Điện Biên: Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc
13/12/2021 | 08:36Xác định tầm quan trọng của văn hóa trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh ta đã không ngừng quan tâm, triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể nhằm bảo tồn, tôn tạo, đồng thời phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nhất là văn hóa vật thể và phi vật thể.
Điện Biên hiện có 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú về các loại hình di sản văn hoá. Mặc dù vậy, nhiều năm trước, việc phát huy các giá trị này đã gặp không ít khó khăn. Phần do thiếu nguồn kinh phí, việc đầu tư, bảo tồn và phát huy hiệu quả văn hóa truyền thống các dân tộc chưa toàn diện, mới tập trung khôi phục các lễ hội tiêu biểu của một số dân tộc; nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê, nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả; một số làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống của các dân tộc có nguy cơ mai một; các hoạt động trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tuy đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng đủ nguồn lực… Trước thực trạng đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhất là từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/12/2019 của Tỉnh ủy về Chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 01-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 thì công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2013 - 2020, tổng kinh phí thực hiện các đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh hơn 80 tỷ đồng.
Mường Ảng là một trong những huyện thời gian qua thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng phục dựng một số lễ hội, lễ tết truyền thống trên địa bàn, như: Lễ hội Tra hạt (dân tộc Khơ Mú), Tết Nào Pê Chầu (dân tộc Mông)... Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã tổ chức bảo tồn Tết Nào Pê Chầu tại 4 bản thuộc các xã: Ẳng Cang, Xuân Lao, Nặm Lịch, Ngối Cáy. Đồng thời, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú với một số nghệ nhân trên địa bàn. Hiện nay, huyện có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ông Lý A Lệnh ở bản Chan II, xã Mường Đăng không chỉ biết thổi khèn, múa khèn mà còn tự chế tác được khèn Mông cổ truyền. Ông Lệnh chia sẻ, với người Mông, cây khèn không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo, mà còn là một vật thiêng. Do vậy, ông không chỉ nỗ lực để lưu giữ mà còn cố gắng phát huy những giá trị, bản sắc của cây khèn này trong đời sống người Mông.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Mường Ảng cho biết: Để bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc của huyện định kỳ 2 năm 1 lần, với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, như: Giao lưu văn nghệ, trình diễn múa khèn Mông, giã bánh giầy, đánh tù lu, tung còn, bắn nỏ, kéo co; thi và giới thiệu ẩm thực... Cùng với đó, để tổ chức phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà văn hóa để bà con sinh hoạt; đồng thời, hỗ trợ kinh phí bảo tồn và phát triển một số loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội và trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống…
TP. Điện Biên Phủ cũng là một trong những nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và đây cũng là địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. UBND thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm kê di tích lịch sử; điều tra, thống kê di sản văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật múa Khơ Mú, xòe Thái… Thành phố đã tổ chức bảo tồn, khôi phục nghề thêu, dệt thổ cẩm, “Hội Hạn khuống”, lễ hội “Xên Pang”, Mừng cơm mới; xây dựng các đội văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tại các bản văn hóa du lịch... Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà văn hóa xã, phường, tổ dân phố, bản; phối hợp tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, thể thao… từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2012, cơ quan chức năng đã tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể 7 loại hình (Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian). Đến nay, đã hoàn thành việc kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa của 18 dân tộc; trong đó, 11 dân tộc có di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy giá trị. Đồng thời, thực hiện việc triển khai bảo tồn di sản văn hóa những dân tộc có số dân dưới 10.000 người ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa (tỉnh Điện Biên có 2 dân tộc: Si La và Cống), trong đó đã tiến hành kiểm kê toàn diện di sản văn hóa; bảo tồn “Lễ cầu mùa” dân tộc Si La; mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc và bảo tồn trang phục truyền thống cho dân tộc Si La và dân tộc Cống; di sản “Mền loóng phạt ái” (Tết Hoa mào gà) của người Cống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Bên cạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, những năm qua, việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm kê di tích tại 10 huyện, thị xã, thành phố; hiện có 27 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng. Công tác trùng tu, tôn tạo, khoanh vùng, cắm mốc di tích tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện, nhiều điểm di tích trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du lịch. Đến nay tỉnh có 9 di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi (gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, 7 di tích quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh); triển khai dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; thực hiện khoanh vùng, triển khai cắm 45 mốc tại các khu vực bảo vệ di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; triển khai lắp đặt 191 biển báo, biển chỉ dẫn các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Việc trưng bày, triển lãm, quảng bá, giới thiệu hiện vật gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương được phối hợp triển khai thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trong nước; công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật cho Bảo tàng và Ban Quản lý di tích tiếp tục được triển khai sâu rộng, đến nay tổng số hiện vật đang được lưu giữ, quản lý là 12.403 hiện vật.
Có thể nói, với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, nhằm phát huy kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.