Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/3/2021
08/03/2021 | 15:20Nhiều hoạt động tôn vinh phụ nữ dịp 8-3; Việt Nam sẽ mở cửa từng bước cho thị trường du lịch quốc tế; V.League 2021 sẵn sàng trở lại trong an toàn là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-TTXVN ngày 8/3 đưa tin:
Ấn tượng áo dài Việt Nam với nữ nhiếp ảnh gia Nga
"Áo dài là hiện thân của nữ tính, dịu dàng và sức mạnh của tính cách người phụ nữ Việt Nam và nó luôn gây ấn tượng mạnh đối với mỗi người dân Nga". Đây là cảm nhận của Vera Mazhirina - nữ phóng viên chuyên trách Quốc hội Liên bang Nga, thành viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nga, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Moskva, khi theo dõi sự kiện Tuần lễ Áo dài Việt Nam 2021 qua tin tức báo chí. Theo Vera, truyền thống và văn hóa của mỗi đất nước được thể hiện qua nhiều yếu tố. Một trong số đó là trang phục truyền thống lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Việt Nam, đó chính là áo dài, đẹp, nhẹ nhàng và tha thướt.
Phim hoạt hình Nga sẽ sớm trở lại với khán giả nhí Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 5/3, nhà sản xuất phim hoạt hình hàng đầu ở Nga Soyuzmultfilm cho biết đã đạt thỏa thuận với một đối tác Việt Nam về việc cấp giấy phép phát sóng 5 bộ phim hoạt hình mới do hãng phim này thực hiện. Đối tác Việt Nam được nhắc đến trong thông cáo báo chí của hãng phim Nga chính là công ty viễn thông FPT Telecom thuộc Tập đoàn FPT. Theo thỏa thuận trên, hãng phim Soyuzmultfilm sẽ cung cấp giấy phép công chiếu tại Việt Nam với 5 bộ phim hoạt hình mới của hàng này, gồm "Bí mật thung lũng mật ong", "Cuộc phiêu lưu của Petia và Người sói", "Prostokvashino", "Thuyền trưởng Kraken và các thủy thủ" và "Trường cướp biển".
Hà Nội đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa quản lý di sản Hoàng thành Thăng Long
Hơn 10 năm trước, Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, công tác nhất thể hóa quản lý khu di sản, một trong 8 cam kết của Việt Nam với UNESCO vẫn chưa hoàn thành. Không chỉ cơ quan quản lý mà các nhà khoa học dành sự quan tâm cho khu di sản này đều muốn nhanh chóng thống nhất quản lý về di tích và di vật. Từ đó thúc đẩy quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.
Lan tỏa cuộc thi 'Đại sứ Văn hóa đọc' năm 2021
Ngày 5/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2021. Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lần đầu tiên năm 2019. Cuộc thi là một trong những hoạt động nhằm triển khai Đề án "Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030".Cuộc thi đã khẳng định được vị trí, vai trò, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức của người Việt Nam, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đảm bảo an toàn khi Chùa Hương đón khách trở lại
Ngày 5/3, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đã làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức về công tác chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách tham quan, ngay khi được phép mở cửa trở lại và việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại di tích Chùa Hương. Để đảm bảo các điều kiện an toàn, chuẩn bị đón khách ngay khi được phép mở cửa trở lại, huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo Ban quản lý Di tích - Danh thắng Hương Sơn xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động lễ hội Chùa Hương bổ sung.
- Báo Nhân Dân ngày 8/3 đưa tin:
Tôn vinh áo dài Việt Nam qua câu chuyện của hiện vật
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và hưởng ứng Tuần lễ áo dài do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp nhận hiện vật, hình ảnh, tài liệu với chủ đề "Ký ức và di sản". Hơn 20 bộ áo dài, gần 400 bức ảnh thể hiện vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam được bảo tàng lưu giữ sẽ góp phần quảng bá và lan tỏa giá trị di sản văn hóa áo dài dân tộc.
Rap Việt trên hành trình khẳng định vị thế
Không phải pop ballad, rock, bolero hay EDM…, mà rap mới chính là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong đời sống nhạc Việt thời gian gần đây. Từ trong bóng tối, rap đã bước ra, bứt phá ngoạn mục và khẳng định mình một cách mạnh mẽ trong dòng chảy âm nhạc đương đại Việt Nam. Gần đây, đã có tới hai chương trình truyền hình lần đầu về rap cùng chiếm sóng giờ vàng ở Việt Nam, đó là Rap Việt và King of Rap, thu hút lượng người xem đông đảo mỗi tập phát sóng.
Khánh thành nhà tưởng niệm danh nhân văn hóa Bùi Viện
Lễ cắt băng khánh thành nhà tưởng niệm danh nhân văn hóa Bùi Viện diễn ra trang trọng ngày 7-3 tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Công trình do Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện Tiền Hải tổ chức xây dựng trên nền từ đường danh nhân văn hóa Bùi Viện tại thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh (di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1989 nay đã xuống cấp). Sau gần một năm thi công, nhà tưởng niệm danh nhân văn hóa Bùi Viện đã hoàn thành.
Ðưa nét xưa vào nay
Mặc dù những nỗ lực nghiên cứu, phục dựng trang phục cổ và truyền thống Việt Nam (cổ phục Việt) đã có từ lâu, nhưng vài năm gần đây mới nở rộ mạnh mẽ thành một trào lưu thu hút nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ. Từ chỗ chỉ xuất hiện trong bảo tàng, sách và tư liệu lịch sử hay phim tài liệu..., đến nay, cổ phục Việt đã và đang được sử dụng trong rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thậm chí trở thành một trong những xu hướng nổi bật của thời trang trong nước năm 2020, và được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa trong năm 2021.
Phim của Việt Nam đoạt giải tại Liên hoan phim Béc-lin năm 2021
Phim Taste (Vị) của đạo diễn trẻ Lê Bảo (Ðồng Thị Phương Thảo làm Giám đốc sản xuất), là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam tham dự Liên hoan phim Béc-lin lần thứ 71 năm 2021 đã vượt qua 12 phim ở hạng mục Encounters (Những cuộc gặp gỡ) để đoạt Giải đặc biệt. Ðây là hạng mục nhằm thúc đẩy các nhà làm phim khai thác những góc nhìn, quan điểm mới về điện ảnh và có tính thẩm mỹ cao.
- Báo Hà Nội mới ngày 8/3 đưa tin:
Phát huy giá trị Hội Gióng
Sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản đại diện của nhân loại (ngày 16-11-2010), Hội Gióng tiếp tục được quan tâm đầu tư tuyên truyền, quảng bá; kiểm kê hiện vật, tư liệu hóa nghi lễ, trò diễn dân gian cũng như tăng cường nhiều biện pháp ngăn ngừa biến tướng trong lễ hội. Những hoạt động này đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của Hội Gióng trong đời sống đương đại.
Đình, chùa, di tích sẵn sàng mở cửa trở lại
Theo kết luận của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, từ hôm nay (8-3), các cơ sở tôn giáo, di tích trên địa bàn thành phố được mở cửa trở lại nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong hai ngày cuối tuần, các đình chùa nói riêng, cơ sở tôn giáo nói chung và các di tích đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, sẵn sàng mở cửa trở lại.
Âm nhạc Việt Nam năm 2021: Thêm nhân văn theo nhịp thời đại
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, giới âm nhạc Việt Nam đã chủ động xoay chuyển, đều đặn ra mắt các sản phẩm đa dạng về phong cách, hình thức, nội dung, bắt kịp xu thế quốc tế, đóng góp vào đời sống tinh thần của nhân dân. Những tác phẩm âm nhạc ghi dấu ấn với công chúng vừa thêm chất nhân văn nhưng cũng bắt nhịp với thời đại. Đây cũng được dự báo là hướng phát triển của âm nhạc Việt Nam năm 2021.
Đồng hành và hy vọng
Sau mùa phim Tết "mất trắng", các nhà làm phim Việt đang háo hức trở lại đường đua ra rạp vào tháng 3 này khi nhiều khả năng dịch bệnh đã được kiểm soát, các rạp phim mở cửa trở lại. Đây là tin vui của cả các nhà làm phim và khán giả. Mấy ngày qua, trên trang cá nhân, nhiều nghệ sĩ tỏ ra phấn chấn trước việc một loạt phim bị hoãn chiếu trong dịp Tết vừa qua đã có lịch chiếu mới. Hai bộ phim "Gái già lắm chiêu V" và "Bố già" cùng công bố ra rạp vào ngày 12-3 và sẽ có suất chiếu sớm vào ngày 8-3.
Phim truyền hình Việt 2021: Xu hướng và cơ hội tỏa sáng
Trong khi những khó khăn do dịch Covid-19 làm sân khấu, điện ảnh lao đao thì phim truyền hình lại mở ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ. Nhiều dự án phim được tung ra vào năm 2021 tiếp tục là sân chơi để các diễn viên thể hiện và tỏa sáng. Tiếp tục dòng chảy của phim truyền hình 2020, những tháng đầu năm 2021, khán giả hồi hộp theo dõi diễn biến của những bộ phim truyền hình dài tập như "Hướng dương ngược nắng", "Trở về giữa yêu thương"... Nhiều dự án phim mới cũng đã được hé lộ.
- TTXVN, báo Hà nội mới và nhiều báo khác ngày 8/3 đưa tin: "Nhiều hoạt động tôn vinh phụ nữ dịp 8-3" cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021) và 1981 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh phụ nữ. Bên ạnh đó, các đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chào mừng, tri ân, tôn vinh chị em phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Nhà Văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề "Công, dung, ngôn, hạnh thời hiện đại". Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã phát động toàn thể cán bộ, hội viên hưởng ứng "Tuần lễ áo dài" năm 2021, do Trương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động (từ ngày 1 – 8/3). Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức biểu dương, trao Giải thưởng "Chi hội phụ nữ tiêu biểu" năm 2020 và biểu dương 56 "Chi hội trưởng phụ nữ giỏi". Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng tổ chức trưng bày, giới thiệu triển lãm chuyên đề "Nét đẹp phụ nữ Việt" nhằm tôn vinh vai trò và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam qua các tác phẩm hội họa và điêu khắc đặc sắc, độc đáo thuộc sưu tập của Bảo tàng.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 8/3 đưa tin:
Đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch
Sau Tết Nguyên đán thường là cao điểm của du lịch gắn liền với lễ hội đầu năm và văn hóa tâm linh. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để giảm thiểu tối đa thiệt hại cũng như đảm bảo môi trường du lịch an toàn, ngành du lịch nhiều tỉnh, thành đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Sơn La: Mộc Châu triển khai chợ đêm, phố đi bộ
Dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, chợ đêm, phố đi bộ ở Mộc Châu (Sơn La) được kỳ vọng sẽ là không gian giải trí về đêm đặc sắc phục vụ du khách và người dân. Được biết, khu chợ đêm và phố đi bộ sẽ có diện tích 2,3ha, nằm tại tiểu khu nhà nghỉ, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Dự án lấy khu Công viên ánh sáng Pha Luông hiện nay là vùng lõi, từ đó tỏa đi các hướng. Tại khu phố đi bộ sẽ có 5 lối vào dành cho khách tham quan.
Quảng Ninh sau 1 tuần mở lại hoạt động du lịch
Từ ngày 2/3, tỉnh Quảng Ninh quyết định thí điểm mở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ nội tỉnh trên địa bàn. Trong tuần đầu thí điểm mở lại dịch vụ du lịch, các điểm du lịch biển đảo trên địa bàn còn vắng khách nhưng tại các điểm di tích lịch sử, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đón một lượng khách lớn. Tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 luôn được quan tâm, đảm bảo theo quy định.
Quảng Ninh: Tàu du lịch lật nghiêng khi đang neo tại cảng Tuần Châu
Ngày 6/3, một tàu du lịch lưu trú trên vịnh Hạ Long đang neo đậu ở cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu thì bất ngờ bị nước tràn vào, lật nghiêng. Theo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, chiếc tàu gặp sự cố thuộc loại tàu nghỉ đêm, mang biển kiểm soát QN 8898 của hãng tàu Hoàng Phương. Thời điểm nước tràn vào và gây lật nghiêng tàu vào khoảng 7h sáng. Tàu QN 8898 được đóng mới năm 2016, bằng chất liệu vỏ thép, có 20 phòng nghỉ.
- Báo điện tử VOV ngày 8/3 đưa tin:
Tín hiệu phục hồi của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trong trạng thái "bình thường mới"
Cùng với việc Bà Rịa - Vũng Tàu trở lại trạng thái "bình thường mới" từ ngày mùng 6 Tết, ngành du lịch của tỉnh cũng đã có những tín hiệu phục hồi khi khách du lịch đổ về đây dần tăng lên. Kể từ khi Bà Rịa - Vũng Tàu trở lại trạng thái "bình thường mới", cùng với đó các tỉnh, thành phố lân cận như Bình Dương, TP.HCM – nơi từng có các ca mắc Covid-19 đã khống chế được dịch bệnh trong cộng đồng thì lượng khách du lịch tới TP.Vũng Tàu cũng dần tăng trở lại.
Du lịch sôi động lại ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát
Phú Quốc, Côn Đảo, Tây Bắc đang là những điểm đến hút khách, do dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và các tour đều có giá tốt, chất lượng cao. Theo thông tin từ các công ty du lịch, hoạt động du lịch sôi động trở lại ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Các điểm du lịch biển phía Nam như Phú Quốc, Côn Đảo, Quy Nhơn, Nha Trang hay khu vực Tây Bắc như Mộc Châu, Hà Giang, Điện Biên đang được du khách quan tâm nhiều nhất.
Hòn đảo "không-Covid" trở thành nơi an toàn nhất để du lịch tại châu Âu
Hòn đảo Kastellorizo của Hy Lạp trở thành điểm du lịch đầu tiên ở châu Âu hoàn toàn không có ca bệnh Covid-19. Nằm ở một nơi hẻo lánh trên biển Aegean, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vài km, đảo Kastellorizo đã tiêm ngừa Covid-19 thành công cho tất cả cư dân trên đảo, gồm 2 liều vaccine của hãng Pfizer. Kể từ tháng 3 năm ngoái, chỉ có duy nhất 1 trường hợp mắc Covid-19 trên đảo. Chính phủ Hy Lạp đã cố gắng bảo vệ những hòn đảo nhỏ vốn không có cơ sở y tế lớn, bằng cách tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên đảo.
- TTXVN ngày 7/3 đưa tin: "Ngành du lịch Quảng Nam cần được 'tiếp sức' để phục hồi" cho biết: Dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đã được khống chế và từng bước đẩy lùi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhanh chóng tiêm vaccine phòng, chống dịch trong toàn dân, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội, nhất là ngành du lịch phục hồi sau thời gian dài khó khăn. Tuy nhiên, do phải nghỉ để chống dịch trong thời gian dài, khả năng về tài chính đã vượt quá sức "chịu đựng" của doanh nghiệp, nên hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang rất cần sự "tiếp sức" từ nhiều phía để vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn này. Đây là ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp du lịch, hãng lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ du lịch tỉnh Quảng Nam.
- Báo Hà Nội mới ngày 7/3 đưa tin: "Khu di tích quốc gia Xẻo Quýt: Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng" cho biết: Nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Long, Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Khu di tích quốc gia Xẻo Quýt từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Không chỉ mang những giá trị văn hóa - lịch sử cùng sự đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, Xẻo Quýt còn hấp dẫn nhờ cách làm dịch vụ du lịch bài bản, bền vững dựa vào cộng đồng...
- Báo Hà Nội mới ngày 7/3 đưa tin: "Tăng cường liên kết, hợp tác du lịch Việt Nam - Liên bang Nga" cho biết: Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ngành Du lịch Việt Nam và Liên bang Nga đã có cuộc họp trực tuyến để bàn về các giải pháp thúc đẩy hợp tác, phát triển du lịch giữa hai quốc gia khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhiều năm nay, Việt Nam là thị trường du lịch hấp dẫn đối với du khách Nga. Việc Việt Nam có trong danh sách các nước được nhận visa điện tử vào Liên bang Nga đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách Việt Nam đi du lịch tại quốc gia này.
- Báo điện tử Dân Trí ngày 7/3 đưa tin:
Du khách diện áo dài check-in phố cổ Hội An
Đông đảo du khách xúng xính trong những tà áo dài tuyệt đẹp khi đến tham quan phố cổ Hội An, hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam 2021 diễn ra từ ngày 2-8/3/2021. Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-2021), từ ngày 1-8/3/2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Tuần lễ áo dài 2021 trên toàn quốc. Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, áo dài luôn không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.
Quảng Nam vận động cán bộ, viên chức, người lao động đi du lịch để kích cầu
Hiệp hội du lịch Quảng Nam vừa có chủ trương và hỗ trợ chương trình Đoàn viên Công đoàn, người lao động trên địa bàn tỉnh đi du lịch từ rừng xuống biển nhằm kích cầu du lịch sau thời gian dịch bệnh. Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, chương trình này như là sự tri ân, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19.
Việt Nam sẽ mở cửa từng bước cho thị trường du lịch quốc tế
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, mới đây, Tổng cục Du lịch đã bàn về chương trình mở cửa từng bước một với thị trường quốc tế. Việt Nam sẽ mở cửa từng bước chứ không ồ ạt. Thị trường được chọn sẽ phải đảm bảo có lượng khách đông, khách phải đi tour trọn gói, có cam kết tiêm vaccine hoặc cách ly y tế...
- Báo Vietnamplus ngày 7/3 đưa tin:
Thái Lan tập trung vào thị trường du lịch nội địa trong năm 2021
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.188 tỷ baht (38,8 tỉ USD) cho lĩnh vực du lịch trong năm 2021 với chiến lược tập trung chủ yếu vào du lịch nội địa. Phát biểu với báo giới, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết Tổng Cục Du lịch Thái Lan có kế hoạch tập trung ít hơn vào doanh thu từ du khách nước ngoài, mà thay vào đó chú trọng nhiều hơn vào khách du lịch trong nước.
Khánh Hòa không tổ chức Festival Biển lần thứ X vì COVID-19
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trong năm 2021, địa phương sẽ không tổ chức Festival Biển Nha Trang-Khánh Hòa lần thứ X theo định kỳ, vì phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, tỉnh Khánh Hòa vẫn tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch vốn là nền kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đồng bộ các giải pháp phục hồi du lịch Đông Nam Bộ sau dịch
Theo chuyên gia, để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái ở Đông Nam Bộ cần có giải pháp đồng bộ, từ bảo tồn tài nguyên du lịch đến liên kết khai thác một cách bài bản, hợp lý. Thời điểm trước dịch COVID-19, mặc dù mỗi năm các địa phương vùng Đông Nam Bộ đón khoảng 49,5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, nhưng theo nhiều chuyên gia, kết quả này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của các địa phương trong khu vực.
3.Lĩnh vực Thể thao
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 8/3 đưa tin: "Ông Park 'đau đầu' vì hàng thủ" cho biết: Tuyển Việt sẽ tham dự Vòng loại World Cup 2022 vào tháng 6 tới. Quãng thời gian từ nay tới đó còn 3 tháng nữa nhưng HLV Park Hang Seo và các cộng sự chắc chắn sẽ đau đầu với bài toán lực lượng khi Văn Hậu nhiều khả năng không kịp bình phục chấn thương còn Đình Trọng, Duy Mạnh và thủ thành Văn Lâm vẫn chưa thể biết có thể lấy lại phong độ, đẳng cấp của họ như vốn có hay không?
- Báo Pháp Luật TPHCM ngày 8/3 đưa tin:
Đối thủ của tuyển Việt Nam ráo riết luyện quân
Thầy trò Park Hang-seo có nhiều thuận lợi ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khi đang dẫn đầu bảng G nhưng sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn khi ba đối thủ đều không muốn lần thứ hai bại trận. Indonesia dù không còn hy vọng sẽ cạnh tranh ở bảng G nhưng họ không hề buông thả để vớt vát danh dự, đặc biệt là luyện quân cho SEA Games 31 vào cuối năm 2021 tổ chức tại Việt Nam.
Điểm yếu của học trò ông Park
HLV Park Hang-seo rất mong mỏi trong ba tuần hội quân của đội tuyển Việt Nam chuẩn bị vòng loại thứ hai World Cup 2022 là tìm địa điểm có khí hậu nóng như ở UAE và có "quân xanh" chất lượng. Sau hai trận đá tập, lứa cầu thủ đàn anh hòa vất vả 2-2 và thắng ngược 3-2, ông thầy người Hàn Quốc vô tình tiết lộ: "Các tuyển thủ quốc gia khi đá với đàn em có thể còn nhường nhịn. Nếu đối thủ là một đội tuyển nước ngoài, các cầu thủ sẽ khác".
UAE muốn đăng cai và tiếp VN ngày 15-6
LĐBĐ UAE (UAEFA) đã chính thức gửi kiến nghị đến AFC để xin đăng cai các trận còn lại bảng G vòng loại World Cup 2022. Cách thể hiện của UAE... rất cao cơ, họ chỉ nói về điều kiện vật chất, sân bãi, chuẩn mực chống dịch, khách sạn, tình hình dịch bệnh được khống chế ra sao. UAE không nói về chuyện họ còn "quỹ sân nhà" nhiều nên LĐBĐ châu Á (AFC) phải chỉ định họ đăng cai.
- Báo điện tử Giao Thông ngày 7/3 đưa tin:
Đội bóng chuyền Bamboo Airways Vĩnh Phúc có màn chào sân ấn tượng
Đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc giành thắng lợi 3-2 trước đội nữ Vietinbank trong trận giao hữu chiều 7/3. Trận đấu giữa hai đội được đón đợi bởi đây là trận đầu tiên ra mắt người hâm mộ của bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc, sau khi đội tiếp nhận gói tài trợ toàn diện từ Bamboo Airways và thay đổi phiên hiệu thành đội Bamboo Airways Vĩnh Phúc.
Sau Quang Hải, cầu thủ thứ 2 của bóng đá Việt Nam làm được điều này
Tuấn Anh trở thành cầu thủ bóng đá thứ hai tại Việt Nam có bộ sưu tập giày mang thương hiệu của mình. Theo nguồn tin của Báo Giao thông, tiền vệ tài hoa Nguyễn Tuấn Anh sắp trở thành cầu thủ bóng đá thứ hai tại Việt Nam sở hữu bộ sưu tập giày thi đấu mang thương hiệu bản thân. Cụ thể, nhãn hàng thể thao Kamito đã kết hợp với Tuấn Anh lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất bộ sưu tập có tên: TA11. Đây chính là viết tắt cả tên và số áo thi đấu của Tuấn Anh.
Đây là lý do cánh cửa lịch sử sẽ mở ra với tuyển Việt Nam
Tuyển Việt Nam chỉ cần thêm 6 điểm để giành lợi thế lớn trong cuộc đua vào vòng loại World Cup 2022. Trong một phát biểu gần đây, HLV Park Hang-seo khẳng định, mục tiêu của ông và tuyển Việt Nam là giành thêm 6 điểm tại 3 trận còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. 6 điểm này sẽ đủ giúp đoàn quân áo đỏ nắm bắt cơ hội giành vé vào vòng loại thứ ba. Nhưng vì sao đây là lại là điều kiện cần và đủ?
- Báo điện tử Người Lao động ngày 8/3 đưa tin:
Quang Hải chấn thương phải bỏ tập, bác sĩ Choi đề nghị thăm khám
Bắt gặp Quang Hải trong lúc dự lễ khai trương Trung tâm Phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC do Lương Xuân Trường sáng lập, bác sĩ Choi Ju-young bày tỏ sự lo lắng cho chân thuận của tiền vệ Hà Nội FC. Sự lo lắng của bác sĩ Choi là điều dễ hiểu bởi Quang Hải là mắt xích cực kỳ quan trọng của đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang-seo. Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á sắp tới, Quang Hải vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong sơ đồ tấn công của tuyển Việt Nam khi so tài với Indonesia, Malaysia và UAE vào đầu tháng 6-2021.
Vắc-xin Covid-19 và cơ hội tham dự Olympic Tokyo
Chỉ còn gần 4 tháng để hoàn thành chỉ tiêu giành 20 suất tham dự Olympic Tokyo của thể thao Việt Nam và tất cả phụ thuộc phần lớn vào những liều vắc-xin Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành được 5 suất tham dự Olympic Tokyo, gồm các tuyển thủ Nguyễn Văn Đương (quyền Anh), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Con số này mới đạt 25% chỉ tiêu kế hoạch mà ngành thể thao đã trình Chính phủ. Lộ trình hoàn tất mục tiêu trọng điểm của TTVN trong năm 2021 đối mặt không ít gian nan.
Lấy lại tự tin cho Bùi Tiến Dũng
Trong trận đá tập giữa CLB TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, HLV Mano Polking cho thủ môn Bùi Tiến Dũng bắt chính để tìm lại sự tự tin trước khi V-League quay trở lại. Chiều 6-3, CLB TP HCM đã khép lại chuyến du đấu giao hữu ở Bà Rịa - Vũng Tàu bằng trận thắng trước đội chủ nhà với tỉ số 1-0. Trước đó 1 ngày, thầy trò HLV Mano Polking cũng đánh bại Bà Rịa - Vũng Tàu trong trận đấu mà thủ môn Bùi Tiến Dũng giữ sạch lưới.
- Báo Tin tức ngày 7/3 đưa tin: "Đoàn Văn Hậu có cơ hội cùng tuyển Việt Nam tham dự vòng loại World Cup 2022?" cho biết: Các bác sĩ, chuyên gia của đội tuyển Việt Nam vừa có cuộc hội chẩn chấn thương cho trụ cột của hàng thủ Đoàn Văn Hậu nhằm tìm hướng tăng tốc phục hồi giúp anh trong giai đoạn chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng của ĐTQG Việt Nam. Đoàn Văn Hậu gặp phải chấn thương rách sụn chêm ngoài đầu gối phải hồi tháng 9/2020, sau khi trở về từ CLB Heerenveen (Hà Lan). Đến ngày 10/12/2020, hậu vệ trẻ này đã được phẫu thuật tại TP Hồ Chí Minh, sau đó tập luyện hồi phục chấn thương tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF từ tháng 1/2021 cho đến nay.
- Báo Hà Nội mới ngày 7/3 đưa tin: "V.League 2021 sẵn sàng trở lại trong an toàn" cho biết: Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia năm 2021 (V.League 2021) đã sẵn sàng trở lại vào ngày 13-3 tới, sau thời gian tạm nghỉ thi đấu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Chờ đợi, háo hức là tâm trạng chung của các đội bóng, cầu thủ, người hâm mộ, song ưu tiên hàng đầu được Ban Tổ chức đặt ra là, giải đấu trở lại trong an toàn.
- Báo Nhân Dân ngày 7/3 đưa tin:
Nhiệm vụ kép của thể thao Việt Nam
Mới đây nhất, Việt Nam đã có hai đại diện là nữ trọng tài Bùi Thị Thu Trang và trợ lý trọng tài Trương Thị Lệ Trinh được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chọn vào danh sách ứng cử để từ đó tuyển chọn 56 trọng tài và 100 trợ lý trọng tài điều hành tại vòng chung kết Giải Bóng đá nữ thế giới năm 2023. Theo FIFA, một trong những lý do để có được vinh dự này là Việt Nam đã tổ chức thành công các giải bóng đá nữ quốc gia trong năm 2020 do kiểm soát tốt dịch Covid-19, các trọng tài và trợ lý trọng tài không bị thời gian nghỉ ngắt quãng, bảo đảm duy trì hoạt động nghiệp vụ, phong độ điều hành và trau dồi năng lực cá nhân.
Hướng đi mới trong việc đưa cầu thủ Việt Nam đi nước ngoài
Chiến lược hợp tác toàn diện của Chủ tịch CLB Sài Gòn với các đội bóng của Nhật Bản mở ra hướng đi mới trong việc đưa cầu thủ Việt Nam đi nước ngoài. Sau khi Đoàn Văn Hậu của CLB Hà Nội trở về Việt Nam, khép lại hành trình học hỏi ở Hà Lan, bóng đá Việt Nam xem như khép lại một giai đoạn các ông chủ đội bóng tự đưa cầu thủ của mình ra nước ngoài học việc. Trước đó, Nguyễn Công Phượng từ Hàn Quốc sang Bỉ rồi đã phải quay ngược về TP Hồ Chí Minh thi đấu mà không để lại dấu ấn gì ở nước bạn.
Đương kim vô địch V-League Viettel ra mắt logo mới của đội
Ngày 5-3, Trung tâm Thể thao Viettel chính thức công bố về logo mới của CLB Viettel. Theo thông tin được CLB Viettel thông báo, logo của Viettel FC chính là biểu tượng về sự cộng hưởng các giá trị và khát vọng của đội bóng. Việc sử dụng cách điệu hình ảnh cành tùng (hình ảnh quen thuộc trong quân hiệu của Quân đội Nhân dân Việt Nam): để khẳng định nguồn gốc của đội bóng Viettel từ Quân đội, khẳng định chất lính là bản sắc riêng của các cầu thủ Viettel FC. Hai ngôi sao tượng trưng mục tiêu của đội bóng Viettel: vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam và vì người hâm mộ.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 8/3 đưa tin: "Ngày nào phụ nữ cũng xứng đáng được yêu thương, chia sẻ" cho biết: Chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2021 là "Phụ nữ lãnh đạo: Đạt được tương lai bình đẳng trong thế giới Covid-19". Chủ đề này cũng phù hợp với sự ưu tiên của Ủy ban về địa vị của phụ nữ.
Chủ đề này nhằm thu hút sự chú ý và tôn vinh những nỗ lực to lớn của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới trong việc định hình một tương lai bình đẳng hơn và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Chủ đề này cũng phù hợp với sự ưu tiên của phiên họp lần thứ 65 của Ủy ban về địa vị của phụ nữ (CSW) mang tên "Sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ và ra quyết định cũng như xóa bỏ bạo lực để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái". Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women) cũng đã phát động chương trình về vấn đề bình đẳng thế hệ, kêu gọi quyền ra quyết định của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, trả lương công bằng, chia sẻ công việc chăm sóc không lương và công việc gia đình bình đẳng, chấm dứt mọi hình thức bạo lực chống lại phụ nữ, trẻ em gái và thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu của phái đẹp.