Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua
23/05/2017 | 13:29Công đoàn Bộ VHTTDL là công đoàn cấp trên cơ sở, có hơn 6.500 đoàn viên công đoàn, với 75 công đoàn cơ sở trực thuộc (đứng thứ 3 trong tổng số 27 công đoàn các cơ quan Trung ương trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam).
Công đoàn Bộ VHTTDL là công đoàn cấp trên cơ sở, có hơn 6.500 đoàn viên công đoàn, với 75 công đoàn cơ sở trực thuộc (đứng thứ 3 trong tổng số 27 công đoàn các cơ quan Trung ương trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam (sau Công đoàn Bộ KHCN & MT với trên 13.000 đoàn viên và Công đoàn Bộ Tài chính với hơn 9.000 đoàn viên). Những năm vừa qua, nhất là từ sau khi Đại hội Công đoàn Bộ khóa II (tháng 5 năm 2013) đến nay; được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ VHTTDL và Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam; hoạt động của Công đoàn Bộ VHTTDL đã có nhiều khởi sắc, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực; nhất là động viên đội ngũ CBCCVCNLĐ tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của ngành VHTTDL.
Đại diện Công đoàn Bộ cùng lãnh đạo Hội CCB Bộ VHTTDL đến thăm và chúc mừng mẹ VNAH Nguyễn Thị Vạch nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân 22-12
Đồng thời Công đoàn Bộ đã tổ chức, triển khai được nhiều hoạt động sôi nổi, hiệu quả, có trọng tâm, trong đó có việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn trong bối cảnh hiện nay. Sau đây là vài nét mới, những điểm nhấn, kinh nghiệm tổ chức và các giải pháp nhằm đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của Công đoàn Bộ VHTTDL trong hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam.
1. Là một tổ chức công đoàn của một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực: văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, với 75 đầu mối là công đoàn cơ sở và công đoàn bộ phận trực thuộc, trong đó có 2 tổ chức công đoàn lớn là: Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thể dục thể thao. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Lãnh đạo Công đoàn Viên chức Việt Nam, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ VHTTDL, Công đoàn Bộ VHTTDL ngay sau khi Đại hội khóa II, đã kịp thời ổn định tổ chức, bộ máy, xây dựng và ban hành các Quy chế hoạt động của BCH công đoàn Bộ, Quy chế làm việc của UBKT công đoàn Bộ với một quyết tâm mới, một khí thế mới, tinh thần mới, đó là Đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường hướng về cơ sở, với phương châm “mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, lời nói đi đôi với việc làm”. Đặc biệt, hàng năm Công đoàn Bộ phát động thi đua theo các chủ đề, ví dụ: 2012- Năm An toàn giao thông; 2013-năm Hướng về cơ sở; 2014 – năm Xây dựng cơ quan văn minh, công sở văn hóa và 2015- năm Công đoàn thực hiện NQ 33/TW về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và năm 2016 là năm Công đoàn thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp... Để từ đó, mỗi năm Công đoàn Bộ xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thiết thực (từ 16 đến 18 nội dung quan trọng); phù hợp với điều kiện của Ngành VHTTDL và của tổ chức công đoàn.
2. Một số hoạt động tiêu biểu của Công đoàn Bộ VHTTDL và kết quả cụ thể.
- Điểm nhấn & đổi mới thứ nhất, là thiết thực đổi mới nội dung công tác.
Với nhận thức và tư duy biện chứng: phải thay đổi nội dung công việc một cách triệt để, tăng hàm lượng tri thức, chất xám cho từng công việc, từng nội dung cụ thể, trên tinh thần kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, nhưng không lặp lại cái đã làm, cái cũ một cách máy móc, mà phải “làm mới, làm hay, làm tốt hơn cái cũ“ trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép thực thi. Vi thế trong hơn 4 năm qua, Công đoàn Bộ đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền (Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ năm 2014) và Thi “Tìm hiểu 70 năm ngành TDTT Việt Nam (năm 2016)”.
Mỗi cuộc thi nhận được hàng trăm bài thi viết có chất lượng, có bài thi dày từ 200 đến 300 trang, sau đó lại tổ chức Thi sân khấu hóa về các chủ đề này với nhiều tiết mục hay, hấp dẫn); hoặc hoạt động nữ công 3 năm gần đây với “Thưởng thức quà quê & Hương sắc vườn xuân” (năm 2013); Thi cắm hoa Nghệ thuật (2014), thi Nấu ăn ”Bữa cơm gia đình Việt nam” (2015) với những ý tưởng hay, sáng tạo độc đáo, hấp dẫn cho hàng ngàn đoàn viên công đoàn. Phong trào văn nghệ-thể thao cứ 2 năm một lần “đến hẹn lại lên” (cách 1 năm văn nghệ / 1 năm thể thao) là những phong trào sôi nổi, phong phú, nhiều màu sắc, ấn tượng, ý nghĩa thiết thực cho tổ chức công đoàn, người lao động từ công đoàn cơ sở, đến các Khối và Công đoàn Bộ.
Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin, tuyên truyền cũng được Công đoàn Bộ chủ động, sáng tạo với nhiều cách làm mới, hiệu quả. Chẳng hạn tuyên truyền triển khai Nghị quyết 33/NQ-TW của Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chúng tôi đã mời chuyên gia nói chuyện, quán triệt, cung cấp thông tin cho cán bộ chủ chốt ở các công đoàn cơ sở. Sau đó (từ năm 2015 đến năm 2016, mỗi năm tổ chức 01 hội thảo về nội dung quan trọng này), để các tổ chức công đoàn nâng cao nhận thức và hành động, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn, hoặc triển khai cuộc vận động lớn của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn Bộ đã tổ chức Hội thảo về đẩy mạnh cuộc vận động trong CBCCVCLĐ của Bộ về chủ đề “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Tóm lại, các hoạt động của Công đoàn Bộ thời gian qua luôn có sự đổi mới, năng động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.
- Điểm nhấn & đổi mới thứ hai là đổi mới phương thức hoạt động. Mỗi năm, Công đoàn Bộ đã đề ra gần 20 nội dung công việc trọng tâm, trong đó có những hoạt động nổi bật như hoạt động văn nghệ, thể thao, nữ công, tổ chức tập huấn, tuyên truyền thông tin, đền ơn đáp nghĩa…
Ngoài việc thành lập các Khối công đoàn trực thuộc công đoàn Bộ (hiện có 5 khối), Công đoàn Bộ cũng chú trọng đổi mới các hoạt động chung của công đoàn, nhất là trong hoạt động tuyên truyền thông tin (như đã nêu trên), đồng thời trong triển khai văn bản, công văn, thư từ (kết hợp gửi qua Email-mỗi năm trên 50 công văn điện tử nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí), đã có hình thức hội nghị, hội họp mời báo cáo viên có kinh nghiệm về để truyền đạt nội dung (ví dụ như: Luật Công đoàn 2012, thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở” trong các tổ chức công đoàn các doanh nghiệp (mời Báo cáo viên ở Bộ Lao động Thương binh & xã hội…) hoặc hoạt động Nữ công có sự phối hợp với Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” của Bộ VHTTDL để tổ chức triển lãm ảnh, chiếu phim tư liệu & ẩm thực quà quê (ngày 20-10), hoặc tham gia gian trưng bày “Cắm hoa nghệ thuật” (năm 2016 nhân Kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế lao động) rất ấn tượng, đẹp và ý nghĩa.
Hằng năm gặp mặt, khen thưởng các cháu cũng có nhiều đổi mới (thay đổi địa điểm, kết hợp chiếu phim, xem kịch, xem xiếc, xem múa rối.) Trong tổ chức tập huấn công đoàn, ngoài nội dung của các đồng chí giảng viên, báo cáo viên, Công đoàn Bộ có tổ chức trao đổi thông tin dưới dạng hỏi-đáp rất thực tế cho các công đoàn cơ sở…
Với nhận thức rằng, hoạt động công đoàn là sự lan tỏa, hiệu ứng dây chuyền nhằm thúc đẩy các phong trào chung, các hoạt động công đoàn từ cấp trên xuống cơ sở. Vì vậy, trong những năm qua các văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Công đoàn Viên chức Việt Nam về các nội dung lớn, như: công tác tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển đoàn viên, hoạt động nữ công, an toàn vệ sinh lao động, đền ơn đáp nghĩa … đều được triển khai kịp thời, hiệu quả & có tính sáng tạo. Ví dụ: tuyên truyền cho Đại hội XI Công đoàn VN, bên cạnh truyên truyền trực quan bằng panô, áp-pích, Công đoàn Bộ đã cho in và phát hành xuống 74 công đoàn cơ sở tập tài liệu với nhiều nội dung phong phú, thiết thực (kèm theo tranh ảnh minh họa đẹp), hoặc cử 2 đoàn nghệ sĩ tham gia phục vụ quân, dân đảo Trường Sa và đảo Bạch Long Vĩ, đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp; hoặc “Thi tìm hiểu cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020” của Công đoàn Viên chức VN, Công đoàn Bộ đã chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, sáng tạo và đạt giải Nhì toàn đoàn…
- Đặc biệt điểm nhấn thứ ba, là chú trọng các hoạt động chuyên môn: Trong quá trình hoạt động, bên cạnh chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội (theo Nghị định 200/NĐ-CP ngày 23/11/2013 của Chính phủ); Công đoàn Bộ đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn tích cực tham gia các hoạt động của chính quyền: Đó là xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp quy của ngành VHTTDL cũng như của đất nước, như (đây có thể coi là đặc thù cơ bản của Công đoàn các Bộ, Ban, ngành Trung ương): góp ý Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật Đất đai 2003 (sửa đổi); Luật Dân sự (sửa đổi); Luật hình sự (sửa đổi); Tổng kết 15 năm thực hiện NQ TW 5 (Khóa VIII) và xây dựng Dự thảo Nghị quyết TW 9 (khóa XI) của Đảng; Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Du lịch, Luật Thể dục thể thao & nhiều đề án, chiến lược của Chính phủ, Quốc hội. Nhiều văn bản pháp quy đã được các tổ chức công đoàn & đoàn viên công đoàn đóng góp, xây dựng & tham mưu để ban hành đi vào cuộc sống.
3. Một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở thời gian qua.
Bên cạnh những mặt mạnh, những thành tích, kết quả đạt được, trong thời gian qua, công đoàn Bộ VHTTDL cũng có những hạn chế như sau:
- Hoạt động của các công đoàn cơ sở chưa đồng đều, có những đơn vị đông đoàn viên, kinh phí dồi dào, thì tổ chức được nhiều hoạt động tốt, các đơn vị ít người, ít tiền, thường gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động công đoàn.
- Do phân cấp thu-chi, nên kinh phí hoạt động công đoàn ở một số đơn vị chưa nhiều, ảnh hưởng lớn tới hoạt động nói chung.
- Các đơn vị khối nghệ thuật biểu diễn, do mùa, vụ, hay phải đi biểu diễn ở các tỉnh xa (ví dụ đầu năm mùa lễ hội, hay lưu diễn tại các hội diễn sân khấu toàn quốc), nên không đủ đoàn viên để tham gia các hoạt động công đoàn.
- Hầu hết ở các công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, bận nhiều công việc chuyên môn, nên thời gian đầu tư cho hoạt động công đoàn cũng chưa nhiều.
- Cá biệt ở một số công đoàn cơ sở, lãnh đạo cơ quan cũng chưa thật sự ủng hộ, quan tâm cho các hoạt động công đoàn.
4. Một số giải pháp nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn Bộ VHTTDL trong thời gian tới.
Để hoạt động của công đoàn Bộ VHTTDL hoạt động có hiệu quả, thiết thực trong tình hình mới, xin nêu ra một số giải pháp như sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc những quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về định hướng, vai trò tiên phong của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đây là điều cốt yếu, là nền tảng và kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động của các cấp công đoàn chúng ta.
Hai là, trong cơ chế và quan hệ công việc, luôn thực hiện triệt để sự chỉ đạo của Công đoàn Viên chức Việt Nam, của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ VHTTDL. (Luôn giữ cho mối quan hệ “trên dưới hài hòa, trong ngoài êm ấm”). Với vai trò tham mưu, để tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ, một năm 2 kì, cần tổ chức (thông qua Hội nghị) Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, để Ban Thường vụ Công đoàn Bộ báo cáo kết quả công tác 6 tháng & 1 năm; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo cho các hoạt động nói chung.
Ba là, Công đoàn cấp trên cơ sở -Bộ VHTTDL (là đầu tàu tổ chức mọi hoạt động) phải chủ động, sáng tạo, luôn đổi mới các hoạt động vì nhiệm vụ chung. Các hoạt động cần bám sát tình hình, thực tiễn của ngành, đất nước, phù hợp với điều kiện chung của các công đoàn cơ sở; để sao cho có thể huy động được nhiều nguồn lực, vật lực, tài lực nhất cho hoạt động công đoàn ở cơ sở cũng như các khối và của công đoàn Bộ.
Bốn là, Bài học kinh nghiệm của Công đoàn Bộ VHTTDL nói trên thời gian qua, là đã làm tốt công tác dân vận/ kể cả “quan vận”, để tranh thủ sự lãnh đạo của các đơn vị về: “Chủ trương, nhân lực, kinh phí, thời gian” (8 chữ vàng).
Năm là, tăng cường hướng về cơ sở. Hoạt động công đoàn hướng về cơ sở không chỉ là “khẩu hiệu suông” mà bằng hành động thực tế. Ngoài việc đi cơ sở để nắm bắt thực tế hoạt động và kiểm tra việc thực hiện Điều lệ công đoàn Việt Nam. Công doàn Bộ cần duy trì và tổ chức tốt , hiệu quả 5 Khối công đoàn (khối thực chất là cánh tay nối dài của Công đoàn Bộ đến với công đoàn cơ sở); để kết nối và triển khai các hoạt động, giao lưu đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời cho cơ sở về: kinh phí, nội dung, tổ chức bộ máy, thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở…
Sáu là, Tăng cường giao lưu trao đổi kinh nghiệm công đoàn trong Khối Thi đua I Công đoàn Viên chức Việt Nam. Những năm qua, hoạt động giao lưu về công tác công đoàn, văn nghệ, thể thao và các hoạt động khác trong Khối I đã đem lại hiệu quả rõ rệt, thúc đẩy các hoạt động nội Khối ngày càng phát triển và lớn mạnh./.
Ths. Nguyễn Hữu Giới
Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL