Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm sáng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023

09/02/2024 | 08:25

Năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) - đã đi qua với nhiều dấu ấn về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.

Điểm sáng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 - Ảnh 1.

Nhân dịp năm mới Xuân Giáp Thìn 2024, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc về việc bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", phương châm của Ngành "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" được đề ra từ đầu nhiệm kỳ, ngành VHTTDL đã tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa". Đặc biệt, với sự nỗ lực cao, cố gắng lớn để tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Nghị quyết số 01 và các Nghị quyết của Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ, các Nghị quyết của Quốc hội, lĩnh vực VHTTDL năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực với 8 điểm sáng quan trọng:

1. Điểm sáng thứ nhất: Toàn ngành đã chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế; từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời; "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Đảng, Chính phủ và Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

2. Điểm sáng thứ hai: Ngành VHTTDL đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy Đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 03 nội hàm Dân tộc, Khoa học và Đại chúng được lan tỏa, các thành tố về Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa.

3. Điểm sáng thứ ba: Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện, góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị "chân - thiện - mỹ" của con người, làm cho cuộc sống của mỗi gia đình, của xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

4. Điểm sáng thứ tư: Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò văn hóa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, phát triển văn hóa cần sự chung tay của các cấp, các ngành, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia.

Các chương trình nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật triển lãm, bảo tàng "đa dạng về hình thức – phong phú về thể loại - đặc sắc về nội dung" không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, phục vụ các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn mà còn thực hiện sứ mệnh củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế.

5. Điểm sáng thứ năm: Quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất do Bộ VHTTDL tham mưu chuẩn bị chương trình, nội dung đã được tổ chức thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

6. Điểm sáng thứ sáu: Tích cực chuẩn bị, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; tổ chức Hội nghị toàn quốc phát triển thể theo thành tích cao làm cơ sở hoàn thiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030.

Thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột, thể thao cho mọi người với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" để phát hiện tạo nguồn, đưa thể thao thành tích cao phát triển. Đoàn thể thao Việt Nam đã giành thành tích xuất sắc, dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra tại kỳ SEA Games 32 được tổ chức tại nước bạn Campuchia; thi đấu đạt kết quả tốt ở ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới với những kết quả khả quan; đội tuyển bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup 2023.

7. Điểm sáng thứ bảy: Du lịch đã về đích với kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt khách; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108,2 triệu lượt khách, vượt 6% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards 2023.

8. Điểm sáng thứ tám: Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng với 6 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2023 đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Điểm sáng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 - Ảnh 2.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH NĂM 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2024 ngành VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai trên diện rộng nhưng đồng thời phải có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm. Bởi nguồn lực cũng không cho phép cùng lúc ngành VHTTDL làm được tất cả mọi nhiệm vụ. Đặc biệt phải bám sát những lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua bức thư gửi đến Hội nghị biểu dương điển hình văn hóa của ngành được tổ chức năm 2023 mong muốn cán bộ toàn ngành không được nản chí, nhụt lòng mà phải tích cực, quyết tâm khi dẫn lại lời căn dặn của Bác Hồ "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông".

Từ tinh thần này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngành VHTTDL phải xây dựng văn hóa với cách nhìn, cách làm sáng tạo, đột phá nhưng cũng dựa trên nền tảng đã xác định. Sản phẩm của văn hóa không phải ngày một ngày hai mà nó cần có độ dài thời gian mới phát hiện ra được, vì vậy, không được chủ quan, nóng vội mà phải kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm và phải biết chọn ra những việc trọng tâm, trọng điểm để làm.

Quan trọng nhất đối với ngành VHTTDL đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý. Khi hoàn thiện được thì sẽ có được một hành lang pháp lý vững vàng để mọi người yên tâm thực hiện nhiệm vụ, không phải băn khoăn, sợ sai. Từ đó để làm và thực hiện bằng được Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mà toàn ngành đã tham mưu Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

Nhiệm vụ nặng nề đó phải được cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình cụ thể với những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn về văn hóa. Như vấn đề về xây dựng con người, đội ngũ văn nghệ sĩ, bảo tồn phát huy giá trị của các dân tộc, hay đảm bảo các thiết chế văn hóa về đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân...

Điểm sáng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 - Ảnh 3.

Để hiện thực hóa, ngành VHTTDL cần từng bước giải quyết các bài toán có tính chất căn cơ và thông qua thể chế, không chỉ là bó hẹp mà tạo ra được hành lang pháp lý để tạo ra được nguồn lực xã hội. Những gì Nhà nước làm tốt và không thể có lực lượng thay thế thì Nhà nước phải đảm trách, những gì xã hội làm được thì nên giao quyền cho xã hội làm, trong đó có những công việc có những thị trường mới, rất gợi mở để chúng ta trao quyền cơ chế như là công nghiệp văn hóa.

Thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong công nghiệp văn hóa là nhờ vào đội ngũ sáng tạo và khoa học công nghệ, cùng với đó là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt am hiểu về văn hóa để làm. Đây cũng là thể chế, chính sách mà Bộ tập trung làm trong thời gian tới theo cách trọng tâm, trọng điểm.

Nhiệm vụ tiếp theo là Bộ VHTTDL quản lý đa ngành văn hóa, thể thao và du lịch cho nên năm 2024 là năm có rất nhiều sự kiện chính trị của đất nước như: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhiều sự kiện khác ở nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Vì vậy, ngành VHTTDL phải đảm bảo được hiệu ứng tổ chức kỷ niệm các sự kiện này mang lại hiệu quả, nhiều ý nghĩa, trang trọng thành công trên nhiều phương diện.

Trong đó cần phải tập trung giải quyết bằng được những vấn đề có tính căn cơ của nguồn lực trong đó có việc hoàn thiện đội ngũ làm văn hóa, thực hành văn hóa để xứng tầm thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện bằng được nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa một cách bền vững... Với cách tiếp cận này, chúng ta sẽ lượng hóa nó bằng từng tháng, từng quý của ngành, hiệu ứng và kết quả mang lại chúng ta sẽ nhìn thấy được bằng những sản phẩm về văn hóa cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ mong muốn trong năm 2024 tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông, ủng hộ và tiếp sức nhiều hơn nữa cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để vượt qua những khó khăn, thách thức, có thêm động lực thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm của Ngành được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×