Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điện Biên: Hiệu quả sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

08/10/2018 | 15:47

Qua 10 năm (2008 - 2018) triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), công tác gia đình và PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực.

Kết quả, nhận thức về PCBLGĐ của người dân được nâng lên, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đáng kể; các mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì có chất lượng và đang được nhân rộng, đây là một trong những tác nhân góp phần ổn định xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, làm cho chất lượng cuộc sống của các cá nhân và gia đình được cải thiện.

Hội thi Nấu ăn hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động
quốc gia về PCBLGĐ năm 2018.

Để làm được điều đó, ngay sau khi Luật PCBLGĐ có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Điện Biên đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện, tập trung các giải pháp can thiệp PCBLGĐ ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố; các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc đánh giá kết quả việc thực hiện các quan điểm, đường lối chỉ đạo, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm; đặc biệt đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực trong công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tại địa phương, đơn vị. Thông qua đó, đã tạo chuyển biến khá rõ nét tại cơ sở; nhất là sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch PCBLGĐ tỉnh Điện Biên.

Nổi bật, trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCBLGĐ, các cấp, các ngành quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, cờ, khẩu hiệu; biên tập tài liệu, ấn phẩm cấp phát cho cơ sở; tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, chiếu phim lưu động; đẩy mạnh hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc sách, tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn, thư viện các cơ quan, đơn vị, trường học; tăng cường các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, hội diễn... xây dựng mô hình về gia đình và PCBLGĐ.

Kết quả, đối với cấp tỉnh đã phát sóng được 520 chuyên mục phụ nữ và gia đình; trên 4.350 tin, bài liên quan đến gia đình, chăm sóc trẻ em và bạo lực gia đình; cấp phát được 1.500 cuốn sổ tay “Pháp luật và đời sống”, mở 35 lớp tập huấn và 50 buổi tuyên truyền về Luật PCBLGĐ cho trên 8.000 lượt cán bộ, hội viên Hội Nông dân tham gia; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức được 85 lớp tập huấn Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình cho các cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc trong tỉnh; Hội Cựu chiến binh tỉnh đã quan tâm, lồng ghép tổ chức tuyên truyền về Luật PCBLGĐ cho trên 14.000 lượt gia đình cán bộ, hội viên cựu chiến binh và nhân dân; Sở Tư pháp đã tổ chức được 15 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, trong đó có nội dung PCBLGĐ; thành lập và duy trì hoạt động của 26 Câu lạc bộ pháp luật, 92 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 16 đợt tuyên truyền pháp luật lưu động với trên 4.500 lượt người tham dự; biên soạn, in và cấp phát 30.334 tờ gấp pháp luật, 2.113 đầu sách pháp luật có liên quan tới công tác PCBLGĐ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lồng ghép tuyên truyền và tổ chức các buổi tọa đàm với tổng số 360 buổi cho trên 28 nghìn lượt người tham gia.

Tại các cấp huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức căng treo 2.045 băng zôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên loa truyền thanh 1.156 lượt; xây dựng 5 phóng sự về bình đẳng giới, PCBLGĐ và 360 tin, bài phát trên đài truyền thanh, truyền hình tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; tổ chức 402 buổi tọa đàm tuyên truyền bình đẳng giới tại khu dân cư; tuyên truyền miệng 1.350 buổi phục vụ trên 273 ngàn lượt người nghe; tuyên truyền thông qua hình thức sinh hoạt thôn, bản: 2.888 buổi. Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về bạo lực gia đình: 55 buổi cho trên 1.300 học viên là cán bộ, viên chức và người lao động tại cơ sở. Tổ chức 20 đợt hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc xây dựng và thực hiện quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới tới 19/19 xã, thị trấn với 138 quy ước được sửa đổi, bổ sung đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với 904 buổi về chủ đề gia đình với nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới thu hút đông đảo nhân tham gia và trả lời các câu hỏi về kiến thức gia đình, PCBLGĐ, bình đẳng giới.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền Luật PCBLGĐ còn được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phong trào “Xây dựng nông thôn mới” và “Xây dựng đô thị văn minh”. Các ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa nội dung PCBLGĐ với các nội dung thi đua như phong trào: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc”, phong trào xoá đói, giảm nghèo..., đồng thời gắn nội dung PCBLGĐ với việc đăng ký và bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa"… Với nhiều hình thức phong phú, nội dung trọng tâm và xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở nên công tác tuyên truyền về PCBLGĐ đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng và bước đầu nhận thức rõ hơn về việc để tạo dựng một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, mọi thành viên trong gia đình đều có quyền bình đẳng, có trách nhiệm đóng góp công sức vun đắp, cùng chia sẻ, gánh vác các công việc của gia đình.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình còn tồn tại dưới nhiều hình thức và đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chủ yếu là cờ bạc, rượu chè, tệ nạn xã hội mà nguyên nhân gốc rễ chính là sự bất bình đẳng giới, sự thiếu hiểu biết về Luật PCBLGĐ; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột. Ngoài ra là các nguyên nhân khách quan khác như tình trạng nghèo đói, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ép kết hôn, ngoại tình, cộng đồng còn thờ ơ với hành vi bạo lực gia đình. Chính quyền một số nơi còn xử lý bạo lực gia đình chưa triệt để. Hầu hết số vụ bạo lực gia đình được nạn nhân giấu giếm vì lo giữ thể diện cho người thân, chỉ đến khi hậu quả quá nghiêm trọng mới được phát hiện, hoặc mới tìm đến sự trợ giúp.

Trước tình trạng trên, tỉnh Điện Biên đã triển khai mô hình điểm can thiệp PCBLGĐ tại địa bàn phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ. Kết quả đã thành lập được 5 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 5 nhóm PCBLGĐ tại các tổ dân phố. Đến nay, mô hình PCBLGĐ đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 45/130 xã, phường có Ban chỉ đạo mô hình; 310 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 433 nhóm PCBLGĐ. Các câu lạc bộ, nhóm PCBLGĐ vẫn đang tiếp tục duy trì sinh hoạt định và lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố... Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 912 địa chỉ tin cậy tại 130 xã, phường, thị trấn; 107/112 trạm y tế xã, phường, thị trấn bố trí được giường lưu cho bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình. Các địa chỉ tin cậy hoạt động tương đối hiệu quả, nhanh chóng can thiệp giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Trong 10 năm qua đã hoà giải được 966 vụ xích mích, mâu thuẫn trong gia đình; tổ chức 524 vụ góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư; 719 bệnh nhân bạo lực gia đình được tiếp nhận, chăm sóc y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 703 nạn nhân bạo lực gia đình và 908 người gây bạo lực gia đình được tư vấn; lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 10 vụ, với 10 đối tượng phạm tội liên quan đến bạo lực gia đình; phối hợp xử lý 191 vụ; gặp gỡ 3.941 lượt đối tượng có hành vi bạo lực gia đình.

Với nhiều biện pháp được triển khai, thực hiện đồng bộ như góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư, tư vấn, hòa giải, cấm tiếp xúc… nên số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Các tổ tư vấn, tổ hòa giải, các địa chỉ tin cậy được thành lập ở các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố hoạt động tương đối hiệu quả. Đa số các vụ bạo lực gia đình đều được hòa giải và ổn định sau khi góp ý. Đáng ghi nhận nhất chính là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác PCBLGĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực; vai trò của mỗi cá nhân, tổ chức trong PCBLGĐ ngày một nâng cao, từ đó đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu bạo lực gia đình, kịp thời can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình một cách hiệu quả./.

Theo dienbien.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×