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu và lễ hội chính là không gian văn hóa để đồng bào các dân tộc thể hiện những bộ trang phục truyền thống.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để đồng bào hiểu và trân trọng, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, khuyến khích cán bộ, công chức và người dân là người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục dân tộc truyền thống; đưa nội dung thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc vào chương trình hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên và đặt ra yêu cầu tại các trường học khi có lễ kỷ niệm học sinh phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Trong năm 2019 -2020, tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai dự án đầu tư bảo tồn bản truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, trong đó nội dung của dự án cũng tập trung vào việc triển khai bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú.
Hiện nay do điều kiện kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp nên công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, là hành trình dài lâu và không đơn giản. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay rất cần sự quan tâm, góp sức của cả cộng đồng xã hội.