Điện Biên: Di sản văn hóa là động lực phát triển
25/11/2021 | 14:30Với cộng đồng 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán… tạo thành bức tranh đa sắc màu, Điện Biên trở thành tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XIV đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc… để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững. Như vậy, di sản văn hóa được xác định là động lực phát triển song cần những giải pháp cụ thể để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Là địa bàn miền núi, biên giới, nhiều dân tộc sinh sống, di sản văn hóa của tỉnh khá đa dạng với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đó có thể là thửa ruộng bậc thang hay không gian văn hóa của các bản làng, những chiếc khau cút đa dạng kiểu dáng trên mái nhà sàn người Thái... Mỗi dân tộc với các phong tục khác nhau tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa.
Với di sản văn hóa phi vật thể, Điện Biên có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khá đặc sắc, bao gồm các tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian… Trong đó, 12 di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như: Nghệ thuật xòe Thái, tết Nào pê chầu của người Mông (Mường Đăng, Mường Ảng), lễ Kin pang then của người Thái trắng (TX. Mường Lay), tết té nước của người Lào (Núa Ngam, Điện Biên), lễ Gạ ma thú của người Hà Nhì (Mường Nhé), lễ cấp sắc của người Dao (Huổi Só, Tủa Chùa), nghề thêu giày của người Xạ Phang…
Sự đa dạng, phong phú của di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc đã tạo nên không gian văn hóa đặc sắc Điện Biên; tạo điểm nhấn, thu hút du khách tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp văn hóa khi đến với Điện Biên. Đây cũng là điều kiện, cơ sở để tỉnh khai thác sản phẩm du lịch văn hóa, tạo động lực phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản phẩm du lịch văn hóa khá đa dạng từ tham quan di tích lịch sử văn hóa, các công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật đến tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, phong tục địa phương, thưởng thức ẩm thực của từng vùng miền… Với Điện Biên, cùng với quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ thì hệ thống di sản văn hóa là cơ sở để du lịch khai thác, xây dựng sản phẩm mang đặc trưng các dân tộc ở Điện Biên. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị di sản văn hóa để thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa tương xứng với sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa 18 dân tộc thiểu số ở Điện Biên, đặc biệt là với những di sản văn hóa đã được công nhận cấp quốc gia.
Sản phẩm du lịch văn hóa đã được nhiều quốc gia, địa phương khai thác, xây dựng thành thế mạnh du lịch, tạo sự khác biệt giữa các địa phương. Du lịch di sản văn hóa thu hút du khách tìm hiểu, trải nghiệm phong tục, tập quán, lối sống… để hiểu thêm về những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Hình thức của những sản phẩm này có thể là các homestay, xây dựng các tua, tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, đời sống các dân tộc. Việc xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch văn hóa không chỉ tạo động lực phát triển du lịch mà còn mang lại nguồn lực đầu tư bảo tồn, phục dựng và quản lý di sản văn hóa. Từ đó góp phần phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa.
Để các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được khai thác, phát huy giá trị, xây dựng thành sản phẩm du lịch phát triển du lịch thì không chỉ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần sự vào cuộc, chung tay của nhiều ban ngành, địa phương và mỗi người dân. Các cơ quan quản lý xây dựng, hoạch định chính sách quản lý và quy hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, gắn với quy hoạch du lịch. Việc phát triển du lịch văn hóa cần có chiến lược cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế, tình hình địa phương; lựa chọn sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa một cách có trách nhiệm; tôn trọng sự đa dạng văn hóa, đề cao văn hóa bản địa, truyền thống đặc sắc của từng dân tộc. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch văn hóa, tuyên truyền nâng cao nhận thức để mỗi người dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Cùng với đó, những hành vi, hoạt động vi phạm đối với di sản văn hóa cần phải xử lý nghiêm; khuyến khích các hoạt động du lịch tình nguyện, tự nguyện đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống thành các sản phẩm du lịch đang trở thành hướng phát triển du lịch bền vững, hiệu quả. Sự đa dạng sắc màu văn hóa của các dân tộc cùng những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Điện Biên chính là nguồn lực to lớn để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.