Đoàn kết, tập hợp đội ngũ các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sĩ chung sức xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, văn nghệ, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
13/11/2021 | 08:14Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào 24/11 được rất nhiều các nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia, văn nghệ sĩ trong cả nước đặt nhiều kỳ vọng về việc "xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới". Nhân dịp này, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương về những ý kiến tham góp cho Hội nghị.
PV: Thưa ông, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, có nơi, có lúc, vẫn còn một bộ phận coi văn hóa, nghệ thuật là ngành mua vui, giải trí, tiêu tiền là chủ yếu. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
TSKH Phan Đình Tân: Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những người có tâm huyết và tầm nhìn rất quan tâm đến văn hoá, các chủ trương, chính sách vĩ mô về văn hóa cũng được nghiên cứu tương đối kỹ lưỡng và bài bản. Những điều đó thể hiện ở trong các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước… Tuy nhiên, trong đời sống thực tiễn, từ Nghị quyết, chính sách có được đi vào cuộc sống hay không lại phụ thuộc vào các ngành, các cấp, sự ủng hộ của nhân dân.
Dù nghị quyết có đề cao văn hóa là nền tảng tinh thần, là ngang hàng với kinh tế, chính trị… nhưng một bộ phận không nhỏ lãnh đạo ngành, những người phụ trách, liên quan đến công tác quản lý văn hóa vẫn dửng dưng, vẫn xem nhẹ, thậm chí là xem thường văn hóa là mua vui, giải trí, chỉ biết tiêu tiền… thì còn rất lâu (ít nhất là thay đổi một vài thế hệ) để nhận thức lại vai trò của văn hóa mới có sự phát triển và khẳng định đúng vai trò trọng yếu – nền tảng của văn hoá. Cũng như trong lịch sử, dân tộc ta luôn khẳng định vai trò của nhân dân – Dân là gốc hay lật thuyền là dân, đẩy thuyền là dân… điều đó rất đúng và đã được lãnh đạo có tâm huyết, có tầm nhìn qua các thời kỳ của đất nước ta coi trọng. Nhưng còn đâu đó một bộ phận quan chức vẫn xem dân là đối tượng để thu vén cá nhân, củng cố quyền lực, địa vị để có lợi ích cá nhân nhiều hơn và vì thế "gốc" nhiều khi bị hành hạ do thấp cổ, bé họng, thậm chí bị lạm dụng một cách thô bạo và bị khai thác triệt để bởi những tham quan và những kẻ vô lương tâm trong bộ máy công quyền.
PV: Những tư tưởng lớn về văn hóa đã được Đảng đưa thành Nghị quyết trong các kỳ đại hội rất đầy đủ. Vấn đề là đưa những tư tưởng đó triển khai sâu rộng trong đời sống và có chế tài để giám sát thực hiện. Theo ông, việc triển khai các Nghị quyết về văn hóa trong đời sống đã thực sự hiệu quả?
TSKH Phan Đình Tân: Như tôi đã nói ở trên, các Nghị quyết của Đảng đã thể hiện tầm nhìn, đánh giá cao vai trò của văn hoá, tuy nhiên để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, để cụ thể hóa từ chiến lược biến thành năng lực và năng lượng thực tế thì nhiều lúc còn tương đối xa. Cụ thể, nhiều đề án, nhiều nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 năm 2008, Nghị quyết số 33 năm 2014 về văn hoá, văn học nghệ thuật đã không được thực hiện hoặc xin rút khỏi do thiếu các điều kiện, trong đó có điều kiện về tài chính và về nhận thức, kỷ cương... Dù vậy, việc triển khai hay không triển khai vì lý do gì đi nữa thì cũng cần có đánh giá khách quan, có chế tài thưởng phạt công bằng thì mới giữ nghiêm được kỷ cương, phép nước… Tuy nhiên, điều này đôi khi còn rất ít được quan tâm một cách nghiêm cẩn nên có hiện tượng bị nhờn thuốc, gây bức xúc trong nhân dân và gây lãng phí và những hậu quả xấu khác ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay?
TSKH Phan Đình Tân: Để đánh giá về vai trò văn hoá, của đội ngũ các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sĩ… trong việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay, theo tôi có thể trích dẫn một số ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ", phải "xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc"; "Văn hóa là sợi dây có khả năng nối liền nhân dân các nước và các dân tộc… Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hoá, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người"; "sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới"; "văn hóa là tất cả những gì không phải thiên nhiên, nghĩa là tất cả những gì do con người, ở trong con người và liên quan trực tiếp nhất đến con người"; "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"…
PV: Ông có thể cho biết những đề xuất, kiến nghị của ông nhằm đoàn kết, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ chung sức xây dựng và phát huy giá trí văn hóa, văn nghệ, sức mạnh của con người Việt Nam góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
TSKH Phan Đình Tân: Để đoàn kết, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ chung sức xây dựng và phát huy giá trí văn hóa, văn nghệ, sức mạnh của con người Việt Nam góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, theo tôi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải thật sự quan tâm, mạnh dạn thay đổi nhận thức của đội ngũ các nhà quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật, phải thực tâm và thực lòng tôn trọng văn hóa văn học nghệ thuật. Để làm được điều đó, thì việc bổ nhiệm các chức vụ tư lệnh ngành, những người phụ trách quản lý văn hóa văn học nghệ thuật phải là những người có am hiểu, được đào tạo cơ bản và nếu được tốt hơn thì phải là những người có kiến thức sâu về lĩnh vực này để biết chia sẻ, thấu hiểu và đồng cảm với những thuận lợi cũng như những khó khăn của lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế này.
Có kế hoạch đầu tư, bảo tồn mang tầm quốc gia đối với một số loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một và ít có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Thông qua văn hoá, qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Có chế độ và có sự quan tâm thực sự để nuôi dưỡng, đầu tư… tài năng văn học, nghệ thuật, không chỉ là tôn vinh, khai thác, sử dụng những người đã thành danh.
PV: Xin cảm ơn ông!