Điện Biên phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa các dân tộc
19/07/2023 | 09:45Điện Biên có 19 dân tộc anh em chung sống. Những năm qua, cùng với phát huy thế mạnh du lịch lịch sử, địa phương đã chú trọng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái với cách làm đa dạng. Qua đó, hoạt động du lịch vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa tạo thêm sinh kế cho người dân.
Mới đi vào hoạt động gần 10 tháng, đến nay bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã được đông đảo du khách biết đến. Với những người dân thân thiện, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được bao bọc bởi cánh đồng lúa trù phú đặc trưng cho văn hóa Tây Bắc, thời gian qua, lượng du khách đến với Nà Sự đã tăng qua từng tháng.
Theo ông Khoàng Văn Van - Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, là địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, song với tư duy đổi mới, cùng cách làm sáng tạo, Nà Sự đã thật sự cất cánh. Đây chính là bản du lịch được Đảng bộ xã đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 để triển khai xây dựng trở thành điểm dừng chân, nghỉ dưỡng hấp dẫn của người dân, du khách trong hành trình du lịch đến cột mốc số 0 tại A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên.
"Ban đầu người dân bỡ ngỡ lắm, bởi vì một nơi vùng sâu, vùng xa như thế mà lại làm du lịch, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy lợi thế là bản Nà Sự nằm ngay cạnh trục đường Quốc lộ 4H, bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn nguyên, nhất là các nếp nhà sàn, cả bản không có một ngôi nhà xây nào. Người dân ở Nà Sự là dân tộc Thái rất văn minh, sạch đẹp và du khách vào đây ngoài trải nghiệm các nét văn hóa, sinh hoạt cùng với bà con thì còn có thể vào các khe trồng trọt, sản xuất chăn nuôi cùng người dân để trải nghiệm" - ông Khoàng Văn Van cho biết.
Ngoài Nậm Pồ, nhiều địa phương khác trong tỉnh Điện Biên cũng đang tập trung đánh thức tiềm năng du lịch mang đậm bản sắc văn hóa vốn có của mình. Đơn cử như huyện Tủa Chùa, với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Cao nguyên đá cổ Tả Phìn, hệ thống ruộng bậc thang, chợ phiên, hội xuân, các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và một số di tích, hang động... huyện đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng đến du khách trong và ngoài nước.
Ông Giàng A Vảng - Chủ tịch UBND xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa cho biết hang động Khó Chua La được phát hiện từ năm 2008, sau đó đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Ngoài hệ thống nhũ đá đẹp mắt, hang đá này còn mang nhiều dấu tích về sự hình thành, phát triển nền văn hóa cổ xưa. Tận dụng lợi thế này, để đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân và du khách, địa phương đã đầu tư, nâng cấp hệ thống đường dẫn, đèn chiếu sáng bên trong hang động... Từ khi đưa vào khai thác, hang động Khó Chua La đã có đông đảo người dân, du khách đến tham quan trải nghiệm. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã đón hơn 8.000 lượt khách.
"Cấp ủy, chính quyền xã rất quan tâm đến đầu tư du lịch trên địa bàn huyện nói chung, xã Xá Nhà nói riêng, đặc biệt là thực hiện theo Nghị quyết số 32 của Huyện ủy Tủa Chùa về khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn. Do đó chúng tôi cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Hiện nay trên địa bàn xã còn có thêm một mô hình du lịch cộng đồng Nông trại Mèo, trong thời gian tới cũng sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia tổ chức phát huy mô hình du lịch cộng đồng này. Từ đó làm sao để quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh", ông Giàng A Vảng nói.
Với cộng đồng 19 dân tộc, mỗi dân tộc là chủ nhân của những kho tàng văn hóa khác nhau, đây là nguồn tài nguyên giá trị, dồi dào để Ðiện Biên phát triển du lịch văn hóa. Trong đó nổi bật là các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái - dân tộc chiếm số đông của Điện Biên với sự tích hoa ban, câu chuyện tình yêu của nàng Ban, chàng Khum được xây dựng trở thành hồn cốt của cả mùa lễ hội; hay tục giã bánh giầy truyền thống, điệu múa khèn của người Mông; các điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú; các nghi lễ, trò chơi dân gian của dân tộc Lào…
Ông Nguyễn Minh Phú - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết toàn tỉnh hiện có 11 bản văn hóa đang triển khai các dịch vụ phục vụ khách du lịch giao lưu ẩm thực, văn hóa văn nghệ, sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống... Ngoài ra, còn có 5 homestay đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ và trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc, mở ra hướng phát triển mới cho người dân từ du lịch cộng đồng.
Ngoài các bản sắc văn hóa dân tộc Thái, thời gian gần đây, ngành văn hóa du lịch tỉnh đã nỗ lực đưa thêm các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc khác như: múa khèn của dân tộc Mông; tết Hồ Sự Chà - tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì; tết té nước của dân tộc Lào… vào chuỗi du lịch văn hóa của địa phương, nhằm mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn với du khách và từng bước đưa du lịch văn hóa - lịch sử trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
"Tỉnh đã có nghị quyết và đề án bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị của các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Bảo tồn phát huy giá trị những di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh như Xòe Thái, Then Tày – Nùng – Thái. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những giá trị này gắn với du lịch cộng đồng, để làm sao cho du khách thấy được những nét đẹp văn hóa của 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên", ông Nguyễn Minh Phú cho biết.
Cùng với tham quan, trải nghiệm các khu, điểm di tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, việc hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc chắc chắn sẽ mang đến những ấn tượng độc đáo, khó quên với mỗi du khách khi có dịp đến với vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng.