Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/6/2022
02/06/2022 | 15:41Lễ vinh danh huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc, tiêu biểu của thể thao Việt Nam; Tái hiện nghi lễ ban quạt dịp Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long; Đà Nẵng tăng cường phát triển thị trường khách du lịch MICE là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- TTXVN ngày 2/6 đưa tin:
Khai mạc Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022
Tối 1/6, tại thành phố Long Xuyên, An Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khai mạc Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022. Hội thi Múa không chuyên toàn quốc được tổ chức theo định kỳ 3 năm một lần, với các chủ đề khác nhau và do các địa phương luân phiên đăng cai, tổ chức. Hội thi năm nay diễn ra từ ngày 1 - 5/6 tại thành phố Long Xuyên (An Giang) - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người bạn chiến đấu thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tái hiện nghi lễ ban quạt dịp Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long
Ngày 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc chương trình "Tết Đoan Ngọ xưa và nay" năm 2022, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trong đó điểm nhấn chính là hoạt động thể nghiệm nghi lễ ban quạt trong hoàng cung xưa. Chương trình "Tết Đoan Ngọ xưa và nay" năm 2022 nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình của khu di sản Hoàng thành Thăng Long, với mong muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Chào hè cùng văn hóa Nhật Bản tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Chào đón Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và mở ra một mùa hè khám phá, trải nghiệm cho các em nhỏ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện "Chào hè cùng văn hóa Nhật Bản". Đây là một món quà ý nghĩa dành tặng cho các bạn nhỏ và công chúng Thủ đô, đặc biệt là những người yêu mến văn hóa Nhật Bản với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Đây cũng là một trong các hoạt động tiền đề hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết về văn hóa Nhật Bản, thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia.
-Báo Nhân Dân ngày 2/6 đưa tin:
Yên Bái phát huy nguồn sức mạnh văn hóa trong phát triển
Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, nơi hội tụ của hơn 30 dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa tạo cho tỉnh một nền văn hóa giàu bản sắc. Trong giai đoạn phát triển mới, Yên Bái xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc", đưa tỉnh trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía bắc vào năm 2025.
Khát vọng phát triển mạnh mẽ dòng văn học dành cho thiếu nhi
Những năm gần đây, văn học thiếu nhi đã ghi nhận những tác giả, tác phẩm trong nước mới mẻ, với những góc nhìn và cách thể hiện độc đáo, hiện đại, đem đến sự phong phú và tươi trẻ. Tuy nhiên, dường như các tác phẩm trong nước vẫn còn đôi chút lép vế so với tác phẩm dịch. Một số nhà xuất bản như Kim Đồng, Phụ nữ Việt Nam, Văn học, Trẻ… hiện nay vẫn đang nỗ lực, kiên trì tìm tòi, khuyến khích, thậm chí tổ chức các cuộc thi sáng tác để góp phần làm dày thêm số đầu sách "100% Việt Nam" dành cho trẻ nhỏ.
-Báo Tin tức ngày 1/6 đưa tin:
Khởi động chương trình và cuộc thi viết 'Tỏa sáng nghị lực Việt'
Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022 từ nay đến tháng 8/2022. Chương trình nhằm tìm kiếm, tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.
Phát lộ dấu tích mới của sân Đan Trì và trục Ngự Đạo tại Hoàng thành Thăng Long
Ngày 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, sau thời gian khai quật khảo cổ học năm 2022 tại khu vực xung quanh và bên dưới nhà Cục Tác chiến nhằm làm rõ hơn trục Ngự Đạo, sân Đan Trì phục vụ công tác nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên và Chính Điện Kính Thiên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những dấu tích mới của sân Đan Trì và trục Ngự Đạo.
- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 1/6 đưa tin:
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nêu rõ, văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Di tích, di sản là lịch sử ngàn đời của cha ông ta, phải bảo tồn, phát huy và lan toả
Chiều 1/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu, làm rõ một số vấn đề các vị đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, di tích, di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, là lịch sử ngàn đời của cha ông ta hình thành và xây dựng nên, vì vậy phải có trách nhiệm bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị đó.
- Báo Văn Hóa ngày 1/6 đưa tin:
Xiếc tre Teh Dar: Hóa thân mãnh liệt của văn hóa Tây Nguyên
Là một trong số các chương trình nghệ thuật sân khấu giàu bản sắc văn hóa và mang hơi thở đương đại, xiếc tre Teh Dar đã dẫn dắt người xem đến với vùng đất Tây Nguyên một cách đầy mê hoặc và thăng hoa. Ba suất biểu diễn mới đây của Teh Dar tại Nhà hát TP luôn chật kín người xem, không chỉ có du khách nước ngoài, khán giả Việt cũng đã đến thưởng thức đầy nhiệt tình và nghiêm túc. Bằng hình thức "xiếc kể chuyện", sử dụng toàn bộ đạo cụ chính là tre kết hợp với âm nhạc độc đáo được trình diễn trực tiếp để tái dựng sinh hoạt văn hóa người Việt, Xiếc tre Việt Nam đã trở thành loại hình nghệ thuật có một không hai, chinh phục được đông đảo khán giả trên khắp thế giới bất kể quốc tịch và ngôn ngữ. Teh Dar là vở diễn Xiếc tre Việt Nam của tác giả và đạo diễn Tuấn Lê; Giám đốc âm nhạc Nguyễn Nhất Lý; Giám đốc sáng tạo Nguyễn Lân; Biên đạo Ngô Thanh Phương... được xem như hóa thân sống động và mạnh mẽ của văn hóa Tây Nguyên trên sân khấu đương đại.
LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 12: Sức hấp dẫn "không mòn" từ hơi thở cuộc sống
LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 3 - 12.6 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Sau năm 2021 gián đoạn vì đại dịch Covid-19, năm nay, thương hiệu LHP này đã quay trở lại để đưa những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, mang đậm hơi thở cuộc sống từ nhiều quốc gia, vùng đất đến với công chúng Hà Nội. sự kiện năm nay quy tụ 10 quốc gia tham dự gồm: Áo, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Italy, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh, bên cạnh nước chủ nhà Việt Nam. Trong 10 ngày, từ ngày 3 - 12.6, khán giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tài liệu đa dạng, với nhiều nội dung
-Báo điện tử VOV ngày 2/6 đưa tin:
Doraemon trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2022
Bộ phim điện ảnh mới nhất đến từ thương hiệu có tuổi đời 53 tiếp tục cho thấy sức mạnh đáng gờm của mình trên đường đua phòng vé Việt cuối tháng 5 - đầu tháng 6. Tính đến hết ngày 31/5, phim điện ảnh "Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon 2021" đã mạnh mẽ bứt phá, thu về xấp xỉ 21 tỷ đồng, và chính thức trở thành phim hoạt hình có doanh thu phòng vé cao nhất Việt Nam năm 2022; đồng thời cũng là bộ phim có doanh thu tuần công chiếu cao nhất trong loạt phim điện ảnh Doraemon tại Việt Nam.
Lễ vinh danh "Nghệ thuật Xòe Thái" sẽ diễn ra tại tỉnh Yên Bái
Lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 dự kiến được tỉnh Yên Bái tổ chức trong tháng 9/2022. Để tổ chức thành công các sự kiện này, UBND tỉnh Yên Bái giao Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức. Cùng với đó là giao thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải rà soát cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để tổ chức lễ đón nhận và lễ hội đảm bảo yêu cầu.
Trao giải cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi Khu vui chơi mơ ước của em tại Kon Tum
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, sáng nay tại thành phố Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi, chủ đề "Khu vui chơi mơ ước của em". Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi "Khu vui chơi mơ ước của em" đã nhận được trên 5.700 bức tranh của học sinh các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Vượt qua vòng sơ khảo, 200 tác phẩm tiêu biểu đã lọt vào vòng chung khảo và được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng- Thư viện tỉnh Kon Tum.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Nhân Dân ngày 2/6 đưa tin:
Đẩy mạnh các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có các chính sách ưu tiên hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch như chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch; mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam; nâng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày…chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch…
Độc đáo chương trình du lịch sinh thái và vùng bí xanh thơm Bắc Kạn
Chiều 1/6, tại huyện Ba Bể, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức Chương trình du lịch trải nghiệm sinh thái và vùng bí xanh thơm. Đây là chương trình đầu tiên nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm, được tỉnh Bắc Kạn tổ chức từ ngày 1 đến 3/6.
Hà Nội đón gần 1,9 triệu lượt khách du lịch trong tháng 5
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 5, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng hơn 16 lần so cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 85 nghìn lượt. Kết quả này có được do trong tháng 5 vừa qua Hà Nội là nơi diễn ra các hoạt động, các môn thi đấu chính của SEA Games 31. Trong dịp này, thành phố đón hàng nghìn khách là các vận động viên, huấn luyện viên, quan khách thể thao, khán giả trong và ngoài nước đến dự SEA Games 31.
-Báo Vietnamplus ngày 2/6 đưa tin:
Để loại hình du lịch kết hợp sự kiện bứt phá: Khởi sắc rõ rệt
Là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ, đoàn khách đông, thời gian lưu trú tương đối dài ngày, dòng du khách MICE hứa hẹn mang tới nguồn doanh thu cao. Du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event), loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, với đặc thù lượng khách tập trung, yêu cầu nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch sáng tạo, chất lượng cao, đang được nhiều địa phương trọng điểm về du lịch đặc biệt quan tâm, coi trọng phát triển, nhất là trong giai đoạn du lịch đang phục hồi mạnh mẽ trở lại sau thời gian dài khó khăn do dịch COVID-19.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Trong phiên thảo luận chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngành du lịch cần tập trung rà soát, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quảng bá, nâng cấp, số hóa các điểm đến, phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế.
-Báo Văn Hóa ngày 1/6 đưa tin:
Thay đổi là "chìa khóa" để hút khách
Đại dịch Covid-19 đã làm nhiều thứ thay đổi. Vậy, sản phẩm du lịch phải đổi mới như thế nào, kết nối du lịch ra sao, địa phương nào là vùng trọng điểm, địa phương nào là "đầu tàu" dẫn dắt sự phát triển của du lịch cả nước? Nhận thức rõ vai trò của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch của cả nước, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để mở cửa lại du lịch và tăng cường liên kết với các địa phương để thúc đẩy phục hồi du lịch.
Quảng bá không gian văn hóa, du lịch Điện Biên tại phố đi bộ Hà Nội
Sở VHTTDL Điện Biên cho biết, UBND tỉnh Điện Biên vừa đề xuất chủ trương tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9, tại vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ thuộc khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Điện Biên sẽ phối hợp tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên tại Hà Nội với các hoạt động đầu tư thương mại, xúc tiến du lịch, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai địa phương. Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp mảnh đất, con người Điện Biên Phủ anh hùng, quảng bá đặc trưng, thế mạnh về văn hóa và du lịch tỉnh Điện Biên đến với du khách và nhân dân Thủ đô.
- Báo Hà Nội mới ngày 2/6 đưa tin: "Phát triển du lịch ''xanh'' từ tài nguyên văn hóa: Biến nguồn lực thành động lực" cho biết: Là quốc gia có bề dày lịch sử, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng đa dạng, đặc sắc. Hiểu một cách đơn giản, tài nguyên văn hóa bao gồm hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ, kiến trúc cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của người dân và được các thế hệ trao truyền, kế thừa, gìn giữ. Với trữ lượng dồi dào, nguồn tài nguyên văn hóa chính là nguồn lực và là động lực khai thác, phát triển kinh tế du lịch theo hướng tăng trưởng "xanh" và bền vững.
-Báo điện tử VOV ngày 2/6 đưa tin: "Đà Nẵng đón đoàn khách MICE 1.000 doanh nhân" cho biết: Sáng (1/6), thành phố Đà Nẵng tổ chức đón đoàn khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (khách MICE) với 1.000 người là doanh nhân trong và ngoài nước. Đây là một trong những đoàn khách đến thành phố Đà Nẵng đông nhất từ đầu năm đến nay. Đoàn khách MICE vừa tới thành phố Đà Nẵng tham gia sự kiện "Hội ngộ Đỉnh cao 2022" với chủ đề "Cùng nhau trở nên tốt hơn". Đây là sự kiện vinh danh, kết nối, xúc tiến thương mại thường niên lớn nhất do Công ty TNHH Kết nối Doanh nghiệp Châu Á Việt Nam (Business Connections Asia Viet Nam) tổ chức. Sự kiện hội tụ 1.000 doanh nhân trong và ngoài nước như: Phillipines, Singapore, Malaysia,… cùng giao lưu kết nối cơ hội kinh doanh và chia sẻ những kiến thức giá trị thực tiễn.
- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 1/6 đưa tin: "Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam nổi bật trên truyền thông quốc tế" cho biết: Những người dân ở các khu vực vùng núi Điện Biên, Việt Nam đang hướng đến xây dựng các nhà nghỉ truyền thống để du lịch không bị phát triển quá mức, theo trang Aljazeera. Hiện tại, thay vì tiếp tục tập trung vào các khu vực du lịch miền núi nổi tiếng như Sa Pa, cả khách du lịch và các đơn vị lữ hành đang tìm đến những nơi còn hoang sơ hơn, trong đó có Điện Biên Phủ.
-Đài TT-TH Hội An ngày 1/6 đưa tin: "Đêm Hoài giang - Sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An (Quảng Nam)" cho biết: Thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa giới thiệu với du khách một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, đó là chương trình trình diễn nghệ thuật dân gian "Đêm Hoài giang". Dù mới bước đầu trình diễn thực cảnh, nhưng chương trình trình diễn nghệ thuật "Đêm Hoài giang" là một thực nghiệm thành công của Hội An. Sau sự im ắng của các loại hình, sự kiện nghệ thuật do tác động của đại dịch Covid-19, Đêm Hoài giang là một bước khởi động nhằm từng bước khôi phục lại không khí lễ hội tại một thành phố du lịch như Hội An.
-Báo Lào Cai ngày 1/6 đưa tin: "Ngày 27/8 sẽ khai mạc Lễ hội mùa Thu "Y Tý - Sức hút đại ngàn" năm 2022" cho biết: Sáng ngày 01/6, Ban tổ chức Lễ hội mùa Thu "Y Tý - Sức hút đại ngàn" huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) năm 2022 tổ chức cuộc họp bàn công tác chuẩn bị các điều kiện và thống nhất kế hoạch chi tiết sẽ diễn ra tại lễ hội. Lễ hội mùa Thu "Y Tý - Sức hút đại ngàn" được tổ chức với quy mô cấp huyện. Lễ khai mạc dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/8 tại trung tâm xã Y Tý. Tại Lễ khai mạc, UBND huyện Bát Xát sẽ công bố Quyết định công nhận điểm du lịch thôn Choản Thèn, xã Y Tý; Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Tri thức dân gian canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai"; Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc khu vực xã Y Tý; Trưng bày triển lãm ảnh đoạt giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật "Vẻ đẹp du lịch Bát Xát" năm 2021; Ngày hội bánh dân gian các dân tộc trong huyện..
-Báo Đồng Tháp ngày 1/6 đưa tin: "Lễ hội Sen Đồng Tháp thu hút trên 100.000 lượt du khách" cho biết: Chiều ngày 01/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chủ trì cuộc họp tổng kết công tác tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022. Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sau 3 ngày tổ chức, Lễ hội Sen Đồng Tháp thu hút trên 100.000 lượt du khách, đại biểu và người dân đến tham quan, mua sắm, doanh thu ước trên 60 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua các diễn đàn, hội thảo, lễ hội còn mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Đồng Tháp kết nối về du lịch, nông sản với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.
-Báo Thừa Thiên Huế Online ngày 2/6 đưa tin: Thừa Thiên Huế: Tạo dựng thương hiệu "Hương xưa làng cổ" cho Phước Tích cho biết: "Hương xưa làng cổ" là lễ hội được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế từ những kỳ lễ hội đầu tiên. Việc nỗ lực để trở thành thương hiệu riêng sẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng ở Phước Tích có thêm cơ hội phát triển. UBND huyện Phong Điền đang xây dựng và phát triển nhãn hiệu "Hương xưa làng cổ" cho làng cổ Phước Tích. Đây là cơ hội để xây dựng được thương hiệu riêng cho Phước Tích. Tiến đến tác động ý thức của du khách về một thương hiệu du lịch mới, gắn với các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ và có mối liên hệ mật thiết với làng cổ Phước Tích: mô hình trải nghiệm làm đồ gốm gắn với làng nghề gốm Phước Tích, mô hình cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách gắn với các món ăn đặc sản của địa phương…
3.Lĩnh vực Thể thao
-Báo Nhân Dân, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 2/6 đưa tin: "Lễ vinh danh huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc, tiêu biểu của thể thao Việt Nam" cho biết: Chiều 1/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ tổng kết, khen thưởng SEA Games 31 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cùng dự buổi lễ, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo đã trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc tại SEA Games 31. Với thành tích đạt được 446 huy chương các loại, trong đó, có 205 Huy chương Vàng, Đoàn thể thao Việt Nam đã ghi dấu son lịch sử của SEA Games, với số lượng Huy chương Vàng lớn nhất từ trước đến nay. Trên cơ sở những kinh nghiệm thành công và những hạn chế trong công tác tổ chức, thi đấu SEA Games 31 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, ngành Thể dục - Thể thao cần duy trì, củng cố vị thế thể thao thành tích cao của Việt Nam; đặt ra mục tiêu cao hơn, đào tạo, ươm mầm cho những hạt giống tiếp tục phát triển, để khẳng định vị thế thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
- TTXVN ngày 2/6 đưa tin:
VCK U23 châu Á 2022: Chờ đợi diện mạo mới của U23 Việt Nam
Từ bản danh sách 23 cầu thủ được triệu tập cho Vòng chung kết (VCK) U23 châu Á 2022, một bộ khung vững chắc dưới thời của huấn luyện viên (HLV) Gong Oh-kyun đã dần được hình thành. Với nhiều sự thay đổi về nhân sự so với SEA Games 31, người hâm mộ hy vọng U23 Việt Nam vẫn sẽ duy trì được phong độ để hướng đến những thành công mới trong tương lai.
Giao hữu bóng đá: Tuấn Hải tỏa sáng, đội tuyển Việt Nam thắng Afghanistan 2-0
Tối 1/6, trên Sân vận động Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Đội tuyển Việt Nam đã thắng Đội tuyển Afghanistan với tỉ số 2-0 trong trận giao hữu bóng đá quốc tế, nhờ hai bàn thắng của tiền đạo Phạm Tuấn Hải. Dù là trận đấu giao hữu nhưng Sân vận động Thống Nhất được các cổ động viên "lấp đầy" từ khá sớm trước khi trận đấu bắt đầu để cổ vũ cho các tuyển thủ Việt Nam. Những thành công của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua cùng với việc đã khá lâu Đội tuyển quốc gia Việt Nam mới thi đấu tại Thành phố Hồ Chí Minh, khiến bầu không khí trên sân khá cuồng nhiệt.
VCK U23 châu Á 2022: Tân HLV U23 Việt Nam đánh giá cao đội tuyển Thái Lan
Tân huấn luyện viên (HLV) đội tuyển U23 Việt Nam - ông Gong Oh-kyun đánh giá cao U23 Thái Lan - đối thủ của "Những chiến binh Sao Vàng" trong trận ra quân tại bảng C Vòng chung kết U23 châu Á 2022. Theo vị chiến lược gia này, trong năm 2018, đội tuyển U23 Việt Nam từng đạt kết quả tốt tại VCK U23 châu Á và ban huấn luyện (BHL) kỳ vọng điều tương tự sẽ lặp lại trong năm nay.
-Báo Hà Nội mới ngày 1/6 đưa tin:
Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 có nhiều thay đổi hấp dẫn
Ngày 1-6, tại Hà Nội, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tài trợ và bốc thăm chia bảng Giải Vô địch quốc gia Cúp hóa chất Đức Giang năm 2022. Đây là giải đấu đỉnh cao trong hệ thống thi đấu quốc gia và quy tụ nhiều vận động viên ưu tú. Theo đó, mùa giải năm nay đánh dấu nhiều sự đổi mới về điều lệ, thể thức thi đấu và áp dụng công nghệ hỗ trợ công tác tổ chức.
Giải đua ô tô điện hàng đầu thế giới sẽ lần đầu diễn ra tại Đông Nam Á
Vào ngày 4-6 tới, Giải đua Công thức E (Formula E) - phiên bản điện của giải đua Công thức 1 (F1) lừng danh - sẽ lần đầu tiên tới với người hâm mộ tại Đông Nam Á. Năm nay, mùa thi đấu thứ 8 với 17 chặng đua đánh dấu lần đầu tiên giải đua xe điện danh giá của thế giới "cập bến" Đông Nam Á, khi chặng đua thứ 9 diễn ra tại trường đua quốc tế e-Prix (Ancol, Jakarta, Indonesia).
-Báo Tin tức ngày 1/6 đưa tin "VCK U23 châu Á 2022: Ngôi sao của U23 Thái Lan mà đối thủ nào cũng nên dè chừng" cho biết: Trang chủ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã công bố tên 8 cầu thủ đáng chú ý nhất ở Vòng chung kết U23 châu Á 2022 diễn ra tại Uzbekistan, trong số này có tên ngôi sao sáng của đội tuyển U23 Thái Lan - tiền đạo Suphanat Mueanta. Suphanat sẽ là cái tên rất đáng gờm mà U23 Việt Nam phải cẩn trọng tối đa cho cuộc chạm trán của 2 đội ngày 2/6 tới trong trận mở màn bảng C. Đội tuyển U23 Thái Lan cũng chỉ vừa mới sở hữu tiền đạo "sát thủ" của họ.
-Báo Nhân Dân ngày 2/6 đưa tin:
Vòng bảng Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2022: Chờ đợi những thay đổi của U23 Việt Nam
Trong trận gặp lại đối thủ U23 Thái Lan vào 22 giờ tối nay 2/6 (theo giờ Việt Nam) ở bảng C vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2022 tại Uzbekistan, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang chờ đợi sự thay đổi trên hàng công của đội U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của tân huấn luyện viên (HLV) người Hàn Quốc Gong Oh Kyun-người vốn xuất thân từ một tiền đạo.
HLV Park Hang-seo: Các cầu thủ còn lúng túng với sơ đồ mới
Sau trận giao hữu giữa Việt Nam-Afghanistan, cả hai vị HLV trưởng đều bày tỏ sự hài lòng. Đây là cơ hội để Ban Huấn luyện cả hai đội có cơ hội thử nghiệm những tính toán về mặt chiến thuật nhằm chuẩn bị cho các giải đấu chính thức sắp tới. Chia sẻ về những thử nghiệm trong trận đấu này, HLV Park Hang-seo cho biết: "Hiệp 1, chúng tôi đã thi đấu theo sơ đồ quen thuộc với 3 trung vệ, nhưng sang hiệp 2 lối chơi có sự thay đổi, tôi đã sử dụng 4 trung vệ trong 25 phút đầu. Tuy nhiên, các cầu thủ vẫn khá lúng túng với sơ đồ này, nên trợ lý đã đề nghị chuyển về lối chơi quen thuộc.
HLV Gong Oh-kyun hoàn tất danh sách 23 cầu thủ tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2022
Ngày 1/6, HLV trưởng Gong Oh-kyun đã đưa ra quyết định lựa chọn 23 cầu thủ vào danh sách đăng ký chính thức của Đội tuyển U23 Việt Nam tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2022. Theo đó, 2 cầu thủ phải chuyển sang diện dự phòng là hậu vệ Hà Trung Hậu và tiền đạo Vũ Minh Hiếu. Mặc dù không có tên trong danh sách đăng ký chính thức, nhưng bộ đôi này vẫn sẽ tiếp tục ở lại tập luyện, duy trì phong độ nhằm sẵn sàng làm nhiệm vụ trong trường hợp có phát sinh cầu thủ nhiễm Covid-19 theo quy định của Điều lệ.
-Báo điện tử VOV ngày 2/6 đưa tin:
U23 Việt Nam – U23 Thái Lan: Vén màn bí ẩn
Mười ngày sau trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình, U23 Việt Nam và U23 Thái Lan sẽ tái ngộ trong ngày ra quân tại VCK U23 châu Á 2022 trên sân Bunyodkor (Uzbekistan). Trong 10 ngày ngắn ngủi vừa qua, U23 Việt Nam và U23 Thái Lan đều đã "lột xác". Đôi bên đều đã có HLV mới, lối chơi mới, những cầu thủ mới và không còn 3 đàn anh quá tuổi trong đội hình.
Đặng Văn Lâm nói gì về lần đầu mang băng đội trưởng ĐT Việt Nam?
Thủ môn Đặng Văn Lâm chia sẻ cảm xúc sau khi có lần đầu mang băng đội trưởng và cùng ĐT Việt Nam giành chiến thắng 2-0 trong trận giao hữu với ĐT Afghanistan trên sân Thống Nhất. "Đây là trận đấu đầu tiên Lâm được thầy Park trao băng đội trưởng của ĐT Việt Nam. Đây là vinh dự lớn với cá nhân Lâm. Xin gửi lời cảm ơn tới HLV, đội ngũ BHL cũng như toàn thể anh em trong đội đã tin tưởng" – Thủ môn Đặng Văn Lâm chia sẻ sau chiến thắng 2-0 trước ĐT Afghanistan.
Vòng loại giải Futsal HDBank VĐQG 2022 mở đầu với những trận cầu kịch tính
Chiều (1/6), các trận đấu mở đầu vòng loại Giải Futsal HDBank VĐQG 2022 đã chính thức diễn ra tại trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Lâm Đồng. Ngày (2/6), vòng loại của Giải Futsal HDBank VĐQG 2022 tiếp tục diễn ra với 2 trận đấu giữa các đội Hưng Gia Khang Đắk Lắk gặp Tân Hiệp Hưng và Quảng Nam gặp Vietfooball.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Văn Hóa ngày 1/6 đưa tin: "Nhiều hình thức thu hút sự tham gia của trẻ em trong tuyên truyền phòng chống tảo hôn" cho biết: Hiện nay, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ khác. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn những nguy cơ và nhiều dạng thức lạm dụng trẻ em và thanh thiếu niên, lừa đảo, mua bán hay tảo hôn bằng nhiều dạng thức, đặc biệt là với trẻ em vùng sâu vùng xa. Trước nguy cơ này, nền tảng "Em Vui" được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy để thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ, lan tỏa kiến thức. Ngoài website và ứng dụng điện thoại, "Em Vui" có mặt trên 6 kênh mạng xã hội phổ biến với giới trẻ là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter, tạo cơ hội tiếp cận tối đa với giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 - 24 tại 4 tỉnh dự án là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị.
Thông qua việc cung cấp thông tin dưới những hình thức hấp dẫn như truyện kể, phim hoạt hình, trò chơi… tại nền tảng "Em Vui" trẻ em khi sử dụng được cung cấp các kiến thức, tình huống giúp các em có thể tự tin ứng phó và phòng chống tảo hôn, mua bán người. Qua đó, các em được nâng cao kiến thức pháp luật và tham gia đối thoại chính sách trực tuyến với các nhà lãnh đạo. Đặc biệt, các thông tin quan trọng được chia sẻ trên nền tảng dưới dạng inforgraphic có thể xem ngoại tuyến với những người không có kết nối internet.