Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/7/2024
24/07/2024 | 11:29Lịch thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024; Hội thảo khoa học "50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"; Hà Nội và các địa phương xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch liên vùng là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-Báo Tiền Phong ngày 24/7 đưa tin:
Khoảnh khắc ấm áp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và văn nghệ sĩ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa và các văn nghệ sĩ. Mỗi khi có dịp trò chuyện, gặp gỡ, Tổng Bí thư đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, công việc và có những nhắn nhủ giản dị, thân thiết nhưng đầy sâu sắc với văn nghệ sĩ. Tổng Bí thư nhấn mạnh tài năng và nhiệt huyết của văn nghệ sĩ đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. "Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu. Tổng Bí thư căn dặn văn nghệ sĩ đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình.
Những bức tranh, điêu khắc ánh sáng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Với triết lý sống cao đẹp, liêm chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều tác giả. Những tác phẩm nghệ thuật như tranh, điêu khắc độc đáo, bài hát trữ tình được giới thiệu đến công chúng. Họa sĩ Đoàn Nguyên đã công bố bức tranh mới nhất. Bức tranh khắc họa hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ dưới quốc kỳ và lá cờ Đảng. Anh đã thức ba đêm để hoàn thiện bức tranh này. Tác giả Huỳnh Minh Hưng (Cần Thơ, 25 tuổi) đã thực hiện bức điêu khắc chân dung Tổng Bí thư bằng ánh sáng. Tác phẩm là sự tôn vinh, ghi nhớ những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư.
-Báo Hà Nội mới ngày 24/7 đưa tin:
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô
Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm... Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Đảng bộ Hà Nội đã cụ thể hóa và luôn thống nhất quan điểm, xác định Hà Nội có thể không phải địa phương dẫn đầu về kinh tế nhưng phải là địa phương đi đầu, dẫn đầu về văn hóa, là nơi hội tụ và tỏa sáng, đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và phải luôn xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.
Mỹ thuật đương đại Việt Nam: Trang bị kiến thức, kỹ năng để ra khơi
Những năm gần đây, nhiều sự kiện mỹ thuật quốc tế và khu vực được tổ chức tại Việt Nam, thu hút hàng nghìn nghệ sĩ đương đại đến nước ta thực hành, giao lưu nghệ thuật. Đây là cơ hội cho các nghệ sĩ tạo hình trong nước tương tác, học hỏi và nhìn nhận về vị thế của mình, từ đó bước ra thế giới. Bên cạnh những cầu nối như vậy, bản thân nghệ sĩ cũng cần trang bị đầy đủ, toàn diện về kiến thức, kỹ năng và sự sáng tạo để ra khơi, khẳng định mình và ghi dấu ấn cho mỹ thuật Việt Nam đương đại.
-Báo Văn Hóa ngày 24/7 đưa tin:
Xét giải thưởng Chiêu Anh Các tỉnh Kiên Giang lần thứ nhất
Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đã tổ chức triển khai họp xét giải thưởng Chiêu Anh Các lần thứ I - năm 2025. Đây là giải thưởng được được xét tặng định kỳ 5 năm một lần và đây là lần đầu tiên tổ chức xét tặng. Thời gian nhận tác phẩm dự xét giải thưởng Chiêu Anh Các lần thứ I - năm 2025 từ tháng 7.2024 đến hết tháng 9.2024. Giải thưởng Chiêu Anh Các được xét tặng một lần cho tác giả, nhóm tác giả ở một thể loại: Âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.
Khánh Hòa: Phê duyệt Đề cương xây dựng Bảo tàng Alexandre Yersin
Tỉnh Khánh Hòa sẽ sử dụng 5.787m2 đất giáp ranh với Công viên Yersin trên đường Trần Phú, TP Nha Trang (hiện nay là khu vực Nhà khách 378- Bộ Công an) để xây dựng Bảo tàng Alexandre Yersin. Bảo tàng sẽ là trung tâm lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học; sưu tâm, trưng bày và giới thiệu những di sản văn hóa của Alexander Yersin. Bảo tàng này được thiết kế hiện đại với việc sử dụng công nghệ cao và trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế khi vận hành, bảo trì.
Xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh về bảo vật quốc gia Việt Nam
Bộ VHTTDL và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam - Thousand Years of Viet Nam National Civilization". Cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam - Thousand Years of Viet Nam National Civilization" sẽ đưa bạn đọc tìm hiểu theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia, bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuốn sách giới thiệu các bảo vật một cách súc tích, ngắn gọn nhất, nhưng cũng đủ để bạn đọc có cái nhìn cơ bản, khái quát về nguồn gốc, thời đại, đặc điểm cùng những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của bảo vật. Kèm theo những thông tin cô đọng đó là hình ảnh của từng bảo vật.
-TTXVN ngày 23/7 đưa tin:
Việt Nam giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Xiếc Thế giới 'IDOL'
Ngày 23/7, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, tiết mục "Đu nón 4 nữ" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Xiếc Thế giới "IDOL" lần thứ 8 - năm 2024. Đây là lần đầu tiên, xiếc Việt Nam giành huy chương tại Liên hoan Xiếc Thế giới của Liên bang Nga. Liên hoan Xiếc Thế giới "IDOL" do Liên bang Nga tổ chức tại rạp xiếc Great Moscow State Circus, rạp xiếc lớn nhất của Thủ đô Moskva, quy tụ nhiều đoàn xiếc nổi tiếng trên thế giới cũng như các tài năng xiếc biểu diễn.
Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế
Ngày 23/7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp UBND huyện Yên Thế tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế". Lễ hội Yên Thế được đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012, loại hình Lễ hội truyền thống. Lễ hội Yên Thế ban đầu là Lễ hội Phồn Xương có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ ngày hội cầu mùa của nhân dân trong vùng được tổ chức vào mùa thu hàng năm tại đình, đền Phồn Xương, xã Phồn Xương (nay thuộc thị trấn Phồn Xương), huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Việt Nam chung tay thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Kỳ họp thứ 46 Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ từ ngày 21-31/7. Hơn 2.000 đại biểu từ hơn 150 quốc gia tham dự sự kiện do Ấn Độ đăng cai lần đầu tiên. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam cam kết đóng góp cho Quỹ Di sản thế giới, đề xuất UNESCO và các nước thành viên tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 23/7 đưa tin:
50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Ngày 23/7, tại Hoàng thành Thăng Long, Hội đồng Lý luận TW phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn". Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2025).
Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài: Thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu
Ngày 23/7, tại Trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã có buổi làm việc với Cục Hợp tác quốc tế, Cục Văn hóa cơ sở, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cùng với các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị triển khai tổ chức Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ I. Chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần kết nối doanh nhân, doanh nghiệp của người Việt Nam ở châu Âu và Pháp với nhau, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và châu Âu.
Hợp tác quảng bá hiệu quả văn hóa, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam- Nhật Bản
Chiều 23/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã có buổi tiếp và làm việc với Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn làm việc với Bộ VHTTDL đồng thời khẳng định, Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, đặt biệt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, hai nước đã có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong nhiều năm qua, góp phần giúp nhân dân hai quốc gia tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Thứ trưởng mong muốn qua buổi làm việc, hai bên sẽ có những gợi mở để tiếp tục thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa.
Phục dựng màu di ảnh chân dung và hành trình đề xuất tôn vinh "10 cô gái Lam Hạ"
Hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024); nhóm họa sĩ trẻ của "Trái tim Người lính Việt Nam" phối hợp với CLB "Mãi mãi tuổi 20" vừa phục dựng màu cho di ảnh chân dung của "10 cô gái Lam Hạ" và một số Liệt sĩ của CLB "Mãi mãi tuổi 20" để giới thiệu và trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Sự kiện diễn ra sáng 23/7, tại Hà Nội.
-Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" báo điện tử VTV ngày 23/7 đưa tin:
Tín hiệu tích cực trong bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số
Việt Nam có 63 dân tộc khác nhau, việc bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các dân tộc đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất. Từ nhiều năm nay, việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn được Nhà nước chú trọng. Bên cạnh đó, không ít bà con ở chính các dân tộc thiểu số cũng dày công bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền trên cả nước.
2.Lĩnh vực Thể thao
-TTXVN, báo điện tử Tổ Quốc và nhiều báo khác ngày 23,24/7 đưa tin: "Olympic Paris 2024: Lịch thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam" cho biết: Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8 tại Pháp. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên, tranh tài ở 11 môn thể thao. Theo lịch thi đấu Olympic Paris 2024 của Đoàn Thể thao Việt Nam, môn thi đấu đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày 25/7/2024, môn thi muộn nhất là vào ngày 8/8/2024. Theo lịch thi đấu được công bố, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Bắn cung) sẽ là VĐV mở màn cho chiến dịch Olympic Paris 2024 của Thể thao Việt Nam trên đất Pháp ở nội dung cá nhân cung 1 dây lúc 9 giờ 30 (tức 14 giờ 30 giờ Việt Nam) ngày 25/7. Ngay sau Ánh Nguyệt, cung thủ Lê Quốc Phong cũng sẽ bước vào thi đấu vòng loại.
-Báo điện tử VOV ngày 24/7 đưa tin:
Đội bóng Việt Nam nhận thưởng lớn từ FIFA, lập kỷ lục châu Á
FIFA thông báo CLB nữ Hà Nội nhận hơn 125.000 USD (khoảng hơn 3 tỷ đồng) nhờ việc có 8 cầu thủ trong đội hình ĐT nữ Việt Nam dự World Cup nữ 2023. 8 cầu thủ của CLB nữ Hà Nội dự World Cup nữ 2023 gồm thủ môn Đào Thị Kiều Oanh, hậu vệ Hoàng Thị Loan, tiền vệ Trần Thị Hải Linh, Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Thanh Nhã, Ngân Thị Vạn Sự, tiền đạo Phạm Hải Yến và Vũ Thị Hoa. FIFA chi trả 11,3 triệu USD cho 1.041 CLB có cầu thủ tham dự World Cup nữ 2023. Số tiền cho mỗi đội được tính dựa theo số lượng cầu thủ tham dự và thời gian thi đấu tại World Cup nữ 2023.
Olympic Paris 2024 chính thức khởi tranh
Olympic Paris 2024 chính thức khởi tranh hôm nay 24/7 với những môn thi đấu đầu tiên. Olympic Paris 2024 - Thế vận hội lần thứ 33 sẽ có tất cả 329 nội dung thi đấu của 32 môn thể thao. Đại hội lần này chính thức khai mạc vào ngày 26/7 nhưng trước đó sẽ có những môn thi đấu được khai mạc trong các ngày 24 và 25/7. Trong ngày hôm nay 24/7, có 2 môn được tổ chức là bóng dá nam và rugby nam. Ở môn rugby, sẽ có tổng cộng 6 trận đấu diễn ra trải đều ở các khung giờ từ 21h30 đến 0h rạng sáng 25/7. Trong khi đó tại môn bóng đá nam, 8 trận ở lượt đầu tiên sẽ đồng loạt diễn ra theo nhiều khung giờ từ 20h (24/7) đến 2h rạng sáng 25/7. Vào khung 20h có 2 trận đấu Uzbekistan - Tây Ban Nha, Argentina - Morocco.
Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá hôm nay 24/7: U19 Việt Nam đá trận cuối
Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá hôm nay 24/7, giải U19 Đông Nam Á sẽ diễn ra những trận đấu cuối cùng ở bảng B. Trước lượt trận đấu này, cục diện bảng B đã ngã ngũ khi Australia là đội chắc suất đi tiếp trong khi 3 đội còn lại là Lào, Myanmar và Việt Nam chắc chắn bị loại. Do đó, 2 trận đấu cuối cùng của bảng này diễn ra lúc 15h ngày hôm nay (24/7) sẽ chỉ mang ý nghĩa thủ tục. Đó là các trận đấu U19 Việt Nam gặp U19 Lào và U19 Myanmar đấu U19 Australia. Dù vậy, thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh chắc chắn sẽ nỗ lực chiến thắng để có được niềm vui trong ngày rời giải U19 Đông Nam Á 2024.
-Báo Tuổi Trẻ ngày 24/7 đưa tin:
Huy Hoàng mơ lần dậy sóng cuối cùng ở Olympic Paris
Ở Olympic, điền kinh và bơi lội luôn là hai môn thể thao thu hút nhiều sự chú ý nhất. Trên đất Pháp mùa hè này, Huy Hoàng là VĐV Việt Nam duy nhất thuộc hai môn thể thao này giành suất chính thức dự Olympic. Dù biết Olympic là đấu trường quá sức, sự hiện diện của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, với vé chính thức tại Paris 2024, vẫn mang đến niềm tự hào cho làng bơi Việt Nam. Anh cho biết: "Với bất kỳ VĐV nào, đến Olympic là một giấc mơ. Đây là mục tiêu lớn nhất tôi hướng đến trong 1 năm qua. Có thể khi đến Olympic, tôi không kỳ vọng quá nhiều, nhưng tôi sẽ thi đấu hết mình".
Hoàng Thị Tình và cái duyên với judo
SEA Games 31 tại Việt Nam, Hoàng Thị Tình để lại dấu ấn khi nở nụ cười tươi kèm ngón tay "say hi" trong khi đang thực hiện đòn kẹp chân khóa đối thủ ở sàn đấu judo. "Suất dự Olympic tôi chỉ dám mơ nhưng nay đã thành hiện thực. Cảm xúc rất khó tả vì xuyên suốt chặng đường thi đấu tích điểm, chỉ một sơ sẩy thôi sẽ hỏng hết. Tấm vé này thực sự là bước ngoặt cho sự nghiệp của tôi", Tình nói. Nói về cô học trò, HLV Nguyễn Duy Khanh thán phục ý chí sắt đá ẩn sau gương mặt hay cười. Tình đã kiên trì thi đấu suốt từ đầu năm 2024, trải qua nhiều chông gai ở 8 giải đấu quốc tế, tích lũy đủ điểm để giành vé chính thức đến Paris.
Thành tích các nước Đông Nam Á ở các kỳ Olympic gần đây
Ở 5 kỳ Olympic gần đây nhất, thành tích của các nước Đông Nam Á có nhiều sự tiến bộ rõ rệt. Dẫn đầu hiện là Thái Lan. Tại 5 kỳ Olympic gần đây (2004 - 2020), Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á có thành tích tốt nhất. Họ nắm ngôi số 1 khu vực tới 4 lần liên tiếp và chỉ mới bị soán ngôi tại Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021). Tổng số huy chương của đoàn thể thao Thái Lan tại 5 kỳ Olympic gần nhất là 28 huy chương, trong đó có 8 huy chương vàng. Thành tích tốt nhất của họ là ở Olympic Athens 2004 tại Hy Lạp với 4 huy chương vàng.
Việt Nam vẫn chưa mua được bản quyền phát sóng Olympic Paris 2024
Chỉ còn 3 ngày nữa, Olympic 2024 sẽ khai mạc nhưng đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào sở hữu được bản quyền phát sóng đại hội. Theo ban tổ chức Olympic, có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có bản quyền phát sóng Olympic Paris 2024. Tại Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines cũng đã sở hữu bản quyền phát sóng Olympic 2024. Đại diện một đài truyền hình tại Việt Nam cho biết một trong những khó khăn để sở hữu bản quyền Olympic là chi phí. Tại Olympic 2020, giá bản quyền gấp 10 lần so với Olympic 2016 (dù đã được đối tác giảm giá, thông tin từ VTV). Tại Olympic 2024, theo phỏng đoán của đài truyền hình này, giá bản quyền chỉ có thể cao hơn chứ không giảm xuống. Điều này là lực cản khiến các đài truyền hình tại Việt Nam không thể tiếp cận với bản quyền phát sóng Olympic Paris 2024.
-TTXVN ngày 23/7 đưa tin:
Đoàn thể thao Việt Nam lên đường tham dự Olympic Paris 2024
23h40 đêm 23/7, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 và các cán bộ đoàn thể thao Việt Nam, đáp chuyến bay mang mã số VN019 cất cánh từ sân bay Nội Bài, Hạ Nội; hạ cánh xuống sân bay Charles de gaulle, Paris, Pháp vào 7h ngày 24/7. Trước đó, đã có hơn 10 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam lên đường sang Paris để chuẩn bị cho Olympic 2024 như cua rơ Nguyễn Thị Thật, VĐV cầu lông Nguyễn Thuỳ Linh…
Olympic 2024: Các VĐV Việt Nam sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao
Tính đến hết ngày 22/7 (theo giờ Việt Nam), đã có 23 thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam có mặt tại làng VĐV Olympic 2024, trong đó có 11 VĐV. Cuarơ Nguyễn Thị Thật và HLV Huỳnh Văn Chánh của đội tuyển Xe đạp là những người mới nhất nhập làng VĐV Olympic 2024 trong sáng 22/7 (theo giờ địa phương). Trước đó, các đội tuyển bắn cung, judo, rowing, quyền Anh, bắn súng và cầu lông đã tới nơi an toàn. Theo thông tin từ cán bộ đoàn Thể thao Việt Nam đang có mặt tại Paris (Pháp), ngay sau khi hoàn tất thủ tục nhập làng VĐV, toàn bộ các tuyển thủ đã lập tức triển khai kế hoạch chuẩn bị chuyên môn do ban huấn luyện xây dựng từ trước. Việc đăng ký lịch tập diễn ra thuận lợi với sự hỗ trợ tích cực của ban tổ chức.
Thông tin bên lề Olympic Paris 2024
Olympic Paris 2024 diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp từ ngày 26/7-11/8/2024. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, nước chủ nhà Pháp đã cho xây dựng một sân bay nổi trên sông Seine và một đại siêu thị trên đại lộ Champs-Élysées… để chào đón du khách yêu thể thao trên khắp thế giới.
-Báo Người Lao động ngày 24/7 đưa tin:
Cầu thủ Việt khó xuất ngoại chơi bóng
Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Quang Hải là 2 ngôi sao của bóng đá Việt được người hâm mộ kỳ vọng sẽ gặt hái thành công khi ra nước ngoài chơi bóng. Nhưng bộ đôi tuyển thủ Việt Nam vừa có quyết định gắn bó lâu dài ở giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Quang Hải gây thất vọng khi đến Pháp thi đấu cho Pau FC ở Ligue 2 từ năm 2022. Tại Pháp, tiền vệ sinh năm 1997 chỉ có 19 trận được ra sân, gần như đều xuất phát từ băng ghế dự bị. Anh phải trở về quê nhà để tìm lại cảm giác thi đấu sau gần 1 năm xuất ngoại.
V-League 2024-2025: Nhiều đội bóng chưa rục rịch tuyển người
V-League 2024-2025 cho phép mở rộng số lượng cầu thủ Việt kiều được đăng ký trong danh sách thi đấu lên 2 người ở mỗi đội bóng. Mùa giải cũ kết thúc cũng là lúc nhiều đội bóng thanh lọc lực lượng, rầm rộ tuyển quân để chuẩn bị bước vào V-League 2024-2025. Tuy nhiên, không ít CLB gặp khó trong việc tìm "lính mới" để thi đấu bởi eo hẹp kinh phí hoạt động, chưa tìm được nhà tài trợ đủ mạnh.
Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic Paris
Ngoại trừ sự vắng mặt bất khả kháng của kình ngư Trịnh Thị Bích Như vì lý do cá nhân, toàn bộ 7 VĐV đã giành vé chính thức tham dự Paralympic Paris 2024 đều đang tích cực tập luyện, hoàn thiện kỹ chiến thuật chờ ngày lên đường tranh tài. Thông tin chính thức từ Ủy ban Paralympic quốc gia cho biết Ủy ban Paralympic thế giới (IPC) đã gửi văn bản xác nhận 5 vận động viên thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam gồm Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Châu Hoàng Tuyết Loan, Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh) đạt chuẩn chính thức tham dự Paralympic Paris 2024.
3.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Văn Hóa ngày 24/7 đưa tin:
Lâm Đồng: Đề xuất mở luồng thủy nội địa phục vụ khách tham quan tại hồ Tuyền Lâm
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách, mới đây, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương thực hiện khảo sát luồng thủy nội địa địa phương trên hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt. Theo tờ trình, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều hồ đập chứa nước phục vụ cho nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi và làm cảnh quan..., trong đó có một số hồ, đập có các phương tiện giao thông thủy nội địa hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách như: Hồ Tuyền Lâm (Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm) và Hồ Đa Thiện (Khu du lịch Thung lũng tình yêu) có các phương tiện thủy nôi địa (ca nô, du thuyền) hoạt động chở khách du lịch tham quan, ngắm cảnh trên hồ. Tuy nhiên, do các hồ này chưa được khảo sát luồng lạch và công bố luồng đường thủy nội địa, bến khách... nên hoạt động của các phương tiện thủy nội địa chưa đảm bảo theo quy định và công tác quản lý nhà nước đối vối lĩnh vực này gặp khó khăn, vướng mắc.
Hội chợ ITE 2024 đón đầu "làn sóng" phát triển du lịch bền vững
Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM (ITE HCMC) lần thứ 18 năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 5-7.9 với chủ đề "Du lịch bền vững, kiến tạo tương lai" (Sustainable travel, Creating future). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội chợ ITE HCMC 2024 là mở rộng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, hội chợ sẽ là điểm hẹn để các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là các nước hạ nguồn sông Mê Kông tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cung cấp các sản phẩm đa dạng cho khách hàng. Hội chợ cũng là nơi để các đơn vị tiếp cận những sản phẩm, mô hình kinh doanh mới, đón đầu "làn sóng" phát triển du lịch bền vững.
Quảng bá điểm đến Việt Nam hấp dẫn, đa trải nghiệm tại Hàn Quốc
Tham gia Triển lãm Du lịch Quốc tế Hàn Quốc (KITS) từ 19-22.7, gian hàng Du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) chủ trì xây dựng đã đem đến cho du khách quốc tế và người dân Hàn Quốc hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, đa trải nghiệm. Triển lãm Du lịch Quốc tế Hàn Quốc (KITS) là triển lãm du lịch chuyên nghiệp được tổ chức với mục tiêu du lịch toàn cầu nhằm xúc tiến, quảng bá, hợp tác du lịch giữa các thành phố trong nước và nước ngoài. Diễn ra tại Trung tâm triển lãm Kintex, với chủ đề "Hợp tác giữa các thành phố trong nước và nước ngoài, cùng với các nhà sáng tạo du lịch (YouTube, người có ảnh hưởng, người nổi tiếng)".
-Báo Vietnamplus ngày 23/7 đưa tin:
Bình Thuận: Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đạt mục tiêu đón 9,5 triệu khách
6 tháng cuối năm, ngành du lịch Bình Thuận tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng tiện ích, dịch vụ để đạt mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch khoảng 25.500 tỷ đồng. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh Bình Thuận sáng 23/7, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trình thẩm định và phê duyệt theo quy định; triển khai các nội dung của đề án Phát triển kinh tế ban đêm, đề án Đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Du lịch chọn "lối ngách" để tiếp cận thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng
Du lịch Việt Nam 2024 đã trải qua hơn 1/2 chặng đường với nhiều hoạt động xúc tiến được đánh giá sôi động và có trọng tâm, trọng điểm, nhằm vực lại hình ảnh để du lịch Việt "không bị lãng quên" như trăn trở của lãnh đạo ngành thời gian qua. Trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh, với những thị trường quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng, ngành du lịch cần tập trung xúc tiến quảng bá theo "lối ngách."
Gia Lai: 6,7 tỷ đồng xây dựng phòng trưng bày không gian văn hóa cồng chiêng
Ngày 12/1/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Dự kiến dự án phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng được triển khai thực hiện trong năm 2025, khi đưa vào sử dụng ngoài mục tiêu tôn vinh di sản sẽ tạo sức hút cho du lịch tỉnh Gia Lai.
-Báo điện tử VOV ngày 24/7 đưa tin:
Xúc tiến điểm đến du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ
Ngày 23/7, tại thành phố Cần Thơ, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng giữa Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội khẳng định Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng và phong phú. ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi…
Ra mắt tour đi bộ miễn phí tại TP.HCM
Sản phẩm tour đi bộ miễn phí tham quan TP.HCM (HCMC Free Walking Tour) được tổ chức từ 9h30 đến 13h hàng ngày, dành cho tất cả các du khách Việt Nam và nước ngoài có mong muốn được khám phá TP.HCM theo một hình thức mới mẻ. Với tour du lịch độc đáo này, hướng dẫn viên đón khách tại điểm khởi hành trên đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM và bắt đầu hành trình du ngoạn qua những điểm tham quan nổi tiếng như: Phố đi bộ Nguyễn Huệ; trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM; nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM; Bưu điện TP.HCM; di tích lịch sử Dinh Thống Nhất và kết thúc bằng bữa trưa tự do với nhiều món ăn đặc sản ngon miệng tại chợ Bến Thành.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ngày 23/7 đưa tin:
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch tại tỉnh Bình Dương
Triển khai thực hiện Kế hoạch 1908/KH-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, ngày 22/7, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy dẫn đầu đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động lữ hành và lưu trú tại tỉnh Bình Dương. Làm việc với các khách sạn, nhấn mạnh khách lưu trú ở Bình Dương chủ yếu là chuyên gia người nước ngoài, nên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các đơn vị cần chú trọng việc quản lý, khai báo tạm trú tạm vắng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực liên quan. Theo kế hoạch, ngày 23/7, đoàn tiếp tục làm việc với các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việt Nam - Úc tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Chiều 22/7, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã có buổi tiếp và làm việc với bà Vicky Dunford, Phó Giám đốc phụ trách Phát triển Kinh doanh và Dự án, Cơ sở đào tạo nghề Tây Úc (WA TVET) về các hoạt động, dự án hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Trong tháng 5-6/2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Đầu tư và Thương mại Úc (Austrade) và Cơ sở giáo dục và đào tạo nghề Tây Úc (WA TVET) tổ chức Khóa học chứng chỉ vi mô trực tuyến về Du lịch bền vững. Khóa học nằm trong dự án hỗ trợ kỹ thuật "Đẩy mạnh hợp tác du lịch Việt Nam-Úc" do Austrade triển khai năm 2023-2024. Khóa học gồm 06 bài học nhằm nâng cao hiểu biết của học viên về các nguyên tắc, ứng dụng của du lịch bền vững, chính sách quản trị và quảng bá du lịch bền vững, biện pháp thúc đẩy sự hợp tác của các bên liên quan, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Hà Nội mới ngày 23/7 đưa tin:
Đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công
Sáng 23-7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị. 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; trao hơn 110.000 sổ tiết kiệm tặng gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. 2.412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.