Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/7/2022

19/07/2022 | 15:23

Khai mạc Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam; Hội An lọt top 25 thành phố tốt nhất thế giới; AFC chính thức công bố 4 nước chạy đua đăng cai Asian Cup 2023 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 19/7 đưa tin:

Trên 2.000 người sẽ tham gia màn đại xòe tại Lễ vinh danh 'Nghệ thuật Xòe Thái'

Tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại dự kiến diễn ra cuối tháng 9/2022, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức màn đại xòe đoàn kết với hơn 2.000 người tham gia. Lễ đón nhận dự kiến diễn ra vào 20 giờ ngày ngày 24/9, tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI sẽ diễn ra từ ngày 8-12/11

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI (HANIFF VI) sẽ diễn ra từ ngày 8-12/11/2022 tại thành phố Hà Nội. Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo; Cục Điện ảnh, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cùng và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức. Với khẩu hiệu "Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển", Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI sẽ vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của quốc tế và Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Vùng trời bình yên'

Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Liên đoàn xiếc Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đi cùng năm tháng" lần thứ 4 với chủ đề "Vùng trời bình yên" nhằm tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công với Tổ quốc…

- Báo Nhân Dân ngày 19/7 đưa tin:

"Bản tình ca Sơn La-Luông Pha Băng"

Tối 18/7, tại Trung tâm Tổ chức sự kiện tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đã khai mạc Ngày hội Văn hóa-Du lịch năm 2022 với chủ đề "Bản tình ca Sơn La-Luông Pha Băng". Ngày hội Văn hóa-Du lịch năm 2022 với chủ đề "Bản tình ca Sơn La-Luông Pha Băng" do tỉnh Sơn La phối hợp tỉnh Luông Pha Băng tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20/7. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào.

Khúc tráng ca về người chiến sĩ cảnh sát nhân dân Việt Nam

Tối 17/7, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân, công chúng đã có dịp được thưởng thức chương trình nghệ thuật xúc động "60 năm vang mãi bản hùng ca".

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 18/7 đưa tin:

Khai mạc Triển lãm tài liệu, ảnh, hiện vật và sách về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), sáng 18/7, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm tài liệu, ảnh, hiện vật và sách về "Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam".Với gần 500 tài liệu, ảnh, hiện vật và sách, Triển lãm là một trong nhiều hoạt động phong phú, sinh động trong "Năm Đoàn kết, Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022", góp phần khắc họa "Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam".

Đưa "vũ điệu dâng trời" của người Cơ Tu vào phục vụ du khách

Điệu múa Tung tung da dá là đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu. Việc đưa vũ điệu này vào phục vụ du khách nhằm gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống ở vùng núi rừng Trường Sơn. Theo tiếng Cơ Tu, "Tung tung" là điệu múa của đàn ông, nghĩa là vươn lên cao, sôi động, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa; còn "da dá" là điệu múa của phụ nữ, nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn trời đất…

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị: "Nhà hát Opera Hồ Tây sẽ là công trình biểu tượng cho văn hóa nghệ thuật thủ đô"

Là một kiến trúc sư nổi tiếng tại Việt Nam và từng là thành viên của hội Kiến trúc sư Pháp, Hồ Thiệu Trị được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam với dự án tu bổ Nhà hát Lớn Hà Nội. Dưới đây là những nhìn nhận và chia sẻ của ông về quy hoạch xây dựng nhà hát Opera tại khu vực Hồ Tây. Ông cho biết: "Thủ đô Hà Nội đã có chất văn hóa hàng nghìn năm, nghìn đời để lại. Việc lựa chọn địa điểm xây nhà hát trên mặt nước thanh tao của khu vực Hồ Tây, tôi đánh giá là có sự nghiên cứu sâu sắc. Đây thực sự là một điểm chói sáng của công trình này"

-Báo Đại Đoàn Kết ngày 19/7 đưa tin:

Chất liệu múa dân tộc: 'Kho báu' bị bỏ quên

Việt Nam là đất nước có sự phong phú về văn hóa, đặc biệt là có nền nghệ thuật múa dân gian dân tộc rất phát triển. Tuy nhiên, kho di sản quý giá này vẫn chưa được đi sâu khai thác hết, rất nhiều điệu múa dân tộc chưa được giới chuyên môn biết đến, chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường nghệ thuật.

Khoảnh khắc báo chí 2021

Nhằm tôn vinh những tác phẩm báo chí ấn tượng của năm 2021, Báo Nhà báo & Công luận vừa phát động giải ảnh "Khoảnh khắc báo chí 2021". Theo đó, giải thưởng giành cho các nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan báo chí trên toàn lãnh thổ Việt Nam (bao gồm cả các nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan báo chí Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, các cộng tác viên với các báo). Tác giả hoặc nhóm tác giả có thể gửi 1 tác phẩm hoặc nhiều tác phẩm tham gia dự thi.

Lời 'khẩn cầu' của ngôi đình hơn 200 năm tuổi

Đình Quan Chiêm thuộc làng Quan Chiêm, xã Hà Giang, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) là một ngôi đình có tuổi đời lên đến hơn 200 năm, với lối kiến trúc độc đáo và mang trong mình những giá trị lịch sử to lớn. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên, đến nay ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục bị hư hại, mục ruỗng…

-Báo Quân đội Nhân Dân ngày 19/7 đưa tin:

Thức tỉnh công chúng trong "cuộc chiến" chống tin giả

Câu chuyện tin giả (fake news) giờ đây không còn dừng lại ở phạm vi một nhóm, một cộng đồng mà nó được ví như một loại "dịch bệnh thông tin" có khả năng lây lan còn nhanh gấp bội lần các loại virus có khả năng gây hại cho đông đảo người đọc, người xem trên toàn cầu. Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về vấn nạn tin giả trong "thế giới phẳng", mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã ra mắt cuốn sách "Fake news và chống fake news" của nhà báo Đỗ Đình Tấn, nguyên Phó tổng thư ký tòa soạn, nguyên Trưởng ban quốc tế, Báo Tuổi trẻ.

Mo Mường hướng tới di sản văn hóa thế giới

Mo là một trong những di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các lễ thức tín ngưỡng do thầy mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường. Nội dung mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một. Vì thế, mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tìm lại thương hiệu gốm Châu Ổ lừng danh một thời

Gốm Châu Ổ là dòng gốm cổ xưa nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi và cả khu vực Nam Trung Bộ với tuổi đời trên dưới 300 năm. Trải qua bao biến cố lịch sử thăng trầm, có những lúc tưởng như gốm Châu Ổ đã biến mất. Những năm gần đây, bằng tâm huyết của thế hệ hậu sinh và sự quan tâm khuyến khích từ các cấp chính quyền địa phương, gốm Châu Ổ đang từng bước phục hồi sản xuất với tạo hình hoa văn mang đậm nét truyền thống kết hợp thêm những kỹ thuật chế tác hiện đại để đưa sản phẩm chinh phục thị trường.

- TTXVN, Báo Văn hóa và nhiều báo khác ngày 19/7 đưa tin: "Khai mạc Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam" cho biết: Tối 18/7, lễ khai mạc "Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam" và chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam- Lào (18/7/1977-18/7/2022); chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022. "Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam" có hai chương trình chính, gồm chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ trẻ xuất sắc và nổi tiếng của Lào biểu diễn và triển lãm "Tình Hữu nghị Lào-Việt Nam đời đời bền vững".

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/7/2022 - Ảnh 1.

Tiết mục múa và hát "Phàu Lào Sa Mắc Khi" (Dân tộc Lào đoàn kết) của các nghệ sĩ Lào. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

2.Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN ngày 19/7 đưa tin:

Phát triển du lịch về nguồn: Loại hình du lịch nhiều ý nghĩa

Du lịch tham quan các di tích lịch sử hay du lịch về nguồn không chỉ giúp du khách khám phá, tìm hiểu về di tích, điểm đến, mà còn mang ý nghĩa nhân văn, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những người có công với đất nước. Gìn giữ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tạo sức lan tỏa cho điểm đến, đồng thời là những "địa chỉ đỏ" vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", giáo dục truyền thống, vừa khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch chính là đích đến của loại hình du lịch đậm chất nhân văn này.

Hàn Quốc: Đảo Jeju đưa ra nhiều loại hình du lịch trải nghiệm mới

Sau hơn 2 năm vắng bóng khách du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đảo Jeju hiện đang chuyển mình với những thay đổi từng ngày để lấy lại danh tiếng "Thiên đường nghỉ dưỡng", một điểm đến lý tưởng không chỉ làm say đắm lòng người bởi nét đẹp bình lặng, hoang sơ mà còn rất quyến rũ. Sau những thành công tổ chức các tour du lịch Xanh (không carbon và rác thải) và mới đây nhất là tái thực hiện miễn thị thực lưu trú 30 ngày cho du khách quốc tế, đảo Jeju tiếp tục triển khai một loạt các loại hình du lịch trải nghiệm thú vị mới.

- Báo điện tử VOV ngày 19/7 đưa tin:

Du lịch Việt Nam "hụt hơi" trong cuộc đua hút khách quốc tế

Sau 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh tại Đông Nam Á. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón hơn 413.000 lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2022. Như vậy sau 6 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 10% kế hoạch năm; và mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022 đang là thách thức rất lớn. Trong khi đó, về lượng khách quốc tế từ đầu năm 2022, Thái Lan đã đón hơn 2,2 triệu lượt (tính đến ngày 6/7), Malaysia đón trên 2 triệu lượt (tính đến ngày 21/6), Singapore đón trên 1,5 triệu lượt (6 tháng đầu năm), Indonesia đón trên 523.000 lượt (tính đến hết tháng 5/2022), Philippines đón trên 814.000 lượt (6 tháng đầu năm), Campuchia đón trên 510.000 lượt (6 tháng đầu năm).

Xử lý nghiêm "cò du lịch" chèo kéo khách, hăm dọa HDV làm xấu hình ảnh Đà Lạt

Lực lượng chức năng, công an TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã vào cuộc xử lý nghiêm tình trạng các đối tượng "cò du lịch" hăm dọa hướng dẫn viên và lôi kéo khách du lịch đến các địa điểm mua sắm. Trước đó, ngày 17/7, hướng dẫn viên Duy Anh (Khánh Hòa) đưa đoàn du khách đến thành phố Đà Lạt. Tại khu vực đồi Robin, một số đối tượng lạ mặt xuất hiện, gây hấn với hướng dẫn viên (HDV) bằng giọng điệu thách thức, hăm dọa.

80% nhân lực khách sạn muốn tiếp tục gắn bó với nghề

Một khảo sát gần đây của nền tảng Hoteljob.vn cho thấy những tín hiệu lạc quan về tình hình nhân lực ngành khách sạn, trong bối cảnh ngành du lịch dần phục hồi sau dịch Covid-19. Đáng chú ý, có đến 80% người được hỏi muốn tiếp tục gắn bó với nghề khách sạn, nhà hàng, 16% người sẽ chuyển sang công việc khác nếu có cơ hội, 4% không muốn theo nghề nữa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nhà hàng, khách sạn, du lịch trước làn sóng chuyển việc thời gian qua vì đại dịch Covid-19.

-Báo Đại Đoàn Kết ngày 19/7 đưa tin:

Đắk Lắk: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá dân tộc thiểu số

Chiều 18/7, Công ty TNHH MTV XNK 2 - 9 Dak Lak Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện tổ chức chương trình "Thúc đẩy du lịch sinh thái Cầu Treo Buôn Đôn - Hợp tác Buôn Trí phát triển du lịch cộng đồng Làng Đảo". Trung tâm Du lịch văn hoá sinh thái Buôn đã trở thành vùng có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, có đầy đủ các điều kiện để trở thành khu Du lịch văn hoá sinh thái của tỉnh Đắk Lắk phục vụ cho nhu cầu về du lịch tham quan dã ngoại, sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí...

Quảng Ninh: Phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long

Không "vắt kiệt" khu di sản Vịnh Hạ Long, phân lượng du khách, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường là những khuyến cáo của chuyên gia. Đứng trước thực trạng đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã mời những chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới đến khảo sát, xây dựng đề án nhìn nhận lại sức tải của Vịnh Hạ Long nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

GĐ Sở VHTTDL Quảng Trị lên tiếng việc tấm biển 'nhắc' khách mua vé đặt trước cầu Hiền Lương

Ngày 18/7, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến xoay quanh việc tấm biển ghi nội dung "Yêu cầu quý khách mua vé trước khi vào tham quan di tích" cùng với barie đặt trước đường dẫn vào di tích cầu Hiền Lương. Theo quy định của UBND tỉnh Quảng Trị, du khách đến tham quan sẽ phải mua vé với mức 50.000 đồng/lượt đối với người lớn và 20.000 đồng/lượt đối với trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng khách du lịch đến tham quan địa điểm này tăng cao, trong khi đó, nhân viên của Ban quản lý di tích lại ít người. Nhiều đoàn khách khi đến di tích không mua vé để được chỉ dẫn các điểm tham quan mà đi thẳng ra khu vực cầu Hiền Lương nên Ban quản lý di tích mới đặt tấm biển như trên.

-Báo Văn Hóa ngày 19/7 đưa tin:

Khởi động cuộc thi "Hướng dẫn viên du lịch triển vọng toàn thành" năm 2022

Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM phối hợp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức công bố cuộc thi "Hướng dẫn viên du lịch triển vọng TP. HCM năm 2022", nhằm tạo sân chơi học thuật về du lịch bổ ích, thú vị cho tất cả các bạn sinh viên đến từ các trường Học viện, Đại học, Cao đẳng và Trung cấp trên địa bàn TP.HCM, qua đó phát triển các tiềm năng hướng dẫn viên du lịch trong sinh viên cũng như thúc đẩy sự phát triển chung của ngành du lịch nước nhà.

Du lịch Quảng Nam đón 2,3 triệu lượt khách

6 tháng đầu năm 2022, khu vực dịch vụ được phục hồi, khách du lịch đến Quảng Nam tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tỉnh Quảng Nam đón 2,3 triệu lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin trên vừa được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nêu ra tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X vừa khai mạc vào sáng nay, ngày 18.7. Theo đó, cùng với việc rổ chức thành công Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam năm 2022, tỉnh Quảng Nam cũng  tích cực triển khai các chương trình kích cầu, khuyến mãi để thu hút du khách trở lại, đặc biệt là khách nội địa.

Quảng cáo rao vặt trái phép làm mất mỹ quan thành phố du lịch

Hướng đến mục tiêu văn minh đô thị, tuy nhiên tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép vẫn nhan nhản trên các tuyến phố Đà Nẵng, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng môi trường du lịch, khiến người dân bức xúc. Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, công tác xử lý nạn quảng cáo, rao vặt trái phép là một trong những vấn đề "nóng", nhiều đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng, đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý ngành, giải pháp chấm dứt vấn nạn này để trả lại cảnh quan đô thị, nhất là khi du lịch đang dần được phục hồi, Đà Nẵng dự kiến đón lượng khách lớn trong mùa hè 2022 thì việc bảo đảm cảm quan, cảnh quan, vệ sinh môi trường, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách là điều rất cần thiết.

Để Việt Nam trở thành cường quốc về du lịch

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử và con người, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng bùng nổ và trở thành một trong những cường quốc về du lịch của thế giới. Chỉ có điều, chúng ta có thực sự muốn làm hay không, có đủ tiềm lực không và làm như thế nào thôi. Tuy nhiên, muốn đuổi kịp Thái Lan, vượt qua Malaysia và Singapore, Việt Nam cần có những giải pháp đột phá cho ngành kinh tế du lịch cất cánh, đóng góp trên 10% GDP cho đất nước, tạo hàng triệu công ăn việc làm.

3.Lĩnh vực Thể thao

-Báo Tin tức ngày 18/7 đưa tin:

AFC công bố danh sách các nước chạy đua đăng cai Asian Cup 2023

Ngày 18/7, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã chính thức thông báo danh sách các nước đăng ký làm chủ nhà Asian Cup 2023, sau khi Trung Quốc rút lui với lý do chính sách "Không COVID" mà nước này theo đuổi sẽ khiến việc tổ chức các sự kiện thể thao trở thành thách thức lớn. Thời hạn chót để các quốc gia ứng cử đăng cai Asian Cup 2023 là ngày 15/7 vừa qua, trong khi mọi hồ sơ liên quan cần được hoàn tất trước ngày 31/8 tới. Danh sách rút gọn hiện gồm 4 quốc gia: Australia, Indonesia, Hàn Quốc và Qatar. Quyết định cuối cùng sẽ được AFC công bố vào ngày 17/10 tới.

Khẳng định thành quả Thể thao Việt Nam đạt được tại SEA Games 31

Từ nay đến cuối năm 2022, nhiệm vụ quan trọng của Thể thao Việt Nam là tập trung hướng tới các giải đấu quốc tế, đặc biệt là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) được tổ chức tại Campuchia. Đây là kỳ đại hội rất khác khi chu kỳ thời gian ngắn hơn, thay vì 2 năm như những kỳ đại hội trước và ngành thể thao Việt Nam chỉ có 1 năm để chuẩn bị mọi công đoạn.

- Báo Văn Hóa ngày 19/7 đưa tin:

Các tay vợt hàng đầu duy trì được phong độ tại Giải bóng bàn Báo Nhân Dân

Tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân dân lần thứ 40 vừa kết thúc tại Gia Lai, điều đáng mừng là hầu hết các tay vợt hàng đầu của làng bóng bàn Việt Nam vẫn duy trì được phong độ đỉnh cao cả về kỹ - chiến thuật cũng như sức bền, tốc độ và tâm lý thi đấu. Chính vì vậy vòng chung kết của giải là các cuộc đối đầu đầy quyết liệt và hấp dẫn giữa các VĐV đỉnh cao dày dặn kinh nghiệm như Nguyễn Anh Tú, Lê Đình Hoàng, Nguyễn Thị Nga, Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, Nguyễn Đức Tuân, Bùi Ngọc Lan… Đây đều là các vận động viên đến từ các trung tâm bóng bàn mạnh, giàu truyền thống của cả nước như Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM.

Tuyển U18 nữ Việt Nam dự giải Đông Nam Á

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, chiều nay 18.7 tại Hà Nội, đội tuyển bóng đá nữ U18 nữ Việt Nam đã lên đường sang Indonesia tham dự Giải bóng đá nữ U18 Đông Nam Á 2022, diễn ra từ ngày 22.7 đến 4.8. Về lực lượng tham dự giải U18 nữ Đông Nam Á 2022, hơn một nửa số cầu thủ trong đội là thành viên của đội dự tuyển nữ trẻ quốc gia, vì vậy ban huấn luyện cũng đã biết về từng cầu thủ từ trước.

- Báo điện tử VOV ngày 19/7 đưa tin:

Lý do nhà vô địch SEA Games 31 - Đức Tuân bỏ cuộc ở trận chung kết VĐQG 2022

Lý do Nguyễn Đức Tuân - nhà vô địch SEA Games 31 bỏ cuộc trong trận chung kết đơn nam bóng bàn ở Giải bóng bàn VĐQG 2022. Nói về trường hợp của Đức Tuân, người bỏ cuộc trong trận chung kết, HLV Nguyễn Văn Thuần của đội Hải Dương cho biết:"Đức Tuân vào bán kết đơn nam là đã rất cố gắng. Trong trận chung kết, các vận động viên Hải Dương gặp nhau nên tính tranh chấp trong đồng đội không còn cao. Có lẽ, các vận động viên thi đấu trong thể trạng không ổn nên Đức Tuân xin thua".

Vòng 8 V-League 2022: Hải Phòng và HAGL gặp khó

Mặc dù được thi đấu trên sân nhà nhưng Hải Phòng và HAGL được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn, khi đối đầu với Bình Định và Bình Dương. Vòng 8 V-League 2022 sẽ khởi tranh trong 2 ngày 19 và 20/7. Trong ngày 19/7, người hâm mộ sẽ hướng sự chú ý của mình đến Thiên Trường và Lạch Tray, khi Nam Định và Hải Phòng được đá trên sân nhà. Nam Định vẫn chưa giành được chiến thắng nào ở V-League 2022. Sau 7 vòng đấu, đội bóng của HLV Văn Sỹ mới có được 3 điểm, đứng vị trí áp chót trên bảng xếp hạng, hơn Sài Gòn FC về chỉ số phụ.

Huỳnh Như xin lỗi người hâm mộ vì thất bại của ĐT nữ Việt Nam ở AFF Cup

Tiền đạo đội trưởng Huỳnh Như gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ sau khi ĐT nữ Việt Nam trải qua thất bại ở AFF Cup nữ 2022. "Xin lỗi mọi người, giải này Như và toàn đội không thể mang niềm vui về, biết rằng ai cũng buồn nhiều lắm, toàn đội cũng đã vất vả nhiều lắm rồi, về nghỉ ngơi chuẩn bị cho chặng đường sắp tới, hy vọng bóng đá nữ sẽ tiếp tục nhận được sự yêu thương của người hâm mộ, sẽ cố gắng nhiều hơn để không phụ tấm lòng này" – Huỳnh Như viết.

-Báo Quân đội Nhân Dân ngày 19/7 đưa tin:

Lịch thi đấu, trực tiếp vòng 8 V-League 2022: Tâm điểm ở Hòa Xuân

Cập nhật lịch thi đấu, lịch trực tiếp vòng 8 Night Wolf V-League 2022 với tâm điểm là trận SHB Đà Nẵng gặp Sông Lam Nghệ An, diễn ra chiều 19-7, trên sân Hòa Xuân. Sông Lam Nghệ An đang có phong độ cao khi giành được 13 điểm sau 6 trận, qua đó vững vàng trên ngôi đầu bảng xếp hạng Night Wolf V-League 2022. Chiều nay, đội bóng xứ Nghệ gặp phải thách thức lớn khi làm khách trên sân Hòa Xuân của SHB Đà Nẵng. Đội bóng sông Hàn đang rất "khát" điểm khi trải qua hai trận liên tiếp không biết đến chiến thắng.

Cú hích từ giải bóng rổ 3x3

Giải bóng rổ 3x3 (3 đấu 3) Hà Nội mở rộng lần thứ III năm 2022 đã khép lại với nhiều dấu ấn chuyên môn và công tác tổ chức, trở thành cú hích lan tỏa phong trào tập luyện bóng rổ tới đông đảo người dân. Tại khu vực Tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" (quận Hoàn Kiếm), Giải bóng rổ 3x3 Hà Nội mở rộng lần thứ III năm 2022 do Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Hàng chục trận đấu xuyên suốt cuối tuần kể cả ban ngày và buổi tối, thu hút sự chú ý của hàng nghìn lượt khán giả trực tiếp cổ vũ cũng như lượng người xem đông đảo trên các hạ tầng truyền thông.

Sâu rễ mới bền gốc

Trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay trả lời truyền thông quốc tế, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo nhất nhất mong muốn một điều: Việt Nam phải đầu tư thật tốt cho bóng đá trẻ. Ông dẫn chứng các tuyển thủ U.23 Thái Lan hầu hết đều là trụ cột ở câu lạc bộ (CLB), trong khi cầu thủ trẻ Việt Nam không có chỗ đứng ở V-League. Thậm chí, các tiền đạo của tuyển quốc gia cũng chật vật tìm suất đá chính ở CLB, bởi ngoại binh chiếm đến 80% tần suất ra sân tại giải V-League.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Hà Nội mới ngày 19/7 đưa tin: "Hiểm họa khi giới trẻ ''nghiện'' chát chít trên mạng" cho biết: Tìm kiếm trong lịch sử sử dụng điện thoại hoặc sử dụng máy tính có mạng internet của lớp trẻ, thanh thiếu niên hiện nay, rất nhiều trường hợp sử dụng từ 9 đến 16 giờ mỗi ngày. Trong đó, có những thanh thiếu niên nghiện tán chuyện phiếm (chát chít) với bạn bè, người quen, bạn ảo trên mạng. Hệ lụy đáng buồn là nhiều bạn trẻ phải điều trị bệnh về tâm lý do nghiện sử dụng điện thoại, một số trường hợp còn bị lừa và sa ngã đáng tiếc. Do đó, gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn đến việc sử dụng mạng xã hội của con em, học sinh, có định hướng thông tin để các em không bị sa đà vào thông tin xấu, độc hại... Mặt khác, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội cũng cần chặt chẽ hơn...

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×