Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/3/2022

28/03/2022 | 17:14

Các địa phương hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam; Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu; Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 28/3 đưa tin:

Di tích lịch sử - khảo cổ học cấp quốc gia Hoàng thành Yên Bái đang bị hoang hóa

Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y nằm trên địa bàn xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được đánh giá là quần thể di tích quan trọng, lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học quý hiếm, thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Điều đáng nói là di tích này đang rơi vào cảnh hoang hóa.

Nét đẹp văn hóa Việt trong những trò chơi dân gian

Ngay khi các tuyến phố đi bộ của Thành phố Hà Nội được mở cửa lại vào cuối tuần, lượng lớn du khách đã đến tham quan, vui chơi, mua sắm. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của kinh tế, văn hóa, du lịch. Tại đây, nhiều trò chơi dân gian xưa như kéo co, nặn tò he, ô ăn quan, nhảy dây… diễn ra nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt với du khách trong và ngoài nước.

Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu

Chào mừng Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, chiều 26/3, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An đã ký kết với Tổ chức JICA (Nhật Bản) "Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ Chùa Cầu". Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả khoa học tu bổ di tích và đặc biệt gắn kết chặt chẽ thêm mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản.

Ngắm cổ vật hoàng cung, hiểu thêm về văn hóa cung đình Huế

Triển lãm Cổ vật cung đình Huế vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).Triển lãm do Hội sưu tập cổ vật cung đình Huế phối hợp với Công ty Thanh Ngọc tổ chức, với mong muốn giúp công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng, tìm hiểu và có cái nhìn rõ rệt hơn về văn hóa cung đình Huế - bản sắc văn hóa độc đáo của một triều đại gắn liền với những biến thiên thăng trầm trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Việt Nam tham gia Tuần lễ phim Pháp ngữ tại Chile

Nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã phối hợp với đại sứ quán các nước sử dụng tiếng Pháp tại Chile tổ chức Tuần lễ phim Pháp ngữ 2022 kéo dài từ ngày 24 - 31/3. sự kiện này nằm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa của Tuần lễ Pháp ngữ, với 10 bộ phim của các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ được công chiếu, hứa hẹn đem đến bức tranh đa dạng về văn hóa của Cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam lựa chọn công chiếu bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ với phụ đề tiếng Tây Ban Nha.

-Báo Tin tức ngày 27/3 đưa tin:

Thu hồi giấy phép nhập khẩu phim khi nội dung phim vi phạm quy định cấm

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, trong đó bổ sung một số quy định về nhập khẩu phim. Cụ thể, Nghị định bổ sung khoản 3 Điều 8 thẩm quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm như sau: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.

- Báo Hà Nội mới ngày 28/3 đưa tin:

Xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-SVHTT về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025, nhằm mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội.

Festival Mỹ thuật trẻ năm 2022 dự kiến tổ chức vào tháng 8 tại Hà Nội

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông báo tổ chức Festival Mỹ thuật trẻ năm 2022, nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tựu sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thúc đẩy thị trường mỹ thuật Việt Nam, thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa.

Điểm đến của điện ảnh quốc tế

Vào tháng 4 này, bộ phim truyền hình Mỹ "Du lịch đến tình yêu" (A Tourist's Guide to Love) sẽ khởi quay tại Việt Nam, khai thác nhiều nét văn hóa đặc sắc, danh lam thắng cảnh của nước ta. Đây là bộ phim nước ngoài đầu tiên được cấp phép thực hiện tại Việt Nam, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Việc hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài là một trong những nội dung quan trọng đưa công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, vươn xa.

Xuất bản sách song ngữ của các tác giả trong nước: Đưa sách Việt đi xa...

Trên thị trường xuất bản gần đây xuất hiện ngày càng nhiều sách, truyện song ngữ Việt - Anh, Anh - Việt của các tác giả trong nước, đáp ứng nhu cầu đọc sách tiếng Anh, nâng cao trình độ ngoại ngữ của độc giả; đồng thời, giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đây là một trong những xu hướng xuất bản giúp sách Việt lan tỏa và đi xa hơn.

Hồi sinh cổ phục trong đời sống đương đại

Vài năm qua, trong chuyến du xuân của các bạn trẻ, chiếc áo dài tân thời không còn là trang phục truyền thống duy nhất được lựa chọn. Phong trào mặc cổ phục đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ, cho thấy trang phục của người Việt xưa đang hiện diện nhiều hơn trong đời sống hôm nay. Trang phục cổ, văn hóa truyền thống Việt Nam cần được ứng dụng rộng rãi, được hồi sinh trong đời sống đương đại một cách sâu rộng và thường xuyên hơn. Để làm được điều đó, cần có nhiều hơn nữa sự chung tay của cả cộng đồng, mà đơn giản nhất là tất cả cùng tham gia, hưởng ứng hoạt động của các bạn trẻ.

Đẩy mạnh tư liệu hóa di sản

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ trên địa bàn thành phố năm 2022, với 4 di sản được tiến hành khảo sát chuyên sâu, tập hợp thông tin, lập hồ sơ lưu trữ. Qua đó bổ sung nguồn tư liệu, thông tin về di sản phục vụ công tác bảo tồn, tôn vinh, quảng bá; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, thu hút nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại.

Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa 4 di sản nghề truyền thống của Hà Nội

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Theo đó, sẽ có 4 di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa trong năm 2022, gồm: Nghề nặn tò he ở Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên; nghề làm bánh tẻ ở làng Phú Nhi, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây; nghề làm đàn Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa; nghề làm bún Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

- Báo Nhân Dân ngày 28/3 đưa tin:

Tôn vinh di sản nghệ thuật của cố họa sĩ Phan Kế An

Nhiều tác phẩm của cố họa sĩ tài danh Phan Kế An, bao gồm cả những bức vẽ chưa từng được công bố, đang được trưng bày trong triển lãm "Phan Kế An-Kho tàng ẩn giấu", diễn ra đến ngày 16/4 tại Viện Pháp L'Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Với nhiều nỗ lực bảo tồn và kế thừa di sản, những người thực hiện dự án đã mang đến công chúng yêu hội họa cơ hội tiếp cận chuyện nghề, chuyện đời của một trong những họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng.

Trùng tu di sản: Bài học chưa bao giờ cũ

Những tháng đầu năm, lĩnh vực di sản lại đón nhận thêm những thông tin không vui khi thêm những di tích tiếp tục bị trùng tu, làm mới không tuân theo thiết kế ban đầu, thậm chí làm hỏng di tích. Năm nào cũng vậy, việc các di tích tiếp tục bị biến dạng do trùng tu, làm mới, sơn lại… vẫn luôn là bài học không mới tại nhiều địa phương.

Âm vang một vùng non nước cố đô

Không chỉ là kinh đô nước Ðại Cồ Việt tự ngàn xưa, Ninh Bình còn lưu giữ nhiều di tích khảo cổ học có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa. Ðó là nguồn tài nguyên "không thể tái tạo", cần được nghiên cứu bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng riêng có, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Việc khai quật khảo cổ học tại hàng loạt di tích ở Ninh Bình đã giúp các nhà khoa học tìm thấy nhiều dấu tích người Việt cổ, nhiều đồ đá, mảnh gốm, di tích xương động vật, thực vật.

Trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc ở Ninh Bình

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình phối hợp Hội Cổ vật Tràng An, tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều bộ sưu tập cổ vật, hiện vật di chỉ quý hiếm, có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc với chủ đề " Ninh Bình - nghìn năm văn hiến". Nổi bật là bộ sưu tập cổ vật: trống đồng kích thước lớn, thạp đồng, tượng đồng, có kỹ thuật chế tác tinh xảo, chứa đựng những câu chuyện về văn hóa, xã hội, về tín ngưỡng của người Việt cổ.

-Báo Văn hóa ngày 28/3 đưa tin:

Chặt cây đa và tu sửa cấp thiết ở di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm, Hà Nội: Cần có câu trả lời rõ ràng

Không còn nữa một diện mạo quen thuộc ở cổng di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm, với hình ảnh cây đa tỏa bóng. Đoàn Thanh tra Sở VHTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc chặt hạ cây đa cũng như công tác tu sửa đang diễn ra tại di tích vào cuối tuần qua. Bước đầu đã có những kết luận, nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, dư luận và người yêu di sản vẫn cần có một câu trả lời rõ ràng không chỉ về việc chặt đa mà cả những nội dung về việc tu sửa cấp thiết đang diễn ra tại di tích.

"Hiến kế" để giữ gìn không gian văn hóa

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBMT TQVN thành phố, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần mở rộng và giữ gìn không gian văn hóa trên địa bàn thành phố.Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cho biết, đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng sẽ tập trung vào việc "hiến kế" mở rộng các không gian văn hóa công cộng để người dân thụ hưởng một cách tốt nhất.

2.Lĩnh vực Du lịch

-TTXVN ngày 28/3 đưa tin:

Hà Nội: Tạm dừng dịch vụ trải nghiệm bay trên khinh khí cầu

Trưa 27/3, Ban tổ chức Ngày hội khinh khí cầu "Hà Nội muôn màu" cho biết, do thời tiết (gió Đông Bắc cấp 3 có kèm mưa) nên dịch vụ trải nghiệm bay trên khinh khí cầu tại khu vực vườn nhãn Long Biên tạm dừng phục vụ từ 10 giờ ngày 27/3/2022 để đảm bảo an toàn cho du khách. Ban tổ chức cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng cảm của khách.

Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa

Trong khuôn khổ chương trình Năm Du lịch quốc gia 2022, ngày 26/3, tại thành phố Hội An, Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo "Quảng Nam phát triển Du lịch Xanh - Gìn giữ giá trị bản địa" và "Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam". Việc tổ chức Hội thảo là cơ hội để Quảng Nam khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch; đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Thái Nguyên phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững

Tại tỉnh Thái Nguyên, chính quyền địa phương đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên sẵn có với các cảnh quan thiên ban tặng, di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc, đặc biệt gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững.

-Báo Tin tức ngày 27/3 đưa tin:

Ba tháng đầu năm, Khánh Hòa đón 254.000 lượt du khách

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, ước ba tháng đầu năm 2022, Khánh Hòa đã đón 254.000 lượt du khách đến lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng. So với cùng kỳ năm trước, con số này tăng hơn 12%; doanh thu du lịch ước tính đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 55,2%; số du khách quốc tế đạt 14.000 lượt, tăng gần 49%. Tại thời điểm này, các cơ sở lưu trú du lịch và các khu du lịch lớn trên địa bàn tỉnh đã từng bước hoạt động trở lại, đủ điều kiện đón khách du lịch trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Khách du lịch đến Hà Nội tăng gần 50%

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, cơ bản là khách nội địa. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động du lịch, Hà Nội đang thúc đẩy phát triển du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng - điểm du lịch sinh thái thân thiện

Từ năm 2004, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý mở dịch vụ du lịch sinh thái. Hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn đã có nhiều đổi mới, mang diện mạo mới và từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch dần được hình thành, các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa. Công tác tuyên truyền giáo dục môi trường ngày càng được nâng cao, sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư từng bước được rõ nét.

-Báo Hà Nội mới ngày 28/2 đưa tin:

Đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch

Sau gần 2 năm tạm ngưng do dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nối lại các hoạt động hợp tác phát triển du lịch. Các địa phương trong vùng đặt mục tiêu chung phát huy tối đa lợi thế vốn có để sớm hồi phục và phát triển ngành công nghiệp không khói quan trọng này. Để du lịch "bứt tốc" mạnh mẽ trong thời gian tới, các địa phương đã, đang tích cực vào cuộc.

Sôi động du lịch Hà Nội

Những ngày này, các điểm vui chơi, giải trí, di tích, danh thắng… trên địa bàn Hà Nội bắt đầu sôi động sau khi lĩnh vực du lịch được hoạt động trở lại từ ngày 15-3. Nhiều đơn vị lữ hành đã kích hoạt các tour du lịch đặc biệt để tạo sự mới mẻ cho du khách trong nước và quốc tế tham quan Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được các đơn vị duy trì, góp phần bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia các hoạt động tại Thủ đô.

Khám phá thú vị về làng gốm Bát Tràng

Nhiều đổi thay trong cách làm du lịch của làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang thu hút du khách quay trở lại. Đến làng gốm sứ Bát Tràng, du khách không chỉ tham quan chợ gốm, tham gia trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân, mà còn khám phá nhiều công trình kiến trúc từ cổ đến kim độc đáo và hấp dẫn. Đến Bát Tràng, du khách không nên bỏ lỡ điểm check-in thú vị, đó là Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt mà nhiều người quen gọi là "Bảo tàng gốm Bát Tràng".

Khai trương điểm du lịch cộng đồng Nà Bai - Phụ Mẫu

Trong 2 ngày 26 và 27-3, tại xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam khai trương điểm du lịch Cộng đồng (DLCĐ) Nà Bai - Phụ Mẫu. Đây là 2 trong 4 điểm du lịch cộng đồng được Tổ chức AOP hỗ trợ tại tỉnh Sơn La trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng (GROW)" do Chính phủ Australia tài trợ.

Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022: Hướng tới du lịch xanh, an toàn

Tối 26-3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" tại Đảo Ký ức Hội An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển giao lưu văn hóa quốc tế. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển du lịch với thiên nhiên tươi đẹp, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, chính trị ổn định.

Phát triển du lịch MICE ở Vĩnh Phúc: Nắm bắt cơ hội vàng

Nằm giáp Thủ đô Hà Nội, lại có hệ thống giao thông kết nối với các địa phương thuận lợi cùng hệ thống cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, Vĩnh Phúc được đánh giá là "vùng đất vàng" cho phát triển du lịch. Bên cạnh tiềm năng về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Vĩnh Phúc còn hội tụ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, sự kiện) ở khu vực phía Bắc.

-Báo Nhân Dân ngày 28/3 đưa tin:

Hàng trăm du khách quốc tế đến Đà Nẵng trong ngày đầu mở lại các hoạt động du lịch

Hai chuyến bay quốc tế đưa hơn 300 du khách từ Singapore và Thái Lan đến Đà Nẵng trong ngày 27/3, ngày đầu tiên Đà Nẵng mở cửa tất cả các hoạt động du lịch sau thời gian dài tạm ngừng vì đại dịch Covid-19. Sự kiện mở lại đường bay quốc tế ngày này sẽ được tiếp nối với những chuyến bay quốc tế mới. Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ khôi phục các đường bay mà chúng ta đã khai thác trong năm 2019. Trong tháng 6/2022, Đà Nẵng nỗ lực tổ chức thành công Diễn đàn Phát triển Đường bay Châu Á 2022.

Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận

Ngày 27/3/2022, tại Hội An, nhân dịp Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam tỉnh Ninh Thuận Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người, các giá trị văn hóa, những danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh-vùng đất bán khô hạn với sắc thái thiên nhiên độc đáo. Với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư, trên tinh thần cầu thị và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngày hội khinh khí cầu đón khách quốc tế đầu tiên đến Đà Nẵng

Ngày hội khinh khí cầu được thành phố Đà Nẵng tổ chức khai hội sáng 27/3, đánh dấu sự kiện đón các chuyến bay Quốc tế đầu tiên đến Đà Nẵng sau thời gian dài du lịch ngừng trệ vì dịch Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên người dân Đà Nẵng được ngắm những sắc màu khinh khí cầu bên bờ sông Hàn. Sự kiện do Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) chủ trì, phối hợp Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức.

Cơ hội và triển vọng phục hồi du lịch

Quyết định mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 để từng bước lấy lại đà tăng trưởng, ngành du lịch nước nhà đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn căng thẳng. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội để nhanh chóng phục hồi, phát triển.

Quảng Nam đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, gìn giữ giá trị bản địa

Mới đây, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo "Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa" và Lễ công bố "Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam". Đây là một trong 10 sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Năm Du lịch Quốc gia-Quảng Nam 2022. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề để phát triển du lịch-dịch vụ xanh.

Ngày hội đạp xe vì du lịch và môi trường ở Huế

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp cùng các đơn vị tổ chức "Ngày hội đạp xe vì du lịch và môi trường" tại di tích Nghênh Lương Đình (thành phố Huế). Ngày hội đã thu hút hơn 300 vận động viên là các thành viên của 10 đội xe đạp trên địa bàn tham gia. Ngày hội là nơi để thúc đẩy phong trào luyện tập thể thao nói chung và phát triển loại hình xe đạp nói riêng trong cộng đồng người dân ở Cố đô Huế và những người yêu Huế để nâng cao sức khỏe, có ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến một Thừa Thiên Huế xanh-sạch-sáng.

Quảng Ninh - Kỳ quan bốn mùa

Để Quảng Ninh trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn, an toàn, phù hợp với xu hướng du lịch mới sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh cùng các doanh nghiệp đã chủ động có những thay đổi linh hoạt, thích ứng với tình hình mới và tạo dựng thương hiệu mới "Quảng Ninh - Kỳ quan bốn mùa". Quảng Ninh đã xác định có một số vấn đề đặt ra. Với tổ hợp sản phẩm truyền thống, ví dụ du lịch nghỉ dưỡng tắm biển chúng ta phải làm mới để nó có sức thu hút lớn hơn

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Nhân Dân, TTXVN và nhiều báo khác ngày 28/3 đưa tin: "Hàng chục nghìn người tham dự Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân" cho biết: Nhiều hoạt động thể thao đã diễn ra trong cả nước với điểm nhấn là Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3 và hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á-SEA Games 31 tại Việt Nam trong tháng 5. Tại Nhà thi đấu huyện Gia Lâm (Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp chính quyền huyện Gia Lâm và các ban, ngành tổ chức lễ phát động cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 47-Vì hòa bình huyện Gia Lâm năm 2022.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/3/2022 - Ảnh 2.

Các vận động viên dự Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 63. (Ảnh: báo Nhân Dân)

Cùng ngày, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022 với sự tham dự của hơn 6.000 người là VĐV chuyên nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, những người tiêu biểu, có uy tín trong nhân dân cùng đông đảo các em sinh viên, học sinh và người dân thành phố.Tại Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 63 kết thúc ngày 27/3 sau ba ngày tranh tài tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), VĐV Đỗ Quốc Luật (đoàn Quân đội) xuất sắc về đích đầu tiên ở cự ly 10 km nam tuyển với thành tích 31 phút 28 giây 42.

-TTXVN ngày 27/3 đưa tin:

Trên 1.500 người tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tại Đà Nẵng

Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2022) và 76 năm Ngày thể thao Việt Nam, ngày 27/3, tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022 và Giải Việt dã Đại hội Thể dục thể thao thành phố lần thứ IX năm 2022. Có hơn 1.500 người thuộc các khối Công an, Quân sự, Phụ nữ, Đoàn thanh niên và các Câu lạc bộ thể thao trên địa bàn thành phố… tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022.

Ngày Thể thao Việt Nam 27/3: Khoảng 2.000 người tham dự giải chạy việt dã truyền thống ở Thừa Thiên – Huế

Ngày 27/3, tại Nghinh Lương Đình, thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Lễ phát động "Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân 27/3 và Khai mạc Giải Việt dã truyền thống lần thứ 30 năm 2022. Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 2.000 vận động viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Sôi nổi giải chạy việt dã tỉnh Nam Định năm 2022

Ngày 27/3, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và Giải Việt dã tỉnh năm 2022. Tham dự giải năm nay có trên 50 vận động viên nam, nữ đến từ các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, vận động viên tham gia tranh tài ở 2 cự ly là 5.000m đối với nam và 3.000m đối với nữ.

Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài 'Theo dấu chân huyền thoại'

Từ ngày 25 – 27/3, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Báo Tiền Phong phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 63 tại huyện Côn Đảo với chủ đề "Theo dấu chân huyền thoại". Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 63 quy tụ 26 đoàn tham gia thuộc các đội tuyển đến từ các địa phương có thế mạnh về bộ môn điền kinh. Giải đấu diễn ra trước thềm SEA Games 31 là dịp để các vận động viên chuyên nghiệp cọ xát, huấn luyện để chuẩn bị tham gia sân đấu khu vực.

JFA hy vọng có thêm nhiều cầu thủ Việt Nam tới Nhật Bản thi đấu

Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã tới thủ đô Tokyo để chuẩn bị cho trận đấu với Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Trước thềm trận đấu này, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã phỏng vấn ông Kohzo Tashima, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA), về trận đấu sắp tới và quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực bóng đá.

-Báo Tin tức ngày 27/3 đưa tin:

Hành trình đến SEA Games 31: Cận cảnh trường bắn súng hiện đại

Địa điểm thi đấu môn bắn súng tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội hiện đã hoàn thiện tới 90%, gồm 30 bệ bắn với trang thiết bị hiện đại. Trường bắn này được đánh giá là một trong vài trường bắn hiện đại nhất của khu vực Đông Nam Á hiện nay. Nhận xét về trường bắn hiện đại của thể thao Việt Nam, đại diện Liên đoàn Bắn súng châu Á ông KS Henry Oka cho biết, trường bắn của SEA Games 31 hiện đại hàng đầu Đông Nam Á và có khả năng tổ chức các giải châu lục và thế giới.

SEA Games 31: Hoàn thiện tốt nhất khâu chuẩn bị

Chỉ còn chưa tới 50 ngày nữa, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ chính thức diễn ra. Hiện tại, nước chủ nhà Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực gấp rút chuẩn bị những khâu chuẩn bị cuối cùng để SEA Games 31 diễn ra đúng kế hoạch, an toàn và thành công.

Tất cả cầu thủ Việt Nam đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngay sau khi đội tuyển quốc gia Việt Nam tới sân bay quốc tế Narita để chuẩn bị cho trận đấu cuối ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 với chủ nhà Nhật Bản, tất cả các cầu thủ và hầu hết các thành viên trong ban huấn luyện đều có kết quả xét nghiệm âm tính tới virus SARS-CoV-2. Riêng trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa có kết quả dương tính. Vì vậy, các cầu thủ ngồi gần vị trợ lý này trên máy bay đã được phía Nhật Bản yêu cầu tách ra thành nhóm riêng để theo dõi.

Phát triển thể thao cộng đồng, nâng cao sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều trung tâm, câu lạc bộ, phòng tập gym, aerobic, yoga... lần lượt mở cửa trở lại phục vụ khách hàng đến chọn môn thể thao phù hợp để tập luyện. Các khu vực ngoài trời, vào mỗi sáng và buổi chiều đều có đông người dân tới tập luyện nhằm tăng cường sức đề kháng phòng, chống dịch.

Đại hội Liên đoàn Bóng đá tỉnh Hòa Bình

Liên đoàn Bóng đá tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2022 – 2027) với sự tham gia của 52 đại biểu đại diện các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Hòa Bình. Đại hội đã tập trung đánh giá các công tác môn Bóng đá của Hòa Bình thời gian qua như: Công tác phát triển hội viên và xây dựng câu lạc bộ bóng đá cơ sở , phong trào bóng đá trên địa bàn tỉnh đang không ngừng phát triển lớn mạnh, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Nam Định đầu tư trên 25 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo sân vận động Thiên Trường

Tại SEA Games 31, sân vận động Thiên Trường, tỉnh Nam Định đăng cai tổ chức một bảng thi đấu của môn bóng đá nam. Để các đội bóng có điều kiện tập luyện, thi đấu tốt nhất, tỉnh Nam Định đang khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động Thiên Trường để đáp ứng các yêu cầu của Ban Tổ chức SEA Games 31.

-Báo Hà Nội mới ngày 28/2 đưa tin:

Hà Nội nhất toàn đoàn Giải vô địch các câu lạc bộ Muay quốc gia năm 2022

Sau gần một tuần tranh tài, Giải vô địch các câu lạc bộ Muay quốc gia năm 2022 đã kết thúc vào chiều 27-3, tại tỉnh Khánh Hòa. Giải năm nay quy tụ hơn 300 vận động viên đến từ 27 đoàn trên toàn quốc, trong đó thành phố Hồ Chí Minh chiếm áp đảo với 29 võ sĩ. Các vận động viên tranh tài ở các hạng cân nam - nữ lứa tuổi 15-17 và 18-40.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vững vàng ngôi số 1 Đông Nam Á

Theo bảng xếp hạng mới nhất các đội tuyển bóng đá nữ của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), đội tuyển Việt Nam vẫn giữ hạng 32 và tiếp tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á cũng như hạng 6 châu Á. Theo bảng xếp hạng này, đội tuyển nữ Việt Nam bị trừ 3,92 điểm, còn 1.655,25 điểm dựa trên kết quả thi đấu tại vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 tại Ấn Độ. Mặc dù không vào được bán kết, nhưng đội tuyển nữ vẫn giành được suất dự vòng chung kết World Cup nữ 2023 tại Australia và New Zealand.

Đội tuyển cầu lông Việt Nam: Quyết tâm thi đấu thành công tại SEA Games 31

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra. Hiện nay, các đội tuyển thể thao, trong đó có đội tuyển cầu lông Việt Nam đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng cường tập luyện, quyết tâm thi đấu thành công tại kỳ Đại hội được tổ chức trên sân nhà.

-Báo Nhân Dân ngày 28/3 đưa tin:

Huấn luyện viên Mai Đức Chung đặt ra mục tiêu cho đội tuyển nữ trong năm 2022

Trả lời phỏng vấn trong ngày tập trung đầu tiên tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung cho biết toàn đội đã hội quân đầy đủ, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2022 với quyết tâm cao nhất, trong đó mục tiêu đầu tiên bảo vệ thành tích huy chương Vàng tại SEA Games.

Gần 4.000 học sinh, sinh viên tham gia giải chạy S-Race 2022 Quảng Nam

Ngày 27/3, tại Quảng trường 24/3 (thành phố Tam Kỳ), diễn ra giải chạy S-Race 2022 Quảng Nam. Giải chạy thu hút sự tham gia của gần 4.000 học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; thi đấu ở 3 nhóm tuổi, gồm: học sinh THCS, học sinh THPT, sinh viên các trường cao đẳng và đại học với cự ly thi đấu 3 km dành cho sinh viên nam và nam sinh THPT; 1,5 km dành cho nam sinh THCS, sinh viên nữ, nữ sinh THPT và nữ sinh THCS.

U23 Việt Nam gặp Uzbekistan tại vòng 3 Dubai Cup

Sau khi kết thúc các trận đấu vòng 2, Ban tổ chức Giải U23 quốc tế Dubai Cup 2022 đã công bố lịch thi đấu các cặp đấu của vòng 3 để xác định thứ hạng chung cuộc. Theo đó, đối thủ của U23 Việt Nam sẽ là U23 Uzbekistan. Theo đó, đây cũng là đối thủ rất quen thuộc đối với bóng đá Việt Nam ở các cấp độ đội tuyển. Uzbekistan có trình độ chơi bóng được đánh giá trội hơn nhiều so với Việt Nam. Thực tế, Việt Nam chưa bao giờ giành được chiến thắng trước Uzbekistan trong lịch sử đối đầu.

Hải Phòng bảo đảm điều kiện tốt nhất cho thi đấu SEA Games 31

Khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình phục vụ các môn thi đấu của SEA Games 31 tại Hải Phòng. Điều đó không chỉ đáp ứng yêu cầu và sự tin tưởng của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với thành phố Hải Phòng, mà còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp về thể thao, con người và thành phố Cảng với các đoàn vận động viên, quan chức thể thao các nước, cũng như với đông đảo du khách qua giải đấu.

Khai mạc Giải Cầu lông câu lạc bộ tỉnh, thành, ngành toàn quốc năm 2022

tại nhà thi đấu Lê Trung Kiên (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phối hợp Liên đoàn Cầu Lông Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Giải Cầu lông câu lạc bộ tỉnh, thành, ngành toàn quốc 2022 tranh Cúp Thành Công. Theo Ban tổ chức, giải Cầu lông câu lạc bộ tỉnh, thành, ngành toàn quốc năm 2022 tranh Cúp Thành Công sẽ tranh tài ở các nhóm tuổi 14 đến 55 tuổi. Các nội dung thi đấu của giải gồm: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.

Hoàn thiện khâu chuẩn bị, bảo đảm tổ chức thành công SEA Games 31

Chỉ còn chưa tới 50 ngày nữa, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ chính thức diễn ra. Hiện tại, nước chủ nhà Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực gấp rút chuẩn bị những khâu chuẩn bị cuối cùng để SEA Games 31 diễn ra đúng kế hoạch, an toàn và thành công. Tại cuộc khảo sát của trưởng đoàn các nước tham dự SEA Games 31 mới đây, các đại biểu đánh giá khá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Hà Nội mới ngày 27/3 đưa tin: "Nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng" cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25-3-2022 phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030". Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập", 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"... Giải cầu lông toàn quốc năm 2022 dự kiến kết thúc ngày 30/3. Ban Tổ chức sẽ trao các bộ huy chương cho các vận động viên và câu lạc bộ đạt thành tích xuất sắc tại giải.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×