Đón Tết ở Trường Sa với món quà đặc biệt từ Đội tuyển bóng đá Việt Nam
04/02/2019 | 12:51Năm nay, các chiến sỹ trên đảo Trường Sa, Khánh Hòa nhận được món quà Tết đặc biệt từ đất liền gửi ra. 5 lá cờ Tổ quốc, 1 chiếc áo đấu vô địch và 1 quả bóng với chữ ký của toàn thể Ban huấn luyện và cầu thủ đội tuyển khi giành chức vô địch AFF Cup 2018.
Mang tinh thần, ý chí Đội tuyển bóng đá tới các chiến sỹ
Mặc dù xa đất liền những Tết ở Trường Sa cũng rộn ràng không kém, với đủ cả các hương vị từ bánh chưng, thịt heo, đến cây quất, cành đào, cành mai. Ngày 29-30 Tết, dưới tán cây bàng vuông xanh mướt, những chiến sỹ hằng ngày vẫn ôm súng ra thao trường luyện tập, canh giữ biển trời, giờ thoăn thoắt cắt, bẻ góc lá dong gói bánh, bắc bếp luộc bánh. Đêm đến bên ánh lửa bập bùng, cán bộ chiến sỹ và các hộ dân quây quần bên nhau canh nồi bánh chưng, đàn hát rộn rã.
Được biết, bên cạnh những món quà về vật chất, các tình nguyện viên thuộc Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) còn mang ra Trường Sa hơn 20.000 bức thư do các em học sinh của tỉnh Thái Nguyên và TP. Hà Nội gửi các chú bộ đội.
Cờ Tổ quốc, Áo thi đấu có chữ ký của Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 được tặng cho cán bộ, chiến sỹ quần đảo Trường Sa
Những dòng tâm sự hồn nhiên của những cô cậu học trò chưa một lần được đến biển đảo cùng những lời chúc Tết chân tình, đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao tình cảm, lòng cảm phục, qua đó tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để cán bộ, chiến sỹ nơi đây vượt qua "phong ba bão táp", vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Đặc biệt, chuyến thăm đảo Trường Sa trước Tết Nguyên đán này, Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã thông qua Câu lạc bộ vì biển đảo quê hương gửi tặng lời chúc tết cùng áo đấu, cờ Tổ quốc, bóng đá có chữ ký của đội tuyển tới các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.
Quả bóng có chữ ký cầu thủ tặng cho Nhà giàn DK1
Trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện có 9 đảo nổi, 12 đảo chìm, 33 điểm đóng quân và tại khu vực thềm lục địa phía Nam có 15 Nhà giàn DK1. Tại đó có những người lính trẻ, lứa tuổi 19 - 20 đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vừa giành được chiến thắng lịch sử, chức vô địch AFF Cup và trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sức trẻ đầy nhiệt huyết, cống hiến và ý chí vươn lên chinh phục đỉnh cao. Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam tặng áo đấu có chữ ký của các thành viên đội tuyển cho biển đảo quê hương là món quà tinh thần vô giá khích lệ, động viên những người lính nơi đầu sóng, lan tỏa tinh thần chiến thắng đến với vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng giữa biển Đông"- Đại diện Câu lạc bộ vì biển đảo quê hương cho hay.
Quân dân như cá với nước
Tới thời điểm này, Tết trên các đảo đã được lên "kế hoạch" khá chu đáo với nhiều hoạt động truyền thống như: Mổ heo, gói bánh chưng; giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, giao lưu bóng chuyền, thi đấu cờ tướng.
Dù cho những năm gần đây, đã có đủ lá dong thì chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông vẫn không thể thiếu. Bởi với những người lính và dân trên quần đảo Trường Sa, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông có vị chua chát của lá bàng pha lẫn vị mặn nồng của muối biển mà những bánh chưng gói bằng lá dong không thể có được.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Phan Vinh gói bánh.
Trên xã đảo Sinh Tồn, không khí Tết ở đây rộn ràng hơn cả so với những đảo khác. Băng-rôn đỏ kèm khẩu hiệu mừng năm mới được giăng trên những con đường nhỏ. Những cây mai vàng được làm từ cành phong ba chăng đèn nhấp nháy cắm tại các cụm chiến đấu. Ở các nhà dân, phía đầu nhà đã xuất hiện những chậu hoa, quất cảnh từ đất liền mang tới.
Đại uý Trần Văn Dương, đảo Sinh Tồn chia sẻ: "Đoàn kết gắn bó tình quân dân cũng làm cho mình vơi đi nỗi buồn, nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ đất liền. Ngồi đây có anh em bộ đội, cư dân làm bánh, làm đồ cũng vui vẻ, vui tươi, tao ra không khí ngày tết".
Chiến sỹ Phạm Quốc Tưởng, đảo Đá Lớn A, cũng cho hay, Tết ở trong đơn vị, anh em đều sum vầy lại, nói chuyện tâm sự, hát hò. Chỉ huy cũng tạo điều kiện tốt nhất, giống gia đình nhất, rất đầm ấm và đầy đủ mọi thứ. Lúc mới ra gói bằng chiếc lá bàng vuông này, cũng rất bỡ ngỡ nhưng ở đây phải tận dụng được mọi thứ có thể.
Còn gia đình anh Doãn Thế Hiển, cư dân trên đảo thì chia sẻ, sau nhiều năm bám biển và sinh sống trên đảo Sinh Tồn, dù có đôi chút nhớ đất liền nhưng tình cảm của cán bộ, chiến sỹ đã giúp cho gia đình anh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, và năm nào cũng ở lại đảo ăn Tết.
và cùng nhau tấu lên những khúc ca trong khi chờ bánh chưng chín.
Tết đến, xuân về, phong tục đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét văn hóa tâm linh, một việc làm không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân Việt. Theo thầy Thích Tuệ Nhân, trụ trì chùa Vinh Phúc, đảo Phan Vinh, "dịp Tết, cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo Phan Vinh đều lên chùa dâng hương, lễ phật, xin lộc đầu xuân, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước hòa bình; cầu cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân huyện đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ và đất liền giao phó. Những năm gần đây, được sự quan tâm của đất liền, huyện đảo Trường Sa đã có những cái tết ấm cúng, đầy đủ như trong đất liền".
Tiếng chuông chùa vang vọng như báo hiệu huyện đảo Trường Sa chuẩn bị đón một mùa xuân mới cùng đất nước. Tuy xa đất liền và đối mặt với muôn trùng sóng gió, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo tiền tiêu vẫn luôn vững vàng, đoàn kết cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước./.