Định hướng không gian phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ
05/08/2024 | 11:16Trong quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ (ĐNB) là một trong 6 vùng phát triển du lịch của Quốc gia.
Với những lợi thế về du lịch sinh thái biển, rừng, nông nghiệp - nông thôn…, ngoài là một trong 6 vùng được quy hoạch, ĐNB còn là một trong 3 cực tăng trưởng. Đồng thời, ĐNB còn nằm trong khu vực động lực, hành lang du lịch chính vững chắc, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Liên kết, phát triển du lịch cấp vùng
Trong định hướng phát triển và liên kết phát triển du lịch theo các vùng kinh tế - xã hội được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng ĐNB được quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các đô thị, tài nguyên du lịch biển đảo. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng vùng: du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE), du lịch đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và kinh tế ban đêm, du lịch nghỉ dưỡng biển.
Bên cạnh đó, ĐNB còn tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Đồng Nai - Bình Dương; Bình Phước - Tây Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu. Liên kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông và phía Tây; với Campuchia theo hành lang du lịch Đông - Tây phía Nam.
Song song với việc tăng cường phát triển du lịch qua các hình thức liên kết, ĐNB còn là cực tăng trưởng du lịch chủ đạo gắn với các cực tăng trưởng quốc gia. Trong đó, chủ chốt chính là thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành cửa ngõ thu hút khách quốc tế lớn nhất Việt Nam, lan tỏa và dẫn dắt du lịch toàn bộ vùng ĐNB cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, hợp tác, liên kết phát triển, nhất là liên kết phát triển du lịch đem lại lợi ích cho mỗi địa phương và cả vùng. Thông qua việc hợp tác hỗ trợ và bổ sung sản phẩm về du lịch cho nhau, tạo ra các chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh, tạo sự cạnh tranh với các vùng khác; đồng thời, thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần, người dân có thu nhập cao như vùng ĐNB.
Ông Lê Ngọc Khánh cũng cho rằng, hợp tác, liên kết là cơ hội để thu hút đầu tư giữa những địa phương; cơ hội để trao đổi, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; cơ hội tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng.
Phát triển các khu du lịch quốc gia
Theo quy hoạch du lịch quốc gia, việc xây dựng và hình thành 8 khu vực động lực phát triển du lịch để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch. Theo lộ trình, đến năm 2030, sẽ hình thành 6 khu vực động lực. Trong đó, Đồng Nai nằm trong hành lang du lịch Đông - Tây phía Nam trên cơ sở hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối với Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Bên cạnh những liên kết, phát huy thế mạnh địa phương, những điểm được chọn lựa, phát triển thành hệ thống các khu du lịch (KDL) quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các KDL quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận. Tại vùng ĐNB có 5 điểm đến của 5 địa phương được chọn phát triển KDL quốc gia gồm: khu vực Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh; điểm Long Hải - Bình Châu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; núi Bà Đen của tỉnh Tây Ninh; khu Bà Rá - Thác Mơ của tỉnh Bình Phước và hồ Trị An của tỉnh Đồng Nai.
Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, hồ Trị An có diện tích trên 32 ngàn hécta, nằm trải dài qua các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán. Đây là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí thượng nguồn sông Đồng Nai. Không chỉ giữ vai trò là nguồn cung cấp nước cho người dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, hồ Trị An còn có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển du lịch. Trong quy hoạch phát triển du lịch, khu vực ven hồ Trị An được quy hoạch là một trong 6 điểm du lịch cấp quốc gia.
Thời gian qua, du lịch ven hồ Trị An có sự phát triển khá mạnh, nhất là mô hình kinh doanh du lịch cắm trại, trải nghiệm chèo thuyền trên hồ đã thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để bảo đảm cho các mô hình du lịch trên hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, đúng quy định, các cơ quan quản lý nhà nước, chủ rừng phải tăng cường sự quản lý, khai thác tiềm năng du lịch ven hồ Trị An một cách bài bản theo quy định của pháp luật.
Để hồ Trị An phát triển xứng tầm, cuối năm 2023, UBND tỉnh ban hành Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030. Hiện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang hoàn thiện các bộ tiêu chí mời gọi nhà đầu tư theo quy định.
Nhận định về tiềm năng phát triển du lịch từ hồ Trị An còn rất lớn, đặc biệt là nằm trong danh mục những dự án du lịch cấp quốc gia, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, khu vực ven hồ Trị An là một hệ sinh thái độc đáo, tuyệt vời cho phát triển du lịch. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhắc nhở đơn vị quản lý rừng cũng như các sở, ngành phải đánh giá đúng thực tế, gìn giữ không gian rừng, hồ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, bởi đó chính là lá phổi của miền ĐNB.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, trong quá trình khai thác, đơn vị chức năng phải bám sát từng dự án, tuyệt đối không cho thực hiện các tuyến đường xuyên rừng, thay vào đó, cần quan tâm đầu tư, khai thác tuyến đường quanh hồ, quanh rừng, vừa phát triển du lịch, vừa tăng cường bảo vệ rừng.