Dốc sức cho chặng đua nước rút
22/04/2024 | 15:42Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, Olympic Paris 2024 sẽ chính thức khai mạc tại Paris (Pháp). Hiện các cuộc thi đấu giành vé dự Thế vận hội đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Và thể thao Việt Nam cũng đang dốc sức cho các cuộc thi đấu cuối.
Tin vui từ các tay chèo
Sau tấm vé thứ 9 của tay chèo Phạm Thị Huệ vào sáng qua 21/4, nếu xét về chỉ tiêu tối thiểu, thể thao Việt Nam sẽ còn thiếu 3 suất nữa. Vậy liệu việc giành 3 tấm vé này có là quá khó khăn với thể thao Việt Nam ở thời điểm Olympic Paris đang khá cận kề?
Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục thể thao phân tích, chúng ta vẫn còn hy vọng ở các môn như Judo, Điền kinh, Bắn cung, Bóng bàn, Bóng đá, Thể dục.
“Điểm thuận lợi hiện nay là thể thao Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Thể dục thể thao và hiện tại chúng ta đang dồn toàn lực bao gồm kinh phí, chế độ cho các VĐV từ việc ăn theo chế độ dinh dưỡng cao đến tập luyện, thi đấu, trang thiết bị.
Trong suốt thời gian qua, các bộ môn cũng đã được tham gia nhiều giải đấu để tích điểm hoặc cạnh tranh vé dự Olympic. Từ nay đến ngày chốt danh sách chính thức dự Thế vận hội, các môn sẽ tiếp tục thi đấu để tìm kiếm cơ hội. Hiện tại các đội tuyển, các VĐV rất quyết tâm cho chặng đua nước rút này”, ông Hoàng Quốc Vinh nói.
Tuy nhiên cũng theo vị chuyên gia đầu ngành này, khó khăn mà thể thao Việt Nam phải đối mặt chính là trong giai đoạn cuối cùng để cạnh tranh vé đến với Đại hội này, các châu lục, khu vực và các quốc gia đều đặt quyết tâm cao và dồn toàn lực.
Đối thủ mà các VĐV Việt Nam gặp trong các cuộc đua này đều là các VĐV mạnh nhất của châu lục và thế giới, lại đầy khát khao chiến thắng nên sẽ là những “đỉnh núi” cao buộc các VĐV Việt Nam phải vượt qua.
Một khó khăn nữa là trong khi nhiều nước có lợi thế vì họ đăng cai tổ chức các cuộc tranh vé dự Olympic, như Thái Lan đăng cai tới 3 giải vòng loại Olympic ở môn Boxing, Bắn cung và Điền kinh; Trung Quốc đăng cai vòng loại môn Taekwondo, Bắn cung… thì chúng ta đều phải ra nước ngoài thi đấu.
Việc không được thi đấu trên sân nhà cũng khiến cho các VĐV mất đi lợi thế nhất định. Đồng thời thể lực của các VĐV bị ảnh hưởng do phải di chuyển, nhất là khi tham gia tranh tài ở các quốc gia có độ chênh lớn về múi giờ hay khí hậu.
“Tuy nhiên đó cũng sẽ là khó khăn chung của nhiều quốc gia và thể thao Việt Nam đã tìm cách khắc phục để các VĐV có sự chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc thi đấu”, ông Hoàng Quốc Vinh nói.
Liệu có hoàn thành chỉ tiêu?
Từ giải vô địch Judo châu Á đang tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc), ông Nguyễn Hữu An, Tổng thư ký Liên đoàn Judo Việt Nam cho biết, đội Judo đang tranh tài tại đây để tích điểm giành vé dự Olympic.
Giải đấu này hướng tới hai mục tiêu: Một là tích điểm cho nhóm VĐV chủ lực trong việc tranh vé dự Olympic gồm Chu Đức Đạt (60 kg nam), Hoàng Thị Tình (48 kg nữ), Nguyễn Ngọc Diễm Phương (57 kg nữ) và phấn đấu đoạt huy chương tại giải. Các VĐV này đều có cơ hội giành vé dự Olympic, nếu họ có kết quả thi đấu tốt.
“Ngày 23/6, Liên đoàn Judo thế giới sẽ công bố danh sách các VĐV giành vé chính thức dự Olympic. Từ giờ cho tới đó, ngoài giải đấu này, đội tuyển Judo Việt Nam còn có cơ hội tại các giải vô địch thế giới tổ chức ở UAE vào cuối tháng 5 và giải đấu cuối cùng cạnh tranh vé chính thức là tại Moroco vào tháng 6”, ông Nguyễn Hữu An cho biết.
Bắn cung cũng đang chờ đợi các cuộc tranh tài để giành vé dự Đại hội. Để có một đội hình mạnh nhất, đội cũng đã tổ chức các cuộc thi đấu nội bộ và chuyên gia người Hàn Quốc Park Chae Soon cũng đang đẩy cao khối lượng huấn luyện cho các VĐV.
Theo ông Phan Trọng Quân, phụ trách môn Judo, Cục Thể dục thể thao, đội Bắn cung đang tập luyện ổn định tại Nhổn, các VĐV chuẩn bị cho Olympic đều được hưởng chế độ dinh dưỡng cao và được quan tâm, tập trung toàn diện cho mục tiêu này.
Hiện sức mạnh của đội tuyển Bắn cung đang có sự tăng cường với sự trở lại của tay cung kỳ cựu Lộc Thị Đào sau thời gian thực hiện thiên chức làm mẹ.
Bên cạnh đó, “cô gái vàng” xinh đẹp của đội tuyển Bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt và các đồng đội được xem là sự bổ sung sức trẻ cho đội tuyển như Triệu Huyền Điệp, Trần Thị Trà My cũng đang tập luyện tích cực. Sắp tới đội sẽ tranh tài tại giải đấu tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) để giành vé tham dự Thế vận hội.
Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thông tin, đội tuyển Điền kinh sẽ có 3 giải đấu là giải vô địch tiếp sức châu Á, giải Điền kinh Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng (ngày 1-2/6) và giải Thái Lan mở rộng (từ ngày 13-17/6).
Danh sách các VĐV thi đấu chính thức tại Olympic sẽ được chốt vào ngày 30/6 và ngày 10/7, Liên đoàn Điền kinh quốc tế sẽ công bố danh sách chính thức các VĐV giành vé dự Đại hội.
Tuy nhiên do khoảng cách giữa Điền kinh Việt Nam và thế giới còn xa nên việc giành vé chính thức của các VĐV là khá khó khăn, nhất là khi thông số thành tích để đủ chuẩn lại rất cao.
Chẳng hạn như ở nội dung nhảy xa, VĐV Bùi Thị Thu Thảo từng giành HCV Asian Games 18 với thành tích 6,55m nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để đạt chuẩn dự Olympic lần này, bởi thông số BTC đề ra là 6,82m.
Tại kỳ Olympic này, dự kiến sẽ có 48 VĐV được tham dự 1 nội dung thi đấu của Điền kinh.
Ngoài những VĐV đạt chuẩn (dự kiến khoảng 10 VĐV), các VĐV còn lại sẽ được xét theo ranking. Xét theo tiêu chí này thì VĐV càng tham gia nhiều cuộc thi đấu càng được tích điểm để có ranking cao. Tuy nhiên hạn chế của VĐV Việt Nam là chúng ta ít được thi đấu quốc tế hơn nhiều nước, nhất là ở các nước châu Âu nên ranking thấp.
Hiện tại Điền kinh Việt Nam đang trông mong vào nội dung 4x400m nữ. Năm ngoái 4 cô gái vàng của Điền kinh Việt Nam đã giành HCV châu Á nhưng điều đáng tiếc là hiện tại Nguyễn Thị Huyền đã giã nghiệp nên sức mạnh của đội bị ảnh hưởng đáng kể.
Tuy nhiên trong thời gian tập luyện gần đây, Quách Thị Lan đang có sự trở lại đầy mạnh mẽ nên được hy vọng là sẽ cùng Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh và Lê Thị Tuyết Mai tích cực tập luyện để cải thiện thông số thành tích.
Sau khi đoạt HCV châu Á vào năm ngoái, đội nữ 4x400m của Việt Nam đứng thứ 19 thế giới trong khi 16 vị trí đầu tiên sẽ giành vé chính thức. Thành tích chiếc HCV châu Á của đội nữ khi đó là 3 phút 31 giây 36, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đội đang nỗ lực cải thiện thành tích xuống còn 3 phút 30 giây tại các giải đấu sắp tới để lọt vào top 16, nhằm giành vé dự Đại hội.
“Tuy nhiên từ năm ngoái đến nay, trong khi ta tiến bộ thì các đối thủ cũng tiến bộ nên đòi hỏi các VĐV phải không ngừng nỗ lực. Khó nhưng chúng ta vẫn phải chiến đấu hết mình”, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh các đội tuyển vừa nêu ở trên, thể thao Việt Nam vẫn còn trông chờ vào đội tuyển bóng đá U23 quốc gia, đội tuyển Thể dục nên có thể khẳng định cánh cửa đến với Olympic vẫn đang rộng mở và chờ đón sự cố gắng vượt bậc của các VĐV.
Trong phần thi chung kết thuyền đơn nữ C1 200m sáng 21/4 tại Vòng loại Canoeing Olympic châu Á tổ chức tại Nhật Bản, tay chèo Nguyễn Thị Hương đã về đích thứ 2 với thời gian 49giây351, qua đó giành quyền góp mặt tại Olympic Paris. Đây là lần đầu tiên, Canoeing Việt Nam giành tấm vé chính thức tham dự một kỳ Thế vận hội.
Cũng trong sáng 21/4, tay chèo kỳ cựu Phạm Thị Huệ đã xuất sắc giành tấm vé dự Olympic thứ 9 cho Thể thao Việt Nam ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng tại Giải Rowing vòng loại Olympic châu Á và châu Đại dương, đang diễn ra tại Hàn Quốc.