Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/7/2025
24/07/2025 | 11:08Hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý và phát triển báo chí; Tay vợt Nguyễn Thùy Linh lập cột mốc mới cho Cầu lông Việt Nam; Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế truyền cảm hứng là những tin nổi bật trên báo hôm nay.
1. Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Văn Hóa, Chính phủ, Nhân Dân đưa tin:
Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025 để xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung xây dựng pháp luật, trong đó có 7 dự án luật và đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026, trong đó có Dự án Luật Báo chí (thay thế). Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tại Phiên họp, Chính phủ đã xem xét, thảo luận Dự án Luật Báo chí (thay thế). Theo đó, các ý kiến đã thống nhất, Dự án Luật Báo chí (thay thế) sẽ hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý và phát triển báo chí, đáp ứng yêu cầu tình hình và bối cảnh mới, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số và truyền thông hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025.
Sáng 23/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương tiếp Tiến sĩ Johannes Joseph Maria Bos - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc tế, Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO và Tiến sĩ Fackson Banda - Trưởng Bộ phận Di sản tư liệu, Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, gần 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO phát triển tốt đẹp, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững. Thứ trưởng đề nghị UNESCO tiếp tục đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu tại Việt Nam đồng thời hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn xây dựng chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
- Báo Văn Hóa, Tiền Phong, Nhân Dân, Tạp chí Người Hà Nội, Đại biểu nhân dân, Thể thao & Văn hóa và nhiều báo khác đưa tin: Ngày 23/7, tại Hà Nội, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã tổ chức công bố dự án phim điện ảnh Mưa đỏ - Đây là dịp để đoàn làm phim và các diễn viên chia sẻ hành trình thực hiện dự án, những kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình ghi hình tại Quảng Trị. Phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, NSƯT Đặng Thái Huyền làm đạo diễn, Kiều Thanh Thu làm Giám đốc sản xuất, Nguyễn Trí Viễn làm Tổng điều hành sản xuất. Lấy cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - một trong những trận đánh khốc liệt nhất thế kỷ 20, "Mưa đỏ" tái hiện một thời kỳ máu lửa mà ở đó, hàng vạn thanh niên ưu tú đã "xếp bút nghiên" lên đường chiến đấu, hy sinh vì độc lập - tự do của Tổ quốc. Bộ phim là khúc tráng ca bằng hình ảnh, là nén tâm hương tri ân gửi đến những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, là âm hưởng của tình yêu, niềm tin và khát vọng thống nhất trong tâm hồn người Việt Nam. Bộ phim Mưa đỏ dự kiến khởi chiếu vào ngày 22/8/2025.
- Báo Thể thao & Văn hóa, Văn nghệ, TTXVN, Đại biểu nhân dân, Tuổi trẻ Thủ đô, Sức khỏe đời sống và nhiều báo khác đưa tin: Nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh 2/9, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hai chương trình nghệ thuật đặc biệt để chào mừng 2 sự kiện trọng đại này: Chương trình "Hà Nội - Từ mùa thu lịch sử năm 1945" diễn ra tối 15/8 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và "Hà Nội - Sáng mãi khát vọng Việt Nam" diễn ra tối 31/8 tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia.
- Báo Đại biểu nhân dân (23/7) có bài 'Giữ hồn dân tộc trong dòng chảy hiện đại'. Trong xu thế hội nhập, khi công nghệ và kỹ thuật có thể san phẳng mọi rào cản, thì nét độc đáo đến từ văn hóa dân tộc chính là điểm khác biệt, là "tấm hộ chiếu" quyền lực để sản phẩm thiết kế của Việt Nam vươn ra toàn cầu. Mỹ thuật ứng dụng phát triển ngày càng mạnh mẽ, bắt nhịp với sự chuyển mình của xã hội. Xu hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại này đã được chứng minh qua nhiều sản phẩm và dự án thành công, cho thấy sức sống của văn hóa Việt trong nền kinh tế sáng tạo.
- Báo Văn Hóa đưa tin: Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025) với chủ đề "Bản hùng ca bất diệt" sẽ chính thức diễn ra vào tối ngày 26/7 tại Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, phường Quảng Phú, thành phố Đà Nẵng. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam (trước đây), nay là UBND thành phố Đà Nẵng, giao cho Nhà hát Lớn Hà Nội thực hiện, tổ chức. Chương trình nghệ thuật kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cảm xúc, ý nghĩa, ghi nhận và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, tri ân sự hy sinh to lớn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
2. Lĩnh vực Thể thao
- Cục Thể dục thể thao Việt Nam, báo Văn Hóa đưa tin: Chiều 23/7 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao (TDTT) Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt đã chủ trì cuộc họp quan trọng nhằm rà soát toàn diện công tác chuẩn bị cho SEA Games 33 và Đại hội Thể thao trẻ châu Á. Tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á 2025, diễn ra từ ngày 19-31/10, sẽ là sân chơi lớn, quan trọng đầu tiên trong năm. Đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến cử hơn 100 thành viên, trong đó có gần 90 vận động viên (VĐV), tham gia thi đấu ở 12/24 môn và nội dung như: Điền kinh, MMA, Golf, Taekwondo, Jujitsu, Xe đạp, Boxing, Cầu lông, Cử tạ, Vật, Muay... Nguồn kinh phí cho đoàn sẽ kết hợp từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, hướng tới mục tiêu vừa nâng cao thành tích, vừa phát hiện tài năng trẻ. Trong khi đó, SEA Games 33 - sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á - sẽ diễn ra từ ngày 09-31/12. Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tham dự với lực lượng hùng hậu hơn 1.000 người, tranh tài tại 30 môn/phân môn. Mục tiêu đặt ra là giành từ 80 đến 100 huy chương vàng (HCV), khẳng định vị thế thể thao Việt Nam trong khu vực.
- VFF, báo Văn Hóa, VOV, Vnexpress, VietnamNet và nhiều báo khác đưa tin: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, tối 23/7, đội tuyển U23 Việt Nam có buổi tập tại sân phụ tổ hợp Gelora Bung Karno, Jakarta (Indonesia) để chuẩn bị cho trận bán kết Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025 gặp U23 Philippines. Tại vòng bảng, U23 Việt Nam dẫn đầu bảng B với 2 trận toàn thắng, được 6 điểm và sẽ gặp U23 Philippines - đội vào bán kết với tư cách nhì bảng có thành tích tốt nhất. Theo kế hoạch, chiều 24/7, U23 Việt Nam sẽ tiếp tục tập luyện để hoàn tất khâu chuẩn bị cho trận bán kết với U23 Philippines diễn ra vào lúc 16h00 ngày 25/7 trên SVĐ Gelora Bung Karno.

Đội tuyển U20 nữ Việt Nam tăng tốc chuẩn bị cho vòng loại U20 nữ châu Á 2026. (Ảnh: VFF)
Sau chuyến tập huấn 10 ngày tại Nhật Bản, đội tuyển U20 nữ Việt Nam đã trở lại Hà Nội và nhanh chóng bước vào giai đoạn chuẩn bị tiếp theo cho vòng loại Giải vô địch U20 nữ châu Á 2026. Về mục tiêu sắp tới, HLV Okiyama Masahiko khẳng định toàn đội quyết tâm sẽ vượt qua từng trận đấu tại vòng loại để giành vé dự vòng chung kết U20 nữ châu Á 2026. Theo kế hoạch, từ ngày 24/7, các buổi tập của U20 nữ Việt Nam chuyển sang khung giờ muộn hơn (từ 18h00) để làm quen với thời gian thi đấu tại vòng loại U20 nữ châu Á 2026. U20 nữ Việt Nam dự kiến có một số trận giao hữu với các câu lạc bộ trong nước, điều này giúp HLV trưởng xác định đội hình tốt nhất cho vòng loại U20 nữ châu Á 2026.U20 nữ Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại U20 nữ châu Á 2026 trên sân nhà từ ngày 2 đến 10/8. Theo kết quả bốc thăm, đội nằm ở bảng B với các đối thủ Kyrgyzstan, Hồng Kông (Trung Quốc) và U20 Singapore.
- Báo Nhân Dân, Tin Tức và Dân tộc, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Dân Trí, Tuổi trẻ thủ đô và nhiều báo khác đưa tin:
Ngày 23/7, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Vĩnh Long, Cục TDTT Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức khai mạc Giải vô địch Bắn cung quốc gia năm 2025. Tham dự giải có hơn 240 vận động viên tiêu biểu, xuất sắc của 12 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Huế, Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Các vận động viên thi đấu, tranh 36 bộ huy chương theo thể thức cung 1 dây và cung 3 dây ở những nội dung gồm: Toàn năng (50m x 2 và 70m x 2); cự ly (30m, 50m, 60m, 70m, 90m); đôi nam, đôi nữ, đồng đội nam - nữ phối hợp và đấu loại cá nhân.
Theo bảng xếp hạng đơn nữ của Liên đoàn cầu lông thế giới công bố ngày 22/7, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đã vươn lên vị trí thứ 18, thứ hạng cao nhất mà một nữ vận động viên cầu lông Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Cột mốc lịch sử này là thành quả của chuỗi thi đấu ấn tượng trong suốt hơn 2 tháng qua. Thùy Linh đã miệt mài chinh chiến ở nhiều giải đấu quốc tế để tích lũy điểm số. Mỗi trận đấu là một bước tiến cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh thi đấu.
3. Lĩnh vực Du lịch
- Báo Nhân Dân (23/7) có bài 'Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế truyền cảm hứng'. Với đà tăng trưởng ấn tượng, du lịch được đánh giá là một trong 10 điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế-xã hội đất nước nửa đầu năm nay. Để tiếp tục vươn lên khẳng định vai trò là động lực kinh tế, du lịch Việt Nam cần tận dụng thời cơ, phát huy lợi thế, xây dựng chiến lược quảng bá có chiều sâu gắn với hệ thống sản phẩm đa dạng, giàu trải nghiệm.
- 'Du lịch đường thủy "bật chế độ" kiểm soát cao' là nhan đề bài viết trên báo Đại đoàn kết (23/7), bài báo nhấn mạnh: Những ngày này, công tác kiểm soát an toàn cho khách du lịch tiếp tục được các địa phương có hoạt động du lịch đường thủy khẩn trương siết chặt. Các cảng vụ, bến tàu du lịch được yêu cầu tăng cường cảnh báo thời tiết, tạm dừng hoạt động khi điều kiện không bảo đảm; rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển khách, trang thiết bị cứu hộ và năng lực của người điều khiển phương tiện…
- Tin tức du lịch địa phương trên báo Kinh tế đô thị, Văn Hóa, VOV ngày 23, 24/7:
Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện…) được đánh giá là sản phẩm tạo nguồn thu lớn. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này thực sự phát huy tiềm năng hút khách cao cấp đòi hỏi Hà Nội cần có chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xây dựng, đổi mới nâng cấp tour.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của 19 dân tộc, Điện Biên đang trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc. Tỉnh Điện Biên đã đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, đặt mục tiêu sớm đưa du lịch cộng đồng thành một sản phẩm chủ đạo trong giai đoạn tới.
Chiều 23/7, tàu biển Star Voyager đưa hơn 1.200 du khách đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Theo chương trình, du khách sẽ tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch tại Bãi Cháy, Hồng Gai, Hạ Long và thưởng thức ẩm thực trên các tàu chạy ven bờ vịnh Hạ Long. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã đón gần 40 chuyến tàu biển quốc tế với gần 50.000 du khách, tăng 25% so với cùng kỳ.
UBND TP.HCM vừa ban hành công văn khẩn chỉ đạo Sở Du lịch tăng cường quản lý nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đón khách du lịch quốc tế. Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Sở Du lịch được yêu cầu tăng cường quản lý các điểm đến du lịch, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình nhằm kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình đón tiếp du khách quốc tế.
4. Lĩnh vực Gia đình
- Báo Văn Hóa (23/7) đưa tin: Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 2514/QĐ- BVHTTDL về việc phê duyệt và tổ chức thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc. Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc là tập hợp các tiêu chí nhằm đo lường và đánh giá về mức độ hài lòng của các thành viên gia đình đối với các yếu tố nền tảng như: Sự gắn kết trong quan hệ gia đình, điều kiện vật chất, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, môi trường sống và vị thế của gia đình với dòng họ, cộng đồng, xã hội. Bộ chỉ số sẽ được thực hiện thí điểm tại TP.HCM và TP. Hải Phòng. Triển khai thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của thành viên gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc; đánh giá mức độ hài lòng của gia đình đối với các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đồng thời đề xuất giải pháp, chính sách xây dựng gia đình hạnh phúc; Đánh giá tính khả thi, đề xuất giải pháp hoàn thiện và triển khai áp dụng chính thức Bộ chỉ số trên phạm vi cả nước.