Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án bảo tồn, tu bổ di tích trọng điểm ở khu di sản Huế

08/12/2023 | 11:00

Ngày 7/12, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 7 khóa VIII. Kỳ họp dự kiến sẽ thông qua 30 Nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương; trong đó, có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ những di tích trọng điểm ở khu di sản Huế.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án bảo tồn, tu bổ di tích trọng điểm ở khu di sản Huế - Ảnh 1.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: S.Thùy

Theo ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế tăng trưởng trên 7%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra; thu ngân sách đạt hơn 11.000 tỉ đồng, vượt dự toán Trung ương giao; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỉ đồng. Đặc biệt, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nằm trong nhóm 5 tỉnh cao nhất cả nước… Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn; du lịch phục hồi chậm; các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đất đai, đầu tư, quy hoạch,… còn nhiều vướng mắc. Việc triển khai tháo gỡ các khó khăn đối với các dự án ngoài ngân sách còn chậm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8,5-9,5%; GRDP bình quân đầu người là 3.000 USD; phấn đấu thực hiện thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với năm 2023; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn dưới 1,76%;... Tỉnh cũng dự kiến thực hiện 6 chương trình trọng điểm, gồm: chương trình phát triển đô thị (bao gồm chương trình di dời dân cư, giải phóng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế); chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình phát triển văn hóa, du lịch- dịch vụ; chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh; chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án bảo tồn, tu bổ di tích trọng điểm ở khu di sản Huế - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII. Ảnh: S.Thùy

Dự kiến, trong hai ngày diễn ra kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII sẽ thông qua 30 nghị quyết. Trong chiều ngày 7.12, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; trong đó có dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa và dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu- giai đoạn 1, tại khu di sản Đại Nội Huế.

Trước đó, năm 2021, dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và khởi công với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, thực hiện trong vòng 4 năm. Dự án được bố trí 100 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 theo Thông báo số 410/TB-VPCP ngày 29.12.2020 của Văn phòng Chính phủ. Thế nhưng, do tính chất đặc thù của công trình trùng tu di tích, dự án phải tiến hành công tác khảo cổ, lấy ý kiến của các chuyên gia và thu thập tư liệu lịch sử để xác định tính chất nguyên trạng, yếu tố lịch sử công trình làm cơ sở để thiết kế xây dựng tu bổ, phục hồi công trình di tích theo Luật Di sản. Ngoài ra, trong các năm 2020 và 2021, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai trên hiện trường. Do đó, trong năm 2021, giá trị giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 của dự án mới đạt gần 67,56 tỉ đồng; số vốn còn lại hơn 32,44 tỉ đồng không được phép kéo dài thời gian thực hiện theo văn bản của Bộ KH&ĐT và đã huỷ dự toán. Để triển khai dự án đúng tiến độ, trong năm 2023, tỉnh Thừa Thi Huế đã bố trí 28 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.

Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác lắp dựng hệ khung gỗ, hệ kết cấu mái, căn chỉnh hệ khung, đang triển khai thi công phần con giống hệ mái, lắp dựng máng xối đồng… Giá trị thực hiện đạt khoảng 80% khối lượng công trình. Để hoàn thành dự án, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư, HĐND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với nguồn vốn trung ương còn gần 67,56 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương tự cân đối và tổng mức đầu tư là không đổi.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án bảo tồn, tu bổ di tích trọng điểm ở khu di sản Huế - Ảnh 3.

Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa đang được triển khai

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu- giai đoạn 1. Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 2.2021, với tổng mức đầu tư hơn 272,7 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương và nguồn vốn hợp pháp khác.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của dự án đã được HĐND tỉnh giao tại Nghị quyết số 111/NQ-HĐND ngày 14.10.2021 là 100 tỉ đồng, bao gồm 50 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương bổ sung và 50 tỉ đồng từ nguồn thu phí tham quan di tích. Trong năm 2021, dự án được dự kiến bố trí 50 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 theo Quyết định số 487/QĐ-TTg ngày 30.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho tỉnh Thừa Thiên Huế để đầu tư trùng tu một số công trình bị hư hỏng nặng thuộc Di tích Cố đô Huế.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của công trình trùng tu di tích, phải thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định; cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Theo đó, dự án đã không được kịp thời phê duyệt trong các năm 2021 và năm 2022 để được bố trí kế hoạch vốn theo quy định. Số vốn 50 tỉ đồng thuộc nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 chưa được giao cho dự án, đã huỷ dự toán và thu hồi về ngân sách trung ương.

Để tiếp tục triển khai các thủ tục thực hiện dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu- giai đoạn 1, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án là nguồn ngân sách tỉnh. Dự án được thực hiện trong 4 năm, kể từ ngày khởi công.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×