Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27/6/2024

27/06/2024 | 10:53

Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024; Bắn cung mang về thêm 1 suất dự Olympic cho thể thao Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Pháp là những thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1. Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Tổ Quốc đưa tin:

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đa dạng hóa các mô hình bảo tàng để phục vụ tốt hơn việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân 

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 26/6, Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Về quy định liên quan đến bảo tàng, Bộ trưởng khẳng định, theo luật hiện hành quy định bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, hướng tiếp cận mở rộng hơn, theo đó cho phép có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập; đồng thời đa dạng hóa các mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ và phục vụ tốt hơn việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Liên quan đến bảo tàng số, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định trưng bày trên không gian mạng, khi có đủ “độ chín” sẽ có bảo tàng số.

- TTXVN, Báo Nhân Dân, Tổ Quốc, Văn hóa, Tiền Phong... đưa tin:

Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024

Tối 26/6, tại Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Bế mạc liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024. Tại Lễ bế mạc, BTC đã trao 3 Huy chương Vàng cho các vở diễn: Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam, Vòng tròn bội bạc của Nhà hát Kịch Hà Nội, Bắt quỷ của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. BTC cũng trao 5 Huy chương Bạc cho các vở diễn; trao 32 Huy chương Vàng và 49 Huy chương Bạc cho các diễn viên; trao Giải tác giả xuất sắc cho Nghệ sĩ Chu Lai với vở diễn Vòng tròn bội bạc; trao Giải Đạo diễn xuất sắc cho Nghệ sĩ Trần Lực với vở diễn Búp bê; trao giải Họa sĩ xuất sắc cho Nghệ sĩ Đỗ Doãn Bằng với vở diễn Bến nước thời gian.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27/6/2024 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải Vàng cho các đơn vị

- VTV, Báo Thanh Niên, Tuổi trẻ... và nhiều báo khác đưa tin:

1 năm thực hiện quản lý tiền công đức: Cả nước thu 4.100 tỉ đồng 

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023, cả nước thu 4.100 tỉ đồng. Việc lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc, thời gian kiểm tra vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 2024 và mùa lễ hội diễn ra trong cả nước đã giúp cho các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này.

- Báo Nhân Dân đưa tin:

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Bổ sung một số nội dung quy định về chính sách hỗ trợ nghệ nhân 

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản. Vì vậy, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội thông qua chính sách cụ thể cho nghệ nhân, không chỉ dừng lại nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà tất cả các nghệ nhân khi được vinh danh, được công nhận đều được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành, gồm cả sinh hoạt phí hàng tháng. Ngoài ra, tùy theo nguồn lực của địa phương, Hội đồng nhân dân quyết định chính sách riêng để giúp nghệ nhân có điều kiện để truyền dạy tốt hơn.

- Báo Chính phủ, Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin:

Tổ chức Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024

Bộ VHTTDL đã giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024. Cuộc thi tập trung vào các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương miền núi, truyền thống cách mạng của các dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, danh nhân, anh hùng dân tộc; những thay đổi ở nông thôn miền núi trong xây dựng đời sống nông thôn mới, những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, gương người tốt việc tốt; phê phán những thói hư tật xấu, xóa bỏ tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội. Nội dung của tác phẩm phản ánh được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ca ngợi tình đoàn kết, những thành tựu, đổi mới trong đời sống các dân tộc thiểu số, miền núi, khuyến khích những sáng tạo trên chất liệu và âm hưởng dân ca của các dân tộc thiểu số. 

- Báo Đầu tư đưa tin:

Giao chủ đầu tư đánh giá ảnh hưởng của nhà ở riêng lẻ đến di tích là khó

Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đang trình Quốc hội có quy định: Khi xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích, chủ đầu tư (không thuộc trường hợp cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng) có trách nhiệm đánh giá khả năng ảnh hưởng đến di tích để thực hiện các thủ tục theo quy định của dự thảo luật. Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng quy định này khó khả thi. Người dân khó đánh giá khả năng ảnh hưởng của nhà ở riêng lẻ đối với di tích.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cấp 'sổ đỏ' cho di tích lịch sử văn hóa

Cho rằng vấn đề chủ thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho di tích còn thiếu đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề xuất cấp sổ đỏ cho di tích lịch sử văn hóa.

- Truyền hình Quốc hội đưa tin: 

Cần bổ sung thêm cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội trong việc bảo tổn và phát huy di sản 

Theo dõi phiên thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa tại nghị trường sáng 26/6, cử tri đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Tuy nhiên, cử tri cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung những quy định, đặc biệt về mặt cơ chế và chính sách, để lấp đầy những 'khoảng trống pháp lý', đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn cuộc sống.

- Báo Tiền phong đưa tin: 

Tranh Đông Dương hạ nhiệt: Thật giả lẫn lộn, người mua e dè

Hơn năm nay, thị trường tranh Đông Dương có nhiều biến động. Các chuyên gia dự báo khó có giá cao như trước. Tính xác thực của nhiều tác phẩm bị bỏ ngỏ, thật, giả lẫn lộn tạo nghi ngại là lý do khiến thị trường tranh ảm đạm.

- Báo Lao động đưa tin: 

Phía sau sân khấu là máu, mồ hôi và nước mắt

Múa ballet không đơn thuần là một môn nghệ thuật đẹp đẽ và tinh tế, mà còn đòi hỏi sự rèn luyện gian khổ, điều kiện tập luyện khắc nghiệt trong hàng chục năm. Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - cho biết, nhiều nghệ sĩ gắn bó với sân khấu cả tuổi trẻ lại chật vật tìm việc mưu sinh khi hết tuổi nghề. Có khi, cuộc sống của họ hẩm hiu, buồn tẻ hơn sau những năm cống hiến. Ngoài ra, mức lương hưu của các các diễn viên ballet cũng khá thấp. Thực tế, đời sống thiếu thốn vật chất của những người làm nghệ thuật cũng là nỗi lo, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của họ. Nhiều diễn viên lâu năm buộc phải làm nhiều nghề như kinh doanh, dạy thêm để lo cho bản thân và gia đình.

- Báo Đại biểu Nhân dân đưa tin: 

Quy định chặt chẽ song phải tạo không gian cho sáng tạo

Trao đổi bên lề phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chiều 26.6, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) quan tâm đến các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; cho rằng 'phải nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ' để vừa bảo tồn vừa phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa.

- Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin: 

Tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại các tỉnh, thành: Nhất cử lưỡng tiện

Nhìn lại, riêng trong năm 2023 có hàng hoạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật tỏa ra các tỉnh, thành. Cùng với đó, mỗi dịp này, các tỉnh, thành đăng cai sự kiện vừa tranh thủ quảng bá sản phẩm văn hóa du lịch để kích cầu thương mại dịch vụ vừa nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân của địa phương. Thực là "nhất cử lưỡng tiện" nên rất cần được đẩy mạnh, lan tỏa đồng bộ, thường xuyên.

- Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin: 

Phát huy di sản nhưng không gây bất lợi cho dân

Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích văn hóa là rất quan trọng và cần phải được quản lý một cách chặt chẽ. Chặt chẽ nhưng cũng không để bất lợi cho người dân và cơ quan quản lý các cấp đối với di tích… Đó chính là một trong những mong mỏi mà người dân trông đợi ở sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này.

- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày

"Biến bảo tàng thành nơi vừa học vừa chơi của trẻ nhỏ" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 26/6 trên VTV1. Nhiều năm trở lại đây, không ít bảo tàng đã có thay đổi đa dạng hóa về nội dung, cách tương tác để hấp dẫn trẻ em. Cùng với sự thay đổi tích cực của các bảo tàng, cộng đồng cũng ngày càng chủ động hơn. Nhiều phụ huynh, giáo viên đã cùng tổ chức các tour trải nghiệm, đóng góp ý tưởng để biến bảo tàng thành trường học một cách sinh động cuốn hút. Bảo tàng vừa để học vừa để chơi.

2. Lĩnh vực Thể thao

- VOV, Báo Tổ Quốc, Lao động, Tuổi trẻ... đưa tin:

Bắn cung mang về thêm 1 suất dự Olympic cho thể thao Việt Nam

Mới đây, Liên đoàn Bắn cung thế giới đã xác nhận suất dự Olympic Paris 2024 của cung thủ Việt Nam Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Cùng với 4 VĐV khác, Đỗ Thị Ánh Nguyệt là VĐV được Liên đoàn Bắn cung thế giới (World Archery) xác nhận suất tham dự Thế vận hội mùa hè tại Pháp ở nội dung cá nhân dựa trên số điểm tích lũy. 

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27/6/2024 - Ảnh 2.

Sau vòng 25 V-League 2023/24: Sức nóng cuộc đua tránh play-off 

Sau vòng 25 V-League 2023/24, trong khi Nam Định lên ngôi vô địch nhờ trận thắng đậm trước Khánh Hòa thì cuộc chạy trốn suất đá play-off ở nhóm cuối bảng vẫn đang diễn ra gay cấn. Ngoài Khánh Hòa đã sớm phải giành vé xuống chơi ở hạng Nhất mùa giải sau thì HAGL, SLNA và HLHT vẫn đang phải vật lộn để chạy trốn khỏi vị trí này. Vòng 26 V-League 2023/24 sẽ quyết định, HAGL, SLNA hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ phải đá play-off để tranh 0,5 suất ở lại với V-League mùa sau.

- TTXVN đưa tin:

Hà Nội đề nghị tạm dừng công nhận câu lạc bộ thể thao cơ sở đối với môn Poker 

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài, cơ quan chức năng đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng công nhận câu lạc bộ thể thao cơ sở đối với môn Poker. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Công an thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát, kiểm tra, lập danh sách 12 câu lạc bộ Poker trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tổ chức hoạt động tại các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm.

- Báo Văn hóa đưa tin:

Hiệu ứng cho bóng đá trẻ 

Hai đội tuyển U16 và U19 Việt Nam đã và đang trong quá trình chuẩn bị cho những mục tiêu quan trọng tại giải Đông Nam Á và vòng loại giải châu Á. Việc ĐTQG khởi đầu tự tin dưới thời tân HLV Kim Sang-sik có thể xem là hiệu ứng tích cực, tiếp thêm động lực cho 2 đội tuyển trẻ U16 và U19 trong việc thi đấu thành công, đạt được mục tiêu đề ra. 

Cải tạo, nâng cấp sân bóng đá Hòa Xuân

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 1300/QĐ-UBND về Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp sân bóng đá Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Theo đó sẽ cải tạo, đầu tư mặt sân cỏ của sân bóng đá và khuôn viên sân vườn phía trước khán đài A, sân bóng đá Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) để tổ chức thi đấu các giải thể thao trong nước và quốc tế, phục vụ công tác luyện tập các bộ môn thể thao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11,4 tỉ đồng, thực hiện năm 2024 - 2025.

- Báo Nhân Dân đưa tin:

Tháo gỡ khó khăn tài chính cho ngành thể thao 

Khi thể thao Việt Nam đứng trước nguy cơ không thể giành huy chương ở kỳ Olympic thứ hai liên tiếp sắp tới, những khó khăn của ngành đã được nhìn nhận, trong đó có yếu tố hết sức quan trọng là tài chính. Cục trưởng Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết: “Ngành thể thao đang mong chờ sự đột phá về cơ chế tài chính nhưng cũng không thể tự điều chỉnh mà phải có thay đổi về Luật thì các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ triển khai”. Với quá nhiều vướng mắc như vậy, để có thể “cởi trói” về tài chính cho thể thao Việt Nam có lẽ còn phải chờ rất lâu, trong khi công tác đào tạo và thi đấu trong điều kiện khó khăn như hiện tại thì rất khó để VĐV Việt Nam có thể nâng cao thành tích, vươn tầm ở các đấu trường quốc tế lớn.

- Báo Tin tức đưa tin:

Giải vô địch Quốc gia Billiards & Snooker 2024: TP Hồ Chí Minh đạt Nhất toàn đoàn 

Tối 26/6, tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu), lễ bế mạc, trao giải đã khép lại 8 ngày tranh tài sôi nổi của vòng chung kết Giải vô địch Quốc gia Billiards & Snooker 2024. Kết quả chung cuộc, TP Hồ Chí Minh xếp vị trí Nhất toàn đoàn với 4 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc và 6 huy chương Đồng; Hà Nội xếp vị trí Nhì toàn đoàn với 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng; Đà Nẵng xếp thứ Ba toàn đoàn với 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.

- Báo Lao động đưa tin:

Lịch thi đấu U16 Việt Nam vs U16 Myanmar tại giải U16 Đông Nam Á 2024 

Tuyển U16 Việt Nam sẽ có cuộc chạm trán với U16 Myanmar trong khuôn khổ lượt trận thứ 3 tại vòng bảng giải vô địch U16 Đông Nam Á 2024. Đây là thử thách mà đoàn quân của huấn luyện viên Trần Minh Chiến cần vượt qua, nếu muốn hoàn thành mục tiêu góp mặt ở chung kết giải đấu năm nay. Trận đấu giữa U16 Việt Nam và U16 Myanmar tại giải U16 Đông Nam Á sẽ diễn ra lúc 15h00 ngày 28.6.

- Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin: 

Lê Thành Tiến vô địch Carom 3 băng

Sau khi vô địch vòng 1 được gọi là vòng loại tại Quảng Ngãi vào tháng 3 vừa qua, đệ tử của cơ thủ số 1 thế giới Trần Quyết Chiến là Lê Thành Tiến tiếp tục hạ gục hàng loạt cao thủ để đăng quang vòng chung kết giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia 2024 nội dung Carom 3 băng vừa kết thúc chiều nay tại Vũng Tàu.

Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam chưa bầu được Chủ tịch nhiệm kỳ mới

Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam (VASA) đã tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ mới khóa 9 (2024-2029) nhưng chưa bầu được Chủ tịch. Đại hội đã bầu ra 21 ủy viên ban chấp hành của nhiệm kỳ mới. Kết thúc thời gian của Đại hội, VASA chưa tìm ra được Chủ tịch và sẽ có phương án nhân sự trong thời gian tới. Tại Đại hội lần thứ 9 này, ông Đinh Việt Hùng tiếp tục nhận phiếu bầu và trúng cử Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn. Tạm thời, Ban chấp hành giao nhiệm vụ cho ông Đinh Việt Hùng đảm đương công tác quản lý VASA của nhiệm kỳ 9 trước khi tìm được Chủ tịch.

600 VĐV dự giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc năm 2024

Giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc năm 2024 chính thức khai cuộc tại Thanh Hóa ngày 26.6. Đây là giải đấu chính thức quốc gia do Cục TDTT cùng đơn vị Thanh Hóa phối hợp tổ chức. Tại Giải có khoảng 600 VĐV của 21 đơn vị trong cả nước góp mặt tham gia các nội dung thi đấu trong hoạt động cứu đuối. Các VĐV sẽ tham gia thi trò chơi kỹ năng cứu đuối, rèn luyện kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. 

- Báo Tiền phong đưa tin: 

Nhiều golfer tài năng dự giải vô địch nghiệp dư quốc gia 2024

Ngày 26.6, các VĐV đã hội tụ đầy đủ tại sân golf Vinpearl Golf Nam Hội An, sẵn sàng cho giải vô địch nghiệp dư nam/nữ quốc gia mở rộng 2024. Giải vô địch nghiệp dư nam quốc gia mở rộng (VAO) sẽ diễn ra từ ngày 27 - 30/6, giải vô địch nghiệp dư nữ quốc gia mở rộng (VLAO) diễn ra từ ngày 27 - 29/6. Đây là giải đấu thường niên của Hiệp hội Golf Việt Nam đã qua 18 lần tổ chức, và năm nay là năm thứ 19 của giải. Giải quy tụ các VĐV nghiệp dư trên toàn quốc và các VĐV nghiệp dư tới từ một số quốc gia khác như Malaysia, Nhật Bản,... Với thông điệp "Swing to the future", giải đấu mong muốn khuyến khích thế hệ golfer trẻ không ngừng học tập, phát triển bản thân, dám đối mặt với thách thức để có thể tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp golf của mình trong tương lai.

- Báo Công an nhân dân đưa tin: 

Khi suất dự Olympic được dàn đều

Đến lúc này, hành trình tranh vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam đã khép lại. Các VĐV giành vé ở 11 tỉnh, thành, ngành đã cho thấy sự dàn đều thay vì có một số địa phương nắm vai trò đầu tàu như một số kỳ Olympic trước. Việc An Giang, Quảng Bình trong nhóm dẫn đầu trong các tỉnh, thành, ngành có VĐV giành vé chính thức dự Olympic Paris 2024 cũng được xem là bất ngờ. Nếu có chút hẫng hụt trong hành trình giành vé dự Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam có lẽ chính là việc một số đầu tàu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không vượt trội các tỉnh, thành, ngành khác về số VĐV giành vé chính thức. Ngoài Hà Nội, một số trung tâm thể thao hàng đầu khác của cả nước cũng cần có dấu ấn sâu đậm hơn ở các đấu trường lớn của thể thao Việt Nam, đặc biệt là trong việc giành vé chính thức cũng như tranh huy chương Olympic.

3. Lĩnh vực Du lịch

- Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Báo Tổ Quốc đưa tin:

Thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Pháp 

Triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá năm 2024, mở đầu chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường châu Âu, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại TP. Paris, thủ đô nước Pháp. Đoàn Việt Nam do Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu. Cục trưởng cho rằng chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp là cơ hội tốt để các doanh nghiệp du lịch hai bên cùng chia sẻ những thông tin cập nhật, hướng tới hợp tác kinh doanh, tăng cường trao đổi du lịch giữa Việt Nam và Pháp chuẩn bị cho một giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn.

Đề nghị bổ sung quy định về quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất, gắn phát triển du lịch bền vững

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 26/6, Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đa số các ý kiến đại biểu đều bày tỏ thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất, gắn phát triển du lịch bền vững. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc đồng bộ quy định giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa và dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản đối với trường hợp Công viên địa chất là sự kết hợp hài hoà, tích hợp giữa hai yếu tố di sản địa chất và di sản văn hoá.

- TTXVN đưa tin:

Festival Thu Hà Nội lần 2 năm 2024: Đến để cảm nhận vẻ đẹp mùa Thu lịch sử 

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024, sự kiện sẽ được tổ chức vào giữa tháng 9, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Festival Thu Hà Nội lần thứ hai năm 2024 với chủ đề "Thu Hà Nội - Mùa Thu lịch sử" được tổ chức vào giữa tháng 9 nhằm quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa lịch sử, du lịch, khai thác sự độc đáo, hấp dẫn, tôn vinh các danh thắng, điểm đến di tích, di sản của Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch hấp dẫn, chất lượng và an toàn.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27/6/2024 - Ảnh 3.

Hà Nội tung ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn trong mùa thấp điểm 

Hà Nội đang vào mùa thấp điểm du lịch, dù lượng du khách đến Thủ đô từ đầu năm đến nay đạt trên 14 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6%. Để đạt mục tiêu đón khoảng 26,5 triệu lượt khách trong năm 2024, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô đang tích cực quảng bá hình ảnh điểm đến, kích cầu du lịch nội địa Hà Nội.

- Báo Văn hóa đưa tin:

Quảng Nam: Thêm 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận du lịch xanh

Ngày 26.6, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định số 1539/QĐ-UBND công nhận kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam cho 5 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn. Cụ thể gồm: Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, VinWonders Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hội An, Almanity Hoi An Resort & Spa và Zen Boutique Villa.

- Báo Đại đoàn kết đưa tin:

Mùa du lịch hè: Thay đổi khi xu hướng du lịch đã đổi thay 

Hiện đang vào mùa cao điểm du lịch hè. Năm nay, xu hướng du lịch của du khách có một số thay đổi. Hiện, nhiều địa phương trong cả nước đã có những chương trình xúc tiến du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước.

- Báo Vietnamnet đưa tin:

Lợi ích từ xu hướng du lịch kết hợp MICE và Team building

Theo thống kê, quý I/2024, doanh thu và lượng khách du lịch MICE đến Việt Nam tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải cho sự phát triển này, nhiều công ty lữ hành đánh giá, MICE giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả làm việc thông qua các cuộc họp, hội thảo, tạo điều kiện trao đổi và học hỏi giữa các nhân sự. Bên cạnh đó, theo xu hướng mới, kết hợp tổ chức MICE và Team building còn giúp thúc đẩy sự sáng tạo thông qua môi trường mới mẻ và các hoạt động ngoài trời, kích thích sự đổi mới trong công việc.

- Báo VnExpress đưa tin: 

Khách Mỹ xếp Việt Nam vào 6 nước du lịch sang trọng, giá rẻ

Lee Abbamonte, 45 tuổi, cựu nhân viên ngân hàng ở phố Walls, Mỹ, đã đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới. Anh chọn Việt Nam là một trong 6 điểm đến du khách chỉ cần chi ít tiền nhưng nhận được trải nghiệm sang trọng. Theo Lee, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á với "đồ ăn rẻ, hương vị tuyệt vời". Ngoài ra, du khách cũng ấn tượng với những kỳ quan ở Việt Nam, điển hình là vịnh Hạ Long - một trong những điểm đẹp nhất thế giới.

- Báo Tuổi trẻ đưa tin: 

Du khách Mỹ chi tiêu cao khi đến Việt Nam

Du lịch nội địa chiếm thêm khoảng­­ 4% GDP Việt Nam nhưng đã phục hồi hoàn toàn vào năm ngoái. Du lịch quốc tế chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam trước dịch COVID-19, so với 12% ở Thái Lan. Do đó ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi trong năm 2024 có thể đóng góp thêm 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của cả nước trong năm nay. Đi sâu vào mức độ hồi phục từng thị trường, chuyên gia lưu ý sự phục hồi lượng khách du lịch Trung Quốc và Mỹ. Tại Việt Nam, lượng du khách Mỹ đã cao hơn nhiều so với mức trước COVID-19 và chi tiêu của nhóm du khách này đã đóng góp vào tỉ lệ lấp đầy phòng tăng cao tại các khách sạn cao cấp.

- Báo Kinh tế và Đô thị đưa tin: 

Du lịch Hà Nội đón hơn 14 triệu lượt khách trong 6 tháng năm 2024

Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khách quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt. Tổng doanh thu ước đạt 55,385 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực, thể hiện sức hút của du lịch Hà Nội.

4. Lĩnh vực Gia đình

- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin:

Hơn 1.500 ý kiến của thiếu nhi gửi tới Diễn đàn trẻ em Thành phố Hà Nội 

Ngày 26/6, Thành đoàn - Hội đồng Đội Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2024 với chủ đề “Lời nói hay - Việc làm tốt - Ứng xử văn minh” và “Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em” tại Trường Lê Duẩn. Tại diễn đàn, thiếu nhi đã nêu lên những câu hỏi, ý kiến về phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn trong điều kiện khắc nhiệt; cách thuyết phục bố mẹ đồng tình, ủng hộ đam mê; những giải pháp có thể hạn chế, khắc phục tai nạn đuối nước khi hè về; giáo dục giới tính cho thiếu nhi; giao tiếp, ứng xử văn minh; tiết kiệm điện… Lắng nghe, tiếp thu, chia sẻ các ý kiến của thiếu nhi, các đại biểu, chuyên gia đã giải đáp băn khoăn, thắc mắc của các em. Sau khi được giải đáp, tư vấn và chia sẻ, thiếu nhi Thủ đô ý thức được việc cần trang bị cho mình những hiểu biết về pháp luật, mạnh dạn, tự tin hơn trong việc bảo vệ bản thân, có kiến thức và có kỹ năng ứng xử với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trong nhà trường; kiến thức, kỹ năng xây dựng nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử góp phần xây dựng hình mẫu “Thiếu nhi Thủ đô thanh lịch, văn minh”.

- Báo Phụ nữ Việt Nam đưa tin:

Lào Cai: Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 

Ngày 26.6, tỉnh Lào Cai đã phát động phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, đồng thời tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của gia đình trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai”. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình và hướng tới kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Tại chương trình phát động, bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và nhân dân trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hình thức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa và công tác gia đình, chăm sóc người cao tuổi; gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.

- Báo Tổ Quốc đưa tin:

Quảng Bình: Trao giải hội thi "Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc" 

Ngày 26.6, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội thi "Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc" năm 2024. Hội thi nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong thực hiện công tác gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; khẳng định và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình. Đây cũng là nỗ lực góp phần thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong thời đại mới./.

Ban Biên tập

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×