Định hình hệ sinh thái chuyển đổi số để nâng tầm di sản
13/05/2025 | 16:01Mỗi một ngôi tháp ở Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn không chỉ ẩn chứa trong mình những giá trị tiêu biểu về kỹ thuật, kiến trúc, phong cách mỹ thuật, mà còn kết tinh những giá trị của tinh hoa văn hóa Chăm Pa ẩn hiện trong thung lũng thần linh kỳ vỹ và trầm mặc.

Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN
Với việc ứng dụng chuyển đổi số, những câu chuyện về văn hóa, lịch sử của khu đền tháp Mỹ Sơn không những được kéo về gần hơn với cuộc sống, mà còn góp phần giải quyết bài toán phát triển du lịch mà không mâu thuẫn với bảo tồn.
Định hình hệ sinh thái ứng dụng chuyển đổi số
Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) Nguyễn Công Khiết chia sẻ, áp dụng mạnh mẽ công tác chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn chủ động thực hiện đã đem lại những thay đổi tích cực.
Cách đây 10 năm, khi dự án trùng tu khu nhóm tháp G kết thúc, các chuyên gia Italy đã tổ chức phòng trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Mỹ Sơn bằng hình thức số hóa để giới thiệu kết quả nghiên cứu, khảo cổ, trùng tu của dự án tháp G, được xem là hình mẫu của công tác trùng tu di tích Chăm tại miền Trung Việt Nam.
Để số hóa hiện vật, các chuyên gia Italy đã bàn giao và tập huấn cho Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn hệ thống phần mềm hồ sơ hiện vật lưu trữ. Theo đó, gần 1.000 hiện vật được số hóa và định danh, giúp cho công tác quản lý, sử dụng và phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, bảo quản hiệu quả hơn. Từ kết quả này, đến nay, tại Bảo tàng Mỹ Sơn có hơn 1.800 hiện vật, Bảo tàng Sa Huỳnh – Champa có gần 700 hiện vật được số hóa. Một số hiện vật quý giá tìm thấy trong quá trình phối hợp với các chuyên gia Ấn Độ trùng tu tháp cổ tiếp tục được thực hiện số hóa.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ nhất thời gian gần đây tại khu đền tháp Mỹ Sơn là quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch. Thời điểm COVID-19 bùng phát, du lịch "đóng băng" kéo dài, các tour tham quan bị hủy bỏ, du lịch thực tế ảo là phương tiện duy nhất giúp du khách trên khắp thế giới kết nối với các điểm đến để tham quan, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về di sản.
Trong bối cảnh đó, để đưa di sản lại gần du khách, Mỹ Sơn đã mở 4 chương trình thuyết minh trực tuyến với 4 chủ đề là: "Khu đền tháp Mỹ Sơn với những thông tin cần thiết và trải nghiệm", "Theo dòng lịch sử hình thành và phát triển khu đền tháp Mỹ Sơn", "Lịch sử hình thành nhóm tháp A, quá trình trước và sau trùng tu", "Mùa Xuân bên tháp cổ". Những sản phẩm này được phát trên phương tiện công nghệ như mạng xã hội facebook, youtube đã tạo được sự tương tác sâu rộng với du khách, được du khách đánh giá cao.
Cùng với những sản phẩm cụ thể, công tác chuyển đổi số từ việc xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh các ứng dụng giúp du khách, doanh nghiệp tiếp cận thông tin điểm đến như: Sử dụng vé, hóa đơn điện tử, dịch vụ internet banking, quét QR tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đạt những kết quả tốt đẹp. Từ sau COVID-19 đến nay, lượng khách đến tham quan nơi đây năm sau luôn cao hơn năm trước 10%. Riêng năm 2024, khách du lịch đến Mỹ Sơn đạt trên 446 nghìn lượt người, trong đó có 405 nghìn lượt khách quốc tế, tăng trên 21% so với năm trước, doanh thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ trên 70 tỷ đồng.
Đưa Mỹ Sơn đến không gian mới hơn

Khách du lịch tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Đặng Hữu Phúc nhấn mạnh, Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 949/QĐ-BVHTTDL ngày 22/4/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch chuyển đổi số của ngành và nhiều chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam đã đặt ra cho huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhiệm vụ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần hình thành xã hội thông tin, bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn hóa đến với công chúng.
Trong không gian phát triển chung đó, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, định hình di sản Mỹ Sơn trên bản đồ số hướng đến một không gian mới, rộng mở hơn. Để giảm nguồn đầu tư từ Nhà nước, Mỹ Sơn đã xúc tiến vận động từ phía doanh nghiệp thông qua hoạt động xã hội hóa để đẩy mạnh chuyển đổi số. Mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, doanh nghiệp và Nhà nước. Hướng tiếp cận này đã giải bài toán tài chính cho đơn vị trong giai đoạn khó khăn về nguồn lực đầu tư. Theo đó, những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trực tiếp đầu tư vào hệ thống hạ tầng công nghệ đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn Nguyễn Công Khiết cho biết, Công ty chuyển đổi số Vietsoftpro phối hợp cùng Ban Quản lý phát huy giá trị di sản bằng công nghệ số, đem lại những tiện ích lớn. Theo đó, hệ thống thuyết minh tự động tại khu di sản được ra mắt vào năm 2023 với 40 câu chuyện và 6 ngôn ngữ khác nhau gồm: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh đã trở thành sản phẩm tiêu biểu cho việc chuyển đổi số thành công trên lĩnh vực du lịch tại đơn vị. Từ đây, kho tàng thông tin hiện vật về Mỹ Sơn huyền bí được mở ra, dẫn dắt những câu chuyện lịch sử chỉ bằng một cú lịch chuột, một chạm đến với Mỹ Sơn.
Từ thành công này, Mỹ Sơn tiếp tục hợp tác với đối tác Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) để xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo 360. Dù ở bất kỳ nơi đâu, du khách cũng có thể tham quan, tương tác tại các vị trí của khu đền tháp Mỹ Sơn thông qua hệ thống thế giới ảo Metaverse, giúp du khách tham quan, trải nghiệm như ngoài thực tế, người dùng có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong Khu đền tháp bằng nhân vật đại diện, di chuyển đến vị trí mình yêu thích, tạo cảm giác như mình đang có mặt tại Mỹ Sơn. Thời gian tới, công tác chuyển đổi số diễn ra sẽ ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, từ bảo tồn, đến phát huy giá trị di sản, quản lý bảo vệ rừng cảnh quan di sản.
Có thể nói, chuyển đổi số tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã định hình được hệ sinh thái ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Mới đây, trong buổi làm việc với các chuyên gia thuộc Cơ quan nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ (ASI) và Việt Nam trong việc triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo, trùng tu khu tháp E, F thuộc quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, giai đoạn 2025-2029, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho biết, Khu đền tháp Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại. Những giá trị văn hóa độc đáo, danh hiệu cao quý này cần được phát huy, khai thác hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, bảo tồn và lưu giữ cho mai sau. Do đó, việc định hình hệ sinh thái chuyển đổi số để nâng tầm di sản là ưu tiên hàng đầu để vừa bảo vệ, vừa phát huy di sản, bảo tồn yếu tố gốc, giải quyết hài hòa bài toán phát triển du lịch nhưng không mâu thuẫn với bảo tồn.
Nguồn: TTXVN