Điện Biên: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn giá trị truyền thống
30/12/2021 | 13:38Những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào đời sống cơ sở và tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới trong các gia đình và cộng đồng. Qua đó, tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, phong phú, nâng cao đời sống tinh thần của người dân; đồng thời, góp phần giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt là với địa phương miền núi, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao như Điện Biên. Muốn vậy, việc xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa được xem là cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn hóa mới. Trong đó, xây dựng “Gia đình văn hóa” là nội dung có vị trí hết sức quan trọng. Ngay từ đầu năm phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” được triển khai sâu rộng với sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân từ tỉnh đến cơ sở. Việc đăng ký được tiến hành khẩn trương, bình xét công khai, dân chủ có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao chất lượng phong trào. Kết quả năm 2021 toàn tỉnh có 96.082/134.422 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 71,5%. Cùng với đó, xây dựng “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc đăng ký, bình xét danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Năm 2021 có 1.124/1.444 thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh đạt danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, chiếm 77,8%; có 40/115 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, chiếm 34,8%; có 11/14 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn văn minh đô thị”, chiếm 78,6%...
Ngoài ra, các cấp, ngành cũng tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư tham gia xây dựng, nhân rộng và duy trì các mô hình tự quản ở khu dân cư về các lĩnh vực an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, nếp sống văn minh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 loại mô hình về an ninh trật tự tại 100% khu dân cư, 13 loại mô hình về bảo vệ môi trường tại 1.001 khu dân cư, 12 mô hình tự quản về thực hiện nếp sống văn minh tại 367 khu dân cư. Điển hình như các mô hình: “Tổ an ninh tự quản”, “Bản làng bình yên”, “Gia đình, dòng họ, khu dân cư không ma túy”, “Gia đình, khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông”, “khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”, “di dời chuồng trại, gia súc xa nhà”, “trồng rừng bảo vệ nguồn nước”... Thông qua đó, đã phát huy được vai trò tự quản của nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, góp phần tích cực trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động mà hầu hết các đám cưới được tổ chức đảm bảo lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, không phô trương, lãng phí. Trong đám cưới của đồng bào các dân tộc thiểu số trang phục lễ cưới truyền thống vẫn được duy trì thể hiện bản sắc riêng. Kết quả năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 2.319 đám cưới, trong đó có 2.267 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh chiếm 97,85%. Ngoài ra, hầu hết các đám tang đảm bảo theo các quy định với 1.795 đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh trong năm 2021, chiếm 98,7%. Các lễ hội diễn ra trong năm được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục tập quán và truyền thống dân tộc…
Song song với các hoạt động đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn đề cao vai trò quan trọng của việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống tinh thần của người dân. Chính vì vậy, đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực vừa góp phần xây dựng đời sống văn hóa, vừa bảo tồn nét đẹp truyền thống đó ngay trong đời sống thường ngày. Điển hình như trong tháng 11 vừa qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã mở các lớp tập huấn văn hóa văn nghệ cơ sở tại các xã: Pu Nhi, Mường Luân (huyện Điện Biên Đông); Mường Mươn (huyện Mường Chà); Mường Pồn (huyện Điện Biên); Quài Nưa (huyện Tuần Giáo); Chà Cang (huyện Nậm Pồ) nhằm khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào. Tham dự tập huấn có 180 học viên, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên là hướng dẫn viên am hiểu sâu về phong tục cũng như văn hóa của các dân tộc. Đồng hành cùng giảng viên là các nghệ nhân, diễn viên là đồng bào dân tộc địa phương đã cùng nhau tìm ra những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng để “thổi hồn” cho những tác phẩm văn hóa, văn nghệ tạo nên bản sắc riêng có của dân tộc. Cũng trong tháng 11 vừa qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực xây dựng đời sống văn hóa cho 30 hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ). Tại đây, các hội viên được dạy các điệu múa và các bài hát dân tộc Thái, được tổ chức chơi các trò chơi dân gian, như tung còn, tó má lẹ; được tập huấn nâng cao các kiến thức về đời sống… Có thể thấy rằng, việc triển khai các hoạt động vừa bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa tạo ra những lợi thế xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn…