Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điện ảnh cần không ngừng đổi mới để theo kịp cuộc sống sôi động

16/07/2015 | 16:58

Nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, điện ảnh Việt Nam sẽ lạc điệu, không chỉ với điện ảnh thế giới mà ngay với cuộc sống sôi động trong nước.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng sẽ có ngày càng nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị cao
về nghệ thuật, tư tưởng, giáo dục, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần này tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Điện ảnh Việt Nam, sáng 14/7, với sự tham dự của 496 đại biểu đại diện cho hơn 1.700 hội viên, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại, điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.

Nhiều nghệ sĩ đã đội mưa bom, hứng bão đạn trên các chiến trường ác liệt nhất; lăn lộn ở những nơi, vào những xung đột đỉnh điểm, giữa tốt và xấu, giữa đổi mới và trì trệ để có những thước phim, những tác phẩm vô giá, được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương.

Dũng cảm, kiên trì đổi mới, điện ảnh Việt Nam dần đứng vững trên đôi chân của mình, cùng cả nước mở cửa hội nhập và bước ra thế giới. Bên cạnh các phim được Nhà nước tài trợ, đặt hàng, đã có không ít phim tự chủ về tài chính, có nội dung sâu sắc và nhiều nét mới trong phong cách, cạnh tranh được với phim ngoại nhập. Một số phim có tính giáo dục cao về nhân sinh, đạo đức và lòng tự hào dân tộc. Công tác lý luận phê bình, phát triển nguồn nhân lực… có nhiều tiến bộ trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực…

Trước những thành tích, nỗ lực, đóng góp rất đáng trân trọng, tự hào của điện ảnh Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, bày tỏ sự trân trọng, biết ơn tất cả các nghệ sĩ với tình yêu nghệ thuật, óc sáng tạo, cùng tấm lòng mang đến cho mọi người, để lại cho cuộc đời những điều tốt đẹp.

Đồng tình với đánh giá, nhận định của đại hội về những thiếu thốn nguồn lực, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường hay sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin đa phương tiện đang khiến điện ảnh Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nghệ sĩ, người làm điện ảnh cần phải đối mặt và vượt lên thách thức. Từ đó đáp ứng được kỳ vọng của khán giả về một nền điện ảnh chuyên nghiệp, giàu bản sắc và hội nhập với ngày càng nhiều tác phẩm hay, mang tính thời cuộc, có tính giáo dục cao; trước hết là các tác phẩm điện ảnh ngày càng bớt sạn, không còn những tình tiết quá dễ dãi, dung tục, phản cảm, phản giáo dục.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: Nhìn lại những thời kỳ trước đây, trong điều kiện còn khó khăn hơn nhiều chúng ta vẫn có  những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhất là giá trị tư tưởng, giáo dục sâu sắc. Hay ở nhiều nước, vốn là cái nôi của kinh tế thị trường, nền điện ảnh của họ vẫn có những tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật và hết sức nhân văn. Và “đúng là công nghệ truyền hình, công nghệ nghe nhìn, công nghệ mạng ảnh hưởng trực tiếp tới sức hút khán giả tới rạp. Nhưng nhìn lại, chính sự phát triển công nghệ đã nâng cánh cho điện ảnh và những nền điện ảnh phát triển nhất nằm chính ở những quốc gia, những công nghệ này phát triển nhanh nhất”.

Vì vậy, điện ảnh Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nếu không sẽ lạc điệu, không chỉ với điện ảnh thế giới mà ngay với cuộc sống sôi động trong nước.

Với tinh thần Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Nhân văn của Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong và tin rằng Đại hội sẽ thành công và điện ảnh nước nhà tiếp tục có bước phát triển thật mạnh mẽ, thật vững chắc. Đồng thời yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Hội Điện ảnh Việt Nam để khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chế độ chính sách, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho điện ảnh phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Chiến lược, Quy hoạch phát triển điện ảnh mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

 
Theo báo cáo của Hội Điện ảnh Việt Nam, 5 năm qua (2010-2015), điện ảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển mình hướng tới một nền công nghiệp điện ảnh thực sự. Nhìn chung, lực lượng kỹ thuật của ngành chưa đủ sức cung cấp dịch vụ cho sản xuất, phổ biến phim và sự tụt hậu là rõ ràng so với cả thể giới và khu vực.

Nguồn vốn làm phim vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước. Nhiều cơ sở sự nghiệp điện ảnh của địa phương và các đội chiếu bóng lưu động do khó khăn từ nhiều phía, đứng trước nguy cơ sáp nhập, giải thể hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng… Cơ cấu tổ chức, hoạt động của ngành Điện ảnh chưa thích ứng với kinh tế thị trường, chưa bắt kịp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa đang thay đổi nhanh chóng.

Các tác phẩm phim truyện do nhà nước đặt hàng vẫn tiếp tục dòng mạch chính yếu về đề tài yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc  nhưng còn thiếu vắng những phim về đề tài đương đại có sức lay động xã hội. Trong khi, dòng phim thương mại, chủ yếu do các cơ sở tư nhân sản xuất làm tăng đáng kể số lượng phim Việt Nam chiếu rạp, là yếu tố chủ lực tạo nên thị trường điện ảnh trong nước nhưng bị chi phối bới mục đích lợi nhuận  xoay quanh các đề tài hài, kinh dị, võ thuật, tình dục… mà ít quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước và dân tộc.

Thể loại phim truyện truyền hình 5 năm qua (2010-2015) tăng vọt về số lượng, khoảng 2.500 tập phim/năm, với nhiều bộ phim tốt mang hơi thở cuộc sống, đề cập đến nhiều vấn đề xã hội quan tâm: bảo vệ biển đảo, lập nghiệp của giới trẻ, cuộc sống nông thôn hiện nay, đời sống đô thị… Bên cạnh đó, phim tài liệu, phim hoạt hình có những bước chuyển ban đầu đáng khích lệ, đang dần phục hồi với những tìm tòi trong cách thức, ngôn ngữ thể hiện mới.

Đáng lo ngại nhất hiện nay là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực làm phim chuyên nghiệp, khi phần lớn người được đào tạo bài bản đã nhiều tuổi trong khi lực lượng trẻ chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm. Điện ảnh Việt Nam chỉ có 2/50 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật cả nước hiện đều thiếu giảng viên cũng như thiết bị chuyên dùng trầm trọng. Việc gửi sinh viên đi đào tạo ở những nước có nền điện ảnh tiên tiến rất hạn chế. Khối tư nhân tỏ ra dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực điện ảnh vì thấy khả năng sinh lời không cao.

Đại hội xác định giai đoạn 2015-2020 ngành Điện ảnh tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh với mục tiêu tổng quát là xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực xây dựng nền văn hoá và nhân cách con người Việt Nam mới, có vị thế và uy tín ở châu lục với những tác phẩm được giải cao và tài năng tầm cỡ khu vực và thế giới.

Hội Điện ảnh Việt Nam cần đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác hội, phát huy tiềm năng sáng tạo, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ được đặt ra.

Theo Chinhphu.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×