Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/6/2024

03/06/2024 | 11:16

Thể thao Việt Nam chính thức có tấm vé thứ 11 dự Olympic Paris 2024; Khởi động giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch'; Giới thiệu 20 điểm đến toàn cầu trong di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-Báo Nhân Dân ngày 3/6 đưa tin:

Hoạt hình Việt Nam khởi sắc cùng đà phát triển nội dung số

Sự bùng nổ của công nghệ số thời gian qua đã và đang hỗ trợ đắc lực nhiều xưởng hoạt hình Việt cho ra đời các sản phẩm chinh phục được thị trường quốc tế khắt khe như Mỹ, châu Âu. Hoạt hình Việt cũng có nhiều nỗ lực đổi mới hình thức, nội dung để lấy lại vị thế trên "sân nhà". Dù còn một số rào cản, lĩnh vực nội dung hoạt hình tại Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng số xuyên biên giới… đã góp phần thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, phát huy năng lực đội ngũ nhân sự thế hệ mới.

Những người giữ lửa văn hóa

Giữ vai trò kết nối, vận động cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vừa tận tâm cống hiến, vừa nhiệt huyết dẫn dắt, truyền dạy các giá trị nghệ thuật diễn xướng truyền thống cho người trẻ thông qua các lớp học, phong trào văn nghệ quần chúng, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng.

Tìm ý tưởng định hình công viên văn hóa ven sông Hồng

Cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và ven sông Hồng" (do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo tổ chức) vừa khởi động đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia văn hóa, quy hoạch và cộng đồng thiết kế. Đây là bước tiến mới trong lộ trình khai thác các giá trị không gian ven sông Hồng - vùng xanh quý báu giữa lòng đô thị Thủ đô.

- Các Báo: Người đưa tin, Tiền phong, Tin tức, Thanh niên, Công an Nhân dân,… ngày 2/6 đưa tin:

Khởi động giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch'

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức khởi động Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch' lần thứ hai. Các tác phẩm thuộc thể loại phản ánh, điều tra phim tài liệu, bút ký, chương trình tọa đàm tuyên truyền về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình được đăng, phát lần đầu tiên trên các loại hình báo chí từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 15.6.2024.

- Báo Người lao động, Nhà báo và Công luận, Tuổi trẻ ngày 2/6 đưa tin:

Phát hành bộ tem 'Truyện cổ tích Việt Nam: Cây tre trăm đốt'

Bộ tem 'Truyện cổ tích Việt Nam: Cây tre trăm đốt' gồm 4 mẫu tem và 1 blốc vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành. Bộ tem giới thiệu một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam, đề cao sự chăm chỉ, lương thiện, đấu tranh vì sự công bằng. Bộ tem được thiết kế theo bố cục dân gian. Khung cảnh trên các mẫu tem thể hiện những yếu tố mang tính đại diện của văn hóa thuần Việt với nhà cổ 5 gian, cây rơm… được chắt lọc, cô đọng và có tính biểu đạt cao. Nội dung chính của cốt truyện trong một không gian cổ tích; các nhân vật trong bộ tem được thể hiện khái quát ước lệ.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/6/2024 - Ảnh 1.

4 mẫu của bộ tem được chắt lọc để kể khái quát truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”. (Ảnh: Vietnam Post)

- Báo Tin tức, Truyền hình Thông tấn ngày 2/6 đưa tin:

Khi ẩm thực trở thành 'đại sứ văn hóa' Việt Nam tại Nhật Bản

Lễ hội Việt Nam tại công viên Yoyogi đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn tại Tokyo thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong hai ngày diễn ra lễ hội. Trải qua 15 năm phát triển, lễ hội đã thực sự trở thành điểm hẹn, một sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam quy mô lớn nhất và được chờ đợi nhất hằng năm của Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản cũng như người dân sở tại.

- Truyền hình Quốc hội Việt Nam ngày 2/6 đưa tin:

Cần có quy định về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại hội trường. Nhìn vào những điểm mới trong Dự thảo luật thủ đô sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sẽ mở ra những cơ hội mới trong thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh văn hóa, thể thao cho thủ đô Hà Nội nói riêng và các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thủ đô nói chung.

- Các Báo: Tổ quốc, Truyền hình Thông tấn, Nhân dân, Thanh niên,… ngày 2, 3/6 đưa tin:

Nam Định xây dựng hồ sơ đưa phở vào Di sản

Xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đồng thời bảo tồn văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch địa phương... là nội dung chính được đưa ra tại Tọa đàm khoa học 'Phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa' do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tổ chức hôm qua (ngày 2/6).

- Báo Văn hóa, Pháp luật và Xã hội, Lao động ngày 2, 3/6 đưa tin:

Phim của đạo diễn Lý Hải đạt kỷ lục quốc tế mới

Thông tin từ nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải, ngày 14.6 tới, bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước sẽ chính thức khởi chiếu tại 12 quốc gia, đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên được chiếu cùng lúc ở cả 3 châu lục. Theo đó, ngoài thị trường Bắc Mỹ, phim còn công chiếu tại 11 nước là: Canada, Australia, New Zealand, Anh, Đức, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan.

- Báo Văn hóa ngày 3/6 đưa tin:

Gian nan phát huy giá trị bảo vật Quốc gia: Bài cuối: Cần có chế tài bảo vệ báu vật

Một nghịch lý ngay trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, đó là dường như có sự mâu thuẫn giữa những công phu khi xem xét công nhận danh hiệu và còn "lạnh nhạt" khi bảo vệ, tôn vinh, lan tỏa giá trị danh hiệu được công nhận. Ghi nhận sự cần thiết của vấn đề mà Văn Hóa đặt ra trong loạt bài này, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, đã đến lúc không thể tiếp tục ngồi chờ… "sung rụng", nhất thiết phải có những chế tài đủ mạnh để bảo vệ, bảo quản và phát huy, để những báu vật quốc gia không còn ngậm ngùi vì nhận thức chưa đúng mức.

Triển khai Đề án Chiến lược phát triển ngành Văn hóa TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Chiến lược phát triển ngành Văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035" năm 2024. TP.HCM đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Theo đó, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI về "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Nâng cao hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng lối sống - nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người TP một cách toàn diện.

Chương trình nghệ thuật Việt Nam - Khát vọng vươn xa: Ngân vang giai điệu tự hào

Quy tụ những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc trữ tình, cách mạng, cùng với những ca khúc đi cùng năm tháng, chương trình nghệ thuật Việt Nam - Khát vọng vươn xa do Báo Văn Hóa tổ chức hứa hẹn sẽ tạo nên một không gian âm nhạc hào hùng nhưng không kém phần da diết, tình cảm... Đêm nghệ thuật diễn ra nhân kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2024). S ự kiện tổ chức vào hồi 20h ngày 5.6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam).

- Tạp chí Giáo dục Việt Nam ngày 3/6 đưa tin:

'Người trong cuộc' tư vấn điều cần biết khi theo học ngành Quản lý văn hóa

Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Điều này cũng đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực của ngành văn hóa, phải đảm bảo đủ chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc tuyển sinh ngành Quản lý văn hóa hệ đại học chính quy tại các trường đại học gặp không ít khó khăn do nhiều bạn trẻ chưa hiểu hết về vai trò cũng như vị trí việc làm của ngành này.

- Báo Thanh niên, Tuổi trẻ ngày 2/6 đưa tin:

Sở VHTT TP.HCM nói gì vụ tài khoản Angela Phương Trinh đăng bài 'lộng ngôn'?

Trao đổi với chúng tôi, bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cho biết sẽ trao đổi với Sở Thông tin Truyền thông về trường hợp tài khoản tên Angela Phương Trinh trên góc độ chuyên môn văn hóa. "Quy định về quản lý, nhà nước trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thuộc về ngành thông tin truyền thông", đại diện Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM phản hồi thêm.

- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày đưa tin:

"Dán nhãn độ tuổi cho sách tương tự với phim điện ảnh?" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 01/6 trên VTV1. Nhiều ý kiến cho rằng việc dán nhãn độ tuổi cho sách là cần thiết với những cuốn sách có nội dung nhạy cảm.

2.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN, báo điện tử VOV, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 3/6 đưa tin: "Thể thao Việt Nam chính thức có tấm vé thứ 11 dự Olympic Paris 2024" cho biết: Đoàn Thể thao Việt Nam đã chính thức có tấm vé thứ 11 tham dự Olympic Paris 2024 sau khi nữ võ sỹ boxing Hà Thị Linh đánh bại đối thủ Vilma Viitanen ở hạng cân 60kg ở vòng loại. Hà Thị Linh có vé đến Pháp sau khi có chiến thắng thuyết phục 4-1 trước đối thủ người Phần Lan Vilma Viitanen ở hạng cân 60kg Nữ vòng loại Olympic. Với thành tích này, Hà Thị Linh trở thành vận động viên thứ hai của Boxing Việt Nam giành quyền đến với Olympic Paris. Trước đó, đồng đội của Hà Thị Linh là Võ Thị Kim Ánh cũng đã giành vé đến Pháp ở hạng cân 54kg Nữ. Như vậy, 11 vận động viên của Việt Nam đã giành vé tham dự Thế vận hội 2024 gồm có Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (Cầu lông); Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng); Nguyễn Huy Hoàng (Bơi); Nguyễn Thị Thật (Xe đạp); Trịnh Văn Vinh (Cử tạ); Võ Thị Kim Ánh (Boxing); Nguyễn Thị Hương (Canoeing) và Phạm Thị Huệ (Rowing) và Hà Thị Linh (Boxing).

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/6/2024 - Ảnh 2.

Võ sĩ Hà Thị Linh giành chiến thắng thuyết phục 4-1 trước võ sĩ Vilma Viitanen (Phần Lan), giành vé đi Olympic, Ảnh Thể thao Việt Nam

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 3/6 đưa tin:

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên"

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ, vận động viên đội tuyển quốc gia có nhiều đổi mới. Ngành Thể dục, thể thao đã tập trung phát triển các môn thể thao có thế mạnh và các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD.

TP.HCM I vô địch lượt đi giải Bóng đá nữ vô địch Quốc gia

Tâm điểm của lượt cuối cùng lượt đi giải Bóng đá nữ vô địch Quốc gia 2024 là cuộc đọ sức giữa Hà Nội I và TP.HCM I. Trước trận đấu, cả 2 đội bằng điểm nhau nhưng TP.HCM I đẫn đầu bảng xếp hạng nhờ hơn chỉ số phụ. Chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Hà Nội I giúp TP.HCM vô địch lượt đi giải Bóng đá nữ vô địch Quốc gia 2024.

-TTXVN ngày 2/6 đưa tin:

600 vận động viên tranh tài Giải bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island 2024

Ngày 2/6, hơn 600 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia Giải bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island 2024 từ đảo Lớn sang đảo Bé. Giải bơi trên biển Lý Sơn được tổ chức năm thứ hai và là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch năm 2024 của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Giải bơi vượt biển Lý Sơn thu hút 600 vận động viên đến từ 10 quốc gia. Đặc biệt, có sự tham gia của 20 vận động viên thuộc Đội tuyển bơi Việt Nam. Các vận động viên thi đấu ở 3 nội dung cự ly 5km, 2km và 1km. Trong đó, ở cự ly bơi 5 km có số vận động viên đăng ký đông nhất với gần 350 người, điểm xuất phát từ Cổng Tò Vò đến đảo Bé. Các cự ly bơi còn lại được tổ chức tại đảo Bé.

Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13: Khởi tranh môn Cầu lông

Trong khuôn khổ Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng, ngày 2/6, môn cầu lông - môn thi đấu thứ hai của Đại hội - đã chính thức khởi tranh tại Cung Thể thao Tiên Sơn. Môn cầu lông sẽ có 7 nội dung thi đấu, diễn ra từ ngày 2 - 6/6, trong đó từ ngày 2 - 4/6 là phần tranh tài của 106 vận động viên thi đấu hai nội dung là đồng đội nam; đồng đội nữ. Ngày 5 - 6/6 là các nội dung cá nhân gồm: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.

Quảng Nam: 2.685 vận động viên tham gia tranh tài giải Quảng Nam Marathon 2024

Từ 1 - 2/6/2024, tại thành phố Tam Kỳ đã diễn ra giải Quảng Nam Marathon 2024 do Công ty cổ phần khám phá không giới hạn Việt Nam tổ chức. Tham gia giải, các vận động viên tranh tài ở các cự ly Kid Run 1,2km với 357 vận động viên (từ 5 - 10 tuổi), Hội An 10km với 618 vận động viên, Mỹ Sơn 21km với 832 vận động viên, Tam Kỳ 42km với 332 vận động viên và Tam Thanh 5km với 546 vận động viên.

-Báo điện tử VOV ngày 2/6 đưa tin:

Gặp U19 Trung Quốc, U19 Việt Nam bổ sung sao trẻ lọt tốp 60 thế giới

Ban huấn luyện U19 Việt Nam đã bổ sung tiền vệ Lê Đình Long Vũ, người lọt tốp 60 cầu thủ trẻ tài năng nhất thế giới năm 2023 do tờ The Guardian (Anh) bình chọn vào danh sách đội chuẩn bị cho giải U19 quốc tế ở Trung Quốc. Sau quá trình tập luyện và thi đấu giao hữu, U19 Việt Nam đã chính thức chốt danh sách 23 cầu thủ lên đường sang Trung Quốc tham dự giải U19 quốc tế 2024.

Giải Futsal HDBank VĐQG 2024: Sahako và Tân Hiệp Hưng thắng thuyết phục

Kết quả giải Futsal HDBank VĐQG 2024, Sahako và Tân Hiệp Hưng thắng thuyết phục ở các trận đấu muộn vòng 4. Ngày 2/6, giải Futsal HDBank VĐQG 2024 tiếp tục với 2 trận đấu muộn của vòng 4. Vào lúc 14h, Tân Hiệp Hưng có trận đấu với Khánh Hòa. Dù bị đánh giá thấp hơn nhưng Tân Hiệp Hưng đã có trận đấu xuất sắc để giành chiến thắng. Kết thúc vòng đấu thứ 4, giải sẽ tiếp tục vào các ngày 6 và 7/6 với lượt trận thứ 5 diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM.

Bóng bàn CAND sẽ gặt vàng nhờ "gà nòi" của bầu Hiển?

Giải bóng bàn toàn quốc 2024 chứng kiến màn ra mắt của đội bóng bàn Công an Nhân Dân – T&T (CAND – T&T), cạnh tranh cùng các trung tâm bóng bàn mạnh như Hà Nội, Hải Dương, TPHCM, Khánh Hòa, Quân đội hay Công an TPHCM… Tại giải đấu năm nay, người hâm mộ quan tâm việc các tay vợt của đội Hà Nội T&T đầu quân cho đội Công an nhân dân và đổi tên thành Công an nhân dân - T&T. Trước đó ngày 23/5, Hiệp hội thể thao Công an nhân dân Việt Nam và Tập đoàn T&T ký biên bản ghi nhớ, đánh dấu sự hợp tác giữa hai bên nhằm mục tiêu hỗ trợ, phát triển bộ môn bóng bàn Công an nhân dân và bóng bàn Việt Nam nói chung.

-Báo Hà Nội mới ngày 3/6 đưa tin:

Cử tạ Việt Nam: Quyết tâm chinh phục đấu trường Olympic

Thế vận hội mùa hè 2024 (Olympic Paris 2024) sẽ chính thức khởi động tại Paris (Pháp) vào ngày 26-7 tới. Trong đó, Đội tuyển cử tạ Việt Nam có suất tham dự duy nhất thuộc về lực sĩ Trịnh Văn Vinh. Từ nay đến lúc giải đấu diễn ra, lực sĩ Trịnh Văn Vinh và Ban huấn luyện chỉ còn chưa đầy 2 tháng chuẩn bị để chinh phục đấu trường quan trọng này.

Khai mạc Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13

Tối 1-6, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN Schools Games - ASG) lần thứ 13 do Việt Nam đăng cai tổ chức, chính thức khai mạc tại Cung Thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng. Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 quy tụ 1.300 vận động viên, học sinh, huấn luyện viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực. Việt Nam có 190 thành viên tham gia đại hội. Các vận động viên tranh tài ở 6 môn với 107 nội dung thi đấu, tương ứng 107 bộ huy chương, gồm: Bơi, bóng rổ, cầu lông, điền kinh, pencak silat và Vovinam.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/6/2024 - Ảnh 3.

Toàn cảnh lễ khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13. Ảnh BTC

Vận động viên tranh tài sôi nổi tại Giải vô địch Ván chèo đứng

Ngày 2-6, Giải vô địch Ván chèo đứng thành phố Hồ Chí Minh mở rộng nằm trong khuôn khổ Lễ hội sông nước lần thứ 2 năm 2024 đã khai mạc, thu hút hàng trăm vận động viên trong nước và quốc tế tham gia tranh tài trên sông Sài Gòn (khu vực Công viên bến Bạch Đằng, quận 1).Màn tranh tài sôi động của các vận động viên Ván chèo đứng (SUP) tạo sức hút đông đảo du khách, người dân trong ngày cuối tuần trên sông Sài Gòn.

- Báo Văn hóa ngày 2/6 đưa tin:

Ninh Thuận: 1.000 vận động viên tham gia Ngày Quốc tế Yoga năm 2024

Ngày 2.6, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10 năm 2024. Việc tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế Yoga tại Ninh Thuận lần này là hoạt động thiết thực, vừa có ý nghĩa chào mừng Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10 năm 2024; là dịp để các Yogi ở các Câu lạc bộ, đội, nhóm Yoga trong tỉnh và ngoài tỉnh giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong xây dựng và phát triển bộ môn Yoga. Đặc biệt đây cũng là dịp để giao lưu, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ ngày càng thêm bền chặt.

Khai mạc hội thao TDTT quốc phòng tỉnh Quảng Ngãi

Sáng 2.6, tại Quảng trường Phạm Văn Đồng, TP Quảng Ngãi, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ khai mạc hội thao thể dục thể thao quốc phòng và phát động đợt thi đua đột kích chào mừng Đại hội thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IX (giai đoạn 2019-2024). Hội thao thể dục thể thao quốc phòng năm 2024 của LLVT tỉnh thu hút hơn 300 vận động viên tham gia, được tổ chức theo 2 khối gồm bộ đội thường trực và khối dân quân tự vệ. Nội dung thi đấu gồm các môn như: Chạy vũ trang 3000m vượt chướng ngại vật, chiến sĩ khỏe, bơi vũ trang, vượt vật cản huấn luyện thể lực, bóng chuyền nam, cầu lông nam, bóng bàn, võ chiến đấu, ba môn quân sự phối hợp… Hội thao dự kiến sẽ diễn ra đến hết ngày 7.6.2024.

- Báo Thanh niên ngày 2/6 đưa tin:

Tốn tiền tỉ nâng cấp ghế ngồi SVĐ tỉnh Kon Tum, vừa dùng chỉ 1 năm đã hỏng

Dự án nâng cấp ghế ngồi tại sân vận động (SVĐ) tỉnh Kon Tum được đầu tư với 5,5 tỉ đồng nhưng chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, hàng trăm chiếc ghế đã hư hỏng, rời khỏi vị trí cố định. Theo ông Phan Đình Vũ, Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Kon Tum, sở dĩ có một số ghế ở khán đài A bị bong tróc là do trước đó tổ chức các hoạt động tập trung đông người khiến SVĐ quá tải: "Tại Hội khỏe Phù Đổng, mỗi ngày có từ từ 3.000 – 4.000 người tham gia luyện tập. Sau đó, tiếp tục tổ chức giải bóng đá hạng nhì quốc gia, sự kiện này đã thu hút đông đảo khán giả khiến SVĐ Kon Tum quá tải. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có công văn gửi Sở VHTTDL tỉnh để có phương án yêu cầu đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa lại tình trạng ghế ngồi để SVĐ hoàn chỉnh hơn".

- Báo Quân đội nhân dân ngày 2/6 đưa tin:

Giải bài toán việc làm cho vận động viên sau thi đấu

Đầu tháng 6 này, một trong những vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV là giải quyết việc làm cho vận động viên (VĐV) sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao. Mặc dù Chính phủ, Bộ VHTTDL đã có nghị định, thông tư quy định rõ "ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm" cho VĐV, song quá trình triển khai còn nhiều bất cập, lúng túng. Theo thống kê của Cục TDTT, cả nước hiện có gần 22.000 VĐV thuộc các tuyến (bao gồm các đội tuyển quốc gia và các đội tuyển thuộc tỉnh, thành phố, ngành). Dù được tạo điều kiện, hỗ trợ hết mức, chỉ có khoảng 15-20% tuyển thủ quốc gia và VĐV xuất sắc sau khi giải nghệ trở thành HLV hay giáo viên thể chất. Sau ánh hào quang, có tới 60-70% số VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh, thành phố, ngành thuộc diện chính thức nhiều năm, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp phải bắt đầu một công việc khác.

- Báo Công an nhân dân ngày 3/6 đưa tin:

Thể thao Việt Nam gặp khó trong việc tăng tần suất giải đấu

Ngoại trừ bóng đá, những môn thể thao còn lại của Việt Nam gần như không thể duy trì tần suất tổ chức thi đấu quanh năm. Đây là điều kiện cần để nâng cao phong độ cho vận động viên (VĐV) và hướng đến những giải quốc tế, nhưng lại gặp khó vì nhiều nguyên nhân khách quan. Trong sơ đồ hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao của Việt Nam, bóng đá là môn hiếm hoi có mật độ thi đấu dày đặc trong năm. Ở những môn thể thao còn lại, VĐV thường có khá ít cơ hội tranh tài. Mặt trái của hiện tượng VĐV thi đấu nhiều hơn 1 môn thể thao thành tích cao, đó là mức độ tập trung cho môn thế mạnh không được đảm bảo. Nhiều địa phương thường ví von họ đang đào tạo VĐV "3 môn phối hợp", đổi lại, họ bị gắn mác "nấu lẩu thể thao" với cách làm như hiện tại.

3.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Nhân Dân ngày 3/6 đưa tin:

Du lịch Ninh Thuận bứt phá từ lợi thế riêng biệt

Nắng nóng quanh năm Ninh Thuận được ví là "tiểu sa mạc của Việt Nam". Song cũng chính bởi thời tiết khắc nghiệt đã tạo nên sự khác biệt về môi trường, cảnh vật, tài nguyên rừng, biển để địa phương phát triển du lịch với lợi thế riêng biệt. Với mục tiêu đón 3,2 triệu lượt du khách trong năm 2024, phấn đấu doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, Ninh Thuận đã hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố để xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch riêng biệt.

Cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch

5 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Đây là tín hiệu vui cho thấy du lịch Việt Nam hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, du lịch tăng trưởng nhanh nhưng kèm theo lại tái phát những bất cập, hạn chế cũ: Nạn bắt chẹt khách, tăng giá tùy tiện, chỗ đông chỗ ít, quá tải ở điểm đến kỳ nghỉ lễ dài ngày, lộn xộn trong hoạt động du lịch...

Hải Phòng thêm nhiều hoạt động mới hấp dẫn khách du lịch

Một loạt các sự kiện mới sôi động hấp dẫn người dân và du khách đến với thành phố Cảng đã chính thức ra mắt trong chiều và tối 1/6 tại Công viên đảo Vũ Yên, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng). Các hoạt động mới mẻ, hấp dẫn này được kỳ vọng là những điểm nhấn nhằm tạo động lực mới cho du lịch Hải Phòng tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

-TTXVN ngày 3/6 đưa tin:

Khi nông dân làm du lịch - Bài cuối: Tiếp lửa say mê

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, không thể thiếu vai trò chủ thể của chính những người nông dân. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống người nông dân. Để những người nông dân tiếp tục "giữ lửa" say mê, vững vàng trong phát triển kinh tế nông nghiệp song hành với kinh tế du lịch, các ngành, địa phương cần có định hướng phát triển, giải pháp đồng hành, hỗ trợ phù hợp.

Phát huy hiệu quả giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Ngày 1/6, tại thành phố Đồng Hới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) tổ chức Hội nghị công bố Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2021 - 2030 và Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2024. Đề án cũng xác định 20 khu vực (gồm 9 điểm và 11 tuyến du lịch) có tiềm năng cần ưu tiên kêu gọi đầu tư để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.

Kết nối doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận và bang Kerala - Ấn Độ

Sáng 1/6, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị gặp gỡ kết nối doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận và bang Kerala, Ấn Độ, với sự tham gia của 70 đại biểu đại diện cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch và truyền thông của hai địa phương. Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thông tin giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của bang Kerala và các sản phẩm du lịch thế mạnh, cũng như các di sản thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của Ninh Thuận đã được UNESCO công nhận.

-Báo điện tử VOV ngày 2/6 đưa tin:

Côn Đảo đón tàu Resorts World One cùng 2.200 du khách quốc tế

Sau 3 ngày khởi hành từ Singapore, sáng 2/6, tàu biển quốc tế Resorts World One đã cập cảng Côn Đảo đưa hơn 2.200 du khách quốc tế tham quan các điểm du lịch tại hòn đảo này. Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist phối hợp UBND huyện Côn Đảo và Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu, tổ chức lễ đón tàu biển quốc tế Resorts World One cùng hơn 2.200 du khách quốc tế. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên trở lại Côn Đảo sau 25 năm (từ năm 1999).

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/6/2024 - Ảnh 5.

Tàu du lịch biển Resorts World One là tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên đến Côn Đảo sau 25 năm. Ảnh: ST.

Thuận lợi hàng không giúp Trung Quốc "hút" khách Việt

Năm 2024, các sản phẩm du lịch Trung Quốc tiếp tục bùng nổ với nhiều chuyến bay từ các thành phố lớn của Việt Nam. Tour du lịch Trung Quốc ngày càng có sức hút lớn với du khách Việt, nhờ sự đổi mới liên tục, giá cả cạnh tranh và nhiều đường bay thẳng. Trước đại dịch Covid-19, năm 2019, Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ hai của Trung Quốc, với gần 8 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, bao gồm cả khách trong ngày xuất biên - nhập biên. Những tháng đầu năm 2024, Việt Nam cũng gửi nhiều đoàn khách du lịch tới Trung Quốc, lượng trao đổi khách giữa hai bên thời gian qua đã có sự phục hồi đáng kể.

Đà Nẵng khai trương điểm du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi

Mới đây, điểm du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Nẵng chính thức khai trương. Du khách được thỏa mái đi bộ trên cây cầu Nguyễn Văn Trỗi để trải nghiệm, ngắm sông Hàn Đà Nẵng về đêm và hòa mình "con đường sắc màu" trên cây cầu lâu đời nhất nối đôi bờ sông Hàn của Đà Nẵng. Đêm đầu tiên khai trương điểm du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Nẵng, người dân và khách du lịch được thưởng thức các hoạt động trình diễn áo dài, biểu diễn thời trang, vũ hội đường phố và biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Sơn Trà - Điểm hẹn âm nhạc".

-Báo Hà Nội mới ngày 3/6 đưa tin:

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: Điểm đến "xanh" ngày càng hấp dẫn

Khu du lịch Mộc Châu nằm trên cao nguyên Mộc Châu, thuộc địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Nơi đây sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ, lại nằm ở độ cao trung bình 1.050m so với mực nước biển nên thuộc kiểu khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ. Vì thế, Mộc Châu còn được ví như "Đà Lạt thứ hai" ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Mới đây, Mộc Châu đã chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đây là động lực để Mộc Châu sớm trở thành một điểm đến "xanh" và phát triển bền vững trên bản đồ du lịch Việt.

Nguồn nhân lực phục vụ mùa cao điểm du lịch hè: Chất lượng hơn số lượng

Mùa cao điểm du lịch hè năm nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp lữ hành đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Bên cạnh việc các đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng lao động, nhiều chuyên gia cũng đưa ra giải pháp nhằm tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được yêu cầu.

- Đài truyền hình Việt Nam ngày 2/6 đưa tin:

Lợi ích kép của du lịch nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn là một trong 6 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Để phát huy tiềm năng, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn, hiện đã có 58/63 tỉnh thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết chương trình phối hợp phát triển Du lịch Nông nghiệp nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030 tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ những cơ chế chính sách hỗ trợ để tạo động lực phát triển loại hình du lịch này. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, dự kiến đến năm 2030, số lượng khách tham quan du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, doanh thu khoảng 30 tỷ USD.

- Báo Tiền phong ngày 02, 03/6 đưa tin:

Du lịch Việt Nam không nên chỉ "đếm lượt khách"

Trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên để thu hút khách quốc tế hơn nữa, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần khắc phục những điểm yếu cố hữu, không nên đơn thuần chỉ là "đếm lượt khách" mà cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số chuyên gia nhận định, chính sách visa đã thông thoáng hơn so với 2 năm trước, nhưng cần hấp dẫn hơn nữa. Nhìn sang Thái Lan, Malaysia, Singapore sẽ thấy họ miễn visa cho Trung Quốc. Việt Nam cũng nên xem xét chính sách miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm. Các chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần chủ động xây dựng những giải pháp trung hạn và dài hạn như: chiến lược xúc tiến quảng bá, tiếp thị số trong du lịch, đa dạng sản phẩm, quản lý điểm đến, phát triển nguồn nhân lực.

Lễ hội Sông nước TP. HCM: Thêm động lực phát triển du lịch

Lễ hội Sông nước TP. HCM năm 2024 khai mạc vào ngày 01/6 đã trở thành điểm nhấn về sự kiện tại TP. HCM khi thu hút hơn 9.000 người tham gia. Để tạo sức hút với Lễ hội Sông nước, Sở Du lịch TP. HCM đã mời nhiều nhà đầu tư, đơn vị đồng hành tham gia Lễ hội Sông nước TP. HCM lần 2. Ngoài ra, Sở cũng đã liên kết với các hãng hàng không để đưa thông tin về hoạt động của lễ hội tới các chuyến bay trong nước và quốc tế. Vì thế, nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành đã coi Lễ hội Sông nước TP. HCM như mùa lễ hội lớn thứ 2 sau lễ hội Tết Âm lịch để thu hút du khách đến TP. HCM. Sở Du lịch TP. HCM cũng tăng cường liên kết với các tỉnh thành Đông Nam bộ và ĐBSCL hướng tới xây dựng lễ hội trở thành sự kiện chung của khu vực Nam bộ.

- Báo điện tử Tổ quốc, Tạp chí MeKong ASEAN ngày 3/6 đưa tin:

Đưa Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch khám phá thiên nhiên

Tối 2/6, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024). Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình phát huy hơn nữa những tiềm năng khác biệt, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, con người Quảng Bình. Đặc biệt, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm của du lịch khám phá thiên nhiên, là điểm đến hấp dẫn và khác biệt, tầm vóc thế giới, phát huy lợi thế "Vương quốc hang động" với hệ thống hơn 500 hang, trong đó có các hang Sơn Đoòng, hang Én "độc nhất vô nhị" của thế giới; để du lịch thật sự là ngành mũi nhọn, đột phá phát triển kinh tế - xã hội, gắn với lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững.

- Báo Văn hóa ngày 3/6 đưa tin:

Cùng viết tiếp câu chuyện du lịch nông nghiệp, nông thôn

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đồng chủ trì Tọa đàm Phát huy giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp với chủ đề "Hai là một, một của hai" và ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024-2030 vào ngày 1.6, tại Hà Nội. Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024-2030.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 3/6 đưa tin:

Ngày Gia đình Việt Nam với "Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam"

Chương trình tháng 6 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) hướng tới chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 mang chủ đề "Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam" với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Các hoạt động góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, sự cố kết cộng đồng cũng như sự gắn bó của mỗi thành viên trong gia đình, nhằm tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, khuyến khích động viên các gia đình hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc góp phần xây dựng và hoàn thiện "hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới".

-Báo Hà Nội mới ngày 2/6 đưa tin:

Ưu tiên mọi nguồn lực, bảo đảm trẻ em phát triển toàn diện

"Hành động thiết thực - ưu tiên mọi nguồn lực cho trẻ em" là chủ đề Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 vừa được UBND thành phố Hà Nội phát động tối 30-5. Được biết, sau lễ phát động, hàng loạt hoạt động sẽ được tổ chức trên địa bàn thành phố. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động Vì trẻ em. Qua tổng hợp, có 27/30 quận, huyện, thị xã dự kiến tổ chức lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em, 3 quận, huyện còn lại tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch Tháng hành động Vì trẻ em gắn với trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Ban Biên tập

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×