Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 23/5/2023

23/05/2023 | 14:32

Khai mạc Giải cờ vua quốc tế Hà Nội năm 2023; Triển lãm ảnh nghệ thuật 'Phật giáo với hòa bình'; Món ăn từ sen của Đồng Tháp đạt kỷ lục châu Á là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-Báo Văn Hóa ngày 23/5 đưa tin:

Quảng Ngãi: Khoanh vùng, bảo vệ cổ vật khai thác trái phép trên biển

Chiều 22.5, UBND tỉnh Quảng Ngãi làm việc với UBND huyện Bình Sơn về tình hình liên quan đến việc nghi khai thác cổ vật trái phép tại vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì cuộc họp. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự cho biết, khoảng 17 giờ ngày 15.5, ngư dân thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn sử dụng thúng máy đi hành nghề lưới chuồn trên khu vực biển xã Bình Hải và phát hiện có 1 tàu cá neo đậu cách bờ biển thôn Thanh Thủy khoảng 3 hải lý về hướng Đông, nghi đang lặn cổ vật trái phép. Qua xác minh thông tin một số người dân xã Bình Châu khẳng định hiện đang có hoạt động lặn khai thác cổ vật tại khu vực biển trên.

Phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập: Làm phong phú các thiết chế văn hóa

Ai cũng biết Huế là vùng đất của văn hóa và di sản. Cho đến nay, Cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam đã sở hữu những danh hiệu phong phú và đáng nể về lĩnh vực này: "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Huế, một điểm đến 5 di sản"... Tuy nhiên, bối cảnh xã hội đã thay đổi. Việc khai thác các trầm tích văn hóa phong phú của Huế cần phải có hướng tiếp cận mới: Đó là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tranh thủ được trí tuệ, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống công lập. Trên quan điểm này, Cố đô Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng hệ thống chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập một số bảo tàng ngoài công lập.

Tuần lễ triển lãm ảnh "Phật giáo với hòa bình"

Chiều nay 22.5, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đã khai mạc triển lãm ảnh "Phật giáo với hòa bình", giới thiệu đến công chúng 154 tác phẩm. Triển lãm diễn ra từ ngày 22-28.5.2023, tại Đường Sách TP.HCM. Theo đó, nhân kỷ niệm 60 năm Hoà thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (11.6.1963-11.6.2023), Hội Nhiếp ảnh TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật "Phật giáo với hòa bình". Các tác phẩm dự thi tập trung phản ánh, đề cao vai trò giá trị và khát vọng hòa bình theo tinh thần của Đạo Phật; tố cáo tội ác chiến tranh, hậu quả chiến tranh; chung sống hòa bình; tinh thần đồng hành, chia sẻ trong cuộc sống; phản ánh sinh động phương châm "Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, sáng soi đạo pháp, hộ quốc an dân", chủ trương "Phật giáo và dân tộc", hưởng ứng các phong trào yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước.

-Báo Quân đội Nhân Dân ngày 23/5 đưa tin:

Quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia (BVQG) là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Thế nhưng, phần lớn BVQG hiện nay chưa được bảo vệ đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ bị mất cắp, hư hại và khiến người dân khó tiếp cận. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa gửi công văn tới các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ, bảo quản và phát huy có hiệu quả giá trị BVQG; sớm xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng BVQG, trong đó lưu ý có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các BVQG.

Mỹ thuật khắc họa đậm nét hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Những tác phẩm ấn tượng từ Trại sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng (LLVT, CTCM) vừa khép lại tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã góp phần khắc họa đậm nét hình tượng Bộ đội Cụ Hồ qua các thời kỳ. 31 tác phẩm giàu ý tưởng nghệ thuật, ngôn ngữ biểu đạt phong phú thu được từ trại sáng tác đã nói lên tâm huyết, trách nhiệm của người họa sĩ trong phát huy nét đẹp hình tượng Bộ đội Cụ Hồ từ trong kháng chiến đến cống hiến tài năng trên các lĩnh vực trong tình hình mới, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Sức sống mới của phong trào văn nghệ quần chúng Thủ đô

Hội thi, hội diễn, liên hoan, hoạt động câu lạc bộ (CLB) được các cơ quan ngành văn hóa TP Hà Nội triển khai tổ chức thực hiện sôi nổi, hiệu quả. Những hoạt động trên tạo điều kiện cho nhân dân tham gia, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN) ở cơ sở. Hoạt động của các CLB nghệ thuật cùng với phong trào VHVN ở cơ sở được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.

-Báo Tin tức ngày 23/5 đưa tin:

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa ở Quảng Ngãi xuống cấp nghiêm trọng

Tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Hiện nay, nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, kinh phí đầu tư cho trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô của di tích quốc gia đặc biệt hoặc di tích quốc gia. Nhiều di tích đã được xếp hạng, nhưng chưa được đầu tư kinh phí để phục hồi, tu bổ.

Gìn giữ nét đẹp trong những làn điệu dân ca Bố Y

Nhờ ngôn ngữ biểu cảm đặc biệt và làn điệu đặc sắc chứa đựng trầm tích và mạch nguồn văn hóa cộng đồng của dân ca mà con người từ khắp mọi phương trời không cùng ngôn ngữ, không chung phong tục, tập quán vẫn có thể rung cảm, đồng điệu, chia sẻ... Thuộc nhóm dân tộc rất ít người tại Việt Nam, dân tộc Bố Y luôn nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, làm nên nét đẹp riêng trên mảnh đất biên cương Lào Cai.

Bí ẩn những văn bia cổ trong động Phong Nha

Trong động Phong Nha thuộc Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), trên một vách đá nằm sâu trong hang còn lưu giữ nhiều dòng chữ cổ được cho là của người Chăm. Sau hàng trăm năm chưa giải được nghĩa; đến nay, những dòng chữ cổ ấy vẫn làm bao thế hệ người Việt Nam và các nhà khoa học trên thế giới tò mò muốn biết. Hiện nay, để đảm bảo an toàn cho du khách trước biến thiên của địa chất, địa mạo cũng như giữ gìn, tránh sự tác động ảnh hưởng lên văn bia, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng hạn chế tối đa du khách vào tham quan khu vực này.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 23/5 đưa tin:

Nhiều điểm nhấn tại Hội thi Tuyên truyền lưu động "Biển và hải đảo Việt Nam"

Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi và hào hứng (từ 18-21/5), hội thi Tuyên truyền lưu động "Biển và hải đảo Việt Nam" đã chính thức khép lại với nhiều huy chương được trao, ghi nhận sự sáng tạo, cống hiến và nỗ lực hết mình của các cá nhân, tập thể của 46 đoàn tham gia trên cả nước. Hội thi diễn ra với 3 phần thi gồm: Trang trí và diễu hành xe tuyên truyền; trưng bày và thuyết minh triển lãm; thi văn nghệ cổ động. Trong khuôn khổ Hội thi cũng diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Đoàn tàu không số và lưu diễn phục vụ nhân dân ở cơ sở. Ban Giám khảo đã làm việc trách nhiệm, công tâm và có những đánh giá chính xác, khách quan cho từng phần thi.

Quảng Nam: Làm tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉnh Quảng Nam có 73,4% diện tích tự nhiên là miền núi, trong đó có 6 huyện núi cao (Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang). Tổng dân số toàn tỉnh khoảng 1,84 triệu người; đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 140.000 người, trong đó các dân tộc đông dân nhất gồm: Cơ-tu, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng, Cor và M'nông. Thông qua công tác dân vận chính quyền, nhận thức của sở, ngành, địa phương và cán bộ, đảng viên ở tỉnh Quảng Nam về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có phần được nâng lên; đồng bào DTTS có những thay đổi về nhận thức trong phát triển kinh tế, học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới…

-Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 22/5 đưa tin:

Đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản

Dẫu chỉ diễn ra trong quy mô nhỏ, nhưng tọa đàm "Thực trạng chương trình đào tạo ngành kinh doanh xuất bản phẩm" do khoa Xuất bản - Phát hành (Trường Đại học Văn hóa TPHCM) tổ chức mới đây, đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng cho ngành xuất bản hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề đào tạo nhân lực. Một thực tế được đưa ra tại tọa đàm: số sinh viên tốt nghiệp khoa Xuất bản (gồm TPHCM nói riêng và cả nước nói chung) rất ít người đáp ứng yêu cầu công việc. Tại các nhà sách, tư vấn là việc quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhưng nhiều sinh viên cũng chưa đáp ứng được.

Ghi dấu ẩm thực Việt Nam trên bàn tiệc thế giới

Ngày 22-5, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) công bố thành lập Chi hội Đầu bếp trẻ Việt Nam (YCA) với mục tiêu kết nối các đầu bếp trẻ, phát triển tinh hoa ẩm thực Việt Nam ra thế giới. YCA tham gia thực hiện các đề án, đồng hành cùng VCCA trong các sự kiện giao lưu văn hóa ẩm thực, mang đến cho cộng đồng những kiến thức, giá trị của ẩm thực nước nhà. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Công ty TVHub phối hợp cùng Ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3 giới thiệu chương trình Top chef Việt Nam - Đầu bếp thượng đỉnh 2023 với thông điệp "Ghi dấu ẩm thực Việt Nam trên bàn tiệc thế giới", dự kiến ra mắt khán giả lúc 20 giờ 30 ngày 12-6.

Đà Nẵng: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu

Để bảo tồn bản sắc văn hóa Cơ Tu, cộng đồng Cơ Tu đóng vai trò là chủ thể trong hoạt động bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Chính quyền địa phương tạo điều kiện đồng hành, kết nối, khuyến khích người dân khôi phục nghề truyền thống, xây dựng hoạt động trình diễn, kết hợp du lịch, bán hàng lưu niệm…

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo điện tử VOV ngày 23/5 đưa tin:

Du lịch xanh trên dãy Trường Sơn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi

Hiện nay, các địa phương miền núi từ tỉnh Quảng Nam đến Quảng Bình tập trung phát triển kinh tế du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên và văn hoá cộng đồng. Từ đó, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho đồng bào miền núi. Các địa phương cũng đã tạo ra liên kết du lịch dựa vào những nét tương đồng về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chuyên gia nước ngoài nói gì về phát triển du lịch Phú Quốc?

Những câu chuyện về du lịch Phú Quốc đang ngày càng "nóng" trong giai đoạn gần đây. Phóng viên Vov phỏng vấn chuyên gia Martin Koerner - Trưởng tiểu ban Du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) về hạn chế và giải pháp cho điểm đến từng lọt Top 100 địa điểm tuyệt vời nhất thế giới năm 2021 do tạp chí TIME bình chọn. Ông cho biết: "Tôi cho rằng Phú Quốc cần nâng cao khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn bằng cách giảm chi phí, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ. Có một số giải pháp cho vấn đề này, như phát triển thêm các hãng hàng không giá rẻ và đường bay đến Phú Quốc để tăng khả năng tiếp cận và chi trả; khuyến khích đầu tư phát triển hơn nữa các cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn, nhà nghỉ, homestay bình dân và trung cấp".

Món ăn từ sen của Đồng Tháp đạt kỷ lục châu Á

Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã trao bằng xác lập kỷ lục về giá trị ẩm thực giai đoạn 2022-2023 cho các món ăn từ sen Đồng Tháp. Việc xác lập kỷ lục các món ăn từ sen sẽ mở thêm cơ hội cho ngành hàng sen Đồng Tháp phát huy giá trị theo xu hướng ẩm thực, phát triển ngành hàng sen theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

-Báo Văn Hóa ngày 23/5 đưa tin:

Sức hấp dẫn từ các chợ ở Đà Nẵng

Tại thành phố Đà Nẵng, ngoài các điểm du lịch hấp dẫn thì những chợ truyền thống lâu năm cũng trở thành điểm mua sắm, tham quan thu hút rất đông khách du lịch mỗi ngày. Với đề án hình thành chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2050 UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt, việc phát triển chợ điểm theo hướng phục vụ du lịch cũng sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút, khuyến khích du khách đến với Đà Nẵng. Được biết hiện nay, các đơn vị lữ hành nói chung đều đưa các điểm tham quan mua sắm tại các siêu thị đặc sản, các chợ địa phương vào một phần của chương trình tour nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như kích thích tiêu dùng trong du lịch. "Việc tham quan kết hợp mua sắm là điều cần thiết trong một chương trình du lịch",

Sẽ kiểm tra cơ sở lưu trú du lịch

Sau dịch Covid-19, 95% cơ sở lưu trú du lịch hiện có đã hoạt động bình thường. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở lưu trú du lịch quảng cáo sai loại hạng hoặc quảng cáo hạng sao khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước từ tháng 6 - 10.2023. Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trên toàn quốc. Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao ở các địa bàn trọng điểm du lịch trong cả nước. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trước cổng Khu du lịch Ghềnh Ráng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang vừa có thông báo số 136/TB-UBND giao các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh việc buôn bán kinh doanh dịch vụ tại khu vực trước cổng Khu du lịch Ghềnh Ráng (danh lam thắng cảnh quốc gia Ghềnh Ráng). Theo đó, UBND tỉnh giao UBND TP Quy Nhơn khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND phường Ghềnh Ráng kiểm tra, chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh dịch vụ tại đây để bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông theo quy định. Đồng thời, giao cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu vực công cộng, đặc biệt là khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành và đường Xuân Diệu, không để xảy ra các hoạt động kinh doanh tự phát làm ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường du lịch của TP Quy Nhơn.

-Báo Đại Đoàn Kết ngày 23/5 đưa tin:

Du lịch Việt: Tìm cách khai thác xứng với tiềm năng

Mặc dù số lượng khách du lịch tăng nhanh thời gian qua, tuy nhiên, mức độ chi tiêu và lưu trú của du khách tương đối thấp. Đó là thực tế buộc các điểm đến phải xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn để có thể thu hút du khách quay trở lại. Nhằm "níu chân" được du khách, theo Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, thái độ và hình ảnh của mỗi người dân chính là hình ảnh của điểm đến, cao hơn nữa sẽ góp phần tạo nên bộ mặt quốc gia.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh

Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Ninh "An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn". Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đón 15 triệu lượt khách du lịch với doanh thu ước đạt 32.400 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, các ngành, địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp để thu hút khách. Trong đó, vấn đề ATVSTP luôn được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân và du khách, cũng như mang lại những dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.

Sản phẩm du lịch - độc chiêu hút khách của các điểm đến

Mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng tại mỗi điểm đến chính là tín hiệu tích cực giúp giữ chân khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, kích cầu hoạt động mua sắm, chi tiêu và gia tăng doanh thu du lịch. Điển hình tại vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có tiềm năng du lịch "hao hao" nhau, với thế mạnh về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, tiềm năng du lịch biển đảo, sinh thái và du lịch văn hóa, thế nhưng chỉ những địa phương được đầu tư hệ thống sản phẩm du lịch bài bản mới đủ sức giữ chân khách du lịch.

-Báo Kiên Giang ngày 22/5 đưa tin: "Kiên Giang: Hà Tiên liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù" cho biết: Sản phẩm du lịch TP. Hà Tiên (Kiên Giang) ngày càng được đầu tư phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách. Từ đó du khách đến Hà Tiên tăng; doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch tăng trưởng mạnh, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Năm 2022, TP. Hà Tiên đón trên 2,3 triệu lượt du khách, doanh thu đạt 1.541 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2023, thành phố đón trên 750.000 lượt du khách, đạt 30,66% kế hoạch. Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ TP. Hà Tiên nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh phát triển du lịch, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng thành phố trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

-Báo Đắk Nông ngày 23/5 đưa tin: "Xu hướng phát triển du lịch nông thôn ở Đắk Nông" cho biết: Đắk Nông đang đẩy mạnh phát triển thế mạnh du lịch nhằm tạo thêm lực đẩy trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, tỉnh Đắk Nông tập trung phát triển các mảng du lịch mang tính đặc trưng, thế mạnh. Phát triển du lịch trong xây dựng NTM là một trong 6 chuyên đề của giai đoạn 2021-2025. Du lịch nông thôn được coi là một lực đẩy mới cho xây dựng NTM Đắk Nông.Du lịch giúp các huyện, thành phố thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng ở những bon, buôn truyền thống; các điểm, tuyến du lịch kết nối với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

-Báo Tây Ninh ngày 22/5 đưa tin: "Để du lịch Tây Ninh phát triển bền vững: Bài toán cần lời giải" cho biết: Để du lịch tỉnh Tây Ninh xây được hình ảnh đa dạng, phát triển bền vững- nhất là du lịch sinh thái cần có cơ chế, chứ không phải là tự phát như trong thời gian qua. Ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy chế quy định về đầu tư du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Khi quy chế này được ban hành, sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch tỉnh Tây Ninh.

3.Lĩnh vực Thể thao

-Báo Quân đội Nhân Dân, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 23/5 đưa tin: "Giải cờ vua quốc tế Hà Nội năm 2023 thu hút kỳ thủ từ 10 quốc gia" cho biết: Ngày 22-5, Giải đấu đầu tiên thuộc hệ thống Giải cờ vua Đại Kiện tướng – Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2023 đã khai mạc tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hệ thống Giải cờ vua Đại kiện tướng – Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2023 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội gồm 2 giải đấu, trong đó giải đầu tiên diễn ra từ ngày 22-5 đến 26-5; giải đấu thứ hai diễn ra từ ngày 30-5 đến ngày 3-6. Hệ thống giải có sự tham dự của gần 40 kỳ thủ đến từ 10 quốc gia gồm: Singapore, Ấn Độ, Anh, Nga, Australia, Indonesia, Bangladesh, Myanmar, Philippines, Việt Nam. Trong các kỳ thủ Việt Nam dự giải, có nhiều kỳ thủ nổi tiếng như Trần Tuấn Minh, Trần Minh Thắng, Nguyễn Văn Huy, Võ Thị Kim Phụng…

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 23/5/2023 - Ảnh 2.

Quang cảnh thi đấu tại Giải cờ vua Đại Kiện tướng – Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2023 - Ảnh: báo Hà Nội mới

-Báo Quân đội Nhân Dân ngày 23/5 đưa tin:

Lịch thi đấu vòng 9 V-League 2023: Cuộc chiến tốp đầu

Cập nhật lịch thi đấu vòng 9 V-League 2023 với tâm điểm là trận Công an Hà Nội FC và Sông Lam Nghệ An, Đông Á Thanh Hóa gặp Viettel FC... Công an Hà Nội FC đang dần lấy lại phong độ và mới nhất đội bóng này hạ câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh 5-3 trên sân Thống Nhất. Tại vòng 9 V-League 2023, Công an Hà Nội FC trở lại sân Hàng Đẫy để tiếp đón Sông Lam Nghệ An. Dù đội bóng xứ Nghệ vẫn đang thi đấu phập phù song đây được xem là cuộc đối đầu khó khăn dành cho thầy trò HLV Neto Da Silva. Trận đấu này sẽ diễn ra lúc 19 giờ 15 phút tối 26-5, trực tiếp trên FPT Play, VTV5.

Thu trái ngọt từ tâm huyết ươm mầm

Để có cặp đôi Trần Mai Ngọc-Đinh Anh Hoàng tỏa sáng tại SEA Games 32, đoạt tấm huy chương vàng đôi nam nữ sau 26 năm chờ đợi cho bóng bàn Việt Nam là cả một quá trình kiên trì ươm mầm của những người tâm huyết. Trần Mai Ngọc và Đinh Anh Hoàng đều gia nhập Câu lạc bộ (CLB) bóng bàn Hà Nội T&T khi mới 9 tuổi. Xa nhà cả hơn nghìn cây số nên những năm qua, CLB chính là nhà, thầy cô là bố mẹ của hai em. Dù hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng cả hai đều có điểm chung là ý chí và nghị lực rèn luyện đáng nể.Rèn giũa một tài năng bóng bàn nam đã khó, ươm mầm một cây vợt bóng bàn nữ lại càng khó hơn.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 23/5 đưa tin:

Đồng loạt toả sáng, 2 ngôi sao từ lò HAGL lọt vào danh sách đặc biệt của HLV Troussier?

Đội tuyển Việt Nam sẽ có trận đấu đầu tiên dưới thời HLV Troussier vào tháng 6 tới. Theo những nguồn tin mới nhất, lực lượng đội tuyển Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi so với đợt tập trung vào tháng 3. HLV Troussier dự kiến chỉ giữ lại khoảng 60% những cái tên trong danh sách cũ. Nhà cầm quân người Pháp sẽ dành 40% còn lại cho các ngôi sao đang chơi bóng tại nước ngoài, một số nhân tố mới và những tài năng trẻ thuộc độ tuổi U22. Thời điểm hiện tại, có 2 ngôi sao trưởng thành từ lò đào tạo HAGL đang đứng trước cơ hội trở lại đội tuyển Việt Nam là Minh Vương và Văn Toàn. Trước đó, cả 2 đã vắng mặt trong đợt tập trung hồi tháng 3.

Sau thành công tại SEA Games, ngành thể thao Hà Nội tích cực hướng tới các mục tiêu lớn

Các VĐV của Hà Nội đã đóng góp vào thành công chung của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 với gần 1/3 tổng số huy chương. Đáng chú ý, đa phần thành tích đều nằm ở những môn trong nội dung thi đấu của ASIAD và Olympic. Ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội sẽ đưa VĐV đi tập huấn tại các nước có nguồn thể thao mạnh bằng kinh phí của ngành Thể thao Hà Nội để nâng cao trình độ, đóng góp cho các đội tuyển quốc gia.

Huỳnh Như tạo dấu mốc mới khi xuất ngoại, nhận tin vui trước thềm World Cup 2023

Thi đấu xuất sắc khi xuất ngoại, tiền đạo Huỳnh Như nhận tin vui từ Lank FC dù đang cùng ĐT nữ Việt Nam chuẩn bị cho World Cup 2023.  Theo đó Lank FC đang làm thủ tục để kích hoạt điều khoản gia hạn với Huỳnh Như. Đây là thời điểm giải VĐQG nữ Bồ Đào Nha hạ màn, CLB của Huỳnh Như đứng thứ 6 chung cuộc. Huỳnh Như đã có mùa giải đầu tiên tại châu Âu với những dấu ấn đậm nét về mặt chuyên môn, thể hiện tốt những phẩm chất kĩ thuật cá nhân cùng sự hoà nhập nhanh với cả đội.

-Báo Hà Nội mới ngày 23/5 đưa tin:

Hà Nội FC đánh rơi điểm trước đội chót bảng SHB Đà Nẵng

Tối 22-5, lượt trận cuối cùng của vòng 8 V.League 2023 giữa Câu lạc bộ Hà Nội (Hà Nội FC) và Câu lạc bộ (CLB) SHB Đà Nẵng đã diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy. Thế trận trở nên sôi nổi hơn khi cả Đà Nẵng lẫn Hà Nội cùng chọn lối chơi đôi công. Hai đội bóng đều có những tình huống nguy hiểm, uy hiếp khung thành đối phương. Dù vậy, cả hai đội đều không thể cụ thể hóa được những tình huống cuối cùng để có được bàn thắng. Hoà với tỷ số 1-1, Hà Nội FC chia điểm cùng SHB Đà Nẵng ở vòng 8, xếp thứ hai trên bảng xếp hạng với 15 điểm.

Hé lộ những trải nghiệm ''đỉnh chóp'' dành cho runner tại VPIM

Với cam kết lấy vận động viên (VĐV) là trung tâm, Giải Marathon quốc tế Hanoi VPBank 2023 - VPBank Hanoi International Marathon (VPIM) đang nỗ lực đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho runner trước, trong và sau đường chạy. Cổng đăng ký Early Bird của Giải chạy VPIM (sự kiện thường niên) dự kiến được tổ chức vào ngày 8-10-2023 sắp tới đã chính thức khép lại với số VĐV đăng ký lên tới 8.500 người, con số khá ấn tượng với một giải chạy được ra mắt lần đầu tiên.

Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước

Mới đây, tại thị xã Sơn Tây, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước thành phố Hà Nội năm 2023 cho hơn 1.500 cán bộ, học sinh, đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn... Chương trình tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước được đồng loạt triển khai trên toàn thành phố với các lớp dạy bơi miễn phí, hướng dẫn học sinh biết bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức nhiều lớp hướng dẫn, huấn luyện cứu đuối...

-Báo Văn Hóa ngày 23/5 đưa tin:

Về thành tích của TTVN tại SEA Games 32: Phải được đánh giá công tâm, khách quan

Thể thao Việt Nam vừa có một kỳ SEA Games thành công trên sân khách và chúng ta cũng đã khẳng định được bản lĩnh khi đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Để có được những thành công ấy, trước hết là sự đầu tư, quan tâm của các cấp, cùng với đó là những giọt mồ hôi, nước mắt... của các VĐV để Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên ở vị trí cao nhất.  Vì thế họ cần được người hâm mộ, giới chuyên gia và cả truyền thông nhìn nhận, đánh giá công tâm, khách quan, thay vì những nhận xét phiến diện, thậm chí chụp mũ.

Gia Lai tổ chức đón VĐV đầu tiên đoạt HCV tại SEA Games

Chiều 21.5, chuyến bay đưa võ sĩ Kickboxing Lê Thị Nhi, vận động viên (VĐV) đoạt Huy chương vàng ở hạng cân 50 kg nữ nội dung light contact tại SEA Games 32 đã đáp xuống Cảng hàng không Pleiku (Gia Lai) trước sự chào đón của lãnh đạo Sở VHTTDL và đông đảo bạn bè, người thân. Ngay sau khi chào đón VĐV Lê Thị Nhi tại Cảng hàng không Pleiku, Sở VHTTDL đã tổ chức chương trình gặp mặt, tuyên dương và khen thưởng VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai.

Những tấm huy chương của tinh thần đồng đội

Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu thành công tại SEA Games 32 khi có được vị trí số 1 trên bảng tổng sắp. Trong thành công đó, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng hay Trần Hưng Nguyên (bơi)… là những cá nhân đã thi đấu xuất sắc, mang về nhiều HCV cho bộ môn của mình. Nhưng quan trọng không kém là những tấm huy chương ở các nội dung đồng đội. Đó là những tấm huy chương không chỉ mang lại thành tích cho đội tuyển mà còn là đại diện tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, sức mạnh của tập thể, cùng nhau cố gắng vì cái chung, vì màu cờ sắc áo. Trong thể thao thành tích cao, để thi đấu tốt ở nội dung đồng đội thì ngoài yếu tố chuyên môn, các VĐV phải có sự phối hợp ăn ý, đoàn kết, cùng nhau vượt khó và sẵn sàng "hy sinh" cái tôi vì cái chung.

-Báo Người Lao động ngày 23/5 đưa tin:

Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32: Bóng đá - hai nửa buồn vui

Bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games 32 có đủ vui, buồn. Vui khi đội tuyển nữ có lần thứ 8 đăng quang và là lần thứ 4 liên tiếp đoạt HCV, còn các đồng nghiệp nam gây thất vọng với tấm HCĐ, trở thành "cựu vương" giải đấu. Đối với đoàn quân HLV Mai Đức Chung, tấm HCV môn bóng đá nữ SEA Games 32 sẽ là động lực để toàn đội hướng đến mục tiêu vươn tầm châu lục trong khi các cầu thủ đội nam U22 Việt Nam là những trải nghiệm quý giá, tích lũy thêm kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế.

Cưỡi ngựa thể thao: Góp mặt SEA Games và ASIAD

Với mong muốn đưa bộ môn cưỡi ngựa thể thao Việt Nam hội nhập quốc tế, Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam đã gặp gỡ đại diện nhiều CLB trong cả nước để khẩn trương xúc tiến việc thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam. Cưỡi ngựa thể thao có tên trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic kể từ năm 1912. Ở cấp độ châu lục, cưỡi ngựa thể thao xuất hiện tại Asian Games từ năm 1982 và 1 năm sau đó, được đưa vào chương trình tranh tài ở SEA Games lần thứ 12 - năm 1983, tổ chức tại Singapore.

Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32: Chất chưa theo kịp lượng

Thể thao Việt Nam chia tay SEA Games 32 với 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ - vượt qua quốc gia có nền thể thao rất mạnh trong khu vực là Thái Lan, để lần thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng tổng sắp. Đáng chú ý là mặc dù thành tích đứng nhất toàn đoàn ở môn bóng đá song vẫn còn nhiều điều băn khoăn về diện mạo đội tuyển U22 nam; bên cạnh đó nhóm môn cơ bản Olympic dù đa phần góp mặt trong 3 hạng đầu SEA Games 32 nhưng cũng rất ít thông số tiệm cận thành tích châu lục hay thế giới.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 23/5 đưa tin: "Cần nhanh chóng xây dự Luật Chuyển đổi giới tính để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người" cho biết: Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 23/5, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Riêng với dự án Luật Chuyển đổi giới tính, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết: Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024. Ý kiến của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật để thực hiện Điều 37 của Bộ luật Dân sự.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×