Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Diễn đàn 15 năm thực hiện NQ TƯ 5 khóa VIII: Hòa Bình phát huy các giá trị văn hóa trong thời kỳ hội nhập

25/04/2013 | 15:15

Ngày 23.4, Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tại thành phố Hòa Bình. Đến dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thị tỉnh Hòa Bình.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu

tổng kết Hội nghị

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đánh giá chung: Qua 15 năm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Kết luận Nghị quyết Trung ương 10 (khóa IX) và các Chỉ thị, Nghị quyết, quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay từng nội dung, nhiệm vụ đã có những tác động rõ rệt đến đời sống mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về xây dựng đạo đức, lối sống nhân văn ngày càng nâng cao; việc giữ gìn và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong từng gia đình, dòng họ, vùng miền, dân tộc được đề cao. Bên cạnh sự phát triển linh hoạt, sôi động của đời sống xã hội đương đại vẫn tồn tại khoảng không gian mang đậm sắc thái đặc trưng trong mỗi gia đình, dòng họ trong cộng đồng mỗi dân tộc. Việc thực hiện các chương trình hành động cụ thể của tỉnh đã góp phần thay đổi cơ bản lối sống, cách nghĩ của đa số nhân dân về cách ứng xử, các hành vi, đạo đức trong quan hệ kinh tế, hợp tác phát triển. Trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong thời kỳ hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, từng bước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh...

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) do đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình trình bày tại Hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại diễn đàn quan trọng này, nhiều tham luận của các đoàn thể, sở ngành và huyện thị trên địa bàn tỉnh cũng đã nêu bật những kết quả có ý nghĩa mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã mang lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cũng đã bộc lộ không ít vấn đề cần được đưa ra mổ xẻ, phân tích, qua đó tìm giải pháp khắc phục. Bà Đinh Thị Kiều Dung (Phòng VH-TT, huyện Kim Bôi) cho biết một thực trạng rất đáng suy nghĩ: “Mặc dù đã có Nghị quyết về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nhưng đến nay văn hóa các dân tộc ít người nói chung, trong đó có dân tộc Mường đang có xu hướng bị mai một dần. Hiện nay hầu hết lớp người trung niên và thanh thiếu niên đã bỏ những trang phục truyền thống của dân tộc mình... Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa khi con trẻ bắt đầu nói tiếng nói đầu tiên cũng đã được các ông bố, bà mẹ trẻ dạy bằng tiếng Kinh”. Vấn đề mà bà Dung nêu ra đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ khi có một đại diện của một Sở nói rằng, “Thật buồn khi nhìn thấy các cháu hiện nay không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, không nói tiếng nói của dân tộc mình. Cứ để tình trạng này tiếp tục diễn ra thì sau này ai sẽ là người bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc đó”.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao quá trình chuẩn bị cũng như triển khai đồng bộ, khẩn trương của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể tỉnh Hòa Bình trong việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Mười lăm năm qua, tỉnh đã triển khai, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) với tinh thần trách nhiệm cao nhất từ việc cụ thể hóa các văn bản của Trung ương vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của tỉnh đến việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển văn hóa của tỉnh, và việc triển khai, thực hiện, kiểm tra để đưa Nghị quyết vào thực tiễn đời sống. Bộ trưởng cũng đánh giá cao những kết quả quan trọng mà tỉnh đã đạt được trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, quá trình 15 năm thực hiện Nghị quyết này, “nhìn lại, chúng ta vẫn còn những khuyết điểm, yếu kém”. Như một số cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể ở cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, có lúc chưa sâu sắc về vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chưa quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng là “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển”. Do vậy, đời sống văn hóa có nhiều vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ, lo ngại như trẻ em dân tộc thiểu số sống ở thành thị, thị trấn ít biết và phổ biến là không nói được tiếng nói của dân tộc mình, như người dân thuộc các dân tộc thiểu số không tự hào với trang phục vốn có của dân tộc mình... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có lúc, có nơi nặng về hình thức, chạy theo thành tích dẫn đến chất lượng phong trào không đảm bảo. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý với các nghệ nhân dân gian, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian là người dân tộc. Ông nhấn mạnh, “đáng lưu ý nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong đạo đức, lối sống, suy thoái về tư tưởng, xa rời lý tưởng cộng sản, tham nhũng, chưa gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về việc cưới, việc tang, khiến dư luận nhân dân bức xúc”.

Bên cạnh tán thành 7 mục tiêu và giải pháp cụ thể tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) mà Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã dự kiến, Bộ trưởng đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể của tỉnh chú trọng một số vấn đề có tầm quan trọng: Bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế là trung tâm, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội, tạo ra sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện, bền vững của quê hương Hòa Bình. Tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, vào từng gia đình, từng con người. Nâng cao hơn nữa chất lượng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ông đặc biệt lưu ý, sau Hội nghị này, tỉnh Hòa Bình nên nghiên cứu, xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Mường, và xem đây là điểm nhấn, là nét riêng của tỉnh trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững, cả trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, và cả các lĩnh vực khác. Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các dân tộc. Tăng cường hơn nữa đầu tư ngân sách cho văn hóa, ít nhất bảo đảm tỷ lệ mà Kết luận hội nghị lần thứ 10 của Trung ương khóa IX xác định...

Hòa Bình là địa phương tập trung đông nhất người Mường ở nước ta. Di sản văn hóa của người Mường có nhiều giá trị quý báu. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Mường cũng như của các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không chỉ có ý nghĩa đảm bảo sự thống nhất mà đa dạng của văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mà còn tạo điều kiện cho chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của di sản văn hóa, để di sản văn hóa thành hành trang của thế hệ hôm nay và mai sau. (Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL HOÀNG TUẤN ANH)

 


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×