Định vị thương hiệu “Hà Nội - Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử”
26/04/2024 | 15:35Để thu hút đông đảo du khách nhiều hơn, Hà Nội xác định tập trung xây dựng, phát triển và định vị du lịch văn hóa.
Đó là nội dung được đặt ra tại tọa đàm “Hà Nội - Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử” diễn ra ngày 25-4, trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024.
Thế mạnh du lịch văn hóa
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội, Thủ đô có mật độ di tích lịch sử, văn hóa hàng đầu cả nước với trên 6.000 di tích đã được xếp hạng. Trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO xếp hạng như: Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Gióng và trên 1.200 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia... Đây là nền tảng để Hà Nội phát triển là điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử hàng đầu cả nước và khu vực.
Sức hấp dẫn về du lịch văn hóa, lịch sử đã giúp Hà Nội được nhiều tổ chức du lịch thế giới xếp hạng, bình chọn ở những giải thưởng lớn như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới. Gần đây nhất là Tạp chí TripAdvisor bầu chọn là Điểm đến hấp dẫn thứ 4 thế giới và Điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới...
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang nhận định, với vị thế là trung tâm văn hóa của cả nước, du khách đến Hà Nội luôn có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Còn Phó Trưởng phòng Quy hoạch, Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Bùi Diễm Hảo cho rằng, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại mang thương hiệu khu vực và trên thế giới.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện Thủ đô đã và đang phát triển các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử thu hút du khách như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bảo tàng Hồ Chí Minh và Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thực hiện kết nối chuỗi các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang gắn các loại hình du lịch nghệ thuật với di sản như: Múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa (Đông Anh); khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng nghề trồng hoa Mê Linh; phát triển, kết nối chuỗi di tích ở Ba Vì...
Cần xây dựng sản phẩm chiến lược
Mặc dù xác định du lịch văn hóa, lịch sử là thế mạnh lớn nhưng theo nhận định của các chuyên gia, sự giàu có của văn hóa Hà Nội chưa được khai thác tương xứng, nên đôi lúc chưa thật sự làm hài lòng du khách.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Tú cho rằng, cần có sự đổi mới chiến lược xây dựng sản phẩm để tăng sức hấp dẫn với du khách hơn. Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có sản phẩm chiến lược là tour đêm “Tinh hoa đạo học”, tuy nhiên, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ trong xây dựng sản phẩm. Trong đó, Trung tâm sẽ hướng đến phục dựng các hoạt cảnh liên quan đến học hành, thi cử đỗ đạt xưa, như: Phục dựng lễ vinh quy bái tổ, lễ xướng danh, hay lớp học xưa…
Là đơn vị lữ hành thường xuyên xây dựng sản phẩm du lịch cho Thủ đô, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái chia sẻ, các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử hiện nay đang góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội. Để hấp dẫn và thu hút du khách hơn nữa, Hà Nội còn cần thêm nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng và mới mẻ. Thời gian tới, Công ty Lữ hành Hanoitourist sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng tour du lịch sông Hồng về đêm, sản phẩm du lịch nghệ thuật truyền thống tại một số nhà hát trên địa bàn Hà Nội.
Cùng đóng góp cho việc xây dựng sản phẩm văn hóa, lịch sử hấp dẫn và bền vững cho Thủ đô, Phó Chủ tịch Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt Nguyễn Trung Thành cho rằng, việc xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa cần phải dựa trên các trụ cột là: Sáng tạo, tương tác và xã hội hóa.
“Cần phải có sự phân tích khách hàng với những nhóm đối tượng khác nhau để xây dựng sản phẩm phù hợp, có vậy mới khai thác hiệu quả. Hiện nay, Bát Tràng đang xây dựng Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng với mục đích để người dân cùng tham gia làm du lịch. Dự án này hình thành sẽ góp phần làm phong phú thêm cho du lịch văn hóa ở ngoại thành Hà Nội”, ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ.
Có thể thấy, du lịch văn hóa, lịch sử được xem là thế mạnh và cốt lõi của du lịch Hà Nội. Phát triển du lịch văn hóa cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Hiện nay, các sản phẩm mới được xây dựng tại Hà Nội đều nỗ lực gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa sẵn có của Thủ đô.