Điện Biên: Gìn giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc
22/01/2024 | 10:35Dân ca, dân vũ là các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, sản xuất, tín ngưỡng, tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tại tỉnh Điện Biên, với 19 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, các làn điệu dân ca, dân vũ riêng đã tạo nên sự phong phú về các loại hình di sản văn hóa.
Trong nền văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, họ đã sáng tác ra nhiều điệu múa nhằm phục vụ tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tâm linh, mang tính tập thể. Nghệ thuật biểu diễn của họ cũng rất đa dạng với các điệu múa như: Múa trống, múa lên nương, múa dệt vải, múa nón, múa giã bạn, múa xòe… Mỗi bài dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào Hà Nhì có sự độc đáo, bản sắc riêng biệt. Riêng các bài múa, động tác đơn giản, không có những bước quay, nhảy mạnh như dân tộc khác mà lại mang tính tập thể, tính cộng đồng cao.
Tại huyện Mường Nhé, trải qua thời gian, dù đã có lúc tưởng chừng các làn điệu dân ca, dân vũ của cộng đồng người Hà Nhì dần mai một, song đến nay, nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự quyết tâm của những người cao niên nơi đây, các làn điệu dân ca, dân vũ đã phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu chia sẻ: Ở Mường Nhé, dân tộc Hà Nhì phân bố tại 4 xã biên giới, gồm: Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu và Sen Thượng. Bao năm qua, dù đời sống vật chất vẫn còn những khó khăn nhưng chính những làn ca, điệu múa truyền thống như sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp dân tộc Hà Nhì không ngừng nỗ lực vươn lên. Không những vậy, qua việc luyện tập, biểu diễn dân ca, dân vũ, cũng khẳng định đây là mô hình sinh hoạt tập thể hiệu quả, góp phần quan trọng lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì trong tiến trình hội nhập của đất nước.
Từ những nét đẹp mà dân ca, dân vũ mang lại, vài năm gần đây, các cấp, các ngành cũng đã quan tâm hơn, bằng việc thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc hoặc lồng ghép vào các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc, Lễ hội Hoa Ban… Tại Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII được tổ chức tháng 3/2023, liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc đã mang đến một không gian chân thực, sinh động, thể hiện đầy đủ về đời sống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của cộng đồng 19 dân tộc của tỉnh. Tất cả hòa chung tạo nên một không gian đa sắc, thể hiện đậm nét văn hoá, đất và người Điện Biên, Tây Bắc, tạo sự thu hút đặc biệt với người xem và du khách thập phương.
Quan tâm đến các loại hình diễn xướng dân gian, thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ. Cuối năm 2020, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lớp tập huấn bảo tồn, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Si La gắn với phát triển du lịch tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Lớp tập huấn đã thu hút đông đảo người dân, học viên ở nhiều lứa tuổi tham gia để truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng của dân tộc Si La như: Hát giao duyên, hát ru, hát vào mùa, hát mừng năm mới; múa xòe, múa sạp, múa gieo hạt, múa phát nương, múa cầu mùa…
Tại TP. Điện Biên Phủ, cuối năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về phát triển dân ca, dân vũ, dân nhạc, điệu nhảy đường phố. Qua đây đã nhằm giữ gìn, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, giáo viên trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa địa phương, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến với Điện Biên…