Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/2/2022

28/02/2022 | 16:45

VFF tổ chức gặp mặt, chúc mừng đội U23 Việt Nam, nhà Vô địch Giải U23 Đông Nam Á 2022; Tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam phù hợp tình hình dịch bệnh; Các địa phương sớm triển khai công tác chuẩn bị mở cửa lại hoạt động du lịch là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-Báo Nhân Dân ngày 28/2 đưa tin:

Đọc sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh

Tập hợp các bài viết nghiên cứu tiêu biểu thời gian qua, cuốn sách Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh của Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Đinh Xuân Dũng vừa ra mắt là nguồn tài liệu tham khảo quý, giúp bạn đọc có thể nắm bắt trong đó những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực cùng các phân tích, đánh giá sâu sắc để từ đó vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong thực tiễn công tác và đời sống.

Đi trong miền di sản, danh thắng xứ Nghệ

Nghệ An, Hà Tĩnh là vùng đất có mật độ di sản văn hóa đậm đặc, trải rộng khắp từ khu vực đồng bằng đến miền núi, trong đó nổi lên nhiều địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh có giá trị lớn. Song song với nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ở miền di sản, nhiều địa phương đang nỗ lực biến thế mạnh về văn hóa trở thành nguồn lực phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương.

Ra mắt mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng tại Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên diễn ra lễ ra mắt Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng tại thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang. Đây là dự án mang ý nghĩa văn hóa, giáo dục to lớn, góp phần lan tỏa tri thức, văn hóa đọc cho người dân ở các vùng nông thôn do Tân Việt Books khởi xướng. Ý tưởng thiết kế, cải tạo, tích hợp đưa sách vào nhà văn hóa là dự án đã được Tân Việt Books lên kế hoạch chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài. Với dự án này, mỗi mô hình nhà văn hóa sẽ được trang bị khoảng 3.000-5.000 đầu sách chất lượng cao cho các lứa tuổi, đa dạng về thể loại của các đơn vị xuất bản uy tín trong và ngoài nước.

- Báo Tin tức ngày 28/2 đưa tin:

Sân khấu nhập cuộc 'bình thường mới'

Sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà hát của Trung ương và địa phương đã khởi dựng các vở diễn mới thu hút khán giả trở lại, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Vượt khó trong điều kiện dịch bệnh là diễn biến chung của các đơn vị văn hóa trên toàn quốc. Cùng với việc tổ chức duy trì tập luyện chương trình, vở diễn trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều đơn vị tìm hướng phổ biến các chương trình lên không gian mạng, duy trì sức hút với khán giả yêu thích sân khấu.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật phát huy giá trị văn hóa

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng nền công nghiệp văn hóa. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được coi là cách "đi tắt đón đầu", tạo sức bật trong bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế về văn hóa.

Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" vào năm 2008. Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, các cấp, ngành, địa phương tại tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, cấp chiêng và trang phục truyền thống, phục dựng các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ngoại giao, giao lưu văn hóa cồng chiêng, xét tặng danh hiệu và vinh danh nghệ nhân dân gian.

Phát huy lợi thế các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt

Chiều 26/2, Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, sau 25 năm tái lập tỉnh, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đã có nhiều đổi mới, đạt kết quả đáng ghi nhận, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; bảo tồn có hiệu quả, thiết thực các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

-TTXVN ngày 27/2 đưa tin:

Không gian trưng bày mới của mỹ thuật đương đại

65 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc… được các họa sỹ sáng tác từ năm 1986 đến nay ở Không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Bước vào Không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật của các họa sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX trở lại đây.

Sân khấu Lệ Ngọc: Điểm sáng của sân khấu xã hội hóa phía Bắc

Sau một thời gian dài đóng cửa do dịch COVID-19, Sân khấu Lệ Ngọc đã tái ngộ khán giả Thủ đô với một loạt đêm diễn ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội với các vở diễn "Làm vua", "Nước mắt của mẹ", "Vụ án người đốt đền"; thu hút được một lượng khá đông khán giả đến xem. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Sân khấu Lệ Ngọc vẫn liên tiếp cho ra đời những tác phẩm sân khấu mới, hấp dẫn. Có thể nói, Sân khấu Lệ Ngọc là một điểm sáng của sân khấu xã hội hóa phía Bắc, mang đến cho công chúng những bữa tiệc sân khấu đầy hấp dẫn trong những ngày đầu Xuân năm mới 2022.

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đảm bảo hiệu quả, phù hợp

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, tổ chức hội, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung hướng dẫn tại Kế hoạch số 5270/KH-BTTTT và tình hình thực tế, tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

-Báo Hà Nội mới ngày 28/2 đưa tin:

Đưa dân ca ví, giặm đến khán giả Thủ đô

Từ năm 2010 khi chọn Hà Nội là nơi sinh sống, học tập, nghệ sĩ Lê Thanh Phong đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc đưa dân ca ví, giặm đến với khán giả Thủ đô. Anh đã thành lập Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ để tập hợp những nghệ sĩ trẻ của tỉnh Nghệ An chung tay lan tỏa dân ca quê nhà. Hy vọng, bằng tình yêu và đam mê cháy bỏng với âm nhạc dân tộc, anh sẽ từng bước vượt qua để khẳng định tài năng và góp phần lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến khán giả Thủ đô.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Lễ hội là chất liệu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Lễ hội là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhưng làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị, tiềm năng và lợi thế để lễ hội trở thành một trong những sản phẩm văn hóa, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa - lĩnh vực được Hà Nội và cả nước quan tâm?

Thi phim ngắn về vấn đề bảo vệ môi trường

Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã phát động cuộc thi phim ngắn "Màn ảnh xanh" hướng đến những vấn đề về bảo vệ môi trường. Người tham gia dự thi bằng dự án hoặc phim đã hoàn thiện, kể một câu chuyện hư cấu hoặc phim tài liệu phản ánh những vấn đề thời sự về phát triển bền vững từ việc bảo vệ môi trường. Phim dự thi có thời lượng dưới 10 phút, được sản xuất sau ngày 5-1-2022, có hình ảnh hậu trường về việc áp dụng các biện pháp xanh trong quá trình sản xuất phim (chai nước tái chế, cấp dưỡng không hộp xốp, trang thiết bị làm phim thân thiện với môi trường…).

Phim Việt Nam vươn đến giải thưởng quốc tế: Gian nan hành trình tỏa sáng...

Thời gian gần đây, có những phim Việt Nam ghi dấu ấn ở một số giải thưởng, liên hoan phim quốc tế. Song, để đoạt giải hay được đề cử ở các giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín như Oscar - giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp), Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức), Liên hoan phim quốc tế Venice (Italia)… vẫn là mơ ước của giới làm phim Việt Nam. Phải nhìn nhận, hành trình để phim Việt tỏa sáng ở các giải thưởng này vẫn còn nhiều gian nan.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội: Một trụ cột quan trọng của tài nguyên mềm văn hóa Thủ đô

Lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với sự hình thành và sức sống của các lễ hội. Lĩnh vực này cũng được xem như một trong 8 trụ cột của tài nguyên mềm văn hóa có thể giúp Thủ đô vươn mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thủ đô và đất nước. Tháng 6-2021, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức liên tục ba cuộc tọa đàm với chủ đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp". Nhiều vấn đề về phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội được gợi mở từ đây...

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Tin tức ngày 28/2 đưa tin:

Các địa phương sớm triển khai công tác chuẩn bị mở cửa lại hoạt động du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3. Theo đó, các địa phương tiếp tục triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau 2 năm dịch COVID-19; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Kích cầu du lịch Nghệ An năm 2022

Ngày 27/2, tại Khách sạn Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch Nghệ An năm 2022. Đây là hoạt động hưởng ứng chương trình phát động du lịch nội địa và hướng dẫn thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Thời gian qua, Nghệ An đã tập trung tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất; làm mới, hoàn thiện các sản phẩm du lịch; kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ du lịch, tiêm vắc xin đủ liều cho lao động ngành Du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định tỉnh này sẵn sàng đón, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hòa Bình phấn đấu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022

Trong những ngày đầu năm 2022, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đã đón hơn 100 nghìn lượt du khách, trong đó chủ yếu là khách nội địa và có hơn 500 lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 79 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu phấn đấu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó sẽ đón khoảng hơn 50 nghìn lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu trên 2.400 tỷ đồng.

-TTXVN ngày 27/2 đưa tin:

Du lịch TP Hồ Chí Minh tăng tốc đón khách đoàn

Những ngày cuối tháng 2/2022, thị trường du lịch TP Hồ Chí Minh đã tăng tốc khai thác sản phẩm phục vụ khách đoàn sau thời gian khoảng 2 năm bị "đóng băng". Bên cạnh đó, thông tin mở cửa du lịch đón khách quốc vào tháng 3/2022 sắp tới đây cũng đã tạo niềm tin và phấn khởi cho ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thuyền du lịch trên sông Hương cần 'thay áo mới' - Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Thừa Thiên – Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và đang hướng đến phát triển du lịch đẳng cấp. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên sông Hương là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh lĩnh vực du lịch có nhiều thay đổi, sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các điểm đến nhằm thu hút và giữ chân du khách. Với số lượng gần 140 phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch đang hoạt động trên sông Hương, việc quy hoạch, đầu tư nâng cấp, xây mới các bến thuyền để tạo diện mạo mới cho du lịch đường sông đang là vấn đề được đặt ra đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

-Báo Hà nội mới ngày 27/2 đưa tin:

Vui tham quan, không quên phòng dịch Covid-19

Sau khi mở cửa trở lại, các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị quản lý di tích đã triển khai nhiều biện pháp như: Bố trí máy đo thân nhiệt tự động, điểm quét mã QR, nước rửa tay sát khuẩn… phục vụ du khách. Việc này đã nâng cao ý thức của du khách, nhiều người tham quan, trải nghiệm di tích nhưng vẫn không quên thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội: Khai thác lợi ích để phát triển, quảng bá du lịch

Trong 2 thập niên qua, việc tổ chức và khai thác lợi ích từ lễ hội ngày càng được các quốc gia chú trọng nhằm phát triển, quảng bá du lịch. Vai trò và ảnh hưởng tích cực của lễ hội được ghi nhận trong nhiều mặt của đời sống, xã hội và kinh tế. Không ít quốc gia đã xây dựng chính sách đưa lễ hội trở thành một mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.

Lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới

Theo Trung tâm Thông tin của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công cụ phân tích dữ liệu du lịch Google Destination Insights vừa đưa ra số liệu nghiên cứu cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia nhận được lượng quan tâm hàng đầu trong hoạt động tìm kiếm của khách du lịch trên toàn thế giới. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam đang tăng rất nhanh; thời điểm đầu tháng 1-2022 tăng khoảng 247%, đến đầu tháng 2-2022 tăng 425% và đến giữa tháng 2-2022 tăng tới 654% so với cùng kỳ năm 2021.

-Báo Nhân Dân ngày 28/2 đưa tin "Phục hồi du lịch vùng cửa ngõ Thủ đô" cho biết: Nằm trên con đường thiên lý Bắc-Nam, các tỉnh cửa ngõ phía nam Thủ đô gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa đã nỗ lực thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Từ đó tập trung khai thác lợi thế di sản, tài nguyên, tiềm năng du lịch tâm linh cùng nhiều hình thái du lịch nghiên cứu, tìm hiểu giá trị di tích lịch sử, văn hóa, con người, lễ hội truyền thống, tạo khởi sắc mới trong phục hồi, phát triển du lịch ngay từ đầu năm 2022.

- Báo Văn Hóa ngày 27/2 đưa tin:

Lối thoát cho hoạt động xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Đối tượng áp dụng của Thông tư là Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư này hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Cáp treo Núi Sam chính thức vận hành: "Cú hích" cho du lịch An Giang bứt phá

Sau hơn 5 năm xây dựng và vận hành thử nghiệm, Khu du lịch cáp treo Núi Sam đã chính thức được Công ty Cổ phần MGA Việt Nam và UBND TP. Châu Đốc (An Giang) đưa vào phục vụ du khách từ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua. Công trình được đánh giá như "cú hích" tạo động lực cho du lịch An Giang bứt phá, đồng thời góp phần đưa Núi Sam trở thành điểm đến du lịch tâm linh trọng điểm của cả nước, từng bước ghi tên mình trên bản đồ du lịch văn hóa tâm linh thế giới.

Công ty du lịch, lữ hành: Chỉ chờ khách vào là đón!

Mặc dù dịch bệnh kéo dài và gây ra những thiệt hại nặng nề nhưng các địa phương và doanh nghiệp du lịch vẫn đang nỗ lực vượt qua, chờ đợi thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15.3. Chủ tịch Tập đoàn EHG (Elegance Hospitality Group) Đỗ Văn Đàn cho biết: "Trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, các cơ sở lưu trú của chúng tôi như La Siesta Hàng Bè, Mã Mây vẫn mở cửa. La Siesta Hội An spa & resort thì kín phòng suốt dịp Tết Nguyên đán 2022. Đến giờ khách vẫn rất đông. Chúng tôi đã có nhiều khách quốc tế hỏi dịch vụ để đặt phòng từ tháng 3-5.2022. Giờ chỉ cần xin được visa là khách vào".

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN, báo Nhân Dân, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 28/2 đưa tin: "Lễ đón, gặp mặt đội tuyển U23 Việt Nam, nhà Vô địch Giải U23 Đông Nam Á 2022" cho biết: Tối 27/2, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức Lễ đón, gặp mặt đội tuyển U23 Việt Nam vừa về đến Thành phố Hồ Chí Minh sau khi thắng đội U23 Thái Lan với tỷ số 1-0 giành ngôi vô địch U23 Đông Nam Á 2022 vào tối 26/2 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/2/2022 - Ảnh 2.

Quyền Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn trao thưởng cho đội U23 Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, hành trình đến với ngôi vô địch Giải U23 Đông Nam Á 2022 của đội tuyển U23 Việt Nam rất gian nan, vất vả tương tự đội tuyển nữ quốc gia đoạt vé dự World Cup 2023. Lần đầu tiên đoàn đi sang Campuchia thi đấu với 37 thành viên, tuy nhiên bị hao hụt vì dịch COVID-19 và có lúc tưởng chừng phải bỏ giải nhưng thầy trò huấn luyện viên Đinh Thế Nam vẫn kiên cường vượt khó để đăng quang ngôi vô địch sân cỏ cấp khu vực với thành tích rất ấn tượng, đặc biệt là đội giữ sạch lưới, không để thua bàn nào.

-Báo Tin tức ngày 28/2 đưa tin:

Tuyển bóng đá U23 Việt Nam được thưởng hơn 4 tỷ đồng cho chức vô địch U23 Đông Nam Á 2022

Tổng số tiền thưởng của đội U23 Việt Nam đã lên hơn 4 tỷ đồng sau hành trình ấn tượng vượt khó khăn do dịch COVID-19, giành ngôi vô địch giải U23 Đông Nam Á 2022. Cụ thể, sau chiến thắng trước U23 Thái Lan ở chung kết, thầy trò HLV Đinh Thế Nam được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thưởng 1,5 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam thưởng 200 triệu đồng, Tập đoàn Hưng Thịnh thưởng 1 tỷ đồng, Viettel Campuchia thưởng hơn 10.000 USD, các doanh nghiệp Việt Nam thưởng 5.000 USD. Trước đó, thầy trò HLV Đinh Thế Nam nhận 600 triệu đồng tiền thưởng từ VFF sau vòng bảng và 900 triệu đồng từ VFF và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam ở trận bán kết.

Ấn tượng Dụng Quang Nho

Đội tuyển U23 Việt Nam đã xuất sắc giành chức vô địch U23 Đông Nam Á 2022, khép lại hành trình đẹp cho thầy trò HLV Đinh Thế Nam tại giải năm nay. Bất chấp những khó khăn về nhân sự do COVID-19, "Các chiến binh sao vàng" vẫn thể hiện tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi để đăng quang vô địch Đông Nam Á ở lứa U23. Có thể nói, tinh thần quyết tâm không bỏ cuộc và khát khao thể hiện bản thân của các cầu thủ trẻ là thứ "vũ khí" lợi hại giúp đội quân của HLV Đinh Thế Nam làm nên chiến thắng.

U23 Đông Nam Á: HLV Đinh Thế Nam hạnh phúc với chức vô địch của U23 Việt Nam

HLV Đinh Thế Nam không giấu được cảm xúc sung sướng khi cùng các học trò ở đội tuyển U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan 1-0, qua đó đăng quang chức vô địch Đông Nam Á 2022. Đánh giá về đối thủ U23 Thái Lan, HLV Đinh Thế Nam nói: "Tôi rất tôn trọng Thái Lan nhưng nói thật là cũng tự tin hơn khi có sự trở lại của 5 học trò. Triết lý của tôi là dù đội bóng có thế nào cũng phải chơi tấn công. Khi dẫn trước 1-0, tôi chỉ đạo các học trò cố gắng kiểm soát bóng ở giữa sân. Dù khó khăn thế nào, tôi cũng đều động viên các học trò. Đây chắc chắn là kỷ niệm đáng nhớ với họ".

-TTXVN ngày 27/2 đưa tin:

Đánh bại U23 Thái Lan, U23 Việt Nam đăng quang vô địch giải U23 Đông Nam Á 2022

Đội tuyển U23 Việt Nam đã xuất sắc đánh bại U23 Thái Lan tại chung kết giải U23 Đông Nam Á 2022 trên sân Sirodok Echo (Phnom Penh, Campuchia) diễn ra tối 26/2, đăng quang vô địch một cách xứng đáng. Một kết thúc đẹp cho U23 Việt Nam tại giải năm nay. Bàn thắng duy nhất của trận đấu được Trần Bảo Toàn lập công ở phút 45+1. Từ tình huống tấn công bên cánh trái, Tuấn Tài lật bóng vào khung thành để Bảo Toàn đánh đầu lái bóng vào góc xa khiến thủ môn U23 Thái Lan không thể cản phá. Đây là lần thứ 2 tại giải đấu này, thầy trò HLV Đinh Thế Nam vượt qua U23 Thái Lan với cùng tỷ số 1 - 0.

'Người hùng thầm lặng' đứng sau thành công của thể thao Việt Nam

Với gần 30 năm trong nghề, luôn làm việc, cống hiến hết mình và đồng hành, sát cánh cùng thể thao Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng y học thể thao, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã đi qua những giai đoạn thăng trầm cùng thể thao Việt Nam với biết bao thế hệ vận động viên. Mới đây, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố danh sách các y, bác sĩ được vinh danh tại Giải thưởng Y học AFC lần thứ ba, Việt Nam có 2 bác sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Cống hiến 15 năm của Ban Y học AFC. Bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền là một trong hai bác sỹ được vinh danh.

Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ XII

Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ XII năm 2022 – Cúp Biwase, Ban tổ chức cho biết dự kiến giải sẽ diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 4 - 13/3/2022). Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ XII năm 2022 tập trung 12 đội đua trong nước và quốc tế gồm: Đội tuyển nữ Biwase – Bình Dương, Gạch – Phân bón Con Voi Bình Dương, Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời, Gạo Hạt Ngọc Trời, Xổ số kiến thiết Đồng Tháp, Tỉnh Vĩnh Long, IRC Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh – Vinama, TP Hồ Chí Minh Newgroup; đội đua Malaysia, tuyển Thái Lan, Câu lạc bộ Fisherman's Friend – Thái Lan.

-Báo Hà Nội mới ngày 28/2 đưa tin:

''Người hùng'' giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vào vòng chung kết World Cup

Là tác giả bàn thắng "quý hơn vàng" đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đến World Cup 2023, tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy đã chứng minh được đẳng cấp của một trụ cột ở tuyển nữ Việt Nam. Với việc thi đấu xuất sắc đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử tham dự World Cup, Nguyễn Thị Bích Thùy đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và giành danh hiệu Quả bóng đồng 2021.

Tuyển chọn tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31: Nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công

SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12 đến 23-5-2022, tại Thủ đô Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận. Đại hội sẽ có sự tham dự của 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á, với khoảng 10.000 huấn luyện viên, vận động viên cùng các chuyên gia, quan chức quốc tế. Để tổ chức thành công kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực, lực lượng tình nguyện viên là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ban tổ chức nước chủ nhà đang tích cực chuẩn bị, nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công.

Sông Lam Nghệ An giành ngôi vô địch Giải Bóng đá U9 toàn quốc Toyota Cup 2021

Giải Bóng đá U9 toàn quốc Toyota Cup 2021 do Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức dành cho các em nhỏ có niềm đam mê bóng đá đã khép lại vào ngày 26-2. Giải U9 toàn quốc Toyota Cup 2021 được tổ chức nhằm tìm kiếm, đào tạo các tài năng bóng đá trẻ, truyền cảm hứng cho các thế hệ cầu thủ tương lai, giúp các em không ngừng theo đuổi đam mê và tình yêu với bóng đá, cống hiến hết mình để góp phần vào sự phát triển bền vững của nền bóng đá nước nhà.

Cầu mây Hà Nội quyết tâm bảo vệ ngôi vị số một

Trải qua hơn 2 năm tập "chay", không được tập huấn và thi đấu quốc tế, nhưng bộ môn cầu mây Hà Nội vẫn quyết tâm bảo vệ ngôi vị Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, đồng thời sẽ góp sức cùng đội tuyển quốc gia thi đấu thành công tại SEA Games 31 và ASIAD 19. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Trưởng bộ môn cầu mây - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Hà Tùng Lập xung quanh các nội dung này.

- Báo Nhân Dân ngày 28/2 đưa tin:

Quần vợt trẻ Việt Nam thi đấu ấn tượng tại Giải Junior Davis Cup và Junior Billie Jean King Cup 2022

Dù phải đối mặt với nhiều đối thủ có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới, các tay vợt trẻ của quần vợt Việt Nam vẫn thi đấu rất nỗ lực và quyết tâm, qua đó đem về kết quả đáng khích lệ với vị trí thứ ba chung cuộc tại Giải Junior Davis Cup và Junior Billie Jean King Cup 2022. Trong ngày thi đấu cuối cùng Vòng sơ loại Giải quần vợt Junior Davis Cup và Junior Billie Jean King Cup khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2022, diễn ra tại Sri Lanka ngày 26/2, đội tuyển trẻ Việt Nam đối đầu tuyển Singapore để cạnh tranh vị trí thứ ba tại giải.

Chủ tịch nước và Thủ tướng chúc mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam

Sau khi các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam giành chiến thắng 1-0 ở trận chung kết Giải bóng đá U23 Đông Nam Á trước đội tuyển U23 Thái Lan, lần đầu đăng quang ngôi vô địch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng với tình cảm nồng ấm nhất, cùng lời biểu dương, khen ngợi tới các cầu thủ, huấn luyện viên Đinh Thế Nam và Ban huấn luyện. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ghi nhận và biểu dương các tổ chức, cá nhân, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là người hâm mộ cả nước đã luôn đồng hành, chia sẻ, cổ vũ và sát cánh cùng đội tuyển trong suốt chặng đường gian nan vừa qua.

4.Lĩnh vực Gia đình

- TTXVN ngày 28/2 đưa tin: "Thăm hỏi, chia buồn với gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn tại tỉnh Quảng Nam" cho biết: Tối 26-2, ngay sau khi về tới sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, nhận được báo cáo về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do chìm ca nô du lịch trên biển Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) xảy ra chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong; động viên, thăm hỏi những người bị thương trong vụ việc đau xót này.

Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ có các biện pháp chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói chung, an toàn giao thông đường thủy nói riêng để không xảy ra các vụ việc tương tự, nhất là trong mùa lễ hội hằng năm.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×