Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/5/2024
03/05/2024 | 12:27Du lịch đã trở lại đường đua; HLV Kim Sang-sik đạt thỏa thuận làm HLV trưởng ĐT Việt Nam; Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Đảm bảo tính chính trị và nghệ thuật cao là những thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1. Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Tin tức, VietnamPlus, Sài Gòn giải phóng đưa tin:
Kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngày 2.5, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước cùng đoàn công tác đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên về công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tỉnh Điện Biên, các Bộ, ngành Trung ương tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị; đặc biệt, đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp thời gian tổng thể của lễ kỷ niệm, trong đó chương trình nghệ thuật, màn biểu diễn trực thăng, các khối diễu binh diễu hành cần đảm bảo đúng thời gian quy định...
Khai mạc triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”
Sáng 3.5, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố phối hợp cùng Sở VH-TT TPHCM tổ chức triển lãm ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”. Triển lãm diễn ra đến 12.5, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi.
- Báo Chính phủ đưa tin:
Nghề cói Kim Sơn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 1150/QĐBVHTTDL đưa Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
- Báo Tổ Quốc, Báo Văn hóa đưa tin:
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ phải đảm bảo tính chính trị và nghệ thuật cao
Ngày 2.5 tại Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ VHTTDL về tiến độ thực hiện Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Kết luận nội dung làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá công tác chuẩn bị đến thời điểm này cơ bản đã tốt, đảm bảo yêu cầu đề ra. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị bám sát kịch bản, tổ chức tập luyện với cường độ và chất lượng cao nhất, tránh phải điều chỉnh nhiều khi tổng duyệt. Đặc biệt với các nội dung lớn, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng để không xảy ra sơ suất, chồng chéo các nội dung. "Chương trình nghệ thuật phải đảm bảo tính chính trị và nghệ thuật cao", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hồi ức Điện Biên Phủ: Khi những nhân chứng lên tiếng
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), Nxb Đại học Sư phạm giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng. Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm, dựa trên nguồn tài liệu phong phú của hai GS Sử học Pháp: Pierre Journoud và Hugues Tertrais, qua đó góp phần giúp bạn đọc trả lời những câu hỏi về Chiến dịch lịch sử này…
TP. HCM đề xuất thành lập Trung tâm phát triển Công nghiệp văn hóa: Bước đi rất cần thiết
Nhằm định hướng xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã được UBND TP.HCM phê duyệt, Sở VHTT TP đang đề xuất thành lập Trung tâm phát triển CNVH TP.HCM. Giám đốc Sở VHTT TP Trần Thế Thuận cho biết, mô hình Trung tâm phát triển CNVH thành phố là mô hình mới, đầu tiên của cả nước, mang ý nghĩa lớn, tiên phong trong lĩnh vực phát triển CNVH, là bước đột phá, sáng tạo để triển khai thực hiện thành công phát triển các ngành CNVH. Sở VHTT TP đề xuất, Trung tâm phát triển CNVH TP.HCM thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
- Truyền hình Quốc hội Việt Nam, VTV, VOV đưa tin:
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ-Không bao giờ quên”
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Công an tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên: “Điện Biên Phủ - không bao giờ quên” tại Nhà hát Hồ Gươm vào 2 đêm 02 - 03/05. Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình nghệ thuật đặc biệt này với mong muốn thông qua âm nhạc, tái hiện lại hào khí chiến thắng và cả những hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên lịch sử. Bằng ngôn ngữ thi ca và hình tượng âm nhạc, cùng với diễn xuất của diễn viên, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được tái hiện đầy sống động và nghệ thuật trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm về một “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.
- TTXVN đưa tin:
Thúc đẩy hợp tác văn học nghệ thuật giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Ngày 2.5, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã tiếp ông Igor Khalevinsky, Chủ tịch Hiệp hội các nhà ngoại giao Nga và nhà văn, nhà thơ Svetlana Savitskaya, người sáng lập Giải thưởng Văn học Quốc gia “Cây bút vàng nước Nga.” Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, Việt Nam, Nga có truyền thống hợp tác về văn học nghệ thuật và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là việc triển khai các dự án hợp tác chung giữa hai nước trên cơ sở sự quan tâm và ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự tích cực, chủ động của các hội văn học nghệ thuật và huy động nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp và các tổ chức của hai nước như Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị.”
- Báo Hà Nội mới đưa tin:
Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt chương trình “Bộ quần áo mới của hoàng đế”
Đón mùa hè 2024, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt chương trình nghệ thuật “Bộ quần áo mới của hoàng đế”. Ngay buổi diễn đầu tiên (tối 2.5) dành cho báo giới và các khán giả nhỏ tuổi tại Nhà hát Star Galaxy (Hà Nội), “Bộ quần áo mới của hoàng đế” đã cuốn người xem vào không khí sôi nổi và được tương tác suốt chương trình.
- Báo Thanh niên đưa tin:
Bảo vật quốc gia: Chiếc trống đồng được mua bảo hiểm 2 triệu USD
Chiếc trống đồng Sao Vàng này ngay từ trước khi được công nhận bảo vật quốc gia, cũng đã được đối xử như một bảo vật quốc gia. Ngay sau khi sưu tầm được, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, công bố về trống trên các ấn phẩm, trưng bày rộng rãi trong và ngoài nước. Theo đó, để đưa được trống Sao Vàng về trưng bày tại Hàn Quốc, năm 2007 phía Hàn Quốc đã mua bảo hiểm và trống được định giá khi đó là 2 triệu USD. Tới năm 2013 - 2014 được đưa sang Đức, giá trị của trống được xác định khoảng 5 triệu USD. Tất nhiên, đây là những con số để mua bảo hiểm, còn thực sự thì chiếc trống này quý hiếm đến mức "có tiền cũng không thể mua được".
- Báo Đại đoàn kết đưa tin:
Đặt tên làng, xã khi sáp nhập: Gìn giữ và tạo nên những 'thương hiệu' mới
Câu chuyện đặt tên mới hay giữ tên cũ được dư luận hết sức quan tâm khi trên cả nước đang thực hiện việc sáp nhập huyện, xã. Làm sao để giữ được những tên cũ, tên cổ, gắn bó với cư dân vùng đất và thậm chí đã góp phần định danh một vùng văn hóa? Làm cách nào để những tên mới không chỉ là sự lắp ghép vô hồn?... TS Trần Hữu Sơn - Chuyên gia Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, cho rằng việc đặt tên làng, tên xã rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, vì tên làng là danh xưng, cũng giống như là thương hiệu.
- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày
"Phim hoạt hình Việt khởi sắc" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 02/5 trên VTV1. Theo Chương trình, các nhà làm phim Việt Nam đã bắt đầu mạnh dạn hơn, dần bước ra khỏi cái nôi an toàn trong việc đầu tư phim hoạt hình, trong cả nội dung và hình thức. Đã có những bộ phim hoạt hình ra rạp từng bước chinh phục khán giả Việt. Tuy nhiên, để tạo sự bứt phá cho phim hoạt hình, cần có sự hỗ trợ về chính sách, không chỉ với hãng phim Nhà nước mà còn cả với hãng phim tư nhân. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thay đổi cách đánh giá năng lực, cách thức sản xuất phim hoạt hình, để tập hợp sức mạnh, từ đó mở rộng hợp tác quốc tế, đưa hoạt hình trở thành một thế mạnh của phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.
2. Lĩnh vực Thể thao
- TTXVN đưa tin:
Khai mạc giải bóng đá Sadovod League 2024 của cộng đồng người Việt Nam tại Nga
Chiều 2/5, tại sân vận động Công viên Bratislava ở thủ đô Moskva đã diễn ra lễ khai mạc Giải bóng đá của cộng đồng người Việt Nam ở Trung tâm thương mại (chợ) Sadovod - Sadovod League 2024. Đây là năm thứ tư liên tiếp giải đấu được tổ chức. Tham gia giải năm nay có 5 đội bóng với khoảng 100 vận động viên, gồm FC Hải Phòng, FC Pavilion, FC Thanh niên Moskva, FC Phụ liệu, FC Bắc Giang. Giải thi đấu theo thể thức vòng tròn để chọn ra đội vô địch.
- VOV đưa tin:
CLB Thanh Hóa nắm lợi thế lớn trước CLB Nam Định ở bán kết Cúp Quốc gia
CLB Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn ở vòng tứ kết Cúp Quốc gia 2023/2024, nhưng vẫn giành chiến thắng trước CLB Hải Phòng trên loạt sút luân lưu để ghi tên mình vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, CLB Thanh Hóa sẽ so tài với CLB Nam Định, đội bóng là ứng viên nặng ký cho chức vô địch năm nay. Cho dù lực lượng của CLB Thanh Hóa bị đánh giá thấp hơn và chiều sâu đội hình cũng không bằng đối thủ, nhưng đoàn quân của HLV Popov lại được thi đấu trên sân nhà ở trận bán kết. Dưới triều đại của HLV Popov, CLB Thanh Hóa thường chơi rất hay trên sân nhà. Nhiều đội bóng mạnh hành quân đến xứ Thanh đều có kết quả không tốt. Do vậy, đây là cơ hội để CLB Thanh Hóa giành chiến thắng, qua đó tiếp tục hành trình bảo vệ ngôi vô địch.
- Báo Lao động, Sài Gòn giải phóng,... đưa tin:
Hơn 50 quốc gia tham gia Giải Teqball Quốc tế năm 2024 vào đầu tháng 6 tại TP Quy Nhơn
Ngày 2.5, UBND tỉnh Bình Định - cho biết, Liên đoàn Teqball quốc tế (FITEQ) đã chọn TP Quy Nhơn là nơi diễn ra Giải thi đấu Quốc tế Teqball 2024 - Teqball World Series vào ngày 6 - 9.6.2024, với sự tham gia của hơn 50 đội đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. TeqBall là môn thể thao kết hợp giữa bóng đá, bóng bàn và thi đấu đối kháng, đáng chú ý là bóng được chơi trên bàn cong, không có va chạm vật lý giữa các cầu thủ. Giải thi đấu Quốc tế Teqball 2024 sẽ là điểm nhấn quan trọng, có sức hấp dẫn, lan tỏa, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và du khách, đưa hình ảnh tỉnh Bình Định ra thế giới.
- Báo Quân đội nhân dân, Nhân dân, An ninh thủ đô, Tiền phong,… đưa tin:
Tuyển thủ Quân đội Phạm Lê Xuân Lộc lập kỷ lục chưa từng có
Kỷ lục mới được lập bởi tuyển thủ Quân đội Phạm Lê Xuân Lộc khi xuất sắc giành 4 giải thưởng tại Cuộc đua xe đạp 'Về Điện Biên Phủ-2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân'. Với thành tích leo đèo xuất sắc, Phạm Lê Xuân Lộc hoàn tất cú đúp giải thưởng khi giành luôn Áo chấm đỏ (vua leo núi), đồng thời giành luôn Áo trắng (tay đua dưới 23 tuổi xuất sắc). Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ, đây là kỷ lục chưa từng có của xe đạp Việt Nam.
- Báo Tiền Phong, Tuổi trẻ đưa tin:
Cầu lông tích cực chuẩn bị cho Olympic
Cầu lông Việt Nam vừa đón nhận tin vui khi có 2 VĐV chính thức đoạt vé dự Olympic Paris 2024 là Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử, Cầu lông Việt Nam có tới 2 VĐV giành vé đến Olympic. Đoạt được vé đã khó, nhưng làm sao để thi đấu tốt tại Olympic - nơi tập trung đầy đủ các tay vợt đỉnh cao của thế giới, sẽ là câu chuyện không hề đơn giản. Thùy Linh và Đức Phát sẽ tham gia các giải đấu trong tháng 5 và tháng 6 để tích điểm và cải thiện trình độ.
- Báo điện tử Tổ Quốc đưa tin:
HLV Kim Sang-sik đạt thỏa thuận làm HLV trưởng ĐT Việt Nam
Chiều 2/5, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và HLV Kim Sang-sik đã đạt được những thỏa thuận cuối cùng. VFF dự kiến sẽ chính thức công bố việc bổ nhiệm ông Kim Sang-sik làm HLV trưởng ĐT Việt Nam vào ngày 3/5. Việc bổ nhiệm HLV Kim Sang-sik thời điểm này nhằm chuẩn bị cho 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026 sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam tích cực chuẩn bị cho hành trình giành vé Olympic Paris 2024
Giải vòng loại Olympic khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Thái Lan tới đây được xem là cơ hội duy nhất để các VĐV Bóng bàn Việt Nam giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Theo dự kiến, Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam sẽ tham dự giải vòng loại Olympic khu vực Đông Nam Á với 4 mặt với nhận được nhiều kỳ vọng gồm Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng ở nội dung nam; Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh ở nội dung nữ. Đây đều là những gương mặt sở hữu nền tảng chuyên môn tốt, nhận được kỳ vọng sẽ mang về thành tích cho thể thao Việt Nam.
Vòng 16 V-League 2023/24: Tâm điểm sân Hàng Đẫy, trận cầu 6 điểm giữa hai đội đầu bảng
Sau gần 1 tháng tạm nghỉ, vòng 16 V-League 2023/24 sẽ trở lại vào cuối tuần này với tâm điểm là cuộc so tài của CAHN với Nam Định, hai đội bóng đang dẫn đầu bảng đấu. Trên BXH hiện tại, Thép xanh Nam Định đang dẫn đầu với 32 điểm, trong khi đó, CAHN đang bám đuổi rất sát với 28 điểm.
- Báo Thanh niên đưa tin:
Bóng đá Việt Nam cần chú trọng chiến lược thu hút cầu thủ Việt kiều giỏi
Việc bị Indonesia vượt mặt ở mọi cấp độ, từ trẻ đến đội tuyển quốc gia, đang đặt áp lực không nhỏ lên Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), khi nguy cơ bị văng ra khỏi tốp đầu Đông Nam Á đã hiển hiện. Điều này một lần nữa làm dấy lên yêu cầu phải cải thiện tốt hơn nữa hiệu quả của chính sách nhập tịch. Trước đó, bóng đá VN đã tận dụng dòng máu Việt kiều để bổ sung Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip, Mạc Hồng Quân hay Adriano Schmidt cho đội tuyển VN. Tuy nhiên, chừng đó còn quá ít so với nguồn lực cầu thủ Việt kiều mà bóng đá VN chưa tận dụng hết.
- Báo Tin tức đưa tin:
TP Hồ Chí Minh chốt phương án đầu tư nhà thi đấu gần 2.000 tỷ đồng
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa thống nhất đề xuất dừng đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) tại số 8 đường Võ Văn Tần, Quận 3 theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), chuyển thành phương thức đầu tư công. Thông tin được nêu trong thông báo của Văn phòng UBND Thành phố về kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố liên quan dự án này.
- Báo Lao động đưa tin:
VFF thận trọng khi chọn huấn luyện viên cho Đội tuyển Việt Nam
Tình thế hiện tại buộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải đặc biệt cẩn trọng khi ra quyết định cuối cùng về việc lựa chọn tân huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển quốc gia. Lần này, quyết định lựa chọn thuyền trưởng đội tuyển quốc gia của VFF sẽ khó khăn hơn, nặng nề hơn, bởi thời gian thừa hưởng di sản về tinh thần dưới thời Huấn luyện viên Park Hang-seo đã hết. Nếu lựa chọn sai, tuyển Việt Nam thêm một lần nữa loay hoay để thay đổi cả triết lý chơi bóng, cơ hội xây dựng tập thể hướng tới World Cup 2030 cũng trôi qua.
- Báo Người lao động đưa tin:
Thể thao Việt Nam: Bóng đá Việt Nam kỳ vọng gì ở HLV Kim Sang-sik?
Nếu không có gì bất ngờ vào giờ chót thì dự kiến hôm nay 03-5, VFF sẽ công bố ông Kim Sang-sik (Hàn Quốc) làm HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam (BĐVN) quan tâm hàng đầu lúc này không chỉ là danh tánh của HLV trưởng, mà quan trọng hơn là kế hoạch của HLV này đối với đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) ra sao. LĐBĐ Việt Nam (VFF) sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trước sự thành - bại của HLV này?. Đó là những câu hỏi mà VFF cần trả lời cho người hâm mộ trong buổi công bố dự kiến vào ngày 03-5 và cũng là cách để CĐV nắm, giám sát công việc của cơ quan quản lý bóng đá nước nhà lẫn tân HLV trưởng.
- Báo Vietnamnet đưa tin:
Tuyển Việt Nam: Thầy mới và áp lực khác những người tiền nhiệm
Tuyển Việt Nam dưới triều đại của HLV mới dù không đặt ra những mục tiêu quá cao, nhưng để thành công cần tránh lối mòn từ ông Troussier lẫn HLV Park Hang Seo. Nếu không có gì thay đổi, chiều nay (3/5) VFF chính thức bổ nhiệm ông Kim Sang Sik ngồi vào ghế thuyền trưởng ĐTQG Việt Nam với bản hợp đồng kéo dài 2 năm. Có thể thấy, bóng đá Việt Nam đang trên đà xuống dốc nên có lẽ VFF cũng sẽ chỉ giao chỉ tiêu một cách nhẹ nhàng đối đồng hương của thầy Park.Ngoài năng lực huấn luyện, tân HLV trưởng bóng đá Việt Nam bắt buộc phải tạo niềm tin, khát vọng dựa trên sự công bằng về chuyên môn cho tất cả thay vì lựa chọn có phần cảm tính giống ông Park hay chiến lược gia người Pháp từng làm trước đó.
3. Lĩnh vực Du lịch
- Báo Đại biểu Nhân dân đưa tin:
Hàng loạt hoạt động tại Lễ hội Sông nước TP. Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024
UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 2350/KH-UBND về tổ chức Lễ hội Sông nước TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024. Lễ hội sẽ kéo dài từ ngày 31.5 đến ngày 9.6 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hoá, du lịch đặc trưng của Thành phố. Đây là điểm nhấn của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh trong suốt 3 tháng tới. Cùng với thời gian tổ chức kéo dài, Thành phố sẽ mở rộng quy mô, tăng số lượng hoạt động thể thao dưới nước, văn hóa nghệ thuật…
- Báo Hà Nội mới đưa tin:
Du lịch Hà Nội bứt phá trong kỳ nghỉ lễ
Là một trong những trung tâm du lịch có lượng du khách đông nhất cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ngành Du lịch Thủ đô đang tạo dấu ấn với kỳ vọng sẽ mang đến một kỳ tăng trưởng mới trong du lịch hè năm nay. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ, Thủ đô ước đón gần 738.000 lượt khách du lịch, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 88.000 lượt khách quốc tế, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước và 650.000 lượt khách nội địa, tương đương với cùng kỳ 2023. Sự tăng trưởng này đã giúp cho lượng khách đến Thủ đô của cả tháng 4-2024 đạt 2,52 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023...
- Báo VnExpress đưa tin:
Top 7 tỉnh thành có doanh thu du lịch nghìn tỷ dịp nghỉ lễ 30/4
7 tỉnh thành có doanh thu du lịch cao nhất dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đều đạt trên nghìn tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa đứng đầu với hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là TP HCM với doanh thu đạt 3.235 tỷ đồng, tăng 2%. Hà Nội đứng thứ ba khi thu về 2.500 tỷ đồng, tăng gần 10%. Quảng Ninh đạt 2.210 tỷ đồng, tăng 53%; Nghệ An đạt 1.700 tỷ đồng, tăng hơn 10%; Đà Nẵng thu về 1.336 tỷ đồng, tăng gần 13%. Khánh Hòa đứng thứ 7 trong danh sách nghìn tỷ với 1.306 tỷ đồng, tăng 53%.
- Báo Tuổi trẻ đưa tin:
Du khách không thích những điểm du lịch làm môi trường xấu đi
Dữ liệu của hơn 31.000 du khách đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, phản ánh quan điểm, sự ưu tiên và tác động của du lịch bền vững đối với quyết định của người tiêu dùng được đưa ra trong Báo cáo du lịch bền vững 2024 của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com. Trong đó có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Tuy vậy, không ít du khách cảm thấy gánh nặng từ những thách thức không nhỏ mà lựa chọn du lịch bền vững mang lại.
Khách đến Hội An ùn ùn nhưng thu không bao nhiêu, doanh nghiệp buồn
Dù khách đến Hội An ùn ùn những ngày nghỉ lễ, tiền bán vé từ các điểm tham quan chính lại tăng không nhiều. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp than phiền rằng khách đông nhưng lại ít sử dụng dịch vụ ở Hội An. Khách không lưu trú, không sử dụng dịch vụ, mà đón xe ngược ra Đà Nẵng vì có nhiều tiện ích hơn.
- Báo Lao động đưa tin:
Du lịch biển đảo bùng nổ, thúc đẩy kinh tế trong cao điểm hè
Cả nước đón 8 triệu lượt khách du lịch, tham quan, vui chơi dịp lễ 30/4 – 1/5. Lượng khách đổ về các địa phương có biển đảo tăng vọt do thời tiết nắng nóng xuyên suốt kỳ nghỉ. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc đạt khoảng 60%, tới trên 70% vào một số ngày cao điểm. Một số điểm đến ven biển đạt tỉ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ. Doanh nghiệp du lịch đề xuất lịch nghỉ lễ, Tết cố định hằng năm cần được thông báo sớm để người dân chủ động trong kế hoạch di chuyển, du lịch còn các đơn vị không bị động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh.
- Báo điện tử VOV đưa tin:
Cao Bằng mở rộng trải nghiệm du lịch qua biên giới
Không chỉ sở hữu nhiều tài nguyên và cảnh quan du lịch hấp dẫn, tỉnh Cao Bằng còn có đường biên giới dài hơn 333 km. Với tiềm năng đó, tỉnh Cao Bằng xác định đẩy mạnh loại hình du lịch biên giới nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ tháng 9/2023, khi Việt Nam và Trung Quốc thí điểm cho khách du lịch qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), việc đi lại trở nên dễ dàng khi du khách chỉ sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành mà không cần xin visa. Với du khách chưa có các loại giấy tờ trên, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân cho đơn vị lữ hành trước 1 ngày là có thể hoàn tất các thủ tục...
- Báo Đầu tư đưa tin:
Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhờ vào du lịch
Hết tháng 4/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của ngành Du lịch thông qua việc tạo ra nhu cầu tiêu dùng địa phương. Thông thường, khách du lịch thường muốn trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và sản phẩm địa phương khi họ đến một địa điểm mới, điều này thúc đẩy nhu cầu mua sắm cho các sản phẩm địa phương như đồ thủ công, đặc sản và quà lưu niệm...
- Báo Tin tức đưa tin
Việt Nam, Philippines là hai điểm đến được ưa thích của người Hàn Quốc mùa Hè 2024
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul đưa tin, theo kết quả phân tích số lượng đặt phòng ở nước ngoài của người Hàn Quốc từ tháng 6 đến tháng 8 giai đoạn cao điểm của mùa nghỉ Hè, số lượng đặt phòng tại Philippines và Việt Nam tăng lần lượt là 3,1 lần và 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Mở rộng không gian, hướng tới du lịch 4 mùa
Tỉnh Quảng Ninh hướng tới mục tiêu thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 và trở thành điểm đến quanh năm, bốn mùa. Để đạt được mục tiêu trên, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp, du khách. Trong đó, các đơn vị chú trọng các không gian văn hóa gắn với không gian du lịch, mở rộng không gian liên kết vùng, nội vùng gắn với các trọng điểm du lịch đã có của tỉnh; xây dựng môi trường văn hóa văn minh trong ứng xử, kinh doanh dịch vụ, du lịch nhằm tạo bước đột phá trong bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị khác biệt của du lịch Quảng Ninh, du lịch vịnh Hạ Long.
- Báo Văn hóa đưa tin:
Du lịch đã trở lại đường đua
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt 6 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, tổng lượng khách quốc tế trong 4 tháng đầu cao hơn 3,9% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
- Báo Tiền phong đưa tin:
Du lịch 30/4 - 1/5: Doanh thu cao nhưng chất lượng chưa tương xứng
Hầu hết các điểm đến đón lượng khách đông, thời gian lưu trú dài hơn trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, doanh thu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chỉ ra, ở một số nơi, doanh thu chưa tương xứng với chất lượng. Hiện tượng ùn tắc cục bộ diễn ra tại một số điểm du lịch như Hạ Long, bến phà ra đảo Cát Bà, tuyến đường ven biển Nha Trang, nội đô TP Đà Lạt… và trên các tuyến quốc lộ dẫn về các thành phố lớn trong thời điểm đầu và cuối kỳ nghỉ lễ. Một số điểm đến như Phú Quốc, Quảng Nam, Côn Đảo… ghi nhận lượng khách giảm do giá vé máy bay tăng cao. Chất lượng phục vụ tại một số điểm đến ven biển chưa đồng đều, chưa đáp ứng kỳ vọng của du khách bởi tình trạng quá tải, thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng.
4. Lĩnh vực Gia đình
- Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin:
Dạy con hiểu giá trị của gia đình
Mỗi gia đình có những giá trị cốt lõi riêng biệt dựa trên những ưu tiên và nhu cầu của từng thành viên. Những nguyên tắc này thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ ông bà sang cha mẹ rồi đến con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.
- Báo Phụ nữ Việt Nam đưa tin:
Thúc đẩy, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vươn lên
Hội LHPN thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp cùng UBND xã Tân Dân (thành phố Hạ Long) tổ chức ra mắt 03 "Tổ truyền thông cộng đồng" tại thôn Tân Lập, Đồng Mùng và Khe Cát. Theo chia sẻ từ đại diện Hội LHPN thành phố Hạ Long, mô hình Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập với mục đích tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây cũng là hoạt động nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững./.