Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 22/7/2024

22/07/2024 | 11:28

Tạm dừng các trận đấu trong hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam; Tạm dừng, hoãn tổ chức các chương trình nghệ thuật, hoạt động vui chơi, giải trí từ ngày 20/7 đến hết 26/7 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Các Báo: Văn hóa, Tổ quốc, Tạp chí VHNT, Cục DLQGVN, Cục TDTT, Tin tức, Tuổi trẻ, Tiền phong, Đảng CSVN, Quân đôi nhân dân,… ngày 20, 21/7 đưa tin:

THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT:

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương. Sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi. Gần 60 năm công tác, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Thông báo Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tang lễ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được quản tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25 tháng 7 năm 2024 và từ 7 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ 00 phút cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà văn hóa lớn, hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam (Bài viết của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng)

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành văn hóa (28.8.1945- 28.8.2023), toàn ngành VHTTDL đã đón nhận một luồng sinh khí mới, động lực cho sự phát triển toàn diện, với nhiều điểm nhấn và bước ngoặt để dần hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt của Đảng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Có thể nói, chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay. Chưa bao giờ văn hóa có được nhiều thành tựu như hiện nay. Toàn ngành đã nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những quan điểm chỉ đạo sâu sắc của Tổng bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam (Bài viết của bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật)

Phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người dân cả nước. Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian, tâm huyết có lẽ vì Tổng Bí thư sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kinh Bắc - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nên từ khi còn nhỏ, đồng chí đã có sự yêu thích đặc biệt với ca dao, dân ca và truyền thống văn hóa của dân tộc.

Phim tài liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chân dung nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, mẫu mực

Bộ phim tài liệu "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực" nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta. Tác phẩm mang đến những thước phim quý về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của nhà lãnh đạo mẫu mực. Nhận nhiệm vụ làm phim về Tổng Bí thư, ê-kíp của Điện ảnh Quân đội nhân dân khẳng định niềm vinh dự lớn lao, song cũng là áp lực không nhỏ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hóa và văn học, nghệ thuật

"Không văn hoa, sáo rỗng, không hàn lâm kinh điển, không học hàm, học vị, không chức vụ, quyền uy. Rất mộc mạc, giản đơn nhưng đầy sự kính trọng, nghĩa tình. Đó là trí tuệ và nhân cách, là phong cách và phẩm giá của Cụ…", đó là một trong những tình cảm của đông đảo bạn đọc Văn Hóa gửi về Tòa soạn bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Văn Hóa xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gần xa: "Những chỉ đạo của Tổng Bí thư mang tính định hướng cho sự phát triển văn hóa của đất nước trong giai đoạn mới", "Cuốn sách của Tổng Bí thư là di sản, kim chỉ nam, động lực…", "Bác Trọng đã sống vì nước, vì dân đến tận hơi thở cuối cùng", "Đó là trí tuệ, nhân cách, là phong cách và phẩm giá của Cụ"…

Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thể hiện những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và tầm nhìn vượt thời đại

Với 80 năm tuổi đời và 57 năm tuổi Đảng, dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, dồn nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của đất nước.

Báo chí quốc tế ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong bài viết có tựa đề "Cuộc đời, sự nghiệp và di sản lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" đăng trên hãng tin Sputnik (Nga) có đoạn: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà chính trị xuất sắc của Việt Nam, người chiến sĩ Cộng sản trung kiên, tận tâm cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp vì nước vì dân, được yêu mến cả trong và ngoài nước. Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, 14 năm lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm làm Chủ tịch nước và có 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, với công cuộc chống tham nhũng của Đảng".

Về Lại Đà nghe kể tấm gương đức độ của Tổng Bí thư

Người dân thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) đau xót trước thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhưng rất đỗi tự hào vì một tấm gương đạo đức sáng ngời, trọn đời vì nước, vì dân. Hình ảnh một người lãnh đạo sống cuộc đời giản dị, chân thành và hết mực chính trực, liêm khiết vẫn vẹn nguyên trong ký ức bà con, chòm xóm nơi đây.

Hoãn nhiều chương trình nghệ thuật

Một số sự kiện văn hóa, nghệ thuật dự kiến diễn ra từ ngày 19/7 trên cả nước đồng loạt thông báo hoãn tổ chức. Nhiều tài khoản YouTube về giải trí ra thông báo tạm dừng đăng tải video mới trên kênh.

- Báo Văn hóa ngày 20/7 đưa tin:

Ngọn lửa nhiệt huyết từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Với tình yêu dành lớn dành cho nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Những chỉ đạo quan trọng, mang tính định hướng của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã tiếp tục thắp lên "ngọn đuốc soi đường", như sứ mệnh lớn lao của văn hóa mà năm xưa Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

Họa sĩ đến từ 9 quốc gia tham gia Trại sáng tác quốc tế mỹ thuật năm 2024

Chiều 20.7, tại TP.HCM diễn ra Lễ bế mạc Trại sáng tác quốc tế mỹ thuật 2024 với chủ đề "HARMONY" (Hòa sắc). Diễn ra từ ngày 15-20.7, sự kiện thu hút 55 họa sĩ đến từ 9 quốc gia. Trại sáng tác diễn ra từ ngày 15-20.7, các nghệ sĩ đã tạo ra được 91 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có 58 tác phẩm bằng chất liệu acrylic và 33 tác phẩm từ printmaking (in ấn). Không chỉ dừng lại ở hoạt động sáng tác tranh, các nghệ sĩ và chuyên gia còn chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức học thuật với nhau, tạo nên một mạng lưới giao lưu học thuật quốc tế giữa các trường đại học chuyên ngành nghệ thuật.

- Báo điện tử Tổ quốc ngày 20/7 đưa tin:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kỳ vọng phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt yêu mến đối với ngành văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc lĩnh vực văn hóa; Hội nghị toàn quốc về văn hóa của Đảng sau hơn 70 năm là dấu mốc gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Báo Tiền phong ngày 21/7 đưa tin:

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư) có 60 năm gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo quan tâm đặc biệt đến văn hóa, với trí tuệ, sự say mê, thấu hiểu, tâm huyết với văn hóa, Tổng Bí thư đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tư tưởng, chỉ đạo về văn hóa.

Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chia sẻ nhiều nhất: 'Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất'

Câu nói về danh dự nhiều lần được Tổng Bí thư nhấn mạnh đầy tâm huyết, được rất nhiều người chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội, thể hiện niềm kính trọng và ngưỡng mộ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

- Báo điện tử Tổ quốc ngày 22/7 đưa tin:

Cần thiết phải có quy định cụ thể về phát huy giá trị di sản

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây là dự Luật nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như mọi người dân. Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, nội dung dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ các định hướng chính sách trong sửa đổi luật này.

- Báo Tuổi trẻ ngày 22/7 đưa tin:

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình'

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, gửi đến Tuổi Trẻ những kỷ niệm của ông về sự quan tâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà.

- Báo Lao động ngày 22/7 đưa tin:

Đốt vàng mã đã được hạn chế tại các đền chùa ở Hà Nội

Đốt vàng mã các dịp Lễ, Tết, mồng một, ngày rằm... từ lâu vốn được xem như tập tục truyền thống trong tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tập tục này đang dần thay đổi tại các đền, chùa, miếu tại Hà Nội. Thay vì những mâm lễ đầy ắp vàng mã và khói hương nghi ngút, ngày càng nhiều người dân lựa chọn các hình thức cúng bái văn minh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn.

- Báo Văn hóa ngày 22/7 đưa tin:

Hoãn chương trình kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ

Bộ LĐ,TB&XH vừa thông báo hoãn hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024), chương trình sẽ tổ chức vào thời gian phù hợp. Trước đó, Bộ LĐ,TB&XH ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm trọng tâm gồm: Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 và ra mắt "Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin", thời gian từ ngày 21-23.7 tại Hà Nội.

Hành trình đi tìm dấu chân các nhà báo liệt sĩ

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025), cuối tuần qua tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL phối hợp cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức chương trình Giao lưu, Tọa đàm, tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề Màu ký ức. Những chia sẻ về hành trình đi tìm dấu chân hàng trăm nhà báo liệt sĩ, những khúc tri ân lắng đọng… đã mang đến cho người nghe nhiều xúc cảm sâu sắc.

Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành là di tích quốc gia đặc biệt

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 694/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 15) đối với 3 di tích. Cụ thể, 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm: Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình); Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu); Di tích lịch sử Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định (thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang).

- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày đưa tin:

"Hướng đi mới cho hát Xẩm giữa đời sống âm nhạc đương đại" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 19/7 trên VTV1. Với những hướng đi mới, hát Xẩm đang tồn tại bền vững bình đẳng với

2.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 22/7 đưa tin: "Tạm dừng các trận đấu trong hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam" cho biết: Các giải đấu bóng đá thuộc hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ tạm dừng kể từ ngày 20-7. Ngày 20-7, Thường trực VFF có văn bản gửi ban tổ chức các giải bóng đá do VFF tổ chức, với nội dung như sau: "Thường trực Ban Chấp hành VFF chỉ đạo tạm dừng tất cả các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia kể từ ngày hôm nay 20-7 cho đến khi hết tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (theo thông báo của Nhà nước) mới tiếp tục thi đấu trở lại.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 22/7/2024 - Ảnh 1.

Ảnh: Báo Hà Nội mới

-TTXVN ngày 21/7 đưa tin: 

VFF thông báo tạm dừng tổ chức các giải bóng đá kể từ ngày 20/7

Ngày 20/7, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa có thông báo về việc tạm dừng tổ chức các giải đấu trong hệ thống các giải vô địch Quốc gia kể từ ngày 20/7/2024 cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, các giải đấu tạm dừng bao gồm: Bóng đá nữ vô địch Quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc 2024; vòng loại giải bóng đá vô địch U21 Quốc gia 2024; vòng chung kết giải bóng đá vô địch U17 Quốc gia - Cúp Thái Sơn Nam 2024; Giải bóng đá nữ vô địch U16 Quốc gia 2024 đã có thông báo tạm dừng tổ chức các giải bóng đá kể từ ngày 20/7/2024 cho đến khi có thông báo mới.

Những gương mặt cầm cờ của thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024

Theo kế hoạch ban đầu, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và tay vợt Lê Đức Phát sẽ là những vận động viên (VĐV) cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024. Tuy nhiên, do Ánh Nguyệt có lịch thi đấu sát với lễ khai mạc, nên đoàn thể thao Việt Nam đã chọn tay đua Nguyễn Thị Thật là người cầm cờ tại Lễ diễu hành tại khai mạc Olympic Paris 2024 vào ngày 26/7 tới. Như vậy, cua rơ quê An Giang Nguyễn Thị Thật sẽ cùng tay vợt cầu lông Lê Đức Phát cầm cờ Việt Nam ở lễ khai mạc Olympic Paris 2024.

-Báo Người Lao động ngày 22/7 đưa tin:

Sân golf Tân Sơn Nhất: Đẳng cấp hàng đầu, thử thách golfer

144 golf thủ sẽ tề tựu tại Giải Golf "Tôi yêu Việt Nam" lần 2-2024 - sự kiện thể thao kết hợp hoạt động cộng đồng do Báo Người Lao Động tổ chức với sự phối hợp của Ngân hàng TMCP Nam Á và Trường Sơn Land, diễn ra vào ngày 10-8 tại sân golf Tân Sơn Nhất (TP HCM). Chỉ cách chợ Bến Thành hơn 10 km về hướng Tây Bắc, sân golf Tân Sơn Nhất - sân golf 36 lỗ duy nhất tại nội thành TP HCM - đang nỗ lực từng ngày để trở thành địa điểm tranh tài quy mô và chất lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, điểm đến lý tưởng dành cho các tín đồ golf yêu thích sự trải nghiệm đẳng cấp.

Những niềm hy vọng huy chương của Việt Nam tại Olympic

Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên của 11 môn. Bước ra đấu trường lớn, mục tiêu tranh chấp huy chương thực sự gian nan nhưng không phải vì thế mà các tuyển thủ không mang khát vọng chiến thắng, nhất là ở các môn thế mạnh như bắn súng, quyền Anh, cử tạ… Hai cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong sẽ là những người tiên phong tranh tài ở vòng loại nội dung cung 1 dây trong ngày 25-7. Sau khi ngọn lửa Thế vận hội được thắp sáng, khởi đầu cho ngày tranh tài chính thức tại thủ đô nước Pháp và khu vực phụ cận, 2 VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát sẽ chính thức ra quân trong ngày 27-7, với mục tiêu phấn đấu vượt qua vòng bảng.

Bóng đá trẻ Việt Nam và bài học từ Euro

Đội tuyển Tây Ban Nha thắng tuyệt đối ở Euro 2024 với lực lượng gồm những tuyển thủ được đào tạo và trưởng thành từ các học viện bóng đá trong nước và đó là bài học cho nhiều nền bóng đá, trong đó có Việt Nam. Có một thực tế rất rõ, BĐVN không thể so sánh với các nền bóng đá hàng đầu châu Á huống chi là các quốc gia châu Âu. Họ có giải vô địch trẻ quốc gia với mật độ thi đấu dày, không như ở Việt Nam số lượng trận đấu cho các cầu thủ trẻ rất ít; các CLB nuôi đội 1 còn trăm bề khó khăn, có đội còn nợ lương, thậm chí phải giải tán khi không còn kinh phí hoạt động thì lấy đâu nguồn lực nuôi đội trẻ. Về cơ sở vật chất, mặt sân thi đấu nhiều nơi không đạt chất lượng; BĐVN có được bao nhiêu ông bầu có tâm làm bóng đá, nghiêm túc từ bóng đá trẻ cho đến đội lớn. Nguy hiểm hơn nữa là V-League chưa phát triển tương xứng với nguồn lực, tiềm lực của đất nước, con người Việt Nam. Làm thế nào các đội ở V-League bắt buộc phải có hệ thống đào tạo trẻ, đào tạo có chất lượng và nên sử dụng cầu thủ trẻ ra sao để họ được trui rèn thường xuyên từ cấp CLB chứ không phải ở các giải trẻ cấp đội tuyển…? Nhiều câu hỏi, cho đến nay, chưa có lời giải.

-Báo Hà Nội mới ngày 22/7 đưa tin:

Cung thủ Ánh Nguyệt, Quốc Phong có buổi tập đầu tiên tại Olympic Paris 2024

Chiều 21-7, sau khi đến Pháp và nhập làng vận động viên Olympic 2024, hai tuyển thủ của đội tuyển bắn cung Việt Nam là Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã có buổi tập đầu tiên tại đây. Theo lịch thi đấu, bắn cung là môn thi đấu sớm nhất trong 11 môn thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024. Theo đó, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt sẽ lĩnh ấn tiên phong cho đoàn với phần thi vòng loại cung 1 dây đơn nữ vào 14h30 ngày 25-7 (giờ Hà Nội). Cung thủ Lê Quốc Phong thi đấu vòng loại cung 1 dây đơn nam vào 19h30 cùng ngày.

Bóng chuyền nữ Việt Nam: Đầu tư dài hạn để vươn tầm châu lục

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vừa tạo kỳ tích khi giành Huy chương đồng Cúp bóng chuyền thế giới - FIVB Challenger Cup 2024. Thành công này cho thấy tiềm năng của bóng chuyền nữ Việt Nam, đồng thời mang đến sự tự tin nhất định cho các nhà quản lý trong việc đưa ra quyết định đầu tư mạnh hơn nữa để vươn tới đẳng cấp châu lục.

Hà Nội FC và CLB Công an Hà Nội được sử dụng sân Hàng Đẫy làm sân nhà

Ngày 19-7, danh tính đội bóng phải rời sân Hàng Đẫy từ mùa giải 2024-2025 đã được xác định. Đó là Câu lạc bộ (CLB) Thể Công Viettel, còn CLB Hà Nội (Hà Nội FC) và CLB Công an Hà Nội tiếp tục được sử dụng sân vận động Hàng Đẫy làm sân nhà. Theo văn bản của UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội FC đạt được nhiều thành tích ở các giải đấu quốc nội và quốc tế trong thời gian gắn bó với sân vận động Hàng Đẫy, trong khi CLB Công an Hà Nội cũng đã vô địch V-League 2023 và là đại diện của Việt Nam tham dự Giải Đông Nam Á.

- Các Báo: Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh,... ngày 21/7 đưa tin:

U.19 Việt Nam mất quyền tự quyết, cơ hội vào bán kết cực thấp

Ở lượt trận thứ 2 tại bảng B vòng chung kết U19 Đông Nam Á 2024, không có bất ngờ nào xảy ra khi U19 Australia giành trọn 3 điểm trước U19 Việt Nam với chiến thắng đậm 6-2. Ở trận đấu muộn hơn, U19 Lào và U19 Myanmar chia điểm sau trận hòa 1-1. Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ khi Lào dù được đánh giá thấp hơn nhưng lại có thể cầm chân đối thủ. Với kết quả này, U19 Australia tiếp tục dẫn đầu bảng B với 6 điểm cùng hiệu số +10. Trong khi đó, U19 Myanmar tạm vươn lên nhì bảng với 2 điểm sau 2 trận hòa. U19 Việt Nam đã rơi xuống vị trí thứ 3 với vỏn vẹn 1 điểm.

- Báo Người Lao động, Sài Gòn giải phóng ngày 21/7 đưa tin:

 "Chuyên nghiệp" như bóng đá Việt Nam!

Giải chuyên nghiệp quốc gia chưa đạt chất lượng chuyên môn cao, bóng đá Việt Nam tụt hạng ở châu Á cũng vì không đạt thành tích tốt ở đấu trường khu vực. Vì vậy, Việt Nam không còn suất dự AFC Champions League Elite (Cup C1 châu Á) mùa 2024-2025. Thay vào đó, hai đội bóng vô địch V-League và Cúp Quốc gia mùa 2023-2024, lần lượt là Nam Định và Thanh Hóa giành quyền thi đấu AFC Champions League Two mùa 2024-2025 (Cúp C2 châu Á). Tuy nhiên, vì lí do lịch thi đấu dày đặc, đội bóng xứ Thanh đã gửi đơn lên LĐBĐ châu Á (AFC) để xin rút lui khỏi giải đấu danh giá thứ nhì châu Á. LĐBĐ Việt Nam (VFF) cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp khi đề xuất AFC cho một đội bóng của Việt Nam thay thế CLB Thanh Hóa tham dự Cup C2 châu Á 2024-2025. Tất nhiên, AFC khước từ đề nghị này và khẳng định CLB Thanh Hóa sẽ bị phạt nặng vì rút lui khỏi giải đấu.

- Báo Sài Gòn giải phóng  ngày 21/7 đưa tin:

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn xếp hạng 32 thế giới

Ngày 22-7, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ bước vào thi đấu giải nữ quốc tế Future Stars 2024 tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ngay trước khi chúng ta vào tranh tài, Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) đã có công bố bảng xếp hạng mới nhất các đội tuyển bóng chuyền nữ trên thế giới. Đây là xếp hạng mới nhất đối với các đội tuyển bóng chuyền trước khi Olympic Paris (Pháp) 2024 khởi tranh. Ở bảng xếp hạng mới nhất, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giữ nguyên hạng 32 thế giới.

- Báo Thanh niên ngày 22/7 đưa tin:

 Lần lượt U.16 và U.19 Việt Nam thua đậm: Bài học đắng ngắt cho bóng đá trẻ!

Câu hỏi đặt ra lúc này là: nếu U.19 Việt Nam thất bại ở giải Đông Nam Á, điều đó có đáng lo? Về mặt kết quả thì chưa. Ở ngưỡng đôi mươi, các cầu thủ cần được va chạm với sai lầm để tiến bộ, tích lũy thêm vốn quý cho sự nghiệp. Nhưng về mặt đường dài, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang đối mặt thực tế khó khăn. Trong danh sách 23 cầu thủ dự giải Đông Nam Á của HLV Hứa Hiền Vinh, có 10 cầu thủ thuộc biên chế các đội đá V-League, nhưng số người được trao cơ hội ở đội một rất ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là thực tế lâu nay của bóng đá trẻ Việt Nam, số trận mỗi năm ở các giải trẻ (tính cả vòng loại và vòng chung kết) chỉ rơi vào khoảng 10 đến 15 trận. Trong khi đó, cựu HLV Philippe Troussier của đội tuyển Việt Nam cho rằng để phát triển, cầu thủ cần tối thiểu 40 trận mỗi năm. U.19 Việt Nam, hay trước đó là U.16 Việt Nam, chỉ có thể chờ các giải châu lục để cọ xát cho "biết đá biết vàng". Khi ấy, thành tích có tốt hay không còn tùy thuộc vào may rủi ở từng lứa, khó mà ổn định được.

- Báo Tuổi trẻ ngày 22/7 đưa tin:

Báo động thành tích U19 Việt Nam ở Đông Nam Á

Trong 5 năm trở lại đây, U19 Việt Nam liên tiếp bị loại từ vòng bảng đến 4 lần ở giải Đông Nam Á. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về chuyên môn cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Theo thống kê từ năm 2017, U19 Việt Nam sớm bị loại từ vòng bảng trong các năm 2017, 2018 và 2019 trên sân nhà. Giải đấu năm 2020 và 2021 không được tổ chức do COVID-19. Năm 2022, U19 Việt Nam do HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt giành hạng 3. Họ đánh bại U19 Thái Lan trên loạt sút luân lưu để mang về tấm huy chương đồng cho Việt Nam.

- Báo Vietnamnet ngày 22/7 đưa tin:

Bóng đá Việt Nam: Thay đổi để tiến

Bóng đá Việt Nam sau thành công dưới thời ông Park Hang Seo từng đặt mục tiêu cao ở giai đoạn kế tiếp nhưng kết quả mọi thứ lại trở lại như ban đầu. Liên quan tới chuyện "ra biển lớn" đáng buồn là việc cầu thủ Việt Nam đến lúc này không mặn mà xuất ngoại, dù xét về năng lực hoàn toàn có thể đáp ứng ở một số giải đấu chất lượng hơn V-League. Nhưng rốt cuộc, phần lớn đều chọn ở lại trong nước hòng an toàn nhất cho sự nghiệp của mình cùng những khoản lót tay hậu hĩnh, thay vì muốn phát triển hơn. Dù không muốn, nhưng rốt cuộc vẫn phải so sánh bóng đá Việt Nam với Thái Lan và cho thấy chúng ta tiếp tục đi sau nền bóng đá xứ chùa Vàng. Vậy nên, muốn trở lại với giai đoạn đỉnh cao như thời ông Park và tiến tới mục tiêu top 8 châu Á, có vé dự World Cup… hay nhắm đến thành công bền vững, có lẽ bóng đá Việt Nam phải thay đổi tư duy mạnh mẽ hơn, thay vì vẫn "ăn quẩn cối xay" như lúc này.

- Báo Văn hóa ngày 22/7 đưa tin:

Võ Việt ngày càng lan tỏa

Không chỉ là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam tại SEA Games và các giải quốc tế mà Vovinam - Việt Võ Đạo còn đang cho thấy sự lan tỏa rộng khắp trong đời sống, đặc biệt là môi trường học đường. TP.HCM, "cái nôi" của Vovinam - Việt Võ Đạo đang là địa phương đi đầu cả nước trong việc tích cực đẩy mạnh phong trào tập luyện trong học đường. Cuối tuần qua tại trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp), Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp cùng Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo TP.HCM tổ chức Lớp tập huấn võ tự vệ và võ nhạc Vovinam cho giáo viên giáo dục thể chất các trường phổ thông năm 2024.

3.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Hà Nội mới ngày 22/7 đưa tin:

Tạo sức bật mới cho du lịch Việt Nam: Chiến lược mới của Ai Cập

Với mục tiêu đạt 30 triệu khách du lịch vào năm 2028, Ai Cập đã triển khai một chiến lược mới nhằm tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện chất lượng điểm đến, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng các loại hình du lịch. Theo thống kê của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, nước này đã thu hút được lượng khách du lịch kỷ lục, gần 7,1 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2024. Với chiến lược mang tính tổng thể, ngành du lịch dự kiến sẽ đóng góp 1.283,26 tỷ USD vào nền kinh tế, tương đương 8,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024, nâng tổng số việc làm lên 2,67 triệu.

Dấu ấn mới ở Di tích nhà tù Hỏa Lò

Được biết đến là đơn vị đi đầu về phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội với chuỗi show diễn "Đêm thiêng liêng", thời gian qua, Di tích nhà tù Hỏa Lò tiếp tục đổi mới hoạt động trưng bày bằng việc lồng ghép hoạt cảnh với nội dung chủ đề chính. Cách làm này cho thấy sự sáng tạo của đội ngũ thực hiện nội dung chương trình, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho hoạt động trưng bày chuyên đề tại di tích.

Game hóa di sản: Xu hướng mới thu hút du khách

Thông tin, giá trị của di sản sẽ được du khách tìm hiểu qua quá trình trải nghiệm trò chơi. Đây là xu hướng mới đang được áp dụng tại nhiều di tích, điểm đến văn hóa. Nhờ hiệu quả ứng dụng công nghệ, game hóa di sản đang trở thành hướng đi tiềm năng trong phát triển du lịch, bước đầu mang lại hiệu quả trong việc thu hút du khách.

-Báo điện tử VOV ngày 21/7  đưa tin:

Trải nghiệm ẩm thực miền Tây Nam Bộ ngay tại Hà Nội

Sự đa dạng, tinh tế trong ẩm thực Việt Nam nói chung và các món ăn miền Tây Nam Bộ nói riêng không chỉ làm hài lòng thực khách mà còn là cầu nối đưa những giá trị truyền thống, văn hóa của người Việt Nam đến gần hơn với du khách quốc tế. Tiếp tục hưởng ứng chương trình kích cầu, thu hút du khách trong mùa hè, mùa thu năm 2024 và dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024), một số đơn vị tại Hà Nội đang nỗ lực đa dạng trải nghiệm về văn hóa và ẩm thực dành cho người dân và du khách.

Yên Bái tạo cơ chế giúp du lịch vùng cao khởi sắc

Các chính sách của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Yên Bái đã góp phần hỗ trợ các tập thể, cá nhân, các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động và dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh Yên Bái về một số chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, hoạt động du lịch ở địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt, không chỉ tăng tốc và bứt phá về số lượng mà chất lượng cũng không ngừng được nâng lên, trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hội chợ ITE HCMC 2024 lấy chủ đề "Du lịch bền vững, kiến tạo tương lai"

Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024) sẽ diễn ra từ ngày 5 - 7/9/2024, hứa hẹn sẽ giúp các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch tiếp cận những sản phẩm, mô hình kinh doanh mới, để đón đầu 'làn sóng' du lịch bền vững. Dự kiến với sự tham gia của hơn 500 đơn vị triển lãm và thương hiệu uy tín đến từ trong nước và quốc tế, Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC 2024 hứa hẹn là tiền đề cho sự hợp tác toàn diện, sâu rộng ở nhiều cấp độ khác nhau giữa các cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương, hiệp hội du lịch, tổ chức nghiên cứu du lịch, công ty, đại lý du lịch, cơ sở lưu trú, các hãng hàng không và các đơn vị vận chuyển…

-TTXVN ngày 21/7 đưa tin:

Đảm bảo an toàn cho du khách mùa mưa bão

Tỉnh Ninh Bình chỉ đạo tập trung triển khai việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân tham gia làm dịch vụ du lịch trong mùa mưa bão. Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Ninh Bình dẫn tới nguy cơ xảy ra hiện tượng sạt lở đất, đá ở một số khu vực đồi, núi và qua kiểm tra, mực nước tại các sông, ngòi, ao, hồ… dâng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo, tập trung triển khai việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân tham gia làm dịch vụ du lịch trong mùa mưa bão.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 22/7/2024 - Ảnh 3.

Du khách thăm quan tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh tư liệu: Đức Phương/TTXVN

- Báo Giao thông ngày 21/7 đưa tin:

Cano du lịch chìm trên vùng biển Cù Lao Chàm do va phải đá ngầm

Ngày 20/7, cano du lịch QNa-1296 của Công ty du lịch Dũng Hiếu chở khách đi tắm biển, lặn ngắm san hô ở Hòn Tai, đảo Cù Lao Chàm. Trên tàu có 20 khách du lịch và 3 thuyền viên. Sau khi đỗ khách vào khu vực tắm biển, lặn ngắm san hô, cano lui ra vị trí neo đậu để cố định thì không may va phải rạn đá ngầm dẫn đến nước tràn vào tàu và chìm dần. Lúc này, trên cano chỉ còn các thuyền viên. Khi nước đang tràn vào cano, thuyền viên đã điện báo các lực lượng đề nghị hỗ trợ kịp thời.

- Báo Lao động ngày 21/7 đưa tin:

Bình Thuận sắp mở phố ẩm thực đêm đầu tiên ở Phan Thiết

Theo thông báo từ UBND TP Phan Thiết, Phố ấm thực Phan Thiết sẽ được tổ chức thí điểm vào tháng 9/2024. Đây là hoạt động nhằm định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của Phan Thiết. Qua đó giới thiệu, quảng bá du lịch ẩm thực truyền thống của Phan Thiết đến du khách trong và ngoài nước. Dự kiến sẽ có từ 50 - 100 gian hàng tham gia. Và được chia thành các khu vực: Tuyến phố ẩm thực với các gian hàng món ăn và các sản phẩm OCOP của Bình Thuận; Khu vực tập trung giới thiệu các món ăn đặc trưng của địa phương (hàng gánh, hàng rong, gian hàng...) theo mô hình chợ quê...Phố ẩm thực Phan Thiết hứa hẹn sẽ là địa điểm thu hút đông du khách, người dân đến tham quan và ăn uống, thưởng thức các món ăn đặc sản của Bình Thuận. Đồng thời, tạo thêm sản phẩm du lịch vào ban đêm.

- Báo VietnamPlus ngày 21/7 đưa tin:

Giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại trại Hè ở Slovakia

Trong khuôn khổ Chương trình Trại Hè từ ngày 15-19/7 do trường Đại học Kinh tế Bratislava tổ chức, Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã phối hợp cùng ban tổ chức giới thiệu quảng bá về đất nước và con người Việt Nam. Chương trình hiện đã bước sang năm thứ 5, góp phần tích cực giới thiệu các nét chính trị-kinh tế-văn hóa-du lịch-giáo dục cho thanh thiếu niên tại Bratislava. Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, cho rằng các hoạt động góp phần tích cực giúp học sinh Slovakia ngày càng có định hướng quốc tế, hiểu hơn về đa văn hóa, đa sắc tộc, thêm mến yêu bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam.

- Báo Đại biểu Nhân dân ngày 22/7 đưa tin

Mặt trái của bùng nổ du lịch

Thống kê từ Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho thấy, đã có 14,6 triệu du khách quốc tế đến đất nước Mặt trời mọc từ tháng 1 đến tháng 5.2024, trong đó chỉ riêng tháng 3, lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 3,1 triệu lượt, tăng hơn 10% so với tháng 3.2019 - thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Bên cạnh những tác động tích cực, Nhật Bản đang phải đối mặt với mặt trái làn sóng du khách nước ngoài, là tình trạng quá tải du lịch. Thủ tướng Fumio Kishida và một số quan chức Nhật Bản đang nỗ lực đưa ra những giải pháp ứng phó với mức độ khác nhau như thu phí tại các điểm quan nổi tiếng, ban hành những quy tắc ứng xử đối với khách du lịch, triển khai chương trình "chuyển tiếp hành lý"…

- Báo Văn hóa ngày 22/7 đưa tin:

 Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch

Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn, tỉnh Lào Cai sẽ bố trí tối thiểu 11 tỉ đồng/năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay vốn đầu tư điểm du lịch và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng từ ngân sách cấp tỉnh. Đây là nội dung của Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND.

- Truyền hình Thông tấn ngày 22/7 đưa tin:

Phú Yên kết nối phát triển du lịch cộng đồng

Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch, tỉnh Phú Yên đang tích cực kết nối các làng nghề truyền thống, phát huy giá trị văn hóa địa phương để hình thành nên tour, tuyến du lịch trải nghiệm có chất lượng cao, thu hút và giữ chân được du khách. Đây cũng là cách để địa phương gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn.

- Tạp chí Tri thức ngày 22/7 đưa tin: 

Chán mác "du lịch giá rẻ"

"Giá rẻ" là một cái mác khi khách quốc tế nhắc đến du lịch Việt Nam. Mỗi năm, Travel + Leisure, CNN hay TravelPulse đều công bố danh sách điểm đến có mức giá phải chăng tại châu Á hoặc trên thế giới. Nước ta thường xuyên góp mặt vào hạng mục này. Đến 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi gần bằng trước dịch với 12,6 triệu lượt, song mức chi tiêu bình quân một lượt khách ước tính chỉ đạt 726,7 USD. Các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ để kích thích chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Hà Nội mới ngày 22/7 đưa tin:

Tri ân gia đình liệt sĩ bằng những hành động thiết thực:Góp phần dịu bớt nỗi đau

Tri ân những Anh hùng liệt sĩ - những "vì sao đất nước", hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), gần 10 nghìn hội viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã và đang hằng ngày thực hiện các công việc nghĩa tình, tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ bằng những hành động thiết thực. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này. Ông cho biết: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập xuất phát từ mong muốn của trái tim người lính, từ nghĩa tình đồng đội từ thời trận mạc "Súng bên súng, đầu sát bên đầu", từ nguyện vọng thực hiện lời thề "Người đang sống đưa người đã chết trở về". Gần 14 năm qua, Hội đã giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ; lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ; tiếp nhận xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ; tư vấn, hỗ trợ cho 33.000 gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ, trong đó có hơn 200 gia đình tìm được bằng phương pháp thực chứng…

Ban Biên tập

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×