Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm mới trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

24/10/2024 | 14:20

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng trên tiền đề của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Điểm mới trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Ảnh 1.

Du lịch từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 18/10, Bộ VHTTTDL đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, giai đoạn trước đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, lượng khách quốc tế tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Đây là mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của UNWTO.

Năm 2019, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam là 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á và Thái Bình Dương (4,6%). Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5%/năm.

Du lịch đã khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội với tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước lên đến 9,2%; góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia.

Xếp hạng chung về chỉ số năng lực phát triển du lịch: năm 2019, Việt Nam xếp thứ 60/140 nền kinh tế về năng lực phát triển du lịch; năm 2021, xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019.

"Có thể nói, du lịch từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 10 năm tới, ngành du lịch có nhiều thuận lợi nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Xu thế hòa bình, ổn định, độc lập, hợp tác để phát triển là xu thế chung, ngày càng diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn thế giới, cùng với nó là sự phát triển của khoa học công nghệ,... đã mang lại những thuận lợi lớn cho du lịch phát triển" - ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay.

Định hướng phát triển mới, hành trang mới

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đứng trước yêu cầu cơ hội và thách thức, vận hội mới, kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, đòi hỏi ngành du lịch cần có các định hướng phát triển mới, hành trang mới, phù hợp vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, điều đó được thể hiện ở một số điểm mới trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, Quy hoạch đưa ra 06 quan điểm phát triển du lịch trên tinh thần bám sát Nghị quyết 08, Quy hoạch tổng thể quốc gia và kế thừa các quan điểm phát triển giai đoạn trước, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.

Gồm: (1) Tiếp tục khẳng định vai trò mũi nhọn của du lịch; (2) Bổ sung, đi sâu các nội dung phù hợp xu hướng mới nhưng vẫn nhấn mạnh lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng, phát huy vai trò động lực của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; (3) Đầu tư có trọng tâm trọng điểm hướng tới chất lượng và khả năng cạnh tranh quốc tế trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia; (4) Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo; (5) Nhấn mạnh chuyển đổi số, khoa học công nghệ và phát huy yếu tố con người; (6) Đặc biệt, quan điểm về ứng phó với rủi ro là nội dung mới và cần thiết ở giai đoạn tới.

Về thị trường du lịch, Quy hoạch đề ra yêu cầu cơ cấu lại thị trường theo hướng: Chất lượng, tiếp tục đầu tư vào hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch nhưng phải có sự đồng bộ với chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận phát huy được các điều kiện về hạ tầng mới như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam...

Về sản phẩm du lịch, Quy hoạch nêu rõ phát triển 03 nhóm sản phẩm gồm: Các dòng sản phẩm chính; các loại hình du lịch mới; các sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng, theo hướng liên kết phát triển và theo từng thị trường. So với Quy hoạch 2013, đã phát triển các loại hình du lịch mới và theo từng thị trường phù hợp với bối cảnh hiện tại, đặc biệt như các sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tổ chức không gian phát triển du lịch của Quy hoạch được định hướng chi tiết và là những điểm mới của Quy hoạch lần này.

Cụ thể là 06 vùng du lịch phù hợp với phân vùng kinh tế, xã hội của Quy hoạch tổng thể quốc gia; định hướng phát triển từng vùng qua thế mạnh tài nguyên; hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Xác định các tiểu vùng, cụm du lịch, đô thị trung tâm dịch vụ cho từng vùng.

03 cực tăng trưởng và 11 Trung tâm du lịch được hoạch định trên các lợi thế và thực trạng phát triển của các đô thị có ý nghĩa lớn cấp quốc gia (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng) và các đô thị có chức năng du lịch nổi bật. 08 khu vực động lực gắn với các giai đoạn phát triển cụ thể.

05 hành lang du lịch chính bám sát Quy hoạch tổng thể quốc gia và có sự điều chỉnh gắn với đặc trưng của ngành du lịch, phù hợp với các khu vực động lực đã được định hướng. 61 khu vực tiềm năng phát triển Khu DLQG.

Ngoài ra, các nội dung trong Quy hoạch đã cơ bản cập nhật đúng tầm các định hướng phát triển mang tính thời đại (kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số...), các xu hướng mà Việt Nam đang quyết tâm phát triển ở mức độ cao nhất, đồng thời, định hình rõ các tương quan cấu trúc hiện đại, trong đó, thể hiện rõ các định hướng, quan điểm về 1 ngành du lịch: Chất lượng, hiệu quả, bền vững, toàn diện, lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trọng tâm. Quan tâm đến lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong đó tôn trọng văn hóa bản địa của địa phương và phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng địa phương và phát huy truyền thống giá trị văn hóa bản địa....; phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát huy, xác định công nghệ là yếu tố then chốt để đẩy nhanh quá trình phát triển lên tầm cao mới, gia tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ. Coi yếu tố nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để hội nhập, nâng tầm, cạnh tranh với khu vực và thế giới.

"Có thể khẳng định, Quy hoạch hệ thống du lịch du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và các ngành liên quan khác như giao thông, xây dựng, biển đảo...và nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch đã cơ bản giải quyết được các nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được những tồn tại, bất cập, bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, Quy hoạch được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống sẽ định hướng cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới: lớn mạnh, cạnh tranh và bền vững" - ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay./.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×