Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/3/2021
09/03/2021 | 16:18Nhiều di tích tại Hà Nội mở cửa trở lại; Phong Nha- Quảng Bình đứng đầu danh sách "Địa điểm hiếu khách nhất Việt Nam; Cầu thủ có thân nhiệt trên 37,5 độ C không được thi đấu vòng 3 V-League 2021 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Hà Nội mới ngày 9/3 đưa tin: Xây dựng bộ ảnh chuyên đề ''Sắc màu các dân tộc Việt Nam'' cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng bộ ảnh chuyên đề "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" trong năm 2021. Bộ ảnh hoàn thành sẽ là nguồn tư liệu quý trong triển lãm, in ấn, trình chiếu... phục vụ các hoạt động giới thiệu, quảng bá do Nhà nước tổ chức ở trong và ngoài nước. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật và tìm hiểu về văn hóa, đời sống, con người của các dân tộc Việt Nam.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 9/3 đưa tin:
Tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8
Dự kiến Hội sách trực tuyến quốc gia 2021 sẽ khai mạc vào 9h ngày 17/4 trên sàn book365.vn và 10h ngày 18/4. Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra các sự kiện giao lưu, tọa đàm, hội thảo theo chuyên đề, giới thiệu sách, giao lưu tác giả tác phẩm với bạn đọc, giới thiệu trao đổi về văn hóa đọc, chuyển đổi số trong xuất bản và cách tiếp cận sách trong thời đại công nghệ 4.0; Tổ chức "Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8" trên phạm vi toàn quốc…
Khởi động cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam
BTC cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 vừa chính thức mở cổng tiếp nhận hồ sơ của các thí sinh. Theo kế hoạch, cuộc thi năm nay sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11. Cuộc thi bao gồm các vòng Sơ khảo, Bán kết, Chung kết cùng nhiều phần thi phụ hấp dẫn như Người đẹp Nhân ái, Người đẹp Biển, Người đẹp Thời trang, Người đẹp Tài năng, Người đẹp Truyền thông, Người đẹp Thể thao.
Để vinh danh xứng đáng áo dài
Trong nhiều năm gần đây, bên cạnh những vinh danh xứng đáng cho áo dài thì dư luận xã hội cũng nhiều lần "dậy sóng" tranh luận về mặc áo dài. Nguyên nhân là, một bộ phận giới trẻ đã có những quan điểm, sở thích táo bạo trong cách mặc áo dài, mà vô tình "bỏ qua" các giá trị văn hóa truyền thống, làm mất đi nét đặc sắc riêng của trang phục áo dài.
- TTXVN ngày 8/3 đưa tin: "Ẩm thực Việt Nam được quảng bá tại Liên hoan Pháp ngữ ở Singapore" cho biết: Liên hoan gồm có 16 chương trình lớn, đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa như liên hoan phim, hội nghị bàn tròn, ẩm thực, triển lãm mỹ thuật….Năm nay, tại địa bàn Singapore, Liên hoan ẩm thực Pháp ngữ có 9 nước tham gia, thu hút sự quan tâm không chỉ của cộng đồng Pháp ngữ mà của toàn bộ các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người nước ngoài làm việc tại Singapore và người Singapore sở tại. Đây là sự kiện lớn, có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng tại địa bàn đối với việc quảng bá, giới thiệu nền ẩm thực Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam, tạo nền tảng cho công tác xúc tiến thương mại.
- Báo Văn hóa ngày 8/3 đưa tin:
Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ VII sẽ diễn ra tại Sơn La
Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VII năm 2021. Theo đó, Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VII năm 2021 dự kiến diễn ra vào Quý IV năm 2021 tại Sơn La, dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Son La, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ, các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống. Theo Ban tổ chức, Liên hoan nghệ thuật Hát then, đàn tính toàn quốc định kỳ tổ chức 3 năm một lần, loại hình nghệ thuật này vẫn minh chứng được sức sống mãnh liệt trong sinh hoạt cộng đồng dân tộc Tày - Nùng - Thái và một số dân tộc khác qua các nghi lễ văn hóa tín ngưỡng và hình thức văn nghệ quần chúng.
Cục Di sản Văn hóa: Sử dụng cổng đình Tây Đằng phù hợp, hài hòa với tính chất, giá trị của di tích
Liên quan đến sự việc Báo Văn Hóa thông tin về di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (TP. Hà Nội) bị thay thế cổng không phù hợp với cảnh quan, Cục Di sản Văn hóa đã có công văn số 133/DSVH-DT do Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền ký ban hành gửi Sở VHTT TP. Hà Nội. Công văn cho biết, Cục Di sản Văn hóa nhận được Công văn số 499/SVHTTT- QLDT ngày 4.3.2021 của Sở VHTT TP. Hà Nội về việc thay cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Về việc này, Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở VHTT TP. Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dỡ đèn (trên hai trụ cổng) và nghiên cứu sử dụng cổng đình, đảm bảo phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.
Bắc Ninh: Các lễ hội, cơ sở tôn giáo, dịch vụ kinh doanh được hoạt động trở lại
Chiều 7.3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 141/UBND-KGVX chỉ đạo một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Từ ngày 8.3, UBND tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ: quán bar, vũ trường, beer club, karaoke, massage, spa, xông hơi, casino, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (Internet, game-online,...) được phép hoạt động trở lại. Đồng thời, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch cũng được phép mở cửa trở lại đón du khách. Riêng các hoạt động tổ chức lễ hội, các sự kiện văn hóa chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội và phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 mét.
Tháng ba - mùa sách trẻ
Đã thành thường niên, 10 năm qua, chương trình "Tháng ba sách trẻ" được NXB Trẻ tổ chức như hành động cụ thể khuyến khích thói quen đọc sách ở mọi lứa tuổi, nhất là bạn đọc trẻ. Có 136 tựa mới và gần 1.000 tựa tái bản được phát hành trong dịp này, trong đó đáng chú ý có dòng sách văn hóa - khảo cứu có các tựa nổi bật như: Chuyện Thăng Long kẻ - Hà Nội hàng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến; Đà Lạt - Một cuộc gặp gỡ của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên... Đặc biệt, NXB Trẻ cũng tái bản bìa mới các tựa sách Óc sáng suốt, Tôi tự học, Thuật xử thế của người xưa, Lão Tử tinh hoa,… trong bộ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần nhân kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản (1952). Dòng sách về Sài Gòn mang đến 2 tác phẩm: Sài Gòn một thuở - Dân ông Tạ đó của nhà báo Cù Mai Công cùng tản văn Chuyện nhỏ Sài Gòn - Sài Gòn bao nhớ của Đàm Hà Phú.
- Báo Hà Nội mới ngày 8/3 đưa tin: "Thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc các dự án bảo tồn di sản" cho biết: Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo thành phố do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Chủ tịch UBND thành phố, thành viên là lãnh đạo các đơn vị có liên quan; thực hiện kiện toàn Hội đồng Tư vấn khoa học, mời Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và triển khai thực hiện các dự án của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
-Báo Nhân Dân, báo Hà Nội mới, báo Văn hóa ngày 9/3 đưa tin: "Nhiều di tích tại Hà Nội mở cửa trở lại" cho biết: Ngày 8-3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có công văn số 509/SVHTT-NSVH đồng ý để các di tích, danh thắng trên địa bàn mở cửa hoạt động trở lại, đón khách tham quan từ ngày 8-3 (không bao gồm tổ chức lễ hội) nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Sở Văn hóa và Thể thao yêu cầu Ban Quản lý các di tích, danh thắng chủ động xây dựng phương án chi tiết vừa phòng vừa chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh tại các cơ sở di tích, danh thắng cảnh phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trường hợp nếu du khách đông, không bảo đảm phương án phòng, chống dịch, cần tạm thời đóng cửa tới khi các điều kiện được bảo đảm thì mở cửa trở lại.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Hà Nội mới ngày 9/3 đưa tin: "Chùa Hương chỉ mở cửa đón khách khi đã bảo đảm các điều kiện phòng dịch" cho biết: Ngày 8-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã đề nghị huyện Mỹ Đức đẩy sớm thời gian đón khách tham quan tại chùa Hương, thay vì mở cửa trở lại vào ngày 13-3, dịp cuối tuần, lại là ngày mùng 1 tháng Hai âm lịch.
- Báo Nhân Dân ngày 8/3 đưa tin:
UNWTO: Lệnh hạn chế đi lại vẫn là thách thức với du lịch quốc tế
Theo dữ liệu mới nhất do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố ngày 8-3, tính tới đầu tháng 2-2021, một phần ba số điểm đến trên thế giới hiện vẫn đóng cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế. Việc xuất hiện nhiều biến thể mới của Covid-19 đã khiến nhiều chính phủ đảo ngược các nỗ lực nới lỏng hạn chế đi lại, đặc biệt ở các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Báo cáo Hạn chế đi lại lần thứ 9 của UNWTO đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về các quy định hạn chế đi lại và du lịch đang được áp dụng tại 217 điểm đến trên toàn thế giới hiện nay.
Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam trong mùa hành hương
Tỉnh An Giang xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn do mỗi năm tỉnh thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, vui chơi giải trí, hành hương. Trong các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, Khu du lịch quốc gia Núi Sam thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc, là nơi có lượng du khách đến đông nhất, lúc cao điểm hơn 5 triệu lượt khách. Khu du lịch quốc gia (DLQG) núi Sam có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Chùa Hang, Tây An cổ tự, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa xứ núi Sam.
Du khách đổ về ngắm hoa lê trắng Bắc Hà dịp 8-3
Vào thời điểm đầu tháng 3 dương lịch, đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, là lúc hoa lê ở các xã vùng cao khu vực trung và thượng huyện Bắc Hà (Lào Cai) bung nở. Đông đảo du khách nữ đến đây để chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn màu trắng tinh khôi của hoa lê khoe sắc trắng trên cao nguyên Bắc Hà hùng vĩ, thơ mộng.
- Báo Hà Nội mới ngày 9/3 đưa tin: "Triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa" cho biết: Ngày 8-3, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì cuộc họp giữa các đơn vị là Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội Lữ hành Hà Nội, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam để thống nhất triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, đồng thời tìm giải pháp hiệu quả nhằm sớm đưa du lịch Thủ đô thoát khỏi tình trạng "đóng băng", sớm phục hồi thị trường du lịch.
- Báo điện tử Hà Tĩnh ngày 8/3 đưa tin: "Vũ Quang hội đủ ưu thế để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng" cho biết: Khai thác lợi thế Vườn Quốc gia Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi và các trang trại, nhà vườn... để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng… là mũi đột phá được huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳVườn Quốc gia Vũ Quang có hệ sinh thái, hệ động thực vật đa dạng với 94 loài thú và 1.829 loài thực vật bậc cao. Vườn nằm trong vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.
-Báo Doanh nghiệp Việt Nam ngày 8/3 đưa tin: Phong Nha- Quảng Bình đứng đầu danh sách "Địa điểm hiếu khách nhất Việt Nam" cho biết: DNVN - Giải thưởng thường niên Traveller Review Awards 2020 do Booking.com vừa công bố đã xướng tên Phong Nha đứng đầu danh sách những "Địa điểm hiếu khách nhất" ở Việt Nam. Với những cố gắng của ngành du lịch Quảng Bình, Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, giải thưởng thường niên Traveller Review Awards 2020 do Booking.com vừa công bố đã xướng tên Phong Nha đứng đầu danh sách những "Địa điểm hiếu khách nhất" ở Việt Nam.
- Báo điện tử Yên Bái ngày 9/3 đưa tin: "Yên Bái: Để Nghĩa Lộ trở thành trung tâm du lịch" cho biết: Ôm trọn Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ không những có lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu mà còn cả về con người, các giá trị lịch sử, văn hóa để có thể trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của miền Tây. Những năm qua, phát triển du lịch, đặc biệt là các dịch vụ du lịch được thị xã Nghĩa Lộ quan tâm chú trọng, hạ tầng du lịch được khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng. Hiện, thị xã đã có trên 40 cơ sở lưu trú với 540 phòng nghỉ, hiệu suất khai thác bình quân đạt 48%/năm; có 35 cơ sở homestay phục vụ khách du lịch, nhiều hộ làm du lịch có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
- Báo điện tử Vnexpress ngày 9/3 đưa tin:
Tour khám phá cuộc sống tộc người Rục
Tour du lịch cộng đồng khám phá bản làng người Rục, từng là một trong 10 tộc người bí ẩn trên thế giới, vừa được đưa vào khai thác. Tỉnh Quảng Bình cấp phép công ty TNHH Oxalis Holiday khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục, trong thời gian một năm, từ tháng 3/2021.
52% người Việt cân nhắc đi du lịch khi làm việc từ xa
Nhiều khách du lịch Việt sẽ thêm một hoặc hai tuần vào kỳ nghỉ của mình để làm việc từ xa. "Workation", ghép từ work (làm việc) và vacation (kỳ nghỉ), là khái niệm chỉ xu hướng du lịch kết hợp với làm việc từ xa của giới văn phòng. Tuy không phải là định nghĩa xa lạ với dân công sở trên thế giới, xu hướng nghỉ dưỡng kết hợp làm việc đang ngày càng được ưu ái bởi khách du lịch toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch, bao gồm Việt Nam.
Du lịch Thái Lan e ngại mất vị thế trước Việt Nam
Hãng hàng không Thai Air Asia lo ngại Thái Lan sẽ đánh mất vị thế trung tâm du lịch của khu vực nếu không sớm đón khách quốc tế. Hãng hàng không giá rẻ của xứ sở chùa vàng, Thai Air Asia (TAA) đang kêu gọi chính phủ nhanh chóng mở cửa lại du lịch quốc tế. Giám đốc điều hành TAA Santisuk Klongchaiya nói rằng quốc gia đang có nguy cơ mất vị thế trung tâm trong khu vực, nếu không sớm mở cửa biên giới để thúc đẩy ngành du lịch và hàng không.
Du lịch Malaysia giờ ra sao?
George Town đang trở lại là một vùng nước tù túng, như thể sự bùng nổ du lịch của Penang chưa từng tồn tại. George Town, thủ phủ Penang, từng được ví như viên ngọc quý trên vương miện du lịch Malaysia. Đại dịch xảy ra, biên giới bị đóng cửa một năm qua. Du lịch nội địa của nước này tạm dừng vào tháng 1 để phòng chống dịch bệnh. Không có du khách, George Town, một lần nữa trở thành vùng nước thuộc địa nắng cháy và bức bối như trước khi nó được ghi tên vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 2008.
-Báo Vietnamplus ngày 9/3 đưa tin: "1/3 điểm du lịch trên toàn cầu vẫn đóng cửa do lo ngại dịch COVID-19" cho biết: Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) ngày 8/3 cho biết gần 1/3 số điểm đến du lịch trên toàn thế giới đang hoàn toàn đóng cửa đối với khách du lịch quốc tế do lo ngại dịch COVID-19. Cụ thể, theo báo cáo của UNWTO, chính phủ các nước trên thế giới lúc đầu đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại trong năm ngoái, nhưng họ đã đảo ngược xu hướng này sau khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và do mức độ nghiêm trọng kéo dài của dịch COVID-19.
- Báo điện tử Dân Trí ngày 9/3 đưa tin: "Du khách quét mã QR, khai báo y tế tại các điểm đến nổi tiếng ở Hà Nội" cho biết: Từ ngày 8/3, một số di tích trên địa bàn Hà Nội mở cửa đón khách, sau thời gian tạm đóng cửa vì dịch Covid-19. Tuy nhiên lượng khách đến đây lẻ tẻ, ít khách. Bắt đầu từ ngày 8/3, các điểm di tích nổi tiếng ở Hà Nội như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Hoàng thành Thăng Long; nhà tù Hỏa Lò đã bắt đầu mở cửa đón khách. Tuy nhiên lượng khách đổ về các di tích rất vắng vẻ, ít khách. Trước cổng vào của Văn Miếu - Quốc tử Giám có bảng nhắc nhở phòng dịch Covid-19. Du khách phải khai báo y tế bằng mã QR-code.
- Báo Văn hóa ngày 9/3 đưa tin: "Khung cảnh kỳ vĩ ở nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam" cho biết: Thuộc địa phận xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, cách Thành phố Tuy Hòa khoảng chừng 35km về Đông Nam, Mũi Đại Lãnh hay còn gọi là Mũi Điện là một trong những điểm đến hấp dẫn và tuyệt vời của Phú Yên. Nơi đây được xem là Cực Đông của Tổ quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Đến đây, ngoài chiêm ngưỡng ngọn hải đăng Đại Lãnh, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh vừa hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng của Bãi Môn Phú Yên.
3.Lĩnh vực Thể thao
- Báo điện tử VOV ngày 9/3 đưa tin: "Đá bù vòng 3 V-League 2021: Cầu thủ có thân nhiệt trên 37,5 độ C không được thi đấu" cho biết: Mới đây, VPF ban hành hướng dẫn nghi thức và công tác tổ chức trận đấu trong thời gian dịch bệnh tại các giải Bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia 2021. Trong thông báo của mình, VPF yêu cầu ban tổ chức các trận đấu thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19. Ban tổ chức căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn tổ chức trận đấu theo hình thức kín, hạn chế và đón khán giả vào sân. Ngoài ra, ban tổ chức trận đấu phải thực hiện kiểm tra đo thân nhiệt đối với tất cả các thành viên tham gia trận đấu và khán giả. Những người có thân nhiệt trên 37,5 độ C không được vào sân vận động.
- Báo điện tử VOV ngày 9/3 đưa tin: "V-League 2021 trở lại: Hà Nội FC, Viettel, HAGL được phép thay ngoại binh" cho biết: V-League 2021 sẽ trở lại vào cuối tuần này với các trận đá bù vòng 3. Những đội bóng đáng chú ý như Hà Nội FC, Viettel và HAGL vẫn được phép thay cầu thủ ngoại trước khi các trận đấu diễn ra. Cuối tuần này, V-League 2021 sẽ trở lại với 5 trận đá bù ở vòng 3. Hầu hết những đội bóng được người hâm mộ chú ý như Hà Nội FC, Viettel và HAGL đều sẽ ra sân. Hà Nội FC đến làm khách của Hải Phòng, HAGL tiếp Bình Định còn Viettel đối đầu Bình Dương.
- Báo Hà Nội mới ngày 9/3 đưa tin: "Tôn vinh các huấn luyện viên, vận động viên nữ nhân ngày 8-3" cho biết: Ngày 8-3, tại Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội tổ chức kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021). Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội khẳng định, trong bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, các nữ huấn luyện viên, vận động viên có đóng góp lớn vào thành công chung. Tiêu biểu trong số này có các nữ vận động viên Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thị Oanh... Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp thầm lặng và quan trọng của các nhà quản lý thể thao thành tích cao và thể dục thể thao quần chúng.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 9/3 đưa tin:
V-League 2021: Các đội bóng ráo riết luyện quân
Cuối tuần này, V-League 2021 sẽ trở lại với những trận đấu bù vòng 3. Ổn định đội hình, tích cực đá giao hữu để có phong độ tốt nhất trong ngày V-League trở lại là điều mà các đội ráo riết làm lúc này. Ngoài Hà Nội FC, CLB TP HCM là một trong những đội bóng tích cực có những loạt trận giao hữu trong thời gian qua. Thầy trò HLV Polking đã có 2 trận giao hữu với đối thủ đang chơi ở giải hạng Nhất là Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đau đầu tìm cách đưa trở lại
Kế hoạch đưa V.League 2021 trở lại đã được VPF và VFF chốt lại. Ngày 13/3, chặng tourmalet sẽ chính thức bắt đầu với 54 trận đấu, 8 vòng diễn ra liên tục trong vòng hơn 1 tháng. Ngay từ đầu năm 2021, VFF và VPF đều xác định đây là một năm nghẹt thở với bóng đá Việt Nam. Những giải đấu của ĐTQG Việt Nam gồm vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020 bị ứ dọng ở năm ngoái do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đều được chuyển sang năm 2021.
V-League 2021: Tích cực giao hữu
Ráo riết rèn thể lực, rà soát lối chơi và tích cực tìm đối tác đá giao hữu là điều mà các CLB ở V-League đang tiến hành lúc này khi ngày trở lại của V-League 2021 chỉ còn đúng 1 tuần nữa. Chỉ còn 1 tuần trước ngày V-League 2021 trở lại vào ngày 13/3 đang khiến các CLB tích cực tập luyện và thi đấu giao hữu nhằm giúp các cầu thủ có cảm giác bóng tốt hơn khi giải đấu trở lại.
- Báo Hà Nội mới ngày 9/3 đưa tin: "Đề xuất tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các cầu thủ của 3 câu lạc bộ bóng đá" cho biết: Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có văn bản gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đề xuất cho các cầu thủ của 3 câu lạc bộ bóng đá: Viettel, Sài Gòn, Hà Nội được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để dự các giải của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Theo kế hoạch, Câu lạc bộ Bóng đá Viettel sẽ thi đấu vòng bảng AFC Champions League từ ngày 21-4 đến 7-5 (địa điểm chưa xác định); Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội thi đấu vòng bảng AFC Cup từ ngày 22 đến 28-6 (địa điểm chưa xác định); Câu lạc bộ Bóng đá Sài Gòn thi đấu vòng bảng AFC Cup từ ngày 22 đến 28-6, tại Singapore.
- Báo Văn hóa ngày 8/3 đưa tin:
Khi đam mê giúp vượt qua mọi trở ngại
Vào những ngày này hằng năm, các nữ cua-rơ Việt Nam còn rong ruổi trên khắp các cung đường đầy nắng gió tại giải Xe đạp nữ quốc tế Bình Dương, thế nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sân chơi này không diễn ra như thường lệ và đã lùi lịch sang cuối tháng 3. Có thể nói, giải nữ quốc tế Bình Dương diễn ra đúng vào dịp 8.3 hằng năm chính là ngày hội xe đạp của các nữ cua-rơ Việt Nam. Đó là sân chơi để các chị em thể hiện tài năng và cũng là dịp để ban tổ chức giải, người hâm mộ xe đạp gửi những lời tri ân cho những hy sinh, nỗ lực và đam mê của những "bóng hồng" trên đường đua.
Gặp gỡ nhà vô địch cờ vua trẻ thế giới 14 tuổi Nguyễn Thiên Ngân
9 năm thi đấu với thành tích là 187 huy chương và trở thành nhà vô địch cờ vua trẻ thế giới ở độ tuổi 14. Đó là thành tích ấn tượng của cô bé Nguyễn Thiên Ngân. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng và không có nhà vô địch nào không khổ luyện. Từ năm 8 tuổi đã tự đi xe khách di chuyển 200 km mỗi tuần từ Thái Nguyên về Hà Nội để học cờ vua, sau những năm tháng khổ luyện, cô bé ấy giờ đã là nhà vô địch cờ vua trẻ thế giới ở tuổi 14.
Xác định các bảng đấu tại Giải bóng chuyền VĐQG 2021
Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vừa tiến hành bốc thăm chia bảng, xếp lịch thi đấu tại Giải bóng chuyền VĐQG 2021. Kết quả cho thấy, nội dung nam có sự tương quan lực lượng khá đồng đều ở hai bảng đấu, trong khi nội dung nữ đã xuất hiện "bảng tử thần". Tại bảng A nam năm nay, nhà đương kim á quân TP.HCM nằm chung với đội giành HCĐ mùa vừa rồi là Tràng An Ninh Bình, cùng với đó là Hà Tĩnh, Long An và Hà Nội. Trong khi đó nhà ĐKVĐ Sanest Khánh Hòa sẽ có những cuộc đối đầu với Biên Phòng - đội xếp hạng 4 mùa giải 2020, cựu vương Thể Công, VLXD Bình Dương và Bến Tre.
Báo Thái Lan: "Valencia sẽ mua Quang Hải"
Truyền thông Thái Lan trong ngày 6.3 thông tin, trong trường hợp Vương tử bang Johor (Malaysia) Tunku Ismail thành công trong việc mua lại CLB Valencia, ông này sẽ ưu tiên chiêu mộ Quang Hải. Trong phần nội dung, tờ nhật báo thể thao hàng đầu Thái Lan giải thích rõ hơn: "Tờ Marca nổi tiếng của Tây Ban Nha đăng tải thông tin thái tử bang Johor (Malaysia), Tunku Ismail Ibrahim, quan tâm đến việc mua lại CLB Valencia từ người bạn của ông, tỷ phú người Singapore Pete Lim, với giá 400 triệu euro". "Tờ báo của Tây Ban Nha cũng tiết lộ rằng nếu ông Tunku Ismail Ibrahim nắm toàn quyền kiểm soát CLB Valencia, ông sẽ tạo điều kiện cho các cầu thủ Malaysia và cầu thủ Đông Nam Á đến với đội bóng này.
- Báo điện tử VTV ngày 8/3 đưa tin: "Olympic Tokyo cân nhắc cấm khán giả nước ngoài vì lo ngại Covid-19" cho biết: Ban tổ chức của đại sự kiện thể thao sẽ ra quyết định cuối cùng về khả năng đón tiếp khán giả nước ngoài vào cuối tháng 3. Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo, Nhật Bản đang nghiêm túc cân nhắc việc cấm khán giả quốc tế tham dự các buổi thi đấu tại đại sự kiện thể thao sắp diễn ra vào cuối tháng 7 sắp tới. Ý định này được xem xét trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại quốc gia này. Trong khi chỉ còn chưa đầy năm tháng trước khi Thế vận hội bắt đầu, sự gia tăng của các biến thể Covid-19 mới trên khắp thế giới đã trở thành mối lo ngại đối với nhà tổ chức sự kiện, những người đang cố gắng tổ chức một kỳ Olympic an toàn và bảo đảm.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 9/3 đưa tin: "Gửi con theo khóa tu: Nguy cơ mất an toàn cho trẻ" cho biết: Vào thời điểm bắt đầu nghỉ hè, các phụ huynh thường gửi con tới chùa với mong muốn con được trải nghiệm "khóa tu ngắn hạn" nhằm mục đích hướng trẻ sống thiện. Tuy nhiên, vì không ở cùng các con nên sẽ có trường hợp con gặp nguy hiểm nếu chẳng may môi trường đó có kẻ xấu.
Những đứa trẻ còn quá nhỏ để nhận thức được bao cạm bẫy bên ngoài mái ấm gia đình. Nếu gặp những người tu hành biến thái, trẻ em sẽ phải đối mặt với nguy hiểm như bị xâm hại tình dục, bị bạo hành... Nỗi lo sợ không được nói ra do sự uy nghiêm đặc trưng của môi trường sống đó, khiến trẻ có thể giữ khư khư bí mật, không thể chia sẻ nỗi đau với bất cứ ai. Sự khắc nghiệt rèn giũa đó có thể sẽ có tác dụng ngược với trẻ em. Đó như một khóa học cực hình cả về thể chất lẫn tinh thần hơn là mục tiêu tu tâm dưỡng tính như kỳ vọng của cha mẹ. Ngoài các khóa học tu hè ngắn hạn, nhiều phụ huynh cũng thường gửi con lên chùa để "làm công quả". Đây cũng là một điều cảnh báo với các bậc cha mẹ. Khi không có sự giám sát của người thân, nếu chẳng may ở đó có kẻ xấu thì chính cha mẹ đã vô tình đẩy con vào vòng nguy hiểm.