Định hướng tái thiết bảo tàng trong lòng di sản Huế
26/08/2024 | 09:00Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ở phía Đông bên ngoài Hoàng thành Huế đang được lên kế hoạch để tái thiết, xây dựng theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nơi đây hiện đang lưu giữ và bảo quản hơn 8.500 hiện vật của triều Nguyễn, nhưng không gian trưng bày không phù hợp, cơ sở vật chất xuống cấp…
Nhiều hạn chế trong trưng bày và bảo quản hiện vật
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) được thành lập đã hơn 100 năm dưới thời vua Khải Định, là một trong những bảo tàng cổ xưa bậc nhất Việt Nam. Bảo tàng có khuôn viên độc lập tại số 3 Lê Trực, có diện tích hơn 10.000 m2. Trong đó, không gian trưng bày chính là điện Long An với diện tích 1.200 m2, là một trong những ngôi điện đẹp nhất được xây dựng dưới thời triều Nguyễn.
Cùng với đó là khu cổ vật Chàm có diện tích 100 m2; không gian vua Hàm Nghi tại nhà Tế Tửu có diện tích 120 m2; hệ thống kho bảo quản cổ vật, hiện vật; không gian trưng bày ngoài trời khoảng 2.000 m2, chủ yếu trước mặt điện Long An;…
Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang được giao quản lý hơn 11.000 hiện vật, gồm: 8.508 hiện vật tại kho và đang trưng bày tại điện Long An, Khải Tường lâu (cung An Định), cùng với 2.726 hiện vật đăng ký sổ kiểm kê của 14 điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Trong đó, có 8 hiện vật/bộ hiện vật (với 33 hiện vật đơn lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, bảo tàng đang xuống cấp và gặp khó khăn, hạn chế trong công tác trưng bày và bảo quản. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: không gian trưng bày chính ở điện Long An có diện tích nhỏ, không phải thiết kế làm bảo tàng nên hạn chế việc trưng bày, bố trí ánh sáng, nhiệt độ phù hợp cũng như thiết kế tuyến tham quan cho du khách. Hiện không gian này chỉ trưng bày được khoảng 500 hiện vật trong khi đó hệ thống hiện vật đang được lưu giữ rất lớn.
Ngoài ra, khu cổ vật Chàm và không gian vua Hàm Nghi thì ở vị trí riêng biệt, gây tình trạng không liền mạch trong trưng bày… Kho cổ vật đảm bảo an toàn trong công tác bảo vệ hiện vật, nhưng diện tích nhỏ nên không đủ không gian cho bảo quản hiện vật. Nhà làm việc của bảo tàng ở vị trí hiện tại làm ngăn cách không gian tổng thể.
Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3.2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị với Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sau khi thị sát tại bảo tàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh về chủ trương xây dựng khu vực trưng bày mới cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế theo hướng phù hợp với không gian di sản, việc trưng bày phải đạt được tính hấp dẫn, hiện đại.
Định hướng về một bảo tàng trong lòng di sản
Theo ông Hoàng Việt Trung, quan điểm định hướng về việc xây dựng bảo tàng phải bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 137/TB-VPCP; không gian trưng bày phải phản ánh được nét đặc sắc của đời sống cung đình triều Nguyễn thông qua các bộ sưu tập hiện vật. Đảm bảo tính hấp dẫn, ưu tiên sử dụng tối đa hiện vật gốc; tạo không gian khám phá, sáng tạo cho công chúng; sử dụng công nghệ, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại…
Hình thức kiến trúc công trình vừa phải giữ được bản sắc riêng của bảo tàng vừa đảm bảo các quy định về bảo tồn di sản văn hóa… Đặc biệt, thiết kế bảo tàng cần có sự kết nối giữa bảo tàng và điện Long An, nhà Tế Tửu, khu cổ vật Chàm, khuôn viên Quốc Tử Giám (nằm phía Nam của điện Long An - PV) cũng như không gian trưng bày, diễn giải ngoài trời…
Tại hội thảo “Tái thiết và phát triển Không gian bảo tàng trong lòng di sản” vừa được tổ chức, TS.Reigh Young Bum - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc (AURI) đã đưa ra ý tưởng về xây dựng Khu phức hợp Bảo tàng Lịch sử Huế kết nối Hoàng thành Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Khu phức hợp này sẽ là mắt xích văn hóa, mở rộng nội dung lịch sử của Kinh thành Huế thành mạng lưới không gian văn hóa lịch sử, đồng thời làm cầu nối văn hóa, phát triển giáo dục lịch sử văn hóa cho cộng đồng và trường học địa phương.
Khu phức hợp Bảo tàng Lịch sử Huế cần phải bắt đầu từ việc xây dựng quy hoạch chung tích hợp giá trị xã hội của thành phố và kiến trúc, lịch sử và văn hóa, cộng đồng và giáo dục văn hóa nghệ thuật thay vì chỉ tiếp cận như một phần cứng.
Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị trùng tu di tích Quốc Tử Giám. Sau khi hoàn thành, khu vực Quốc Tử Giám sẽ được định hướng trưng bày với nội dung giáo dục, khoa cử thời Nguyễn và tổ chức các hoạt động liên quan về giáo dục. Đây cũng sẽ là một không gian quan trọng khi tái thiết và phát triển Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, định hướng không gian kiến trúc của bảo tàng mới sẽ gồm: Khu trưng bày hiện vật (trưng bày thường xuyên, trưng bày các bộ sưu tập theo chất liệu, trưng bày chuyên đề, không gian trưng bày diễn giải ngoài trời); Không gian khám phá sáng tạo, giáo dục di sản; Khu vực chức năng với khu bảo quản, phục chế hiện vật, khu vực tổ chức hoạt động dịch vụ…
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức Hội thảo quốc tế "Tái thiết và phát triển Không gian bảo tàng trong lòng di sản" nhằm tiếp nhận các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản văn hoá về xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Các chuyên gia đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng về thiết kế, quy trình thi tuyển kiến trúc xây dựng bảo tàng mới có quy mô đa chức năng, hiện đại nhưng vẫn mang được những đặc trưng kiến trúc truyền thống… Những góp ý của các chuyên gia là cơ sở cho việc nghiên cứu lập đề cương trưng bày bảo tàng cũng như tiến hành các thủ tục xây dựng một bảo tàng xứng tầm.