Điện ảnh cần những tác phẩm lớn mang tầm vóc dân tộc, thời đại, tương xứng với thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới
22/09/2020 | 11:31Sáng 21/9, tại Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự Đại hội.
Báo cáo của Hội Điện ảnh Việt Nam đã đánh giá khái quát những kết quả và đặc biệt là bất cập, hạn chế của điện ảnh nước nhà trong giai đoạn 2015-2020.
Nhìn lại 5 năm qua, Hội đã thể hiện được vai trò trong nhiều hoạt động. Bảo vệ quyền lợi hội viên với việc kiến nghị bộ đề xuất với Chính phủ xem xét nâng mức quy đổi giá trị giải thưởng Cánh diều Vàng từ ½ lên mức 2/3 giá trị giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim quốc gia, để nghệ sĩ đỡ thiệt thòi khi xét tặng danh hiệu nghề nghiệp...
Đặc biệt, Hội hoạt động mạnh mẽ trong sáng tác và hỗ trợ sáng tác, trong có việc mở nhiều trại sáng tác, trại tập huấn nghề nghiệp có hiệu quả cao. Từ 2015 đến tháng 7.2020, Hội đã đầu tư cho 1.313 kịch bản ở các thể loại với tổng số tiền đầu tư là 15,526 tỉ đồng.
Tuy nhiên, dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất đang chiếm vai trò chủ đạo trong điện ảnh Việt Nam. Nhà sản xuất tư nhân tập chung khai thác những đề tài thuần giải trí, đậm tính thương mại, chủ yếu phục vụ thanh, thiếu niên đô thị. Hiếm nhà sản xuất tư nhân đầu tư cho những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực xã hội, nhân sinh.
Điện ảnh đang thiếu những bộ phim giáo dục lòng yêu nước tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mỹ có đẹp cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ.
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, phát hành phim đã có những năm tháng đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bước chuyển sang cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tự chủ. Do mất dần đi sự hỗ trợ của nhà nước, dòng chảy điện ảnh thời gian qua có lúc đứt gãy bởi thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội… Hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành chủ yếu do hai trường điện ảnh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiến hành. Mặc dù đã có thêm những hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, bổ túc nghiệp vụ nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ. Hệ thống phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ nhưng các công ty trong nước chỉ nắm được trên 20% lượng phòng chiếu trong khi các doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần.
Điểm sáng là điện ảnh đã có nhiều đổi mới trong phong cách thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt là đối với dòng phim tài liệu, phim khoa học.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa IX gồm các ông bà: Mai Huyền Linh (Quyền Linh), Nguyễn Công Hậu, Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Văn Tân, Dương Cẩm Thúy, Lê Hồng Chương, Mai Thu Huyền, Đỗ Lệnh Hồng Tú, Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Thanh Vân, Huỳnh Văn Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phạm Thị Tuyết, Trịnh Lê Văn, Chu Ngọc Ẩn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, gần 70 năm qua, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh và phát triển không ngừng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế cũng tạo thêm sức ép ngày càng gia tăng. Nhưng bằng tất cả trách nhiệm, trí tuệ và lòng yêu nghề, các thế hệ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình đã và đang nỗ lực vượt qua gian khó, vượt lên chính mình để nền điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt được thành tựu rất đáng trân trọng.
Bên cạnh số lượng hạn chế những bộ phim được Nhà nước hỗ trợ, đã có một số lượng khá lớn các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả, từng bước cạnh tranh với các phim ngoại nhập. Đã xuất hiện không ít tác phẩm dần tạo thành một dòng phim mới với những đổi mới có tính đột phá về nội dung đề cập và phong cách thể hiện. Môi trường hoạt động nghệ thuật ngày càng thông thoáng đã thu hút được không ít đạo diễn, nghệ sĩ định cư ở nước ngoài về làm nghề ở Việt Nam… Thời gian gần đây, nhiều bộ phim truyền hình dài tập đã gây được tiếng vang, thu hút được đông đảo khán giả theo dõi.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập, đó là nguy cơ điện ảnh bị “nghiệp dư hóa”, số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận còn hạn chế. Những phim về đề tài lịch sử phần nhiều còn chưa thoát được khuôn sáo. Không ít phim mang tính giải trí còn đặt quá nặng mục tiêu thương mại. Khâu quảng bá, phát hành chưa được chú trọng đúng mức. Lý luận phê bình điện ảnh cũng chưa có nhiều nghiên cứu mang tính mở đường. Đội ngũ các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, trưởng thành từ thực tiễn những tháng năm khói lửa, những nhân chứng trực tiếp thời kỳ cả nước chuyển mình từ thời bao cấp bước sang thời kỳ đổi mới đã dần cao tuổi. Lực lượng trẻ dù được đào tạo bài bản, tăng nhanh về số lượng, rất sáng tạo và có năng lực nắm bắt, làm chủ công nghệ hiện đại, nhưng vẫn rất cần được trao truyền không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm mà cả những ký ức, cảm hứng nghệ thuật từ các thế hệ đi trước.
Phó Thủ tướng cho rằng, để Điện ảnh Việt Nam đáp ứng được mong đợi của công chúng, khán giả về những tác phẩm lớn mang tầm vóc dân tộc, thời đại, tương xứng với những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải có đầu tư bài bản, đủ ngưỡng cho hạ tầng kỹ thuật của ngành điện ảnh, cho đào tạo nhân lực cũng như nghiên cứu lý luận.
Phó Thủ tướng mong muốn, Ban chấp hành, bộ máy lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ xứng tầm với các yêu cầu cao hơn đối với của nền Điện ảnh nước nhà. Từ đó, Hội có thể đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác nhằm phát huy được cao độ trách nhiệm, sức sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của đội ngũ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình cả nước. Bên cạnh đó, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác đóng góp xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung và rộng hơn là phát triển đất nước.
Hội Điện ảnh Việt Nam cũng sẽ tiếp tục là cầu nối không thể thiếu với các hội, các tổ chức và với cộng đồng điện ảnh quốc tế. Các Bộ ngành, trực tiếp nhất là Bộ VHTTDL cùng các cấp chính quyền địa phương quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Hội Điện ảnh, ngành điện ảnh hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình./.