Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 30/7/2024

30/07/2024 | 10:52

Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế; Chùa Cầu sau trùng tu đảm bảo giá trị cốt lõi, hài hòa và chân xác; Khai mạc Giải vô địch Bóng ném trẻ Quốc gia là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Các Báo: Văn hóa, Tổ quốc ,Tiền phong, Tuổi trẻ ngày 29, 30/7 đưa tin:

Tranh cãi nhiều chiều về "diện mạo" mới Chùa Cầu sau trùng tu: "Dư luận có ý kiến là việc rất bình thường"

Chiều ngày 29.7, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ liên quan đến những thông tin, ý kiến nhiều chiều nhận xét về "diện mạo" trước và sau trùng tu di tích chùa Cầu - biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của Hội An được tranh luận sôi nổi những ngày qua. Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng Nam, việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường. Qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến di tích này và Hội An. Với vai trò quản lý ngành Văn hóa tỉnh, ông Hồng khẳng định, ngành văn hoá và thành phố Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn.

- Các Báo: Tổ quốc, Văn hóa, Công luận, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, VTV, VOV,…ngày 29/7 đưa tin:

 "Trường Sa - Bến bờ trong nhau" - dự án phim ca nhạc lớn nhất từ trước đến nay của Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam

Ngày 29/7, tại Hà Nội, bộ phim ca nhạc "Trường Sa - Bến bờ trong nhau" được giới thiệu đến khán giả. Đây là dự án phim đặc biệt do Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp và được sự ủng hộ của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Hải quân, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc (2 và 5/8/1964 - 2 và 5/8/2024), 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024). Phim sẽ được phát sóng vào 14h10 ngày 4/8/2024 trên kênh VTV1.

- Báo Tin tức, Người Lao động, Nhân dân ngày 29/7 đưa tin:

Lễ hội Phở Việt Nam sẽ diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 5 - 6/10

Chiều 29/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ và Saigontourist Group có buổi họp báo thông tin về sự kiện 'Vietnam Phở Festival 2024' dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 5 và 6/10 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Theo Ban tổ chức, Vietnam Phở Festival 2024 bao gồm một chuỗi sự kiện được tổ chức từ mục đích ban đầu là nhằm tôn vinh Phở-món ăn tiêu biểu, mang nhiều tinh túy của văn minh lúa nước Việt Nam.

- Báo Văn hóa ngày 29/7 đưa tin:

Dâng hương tưởng niệm 150 năm ngày mất của "ông tổ" nhiếp ảnh Việt Nam

Ngày 29.7, tại di tích lưu niệm Nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tri ân nhân 150 năm ngày mất của ông (1874 - 2024). Đây là hoạt động văn hóa, giáo dục đồng thời cũng là dịp tri ân và tưởng nhớ những cống hiến to lớn của danh nhân Đặng Huy Trứ cho quê hương và đất nước.

Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc diễn ra tại Quảng Ngãi

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã có thông báo triệu tập lần 2 về tổ chức Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc. Theo đó, thời gian tổ chức Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc từ ngày 1 - 4.8, tại tỉnh Quảng Ngãi. Thành phần tham gia gồm có nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc công, kỹ thuật viên các dân tộc thuộc các tỉnh, thành phố: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hoà Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, TP.HCM.

Hơn 3.000 bức chân dung "trả nợ" ân tình đất nước

"Thời gian và sức khỏe của các Mẹ đều không chờ đợi. Có nhiều lúc, khi tôi đến nơi thì Mẹ đã đi rồi. Hành trình dọc dài đất nước để ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thực sự là một cuộc chạy đua đầy khắc nghiệt, thậm chí là đau đớn và xót xa…", nữ họa sĩ Đặng Ái Việt dường như đã quên đi cái tuổi đã gần 80, chỉ để nhớ "món nợ" ân tình mà bà nguyện ước phải trả.

-TTXVN ngày 29/7 đưa tin:

Chùa Cầu sau trùng tu đảm bảo giá trị cốt lõi, hài hòa và chân xác 

Chiều 29/7, trao đổi với phóng viên TTXVN về những ý kiến trái chiều xoay quanh màu sắc của Chùa Cầu sau khi trùng tu, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết: Chùa Cầu sau khi trùng tu đảm bảo yếu tố hài hòa và chân xác. Đây là yếu tố cốt lõi của việc trùng tu, tôn tạo di tích. Tiếp thu những ý kiến trái chiều về màu sơn mới của Chùa Cầu, thành phố Hội An đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An thực hiện việc sơn lại đường viền màu trắng, phần tiếp giáp giữa mố cầu và mặt cầu cho sậm hơn. Nhìn toàn cục, màu sơn của Chùa Cầu sau khi được trùng tu vẫn đảm bảo được màu truyền thống. Còn màu thời gian thì phải qua một vài mùa mưa nắng, mới giống như màu cũ trước khi trùng tu.

Chương trình 'Thói đời 2: Người trong cõi nhớ' tưởng nhớ cố tác giả Lưu Quang Vũ

Nhân Kỷ niệm 76 năm ngày sinh (1948 - 2024) và tưởng nhớ 36 năm ngày mất (1988 - 2024) cố tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt khán giả Thủ đô chương trình nghệ thuật "Lưu Quang Vũ - Thói đời 2: Người trong cõi nhớ" diễn ra vào tháng 7 và tháng 8/2024. "Lưu Quang Vũ - Thói đời 2: Người trong cõi nhớ" sẽ là chuỗi chương trình với điểm nhấn là 2 vở kịch nổi tiếng: "Bệnh sĩ" và "Người trong cõi nhớ". Đáng chú ý, năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt vở "Bệnh sĩ" (2014 - 2024) - một siêu phẩm hài kịch của sân khấu miền Bắc và cũng là một trong những tác phẩm cuối đời của tác giả.

- Báo Người Lao động ngày 29/7 đưa tin:

Thiếu đạo diễn trẻ cho phim thương mại

Người trong giới nhận định rằng phim độc lập, nghệ thuật, tạo danh tiếng trên quốc tế dần góp phần giúp quảng bá nét văn hóa, tạo nét đặc trưng riêng của phim Việt. Tuy nhiên, mảng phim thương mại cần có những cái tên để tạo ra lợi nhuận, tái đầu tư vào thị trường. Các nhà chuyên môn lo ngại tình trạng khan hiếm các gương mặt đạo diễn mới, bứt phá doanh thu của phim thương mại Việt Nam hiện nay.

- Truyền hình Quốc hội Việt Nam ngày 29/7 đưa tin:

 Quảng Ngãi: Phục dựng mộ táng cổ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh

Giai đoạn 2009 - 2012, các nhà khảo cổ đã khai quật hồ chứa nước Nước Trong ở tỉnh Quảng Ngãi, phát hiện nhiều mộ chum, mộ vò của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Còn khoảng 45 mộ chum, mộ vò, cùng đồ gốm tùy táng bị vỡ đang cần phục dựng, gắn chắp nguyên vẹn. Quảng Ngãi đang xem xét để sớm hoàn tất việc chỉnh lý, phục dựng.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội ngày 29, 30/7 đưa tin:

Mỗi địa phương cần có một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô. Tiềm năng và lợi thế của từng địa phương còn rất lớn, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm của những người đứng đầu địa phương, đơn vị. Mỗi địa phương xác định được một sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa tiêu biểu thì bức tranh chung về phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ thêm tươi sáng.

Ứng dụng công nghệ giúp giới trẻ dễ tiếp cận di sản

Các dự án game hóa những điểm di tích, văn hóa lịch sử ở Hà Nội đã mở ra một hình thức truyền tải văn hóa mới lạ thú vị, thu hút sự quan tâm của du khách và người trẻ. Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vừa triển khai chương trình khám phá di sản thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Khi du khách tham gia tour game di sản, hành trình du lịch trở nên sống động hơn. Các nhiệm vụ, thử thách lần lượt được đưa ra, gắn với các sản phẩm đặc trưng của điểm đến.

- Báo Lao động ngày 29/7 đưa tin:

 Cục Di sản văn hóa nói về diện mạo gây tranh cãi của Chùa Cầu

Diện mạo sau cuộc trùng tu Chùa Cầu với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng là tâm điểm của dư luận những ngày qua. Từ khi được triển khai vào cuối năm 2022, dự án đến nay hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình… Tuy các công đoạn cuối chưa hoàn thiện, diện mạo mới của Chùa Cầu đang nhận những ý kiến trái chiều như nước sơn vôi chưa phù hợp, không giữ nét cổ kính… Trả lời Lao Động, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa đã thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế và quá trình triển khai trùng tu. Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo, hội nghị, mời nhiều giáo sư trong và ngoài nước đóng góp ý kiến về dự án tu bổ di tích.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 30/7/2024 - Ảnh 1.

Chùa Cầu, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) trước khi được tôn tạo. Ảnh tư liệu: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

- Báo Tiền phong ngày 29/7 đưa tin:

Thông tin về di tích đình Thanh Chiểu bị sập tường

Phần tường bao bị đổ của di tích quốc gia Đình Thanh Chiểu xây trên nền cũ đã xuống cấp, được đơn vị thi công công đức. Sau khi họp, các bên thống nhất tiếp tục xây dựng lại bức tường bao đã bị đổ. Chiều 29/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) xác nhận phần tường bao thuộc Đình Thanh Chiểu (là di tích quốc gia) vừa bị đổ sập do mưa lớn. Phần tường bao bị đổ không nằm trong hồ sơ thiết kế thi công. Cụ thể, phần tường bao bị đổ được xây dựng trên nền tường bao cũ đã xuống cấp. Ban bảo vệ di tích đã đề xuất xã hội hóa và được nhà thầu thi công dự án công đức và hỗ trợ xây dựng.

- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày đưa tin:

"Phát huy giá trị di sản thế giới" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 29/7 trên VTV1. Để biến di sản thành tài sản phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, cần phải khơi thông hành lang pháp lý để rộng đường cho việc phát huy các danh hiệu di sản thế giới.

2.Lĩnh vực Thể thao

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 30/7 đưa tin:

Nguyễn Thùy Linh thắng áp đảo trận ra quân tại Olympic

Rạng sáng 30/7 (theo giờ Việt Nam), tay vợt Nguyễn Thùy Linh (hạng 26) có trận ra quân tại vòng bảng nội dung đơn nữ môn Cầu lông trong khuôn khổ Olympic Paris 2024 gặp Tiffany Ho người Australia (hạng 81). Trước đối thủ kém 55 bậc trên bảng xếp hạng của liên đoàn cầu lông thế giới BWF. Nguyễn Thùy Linh chỉ mất vỏn vẹn 30 phút để giành chiến thắng. Với sự chênh lệch lớn, Nguyễn Thùy Linh không gặp quá nhiều khó khăn để giành chiến thắng mở màn với tỷ số 2-0 trước đối thủ Tiffany Ho tại vòng bảng nội dung đơn nữ môn Cầu lông trong khuôn khổ Olympic Paris 2024.

Hà Thị Linh nhận thất bại đáng tiếc, dừng bước ở vòng 16

Chiều 29/7, nữ võ sĩ Hà Thị Linh bước vào trận đấu gặp Yang Wenlu trong khuôn khổ vòng 16 hạng cân 60kg nữ môn Boxing tại Olympic Paris 2024. Kết thúc hiệp 3, Hà Thị Linh được 1 trọng tài chấm 10 điểm nhưng Yang Wenlu có đến 4 điểm 10, qua đó giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 5-0. Dù dừng bước ở vòng 16, nhưng Hà Thị Linh đã có màn trình diễn rất ấn tượng trước đối thủ được đánh giá mạnh hơn, nằm trong top 5 tay đấm dẫn đầu. Trong lần đầu tiên tham dự một sự kiện Thể thao lớn nhất hành tinh như Olympic Paris, nữ võ sĩ sinh năm 1993 đã cho thấy bản lĩnh, sự quyết tâm, một phong độ ấn tượng. Với niềm đam mê Boxing, hành trình của Hà Thị Linh vẫn sẽ được tiếp tục và chắc chắn sẽ đạt được thành tích tốt.

-TTXVN ngày 30/7 đưa tin:

Olympic 2024: Ngày thi đấu 30/7 - Chờ tin vui từ Phạm Thị Huệ và Lê Đức Phát

Tâm điểm thi đấu của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 trong ngày 30/7 sẽ là nội dung thi đấu Tứ kết của môn Rowing, với sự góp mặt của tay chèo Phạm Thị Huệ. Tứ kết nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng lần này có 4 lượt đấu với sự góp mặt của tổng cộng 24 tay chèo và Phạm Thị Huệ sẽ tranh tài trong lượt đấu thứ 2. Cô sẽ cạnh tranh cùng các tay chèo từ Mexico, Hà Lan, Đức, Paraguay, và VĐV độc lập. Ba tay chèo có thành tích tốt nhất trong từng lượt thi đấu Tứ kết sẽ giành vé vào Bán kết A để có cơ hội tranh huy chương, trong khi những người còn lại sẽ vào nhóm thi đấu phân hạng chung cuộc.

Olympic 2024: Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng lỡ cơ hội vào chung kết

Chiều 29/7 theo giờ Việt Nam, kết thúc nội dung bơi vòng loại 800 m tự do nam tại Olympic 2024, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng chỉ về thứ 5, với thành tích 8 phút 08 giây 39, kém 19,90 giây so với người dẫn đầu. Với kết quả này, Nguyễn Huy Hoàng không thể góp mặt ở vòng bơi chung kết. Ở nội dung 800 m tự do nam, thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Huy Hoàng là 7 phút 49,67 giây. Ở Olympic Tokyo, thành tích để góp mặt ở chung kết là 7 phút 47,73 giây.

Khai mạc Giải vô địch Bóng ném trẻ Quốc gia

Tối 29/7, tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu), Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp cùng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Liên đoàn Bóng ném Việt Nam tổ chức khai mạc Giải vô địch Bóng ném trẻ Quốc gia 2024. Giải vô địch Bóng ném trẻ Quốc gia 2024 quy tụ 15 đội, với 190 vận động viên tham gia tranh tài. Các đội thi đấu ở 2 nhóm tuổi: nhóm tuổi U18 gồm 4 đội nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu), 3 đội nữ (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Giang); nhóm U20 gồm 4 đội nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu), 4 đội nữ (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Giang).

- Các Báo: Thanh niên, Lao động, VnExpress, VTC News,... ngày 29/7 đưa tin:

 Kỉ luật HLV đội U16 nữ Thái Nguyên vì ý định dàn xếp tỉ số

Theo quyết định kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), HLV Nguyễn Văn Nhật của đội U16 nữ Thái Nguyên bị phạt 5 triệu đồng, đồng thời không được phép tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức 12 tháng do có ý định làm sai lệch kết quả trận đấu giữa đội Thái Nguyên và đội TP.HCM, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giải đấu và VFF. Theo báo cáo của ban huấn luyện đội U16 nữ TPHCM, trong quá trình tham dự giải U16 nữ Quốc gia 2024, huấn luyện viên U16 nữ TPHCM đã được huấn luyện viên Nguyễn Văn Nhật đề nghị chỉ đạo các cầu thủ đá dưới sức nhằm giúp U16 Thái Nguyên giành chiến thắng 2-0 trong trận đấu ngày 21.7. Tuy nhiên, huấn luyện viên đội U16 nữ TPHCM đã từ chối lời đề nghị và báo cáo tới VFF. Trận đấu này kết thúc với tỉ số hòa 1-1.

- Báo Văn hóa ngày 29/7 đưa tin:

Việt Nam giành 4 HCV tại Giải Patin quốc tế Thiên Tân mở rộng 2024

Kết thúc những ngày tranh tài tại Giải Patin quốc tế Thiên Tân mở rộng 2024 vừa diễn ra Ninh Hà - Thiên Tân (Trung Quốc), Patin Việt Nam đã giành được 4 HCV bên cạnh 2 HCB và 1 HCĐ. Các VĐV đã giành HCV là Dương Trường Lập (200m Senior), Dương Nguyễn Đăng Khôi (Junior Man 200m) và cú đúp của Huỳnh Thị Cẩm Ly (Youth Woman 200m và Youth Woman 500m).

- Báo Lao động ngày 29/7 đưa tin:

Đã đến lúc mạnh tay với các đội bóng V.League không đạt chuẩn

Việc Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) mở cuộc điều tra Liên đoàn bóng đá Malaysia cấp phép cho các câu lạc bộ trong nước không đáp ứng đủ tiêu chí là hồi chuông cảnh báo với các liên đoàn thuộc khối thành viên của tổ chức bóng đá hàng đầu châu Á. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng không phải là ngoại lệ. Ghi nhận trong thời gian gần đây, VFF đã chặt chẽ hơn và nghiêm khắc hơn trong việc cấp phép cho các câu lạc bộ dự giải châu lục, dựa trên bộ tiêu chí chi tiết đến từ AFC. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh, VFF thực tế vẫn cần áp dụng cơ chế ngoại lệ, tạo điều kiện để một số đội bóng chưa đủ điều kiện để tiếp tục thi đấu ở V. League. Đã đến lúc VFF phải mạnh tay hơn trong việc cấp phép cho các câu lạc bộ. Theo chiều ngược lại, ở tâm thế chuyên nghiệp, các đội bóng cũng phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí, nếu như không muốn tự loại khỏi cuộc chơi bởi sự chây ỳ, nghiệp dư và thiếu định hướng.

- Báo Sài Gòn giải phóng ngày 29/7 đưa tin:

Liên đoàn billiards & snooker Việt Nam nhận án cấm 6 tháng, tuyển thủ quốc gia không được dự Đại hội thể thao trong nhà

Liên đoàn billiards châu Á (ACBS) vừa gởi văn bản tới Liên đoàn billiards & snooker Việt Nam (VBSF) để thông báo chúng ta bị cấm tham gia các hoạt động, giải đấu của châu Á và quốc tế trong 6 tháng. ACBS cũng cho biết thông báo án cấm này đến Liên đoàn billiards quốc tế, Ủy ban Olympic châu Á (OCA), Ủy ban Olympic thế giới (IOC) và các Liên đoàn, tổ chức billiards quốc tế gồm WPA, IBSF, WCBS. Theo người phụ trách bộ môn billiards (Cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn billiards Việt Nam - ông Đoàn Tuấn Anh cho biết một trong những nguyên nhân chính là việc đã có những giải đấu mà ACBS khuyến cáo không được tổ chức tại Việt Nam do trái quy định nhưng vẫn diễn ra. Dù cho, VBSF cũng thông báo tới các nhà tổ chức những giải trên đã có khuyến cáo như vậy từ Liên đoàn billiards châu Á nhưng việc tổ chức vẫn tiến hành.

- Báo Quân đội nhân dân ngày 30/7 đưa tin:

Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024: Niềm hy vọng huy chương vơi dần

Đúng như dự đoán, đấu trường Olympic Paris 2024 cạnh tranh khốc liệt khiến Đoàn thể thao Việt Nam rất khó "săn" được huy chương. Ngoài Trịnh Thu Vinh, Nguyễn Huy Hoàng, nhiều vận động viên khác của Đoàn thể thao Việt Nam cũng sớm bị loại tại Olympic. Điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam là Phạm Thị Huệ môn rowing đã thi đấu tốt ở lượt đấu vớt Repechage, giành suất để dự tứ kết nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng. Về chỉ tiêu có huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2024, ông Đặng Hà Việt chia sẻ: "Chúng ta vẫn còn 1 nội dung thi đấu của Thu Vinh nữa. Đây cũng là nội dung sở trường của cô. Bản thân Trịnh Thu Vinh cũng rất nỗ lực, quyết tâm lớn để tìm cơ hội, có khả năng lọt vào chung kết để tranh chấp huy chương. Ngoài ra chúng ta còn nhiều nội dung các vận động viên sẽ tiếp tục thi đấu ở môn cử tạ, rowing, xe đạp... các cơ hội vẫn còn phía trước cho đoàn thể thao của chúng ta".

3.Lĩnh vực Du lịch

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các báo:  Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Vietnamnet, Nhà báo và Công luận, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp ngày 29, 30/7 đưa tin: "Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, khách châu Âu tăng vọt" cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, Việt Nam đón 1,15 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, ngành du lịch ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về lượng khách đến từ châu Âu, với mức tăng 47,3%, các thị trường khác cũng có mức tăng cao như châu Á với 57,1% (chủ yếu là do lượng khách Trung Quốc tăng), châu Úc 27,3% và châu Mỹ tăng 9,7%...

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 30/7/2024 - Ảnh 3.

Khách quốc tế đến Việt Nam - Ảnh: Vietnamnet

- Báo điện tử Chính phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội ngày 29, 30/7 đưa tin:

Ngành du lịch Thủ đô tiếp tục tăng trưởng

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 7/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,52 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian tới, Sở Du lịch cũng sẽ tập trung tổ chức các chương trình sự kiện; xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số; tăng cường truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông.

- Báo Tuổi trẻ ngày 29/7 đưa tin:

 Vẫn đang tìm giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch ở chợ nổi Cái Răng

Sau phản ảnh du khách chê "chợ nổi Cái Răng chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe", lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết vẫn đang tham mưu giải pháp bảo tồn và phát triển chợ nổi này. Về giải pháp, Sở VHTTDL cho biết sẽ phối hợp chặt với sở ngành, địa phương rà soát lại, để tham mưu hoạt động bảo tồn và du lịch song song, vì chỉ phát triển du lịch không thì không bảo tồn được chợ nổi Cái Răng thời gian tới.

- Báo Thanh niên ngày 29/7 đưa tin:

Không còn bị 'lạnh nhạt', số chuyến bay đến Phú Quốc đã tăng gần 200%

6 tháng đầu năm 2024, lượng chuyến bay quốc tế đến đảo ngọc tăng 186%, trong đó khách quốc tế đến tăng 134,8% so với cùng kỳ 2023. Những tín hiệu tích cực từ du lịch Phú Quốc đang khẳng định sức hút và vị thế mới của thành phố biển đảo. Theo công bố khảo sát mạng của Rankify Korea, Phú Quốc là điểm đến được yêu thích nhất của du khách Hàn Quốc - thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam, vượt qua Đà Nẵng, Nha Trang và nhiều điểm đến quen thuộc trước đó của dòng khách này như Bangkok, Phuket của Thái Lan và Kyoto, Nhật Bản…Theo dự báo của các chuyên gia trong hội nghị công bố đồ án quy hoạch của Phú Quốc đến năm 2040, Phú Quốc có thể đón 14,6 triệu lượt khách du lịch, cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm du lịch lớn của châu Á như Phuket, Bali.

- Báo Nhà báo và Công luận ngày 30/7 đưa tin:

Phí tham quan Vườn quốc gia Cát Bà tăng gấp 2 lần từ ngày 1/8

Bắt đầu từ ngày 01/08/2024, Hải Phòng sẽ chính thức điều chỉnh mức phí tham quan tại nhiều điểm du lịch, với mức tăng mạnh nhất tập trung tại quần đảo Cát Bà. Phí tham quan Vườn quốc gia Cát Bà sẽ tăng lên 160.000 đồng đối với người lớn và 80.000 đồng đối với trẻ em từ 6 tuổi hoặc có chiều cao từ 1,2 m trở lên, gấp đôi mức phí cũ (80.000 đồng và 40.000 đồng). Hải Phòng sẽ áp dụng giảm 50% phí tham quan cho các đối tượng ưu tiên như người hưởng chính sách văn hóa, người khuyết tật nặng, người cao tuổi, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn, chuyên gia nghiên cứu danh lam thắng cảnh và sinh viên tham quan ngoại khóa theo đăng ký của trường học.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 30/7 đưa tin:

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 2: Đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc vào máy bay

Trong bối cảnh giá vé máy bay vẫn ở mức cao như hiện nay, việc đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay là giải pháp hữu hiệu và bền vững để thúc đẩy du lịch nội địa phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội phát triển du lịch đường bộ trong bối cảnh giá vé máy bay đang cao, các doanh nghiệp lữ hành cần cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ phương tiện vận chuyển đường bộ và đường sắt; tăng cường tiếp thị, quảng bá cho các điểm đến nội địa; đẩy mạnh hợp tác để tạo ra các gói tour hấp dẫn, tiện ích.

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 3: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để phát triển

Việc làm mới các sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm riêng biệt, độc đáo cùng với đẩy mạnh liên kết vùng sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng sức hút cho du lịch nội địa. Theo PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng Cục du lịch - Nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), nhu cầu du lịch của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giá cả, khoảng cách, sản phẩm, điểm đến… Đối với vấn đề giá cả, trong bối cảnh giá vé may bay vẫn ở mức cao như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới nhu cầu du lịch của người dân. Việc bỏ chi phí quá cao cho di chuyển dễ khiến du khách ngần ngại khi đi du lịch xa.

Thừa Thiên Huế phấn đấu mở 1 đường bay quốc tế và các chuyến charter giai đoạn 2024 - 2025

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch số 302/KH-UBND xúc tiến mở đường bay từ Huế đến các trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Kế hoạch này nhằm đẩy nhanh thủ tục triển khai hoạt động xúc tiến mở mới đường bay tại Huế. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu mở 1 đường bay quốc tế và các chuyến charter giai đoạn 2024 - 2025; phát huy công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm Nhà ga T2 của Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vận tải hàng không, đặc biệt phục vụ các sự kiện lớn tổ chức tại Huế hoặc thời kỳ cao điểm khách du lịch.

Điều đặc biệt khiến Phú Quốc ngày càng hấp dẫn du khách quốc tế

Phú Quốc tiếp tục dậy sóng truyền thông quốc tế khi liên tiếp được các tạp chí lớn như Lonely Planet xướng tên, Travel + Leisure xếp hạng Top 2 hòn đảo đẹp nhất thế giới và kênh truyền hình hàng đầu thế giới National Geographic tới Vinpearl Safari Phú Quốc. Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt cùng quần thể "one stop destination" đáp ứng mọi nhu cầu độc đáo, đây là những điểm tựa đưa đảo Ngọc trở thành trung tâm du lịch mới của khu vực và thế giới.

Thái Lan tăng cường thị thực linh hoạt "giữ chân" du khách ở lại lâu hơn

Mới đây, Thái Lan tiếp tục tăng cường thêm chính sách thị thực linh hoạt nhằm thu hút du khách quốc tế đến nước này đông hơn, ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Hãng CNN dẫn tin thay vì ở nhà làm việc, bạn lựa chọn sự thoải mái trong một căn biệt thự thuê ở Phuket nhìn ra biển Andaman và làm việc từ xa trên máy tính. Hoặc có thể bạn lựa chọn đến Thái Lan để bước lên võ đài và bắt đầu sự nghiệp mới với tư cách là một võ sĩ Muay Thái. Dù bằng cách nào, Thái Lan cũng sẽ bảo vệ bạn trong chính sách thị thực linh hoạt.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Văn Hóa ngày 29/7 đưa tin:

Mang "Nụ cười hạnh phúc" đến với phụ nữ và trẻ em bị bạo hành

Dự án "Nụ cười hạnh phúc" do bác sĩ Nguyễn Văn Hòa đồng hành cũng quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện, nhằm giúp đỡ trẻ em, phụ nữ bị bạo hành, vượt qua nghịch cảnh, làm lại cuộc đời, có công việc, ổn định cuộc sống. Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống hỗ trợ toàn diện, bao gồm: Hỗ trợ khẩn cấp, tìm nơi ở, cung cấp thực phẩm và hỗ trợ y tế cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành; tổ chức các buổi tư vấn tâm lý và hỗ trợ tinh thần giúp các nạn nhân vượt qua sang chấn; cung cấp tư vấn pháp lý và hỗ trợ trong các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân; cung cấp các khóa học nghề và kỹ năng sống giúp các nạn nhân tự tin và độc lập trong cuộc sống...

Ban biên tập

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×